
Một điều dễ thấy là thời đại ngày nay không có chỗ cho việc một nước này (bị coi là) tự nhiên, vô cớ đem quân đi đánh chiếm một nước khác, rồi đặt nước bị chiếm dưới sự cai trị trực tiếp của mình như ngày xưa. Việc VN bị lên án khi đánh đuổi Pol Pot ở Cambodia (dù với người VN thì điều đó là đúng), Iraq bị trừng phạt khi chiếm Kuwait, và ngay cả Mỹ khi đánh Afghanistan cũng phải lấy danh nghĩa Liên quân, rồi sau đó phải lập nên một chính phủ của người Afghan là những ví dụ.
Nói như thế để thấy rằng xác suất xảy ra một cuộc chiến tranh trên bộ khi người anh em 16 chữ vàng muốn đánh chiếm quê ta là rất thấp, trừ khi họ có đầy đủ lý do với quốc tế để làm việc đó. Những lý do đó thường là sản phẩm của hệ thống tuyên truyền dựa trên một vài sự việc có thật, nhưng chắc chắn nó không phải là những cuộc biểu tình để thể hiện lòng yêu nước và khẳng định chủ quyền quốc gia của người dân đang bị gây khó dễ ở quê ta như vừa qua. Vả chăng, nếu nhìn sâu hơn, người ta càng thấy rõ rằng các đồng chí phương Bắc của chúng ta chẳng cần phải làm việc đó (xâm lược quê ta bằng quân sự).

Về văn hóa cũng vậy. Những bộ phim, bộ sách của bạn “khi ta cần là có”, thậm chí cả khi ta chưa cần cũng vẫn có. Nhất là phim ảnh của bạn thì tràn ngập trên tivi, chắc là tivi của bạn cũng chỉ nhiều đến thế mà thôi. Văn hóa của bạn, được các học giả vừa hồng vừa chuyên cho là một phần quan trọng trong nguồn gốc của văn hóa quê ta, nhiều khi đã được các cơ quan quản lý văn hóa quê ta (không biết vô tình hay hữu ý) cổ súy nhiệt tình bằng nhiều cách. Đến nỗi trong không chỉ một lần ở lễ Tịch điền, đi cùng đám rước là những cô gái mặc quần áo y như trong phim Tàu thay vì những tấm váy áo mớ ba mớ bảy của các cụ ngày xưa, vậy mà có lẽ vì quen mắt với phim Tàu nên chẳng ai có ý kiến gì cả.

Tuy vậy, dù (có thể) không muốn chiếm nước ta ngay cả khi có cơ hội để khỏi phải gánh trách nhiệm về dân sinh, về xã hội, vì hiện tại bạn vẫn thu lợi đầy đủ mà không cần phải làm việc đó, nhưng không vì thế mà người bạn 4 tốt không tận dụng mọi cơ hội quấy rối, chia rẽ quê ta để giảm nguy cơ từ một đối thủ tiềm tàng và tăng thêm sự phụ thuộc vào bạn. Lấn chiếm đất đai ở biên giới, đưa người vào nội địa dưới dạng lao động chui, v.v … là những ví dụ cho cái “một công đôi việc” này.

Chiếm được biển Đông, bạn ta sẽ độc chiếm một nguồn tài nguyên khổng lồ trong lòng biển cùng những lợi thế chiến lược rất lớn mà không phải lo nghĩ tới bài toán an sinh xã hội, tôn giáo, sắc tộc … vốn rất dễ gây đau đầu, và đang gây đau đầu cho bạn ở đại lục. Bởi thế không có gì khó hiểu khi thấy bạn tuyên bố vấn đề này là lợi ích cốt lõi của bạn (dù cho những cái lợi ích đó đang nằm trong túi người khác), cùng những cố gắng bất chấp đạo lý của bạn trong lời nói lẫn việc làm để đạt được mục tiêu độc chiếm biển Đông, kể cả gây rối trên đất liền và gây hấn trên biển với quê ta
.

Thêm nữa, trong lúc quê ta không mấy quan tâm mấy đến việc làm cho thế giới biết và ủng hộ chủ quyền của mình về biển Đông, như thể nó đã quá hiển nhiên và mọi người phải tự biết điều đó, thì bạn ta lại có một chiến lược quy mô, bài bản, bằng nhiều kênh để thuyết phục thế giới rằng đường lưỡi bò của họ “có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý” để tồn tại.
Trong khi đó, ngoài những thỏa thuận tự trói mình kiểu như lời hứa “định hướng dư luận” thì việc đối xử với các cuộc biểu tình, vụ việc Văn giang, Tiên lãng hay những chuyện kém vui khác xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian qua ở quê ta là những thử thách không nhỏ cho “thế trận lòng dân”.
Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng bức tranh về biển Đông chỉ có một màu lưỡi bò, và người đồng chí tốt của ta muốn làm gì cũng được.

Bạn vàng cũng sẽ phải chịu rất nhiều hậu quả ngoại giao sau cuộc chiến, vì thời nay không phải là thời của cướp biển, trừ khi bạn vàng thuyết phục thành công mọi người rằng biển Đông là của riêng họ, còn ta ngầm công nhận mình là người xâm lược các quần đảo Trường Sa và Hoàng sa. Không chỉ hình ảnh của bạn và theo đó, thu nhập từ mậu dịch của bạn bị ảnh hưởng, mà ngay cả việc bạn làm (độc chiếm biển Đông) cũng sẽ làm nhiều nước liên quan khác khó chịu và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó từ sự khó chịu này.

Nghĩa là nhìn tổng thể, nỗi e ngại ngấm ngầm vẫn được đưa ra trước bàn dân thiên hạ về sức mạnh của bạn để giải thích cho sự nhún nhường chỉ là một nỗi sợ giống như sợ ma, và những gì diễn ra trên biển Đông nói riêng và trên quê ta nói chung chỉ là phần nổi của một ván bài không chỉ có hai người chơi là ta và bạn vàng của ta. Và trong ván bài này, thực ra ta có thể chơi ngang ngửa với TQ nếu muốn. Tiếc rằng trong cuộc chơi này, dân ta, vốn được gọi là những ông chủ của đất nước, lại là những người chỉ được đứng ngoài, không có cả quyền bày tỏ lòng yêu nước theo cách của mình.
Nguồn: http://cuadong2010.wordpress.com
(Tiêu đề do chủ blog đặt lại)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!