Powered By Blogger





Tuesday, 18 June 2013

Trận chiến Pháo đài Brest - bản hùng ca của Hồng quân Liên Xô



 


Năm 1941, vào lúc 4 giờ rạng sáng ngày 22 tháng 6, quân đội phát xít Đức đã phát động tấn công quân sự trên toàn Liên Xô mà không hề tuyên chiến. Những chiến sĩ bảo vệ pháo đài Brest ở biên giới Liên Xô - Ba Lan, là những người hứng chịu đòn tấn công đầu tiên của kẻ thù.Lực lượng Hồng quân có mặt tại khu vực thành phố Brest là các đơn vị thuộc Sư đoàn bộ binh 6 thuộc quân đoàn bộ binh 28, tập đoàn quân 4 do đại tá Mikhail Antonovich Popsuy-Shapko chỉ huy, Sư đoàn bộ binh 42 cũng thuộc quân đoàn 28 do tướng Ivan Sidorovich Lazarenko chỉ huy, Đội Biên phòng Cận vệ 17 do thiếu tá A.P. Kuznesov chỉ huy . Riêng khu vực pháo đài có khoảng chừng 3.500 người, bao gồm trung đoàn bộ binh 44 (sư đoàn 42) và trung đoàn 333 (sư đoàn 6), sở chỉ huy số 3 và đồn biên phòng số 9 của đội Biên phòng Cận vệ 17. Ngoài ra còn có một số học viên của các trường quân sự thuộc hai Trung đoàn bộ binh 84 và 125, một đơn vị quân y và một đại đội bảo vệ khu quân y trong pháo đài. Trong pháo đài còn có 300 gia đình của các sĩ quan chỉ huy và thường dân làm công tác phục vụ trong quân đội.
 
 
 
Nhiệm vụ đánh chiếm pháo đài được giao cho Sư đoàn bộ binh số 45 (còn được gọi là sư đoàn Áo do sư đoàn này vốn là sư đoàn Áo số 4 trước khi sáp nhập vào Wehrmacht năm 1936 sau cuộc thôn tính nước Áo của nước Đức Quốc Xã) với quân số khoảng 17.000 người. Sư đoàn này do tướng Fritz Schlieper chỉ huy, thuộc tập đoàn quân 4 của tướng Günther von Kluge. Đây cũng là sư đoàn đầu tiên tiến vào Warszawa trong cuộc thôn tính Ba Lan tháng 9 năm 1939. Phối hợp với nó còn có những đơn vị của các sư đoàn bộ binh số 31 và 34, quân số khoảng 20.000 người thuộc quân đoàn bộ binh 12 của tướng Walter Schroth và một trung đoàn xe tăng thuộc tập đoàn quân xe tăng 2 do tướng Heinz Guderian chỉ huy.
 
 
Kế hoạch ban đầu của Đức là làm chủ khu vực pháo đài Brest trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên chiến sự đã kéo dài dai dẳng đến 1 tháng. Về cơ bản, trận phòng thủ chỉ kéo dài 9 ngày, từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 6 năm 1941 khi quân Đức chiếm được khu trung tâm pháo đài. Tuy nhiên, một số trận đánh nhỏ vẫn tiếp tục nổ ra trong pháo đài đến ngày 20 tháng 7 năm 1941 bởi các nhóm sĩ quan và binh sĩ Liên Xô không đầu hàng, đã trốn dưới các hầm ngầm và tiếp tục chiến đấu. Trận pháo đài Brest đã cùng với Trận Moskva, Trận Leningrad và Trận Stalingrad được người dân Xô Viết xem là biểu tượng của sức kháng cự kiên cường trước sự tấn công của Đức quốc xã trong chiến tranh Xô-Đức. Ngày 8 tháng 5 năm 1965, pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng cùng với thủ đô Moskva và nhiều thành phố Liên Xô khác được phong danh hiệu Thành phố anh hùng theo một sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô. 
 
 
 
 
Cụm tượng đài tưởng niệm (Khát - hình ảnh người lính Hồng quân đang bò ra sông tìm nước)

 
 
Đúng 4 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 2010, để kỷ niệm 65 năm ngày diễn ra trận phòng thủ Brest - trận đánh mở màn cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô (nay là Belarus và Nga), bộ phim Pháo đài Brest (tiếng Belarus : Берасьцейская крэпасьць, tiếng Nga : Брестская крепость) đã được công chiếu tại thành phố Brest (Belarus). Bộ phim với tổng kinh phí lên tới 225 triệu rúp hoàn toàn do Nhà nước Belarus đài thọ đã được hai hãng phim lớn của Nga (Trung tâm Hợp tác) và Belarus (Belarusfilm) cùng thực hiện. Chuyện phim xoay quanh ba khu vực phòng thủ chính được chỉ huy bởi Trung đoàn trưởng Pyotr Mikhailovich Gavrilov, Chính ủy Yefim Moyseyevich Fomin và Chỉ huy Tiền đồn 9 - Andrey Mitrofanovich Kizhevatov, thông qua hồi ức của cựu chiến binh Aleksandr Akimov, cậu thiếu sinh quân 15 tuổi thời điểm đó. 
 
 
Xem phim, sẽ không ít người tự hỏi điều gì đã làm nên ý chí người cộng sản như vậy. Một ý chí kiên cường giống hệt nhau của những người cộng sản từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Trận chiến này mang dáng dấp của trận thành cổ Quảng Trị  dù quy mô của nó còn chưa ác liệt bằng trận chiến tại Việt Nam. Hy vọng nền điện ảnh nước nhà sẽ sớm có được 1 bộ phim với quy mô tương tự về mùa hè đỏ lửa 1972 tại Quảng Trị.
 
Nguyễn Thanh Tùng
 
 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên