Quan xã xiết nợ cả… quan tài
Về Hải Lộc, theo sự chỉ dẫn của người dân, tôi tấp vào nhà ông Nguyễn
Văn Thủy, ở thôn Lạch Trường. Trong căn nhà tuềnh toàng, ông Thủy dở
khóc, dở cười kể lại chuyện bị bắt bộ ván canh vì thiếu nợ.
Năm ấy (2002), xã mở đợt cao điểm thu các khoản đóng góp của năm
và tiền nợ đọng những năm trước. Chẳng biết những khoản tiền gì mà mỗi
năm, nhà ông phải đóng đến mấy trăm nghìn. Cái ăn hàng ngày còn phải
còng lưng tìm kiếm thì số tiền ấy, với ông, quả là quá lớn. Mấy đêm, ông
trằn trọc tìm “lối thoát”, bấu víu vào hy vọng: “Chưa có đóng thì gắng
xin họ cho khất, khi con về thì trả nợ sau!”. Niềm hy vọng nhỏ nhoi của
ông nhanh chóng bị dập tắt khi một ngày nọ chính quyền xã và thôn ập
vào.
Ông Thủy kể, hôm ấy, ông đi biển về, thấy bà ngồi sụt sùi, nghe bà
thuật lại câu chuyện, ông thấy trời đất như chao đảo, quay cuồng. Thì
ra, khi ông đi làm, xã, thôn đã cho người đến “quy trữ tài sản”. Nhà chỉ
có duy nhất mấy tấm ván canh, ông tậu phòng xa lo hậu sự cho mình, là
đáng giá nên họ đã khuân đi.
Ông bảo, khi ấy, tiếc mấy tấm ván thì ít, mà cay đắng về cách hành xử
của những người được coi là “đầy tớ của dân” thì nhiều. “Khốn nạn thay
cái kiếp nhà nghèo! Đến mấy tấm ván hậu sự mà cũng không giữ được thì
mặt mũi đâu mà thấy mọi người!”.
Hơn năm sau kể từ ngày kinh hoàng ấy, anh Nguyễn Văn Năm, con trai út
của ông từ Nam ra. Thấy bố kể chuyện, anh dốc nhẵn túi lên xã hoàn
thành nghĩa vụ đóng góp của gia đình. Lần ấy, cả nợ cũ lẫn lãi, anh nộp
cho xã hơn 1 triệu đồng. Đóng xong, ngỡ là được lấy mấy tấm ván về, nào
ngờ… Anh ngã ngửa khi người ta bảo, muốn lấy ván về thì phải nộp tiền
lưu kho 5 nghìn đồng một ngày. Hơn một năm trời “nằm trên xã”, “phí
trông coi” có khi lớn hơn cả giá trị mấy tấm ván. Suy tính thiệt hơn,
lại thêm cạn túi, anh đành tay không lủi thủi ra về…
Đăng ảnh nồi cháo là… bôi xấu lãnh đạo thôn
Câu chuyện giữa tôi và gia đình ông Thuỷ bị cắt dở giữa chừng bởi sự
xuất hiện của mấy người lạ mặt. Họ là cán bộ thôn và công an xã. Như
nhiều chuyến công tác khác, tôi xuất trình đầy đủ những giấy tờ cần
thiết. Tưởng thế là xong, nào ngờ họ nằng nặc mời chúng tôi ra hội
trường thôn để làm việc.
Theo sự giới thiệu của ông Lê Trường Sinh – Trưởng thôn Lạch Trường
thì những người đang làm việc với tôi có ông Nguyễn Văn Chiến – Trưởng
Công an xã, ông Đinh Văn Khoa – Phó Công an xã, ông Đinh Ngọc Tuyên – Bí
thư Chi bộ thôn Lạch Trường, ông Nguyễn Văn Sen – Phó thôn, Công an
viên thôn Lạch Trường. Ông Lê Trường Sinh bảo, chính quyền địa phương
luôn… tôn trọng báo chí và sẵn sàng để báo chí tự do tác nghiệp. Tuy
nhiên, quan điểm của ông là tôi nên thông qua chính quyền địa phương,
trước khi vào dân tìm hiểu, nắm bắt tình hình!
Sau khi ông Nguyễn Văn Chiến – Trưởng Công an xã hoàn thành thủ tục
“vào sổ” giấy tờ của tôi thì ông Sinh bắt đầu vào việc. Theo ông, “quy
trữ tài sản” là việc làm… cần thiết để chính quyền xử lý những hộ gia
đình chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp do Nhà nước và địa phương
quy định. Cụ thể trường hợp nhà anh Năm, do chưa hoàn thành nghĩa vụ
đóng góp năm 2001-2002 nên xã đã tiến hành tạm thu mấy tấm ván trên…
Rời thôn Lạch Trường, tôi vòng lại thôn Thắng Hùng, ghé thăm gia đình
chị Ngô Thị Sáng, cũng nằm trong diện bị “quy trữ tài sản”. Năm ấy, nhà
chị nợ hơn 100 nghìn tiền đóng góp. Nhà những chục người, toàn trẻ con
lít nhít nên làm chẳng đủ ăn. Do vậy, khoản nợ mấy lần xã giục nộp chị
chẳng biết xoay đâu. Hôm cán bộ đến, chị đã hết lời khẩn xin, nhưng họ
không nghe. Cuối cùng, thấy nhà chị có một chiếc bàn và một chiếc ghế sa
lông nan, họ đã khuân đi.
Lúc tôi đến, chị Sáng đang cùng các con ăn trưa. Bữa trưa là nồi cháo
trắng cùng mấy con cá vụn. Cá này, dân biển mua rẻ như cho. Đang hí
hoáy ghi hình bữa trưa đạm bạc ấy, không biết từ đâu, 4- 5 người mở cổng
ập vào. Lại là mấy cán bộ thôn “mẫn cán” đến “nắm bắt tình hình”. Thấy
chị Sáng tiếp tục chia sẻ cùng tôi cuộc sống vất vả, một thanh niên cắt
ngang: “Các anh ở đâu thế nhỉ? Sao thấy là lạ nhỉ?”. Tôi dừng ghi, bình
thản trả lời: “Tôi là nhà báo anh ạ!”. Tưởng thế là xong, bởi khi sáng,
ông trưởng công an xã đã kiểm tra giấy tờ của tôi rồi. Thế nhưng, một
người trong đoàn lại bảo, xã chưa… báo cáo cho thôn biết.
Đang lúc đôi co thì ông Nguyễn Văn
Chiến – Trưởng Công an xã đến. Ông thừa nhận, giấy tờ của tôi là hoàn
toàn hợp lệ. Nhưng một người tự xưng là trưởng thôn gay gắt: “Nếu chú mà
ghi lại hình ảnh kia kìa (nồi cháo- PV) thì chú bỏ ngay đi! Tôi khẳng
định nhà này là… vớ vẩn!”. Nghe ông trưởng thôn nói vậy, chị Sáng ôm mặt
khóc oà. Còn nồi cháo thì mắt trước mắt sau, người ta đã đem đi đâu
mất. Theo yêu cầu của mấy người lạ mặt ấy, tôi lại về hội trường của
thôn Thắng Hùng để cùng họ… trao đổi công việc!
Tại hội trường, ông trưởng thôn dặn tôi không được đưa hình ảnh nồi
cháo của chị Sáng lên báo, vì như thế thì khác gì bôi xấu đội ngũ lãnh
đạo thôn. Ông nhấn mạnh, nếu tôi “cố tình” đề cập đến vấn đề… không đẹp
này, ông sẽ có ý kiến ngay!
Phép công… ông cứ làm!
Biết có nhà báo về, mấy bô lão ở thôn Hưng Thái cứ đạp xe lên xuống
kiếm tìm. Theo chân họ, tôi về thăm gia đình chị Đồng Thị Liệu, nhà ở
ngay mặt con đường dẫn lên trung tâm xã. Lần tiếp xúc với dân này, chính
quyền địa phương không “mời” tôi về trụ sở như hai thôn trước, mà thay
đổi “chiến thuật”. Hễ tôi đi đến đâu, gặp ai thì luôn có một công an
viên đi kèm. Trò chuyện với chị Liệu, chúng tôi luôn được một công an viên kè kè bên cạnh
Tiếp chuyện tôi, chị Liệu không cầm được nước mắt. Chị bảo, chị không biết chữ và cũng ít đi ra ngoài. Thế nhưng, trong thâm tâm mình, chị tin chắc một điều rằng chẳng có nơi đâu người dân lại khổ như ở đất này.
Đợt cao điểm “quy trữ tài sản” năm 2004, gia đình chị bị tạm thu một
chiếc ti vi, tài sản đáng giá duy nhất lúc đó. Sáng hôm ấy, chị đang lúi
húi nấu cơm còn chồng chị bế con thì “đoàn công tác” tấp vào nhà. Không
thu được những khoản nợ đọng, đoàn tạm thu luôn chiếc TV. Thấy nhà bỗng
dưng “mất” của, chị nước mắt như mưa. Van nài, xin xỏ nhưng vì “việc
công”, những “công bộc của nhân dân” ấy vẫn không hề xúc động. Năm sau,
cào cấu vay mượn được chút tiền, chồng chị lên xã xin “chuộc lại” chiếc
ti vi. Thế nhưng, chẳng hiểu họ bảo quản thế nào mà đem về được nửa
tháng thì tậm tịt. Tiếc của, chị lại thêm một bận ôm mặt khóc tu tu.
Theo Nông thôn ngày nay
(Trích lược)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!