Powered By Blogger





Thursday, 2 January 2014

Nơi Bác Hồ từng... RỬA CHÂN



















Tấm ảnh này mình chụp hôm về họp lớp tại Làng Long Trì Thị trấn Tân Dân huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Xưa, đây là làng kháng chiến Long Trì, thuộc xã Tân An huyện Yên Dũng. Nơi đã vinh dự đón Bác Hồ về thăm ngày 6/4/1961. Vì yêu kính Bác mà ngày nay, bà con nơi đây đã dựng bia ghi nhớ. Nơi Bác từng... Rửa Chân là một trong những sự kiện đáng ghi nhớ... Dưới gốc cây đa, Bác đã gặp gỡ và trò chuyện với bà con nông dân...


Bác đến thăm gia đình nông dân chắc sẽ căn dặn nhiều. Bác nói chuyện với bà con chắc cũng căn dặn nhiều... Vậy mà trong cái Bia ghi nhớ này, chả ai nhớ hay nhắc được câu nào của Bác. Thật là tiếc cho cách làm truyền thông của các nhà lãnh đạo chính quyền và cán bộ văn hóa ở đây.

Giá như trên cái Bia này ghi được vài chữ về những lời dạy của Bác thì quý biết mấy. Giả dụ: Nói chuyện dưới gốc đa, Bác dặn nhà nhà trồng cây người người trồng cây, giữ gìn màu xanh môi trường... hoặc: Thăm giếng nước sạch nhà cụ Thụ, Bác dặn bà con cần dùng nước giếng chứ không nên dùng nước máy vừa đắt mà lại có hóa chất không sạch sẽ tự nhiên... hoặc: Bác Rửa Chân ở bờ ao này và dặn bà con: Cần phải giữ cho đường làng sạch sẽ hơn (khỏi bẩn chân Bác), và nhớ là phải rửa chân sạch sẽ hàng ngày để giữ cho con người ta luôn trong sạch từ đầu đến chân... Chẳng hạn... là như thế...

Thế hệ trẻ ngày nay đọc cái bia ghi nhớ: nơi "Bác ...RỬA CHÂN"... thấy có điều gì đó chưa ổn. Trước hết là thấy khó hiểu. Tại sao Rửa chân mà lại đáng ghi nhớ như vậy? Nó có ý nghĩa gì cho thế hệ hôm nay không? Tại sao trong bao nhiêu việc làm tương tự của Bác thì không ghi, lại chỉ ghi cái chuyện Rửa chân? Mình nhớ hôm lên thăm khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang), cô hướng dẫn đưa mọi người qua Lán Nà Lừa, qua các lán khác... rồi chỉ con đường mòn hun hút: Nơi Bác Hồ thường xuống suối lấy nước... Lấy nước là đủ biết nỗi gian nan vất vả của Bác trong sinh hoạt đời thường. Lấy nước bao gồm cả các việc khác như tắm giặt, nấu nướng ăn uống... Thế là đủ... Có kẻ tò mò lại hỏi: thế... nhà vệ sinh của Bác đâu??? (Cái đó đâu phải di tích mà cũng hỏi)... Rồi suy diễn lung tung... (Thật là tầm thường...)
Ở cái chỗ Bác Rửa Chân của làng Long Trì, có một cụ già thấy tôi chụp ảnh đã đứng lại xem và bảo: Ngày nào tôi cũng phải ghé ra đây xem, sợ trẻ con nó vẽ bậy nó sửa vần "ân" thành ..."im" thì chết dở. Trẻ con bây giờ nó nghịch lắm...

Di tích hay bia ghi nhớ là sản phẩm văn hóa. Nó mang tính truyền thông rộng rãi đến các đối tượng thuộc mọi tầng lớp trong cộng đồng. Hàng ngày, mọi người đi qua và ghi nhớ một sự kiện lịch sử từng xảy ra tại đây. Nó sẽ là một sản phẩm thực sự văn hóa và mang tính giáo dục nếu những người làm ra nó chịu suy nghĩ để cho nó mang tính văn hóa hơn chút nữa. Được vậy thì thật đáng quý...

Đem chuyện này ra kể để mọi người, trong đó có những người làm văn hóa cùng suy nghĩ về một tấm Bia Ghi Nhớ... Xin có một gợi ý là: Hãy liên tưởng đến chuyện ngày Bác ở Pac Bó. Trong nhiều sản phẩm văn hóa còn lưu truyền, còn nhớ có bài hát có những lời ca bay bổng gợi lên những hình ảnh tuyệt đẹp... 

Bác làm thơ cho suối
Đặt tên là Lê Nin
Bác uống nước ở dòng suối
Để thành máu mà nuôi tim...

Thực ra thì uống nước suối mà thành máu nuôi tim được thì ngày nay Viện Huyết học và truyền máu Trung ương không cần vận động mọi người hiến máu nhân đạo... Nhưng dù sao, đó cũng là một gợi mở đáng lưu ý...



Nguồn: http://suutamtonghop.blogspot.com
(Trích bài đăng cũ)






Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

1 comment:

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên