Powered By Blogger





Monday, 27 May 2013

Chỉ tiêu " Nghèo "




Không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, nhưng lạ một điều là tỉ lệ hộ nghèo nông thôn vùng trũng vẫn cứ giảm nhanh. Chứng kiến sự thoát nghèo của người dân mà lo âu, bất an lắm. Họ thoát nghèo vì bắt buộc chứ cuộc sống chẳng khá hơn được tẹo nào
                                  ***********************



Xót xa cha nhường suất nghèo cho con
 
 
Căn nhà của đôi vợ chồng ông Hà Tiến Sớ (75 tuổi) và bà Trương Thị Vườn (68 tuổi) ở thôn 1 xã An Ninh (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) quả là thê thảm. Đó là ngôi nhà mà Nhà nước hỗ trợ trong chương trình xóa nhà không an toàn chứ cứ như hoàn cảnh gia đình ông bà thì có lẽ đến đời mục thất cũng chẳng dựng nổi nhà mà ở.

Hôm tôi vào, ông Sớ đang bị đau, nằm một nơi nhưng không có thuốc. Ông móc mấy củ khoai lang giấu trong chiếc mũ len ra ăn thay bữa. Khoai của một người hàng xóm cho, ông bà nấu kỹ, thấy dễ nuốt hơn cơm. Vợ ông, bà Vườn cũng ốm đau quặt quẹo nhưng không biết là bệnh gì vì chưa đi khám bao giờ.

Ông Sớ bảo, hai ông bà có 3,9 sào ruộng, làm không đủ ăn do sức lao động không có để chăm sóc. Vốn cũng chẳng có để chăn nuôi nữa. Ấy vậy mà gia đình ông bà không được đưa vào danh sách hộ nghèo đâu đấy. Chuyện lạ, nhưng ở vùng quê này đã trở thành chuyện bình thường rồi.

Thực ra, thời điểm đề cử danh sách hộ nghèo của năm nay, trưởng thôn 1 là ông Trương Đình Điển cũng có lưu tâm đến ông bà. Ông Điển cũng mong ông Sớ, bà Vườn được nghèo để có cái thẻ bảo hiểm mà đi khám bệnh chứ đau ốm thường xuyên như ông bà mà không có thuốc men gì thì chẳng biết đổ xuống lúc nào chẳng hay.

Chưa kể, những dịp tết nhất còn có quà, được hỗ trợ thêm vài chục cân gạo. Không nhiều nhưng cũng gọi là góp thêm vào bởi thùng gạo gia đình chẳng mấy khi được đầy. Ngặt một nỗi, ông bà có cô con gái lỡ dở tên Hà Thị Hà. Chị Hà xấu duyên nên chỉ xin người ta đẻ đứa con, không lấy chồng. Chị không đủ tiền dọn ra ở riêng, chỉ cất thêm túp lều cạnh nhà bố mẹ. Ngày thường thì ở, nắng mưa thì lại sang tá túc với ông bà. Ông bà còn cắt cho ít ruộng, hai mẹ con bấu víu vào đấy để nuôi nhau.

Trưởng thôn Điển nói: Xét hộ nghèo căng lắm. Xã khống chế cho các thôn chỉ được phép “tuyển” lấy 10% hộ nghèo thôi. Thôn 1 có 202 hộ, 630 khẩu, năm ngoái còn được nghèo hơn 30 hộ, năm nay, chỉ thị của trên phải giảm quyết liệt, giảm mạnh nên thôn 1 chỉ có 23 hộ được phép nghèo. Chủ trương rõ rành rành thế rồi mà người dân vẫn bầu quá thành 28 hộ. Thế là phải bầu lại, bỏ phiếu kín rồi căn cứ vào tỷ lệ phiếu mà lấy từ trên xuống. Ai cũng muốn nghèo. Người thì xin nghèo để nuôi con đi học, người lại xin nghèo để có cái thẻ bảo hiểm, đi khám bệnh. Hộ nghèo lại còn được trợ cấp mỗi tháng 30 ngàn tiền điện nữa. Ở quê vốn chi phí nặng nề rồi, đỡ được khoản nào hay khoản nấy. Vì thế mà cái sổ hộ nghèo thành ra quan trọng. Nhưng chỉ tiêu 10% thì chỉ được lấy 10%, trưởng thôn có thương, có muốn chiếu cố thế nào đi nữa cũng phải đóng khung trong giới hạn 23 hộ, nên phải có người chịu thiệt thòi.

Trước tình cảnh ấy, ông Sớ và bà Vườn phải nhường suất hộ nghèo cho con gái để cho thằng cháu ngoại tên là Hà Tiến Hùng được đi học. Nghĩ cũng cơ tủi. Nhiều bận không còn hạt gạo nào, sức già chẳng biết trông vào thu nhập gì mà cứ phải thoát nghèo vì hết chỉ tiêu. Ông Sớ cứ lặp đi lặp lại câu nói: Tôi sắp chết rồi. Chẳng phải vì gặp nhà báo mà kêu đâu, chứ thực tế nhà khổ lắm. Mà cái chuyện nhường nghèo cho con gái cũng chẳng phải do ông bà nghĩ ra. Người bày cho cách ấy là trưởng thôn Điền. “Chứng kiến cảnh cô Hà khổ quá, cần phải có hộ nghèo để cho con đi học đỡ phải đóng góp, được hỗ trợ thêm dự án gì đó nữa nên tôi phải đến nhà bảo ông bà Sớ nhường cho con mình”, trưởng thôn Điền phân trần.

Vì chuyện ấy mà bây giờ nhìn vào gia đình ông bà Sớ rất lạ. Hai hộ nhưng ở chung nhà, làm chung ruộng nhưng lại ăn riêng nồi. Chẳng ai có thể giúp được cho ai bữa nào vì họ đều khổ cả. Tiếng là tách hộ nhưng toàn bộ ruộng chị Hà phải làm. Chẳng có thu nhập gì để đạt mức thoát nghèo 400 ngàn/người/tháng. Biết kêu ai được, chỉ tiêu thế rồi, làm khác sao được?

Xã An Ninh chủ yếu là ruộng với ao hồ. Các thôn được sắp xếp nối liền nhau thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, vì vậy mà thôn 1 với thôn 9 nằm cạnh nhau. Cũng giống như thôn 1, thôn 9 xã An Ninh phải thoát nghèo theo chỉ tiêu. Đợt bình xét năm nay, 174 hộ của thôn 9 xã An Ninh cũng chỉ được phép nghèo trong giới hạn 19 hộ mà thôi.

Trưởng thôn Trần Trọng Tháp dẫn tôi đi một vòng quanh làng. Chẳng biết ông vui hay buồn khi khoe rằng thôn 9 có những hoàn cảnh, những gia đình mà chuyện của họ rất buồn cười. Có lẽ là buồn, vì hầu hết là cười ra nước mắt.

Ở trên chuồng lợn vẫn phải thoát nghèo  
 
 
Căn nhà bà Trần Thị Lẫy đang sống được dựng trên nền xi măng, cái nơi mà bà nói tránh đi là “khu vực chăn nuôi” trước đây, còn trưởng thôn Tháp chẳng được tế nhị như thế. Ông gọi trắng ra là nền chuồng lợn. “Nói cho xấu hổ thế chú. Ai muốn nghèo, muốn khổ thế này đâu. Nhưng không nghèo, không khổ không được ấy chứ. Không có thu nhập gì cả, chi tiêu lại nhiều nên nghèo thôi”, bà Lẫy than như thế.

Bà Lẫy có 4 người con. Hai đứa đã dựng vợ gả chồng, còn lại một trai một gái nữa. Đứa con trai thì đi làm công cho người ta mãi tận miền Nam. Đứa con gái đi học cao đẳng trên Phú Thọ. Một mình bà làm 2 sào ruộng. Bà bị bệnh nặng tai, hễ cứ ra đồng một lúc là nặng đầu rồi ngất xỉu. Hai sào ruộng ấy thường phải nhờ con cháu cấy hộ hoặc thuê người làm, đến vụ trả sản lượng cho họ. Chồng bà mất đã 4 năm nay, mất ngay thời điểm gia đình có dự định cất mái nhà. Dự định làm nhà giờ đã theo ông thành thiên cổ. Móng nhà trơ trơ bao nhiêu năm rồi mà bà vẫn phải sống trên nền “khu chăn nuôi”. Lạ một điều, gia đình bà không nằm trong diện hộ nghèo của thôn 9.



Mong nghèo để chữa bệnh cho con 
 
 
Cũng đỡ tủi đi phần nào là bởi trong thôn 9 còn có nhiều gia đình chung hoàn cảnh không được nghèo với bà Lẫy. Lạ nhất, bất công nhất có lẽ là trường hợp gia đình bà Lê Thị Nhung (74 tuổi). Bà Nhung là vợ liệt sĩ. Một mình nuôi 3 cô con gái. Ông trời chắc chắn chẳng thương bà rồi. Bởi vì chồng mất sớm, một mình nuôi con chưa đủ vất vả hay sao mà ông trời còn bắt 3 cô con gái của bà phải ở giá, cô nào cũng chẳng lấy chồng vì lở dở, vì bệnh tật… Một cô sức khỏe yếu, một cô bệnh tim bẩm sinh, chủ yếu là năm một chỗ, không ở viện thì ở nhà. Bà thỉ già lắm rồi nên toàn bộ 4,5 sào ruộng dồn hết lên vai cô chị cả tên là Trần Thị Mến.

Bà Nhung ao ước thế này: “Nhà tôi không cần nghèo để nhận gạo, vì ăn go ăn ghém thì cũng đủ. Không cần nghèo để vay vốn này vốn khác. Chỉ xin nghèo để cho đứa con gái út có cái thẻ khám bệnh. Nó bị bệnh tim bẩm sinh, nằm viện nhiều hơn nằm nhà. Tiền đâu ra mà đi viện mãi được. Bây giờ chạy vạy, vay mượn được ai thì cứ vay, đến lúc không còn vay ai được nữa thì nguy chú à”.

Ước mơ chỉ thế thôi mà khó. Trưởng thôn Tháp giải thích với bà là gia đình bà còn chị Mến đang lao động được. Phải nhường suất nghèo cho những nhà chẳng ai làm được gì mới đúng với chỉ tiêu cấp trên.

Trưởng thôn Tháp nói rằng ông đã xin nhiều lần lắm, nhưng cũng chỉ được chiếu cố lên 11% hộ nghèo. Mà tiêu chí hộ nghèo gần đây cũng lạ lắm. Thu nhập không phải là yếu tố quyết định. Hộ nghèo chủ yếu rơi vào các trường hợp ông già bà lão, không có sức lao động. Riêng diện ấy thôn này đã mấy chục hộ rồi. Phải loại dần dần để lấy cho đủ chỉ tiêu. Còn những trường hợp như bà Lẫy, bà Nhung thì nghèo thật đấy. Làm gì có nguồn thu nhập nào. Nhưng không được nghèo vì suất nghèo phải dành cho người khác. Thôn 9 có khoảng 30 hộ không kiếm nổi 300 ngàn mỗi tháng chứ đừng nói là đủ chỉ tiêu thoát nghèo.
 
Nguồn: Hoàng Anh- NN
 
 
 
 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên