Powered By Blogger





Monday, 6 January 2014

Đừng để người dân nghĩ chính trị phần lớn là dối trá!










Bất kể vì lý do gì, Thông điệp đầu năm 2014 cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấp ủ từ lâu, muốn đổi mới thật sự, và điều này phù hợp với lợi ích quốc gia và nguyện vọng của nhân dân. Còn việc Thủ tướng làm được đến đâu thì tùy thuộc nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Là dân, chúng ta nên ủng hộ nỗ lực này của Thủ tướng, hiến kế thực hiện những vấn đề sống còn đã nêu lên được trong Thông điệp, và làm mọi việc để góp sức cùng Chính phủ thực hiện bằng được.

Vả lại, đừng lúc nào quên Đổi mới theo những gì đúng đắn đã nói lên được trong Thông điệp là nhiệm vụ của toàn dân, toàn Đảng, không phải của riêng một mình Thủ tướng. Nói thế có nghĩa toàn dân và toàn Đảng phải nắm lấy Thông điệp quan trọng này để đòi thực hiện, cùng chung tay thực hiện, và quyết tâm thực hiện. Không có dân chủ cho không đâu lại càng không có những thành tựu đáng mong muốn nào tự trên trời rơi xuống. Còn như chỉ nghi ngờ hoặc khoanh tay chờ đợi, cây sung của đất nước hầu như chẳng còn quả nào đâu để mỗi chúng ta có thể há miệng chờ nó rụng vào cổ họng.. 


Chính trị phải chăng phần lớn là dối trá? 


Nhìn chung trên thế giới, ở các nước chính trị là một nghề vô cùng phức tạp và nhiều xảo thuật để đạt tới một mục tiêu cuối cùng nào đấy. Một vị đại tướng muốn thống lãnh quyền lực để giải quyết một công việc nào đấy, họ có quyền làm tất cả để đạt tới mục đích của kế hoạch. Nhưng kết quả cuối mà trăm họ chờ đợi vẫn là cuối cùng quyền lực đấy giải quyết vấn đề gì, lớn nhất là phục vụ được cho bao nhiêu phần trăm của nỗi thống khổ đương thời của bách tính dân gian, và có duy trì được sức sống văn hóa trí tuệ của một dân tộc hay không? 

Các cụ luôn có câu ” Người đang làm và Trời đang nhìn”, đó là lối nói của dân Á Đông thể hiện với sự bất lực của bản thân khi đứng trước cái ác. Cách của họ là hoãn binh để rồi cùng với sự đồng lòng của nhiều cái lương thiện sẽ xâm thực tiêu diệt cái ác khi gót chân Asin của cái ác sẽ bị lộ diện một ngày. 

Xét cho cùng, đó cũng là một mưu lược ” đối nhân, xử thế” mà người Á Đông của chúng ta luôn luôn áp dụng. Và tất cả những điều tốt đẹp đó được duy trì một cách sâu rộng, liên tục đủ lực tạo ra một bức tranh đồng bộ ” Cái mới đẹp đẽ hơn, chân thiện mỹ hơn” đủ sức tin cậy để thuyết phục bách dân trăm họ cùng hy vọng và trao gởi niềm tin, bởi vì cái ác có thể không thể mất ngay, ít nhất cũng không dám lộng hành ngang nhiên. 

Tâm sự với tôi, người bạn đồng tâm đã trải nghiệm cả cuộc đời trong cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước cho rằng làm chính trị thì 3/4 là dối trá. Đầu năm ai cũng có ao ước, đó là thành tâm của mọi người dân lương thiện. Họ ước cho họ, chứ không cho ai và càng không buộc ai làm cho họ được. Những điều họ mong ước chủ yếu là chưa xảy ra, là chưa có hoặc không có thật, nhưng không có lợi và cũng không có hại cho ai. 

Đầu năm, ai cũng có ao ước, đó là thành tâm của mọi người dân lương thiện. Họ ước cho họ, chứ không cho ai và càng không buộc ai làm cho họ được. Những điều họ mong ước chủ yếu là chưa xảy ra, là chưa có hoặc không có thật, nhưng không có lợi và cũng không có hại cho ai. 

Còn chính khách cũng nói những điều chưa xảy ra, nhiều khi có cùng một ý nghĩ với nhiều nhà chính trị khác, nhưng đặc biệt là hiệu triệu của họ nhằm làm lợi cho mình (hay tổ chức, đảng phái của mình). Thậm chí họ hứa những điều rất thuận lòng dân, vì họ biết dân muốn vậy, nhưng rồi họ không làm hoặc làm ngược lại. 

Và khi đó thì họ trở giọng nói khác nghe cũng rất bùi tai, lời hứa hôm nào theo gió thoảng, mây bay. Các-Mác từng lên án bọn nhân danh quyền lợi quốc gia dân tộc và “lòng ái quốc” để xúi bẩy dân tộc họ dấn thân vào những cuộc chiến triền miên để chúng vơ vét cho đầy túi tham, tự do cai trị ổn định trên các thuộc địa. 

Tuy nhiên, theo thời gian nhận thức về chính trị có nhiều biến đổi . Trên thế giới ngày nay người dân nhiều nước hồ hởi đón chờ bản Thông điệp đầu năm của nguyên thủ quốc gia để hình dung được nhưng thuận lợi và khó khăn về tình hình chính trị- kinh tế- xã hội của đất nước, đồng thời là minh chứng để cuối năm người dân có quyền đánh giá “mổ xẻ” chất lượng thực thi của bản Thông điệp. 


Thông điệp của Thủ tướng có gì mới? 


Nội dung bản Thông điệp của Thủ tướng đã được người dân, đặc biệt là giới trí thức nhiều lần đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều mới ở đây là lần đầu tiên, Thủ tướng, một người lãnh đạo có trọng trách công khai, minh bạch nói lên mấy chủ đề phản ánh khát vọng của nhân dân về tiếp tục đổi mới đồng bộ và mạnh mẽ hơn để phát triển và bảo vệ đất nước, đặc biệt là phát triển dân chủ, cải cách thể chế và phát triển nông nghiệp. 

Thông điêp của Thủ tướng nhấn mạnh: “Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình”. 

Ông cho rằng “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh, Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng….Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. 

Theo thiển nghĩ của người viết bài này, bản Thông điệp của Thủ tướng còn “bỏ trống” vấn đề rất quan trọng đó là vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia (không chỉ là biển Đông mà còn nhiều mặt khác đang bị xâm nhập, chi phối, lũng đoạn) và vấn đề giáo dục là công việc cần phải làm ngay cả trước mắt cũng như lâu dài.. 


Thuận lợi và khó khăn khi triển khai Thông điệp 


Thời kỳ Đổi mới năm 1986 nền kinh tế đất nước đang bị dồn vào bước đường cùng, các nhà lãnh đạo đất nước không dính dáng đến nhóm lợi ích, lại được quần chúng ở cơ sở chỉ ra những bất cập cần thay đổi nên mọi việc diễn ra tương đối trôi chảy, dễ dàng. 

Ngày nay, Thông điệp của Thủ tướng là đột phá công khai về quan điểm phát triển đất nước tiến lên cùng thời đại, hợp lòng dân nhưng “đụng chạm’ đến các nhóm lợi ích và tầng lớp bảo thủ, giáo điều mang danh “ý thức hệ”! Đấy là chưa nói đến sự “dòm ngó” của ông bạn vàng phương Bắc không muốn Việt Nam thực sự có dân chủ, độc lập trong đường lối phát triển đất nước. 

Thủ tướng đã công khai ủng hộ đề xuất làm luật biểu tình, luật trưng cầu ý dân, nhưng vẫn chưa được chấp nhận. Trong bối cảnh nước ta, không phải cái gì Thủ tướng muốn cũng có thể làm được Đương nhiên cũng có những việc ông có thể làm được nhưng lại chưa dám làm. Điều quan trọng là cái gì Thủ tướng có thể làm được thì phải quyết tâm làm. Đây là điều mà mọi người đang mong đợi ở Thủ tướng trong thời điểm hiện nay.. 

Thay cho lời kết 

Ý kiến chung là tuy còn những hồ nghi nhất định nhưng phải ủng hộ Thủ tướng trước Thông điệp rất tiến bộ này và cũng cần phải ” giữ gìn” cho chính sự an nguy của Thủ tướng vì thế lực bảo thủ còn rất đông. 

Cần những góp ý về biện pháp cụ thể trong kinh tế, quản lý xã hội … để hiện thực hoá Thông điệp đầu năm trên cơ sở bám sát vào Hiến pháp và luật pháp (được đổi mới và bổ sung theo Hiến pháp mới ban hành) để không bị hở sườn! 

Một trong những việc cấp bách, thiết thực nhất và không tốn kém có thể làm ngay để lấy lòng tin trong nhân dân cũng như trong quan hệ quốc tế là mạnh dạn thả tự do cho những người đã bị bắt do đấu tranh ôn hòa phát biểu chính kiến khác với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Làm được việc này là cách tốt nhất để nhân dân thấy rõ Thủ tướng thực tâm đổi mới và càng ủng hộ Thủ tướng vượt qua những trở lực trong việc thực hiện Thông điệp đầu năm. 

TS Tô Văn Trường 
Theo Kim Dung blog



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên