Powered By Blogger





Wednesday, 28 November 2012

Thư Lão Tử gửi Tập Cận Bình




Thưa Tập tiên sinh  

Lão Tử cưỡi trâu
Xin tự giới thiệu, ta là Lão Tử (www.老子.com – Lao Tzu), sống cách đây 2600 năm. Chắc Tập tiên sinh cũng biết, ta từng viết cuốn Đạo Đức Kinh (道德經) nói về Đạo giáo có ảnh hưởng lớn trong lịch sử, và ta được coi là Đạo tổ (道祖).

Hẳn tiên sinh còn nhớ, ta sinh ra đầu đã bạc trắng vì ở trong bụng mẹ tới 80 năm. Ra đời đã là một người hiền triết, bụng chứa hết cả thư viện sách thời nhà Chu và từng tranh cãi nẩy lửa với Khổng Tử về những vấn đề của nho giáo. Sau này người Trung Quốc hiện đại lấy đó làm nền tảng cho sức mạnh mềm, đưa đất nước này thành cường quốc.

Vì thế, ta hiểu thế nào là sức mạnh mềm của văn hóa làm nền tảng cho phát triển. Ta muốn bàn với tiên sinh vài chuyện liên quan đến Trung Quốc hiện đại.

Nhớ ngày xưa, biết trước nhà Chu sẽ diệt vong nên ta đã cưỡi trâu qua nước Tần. Rất may hồi đó, người gác ải Hàm Cốc là Doãn Hy đã khuyên ta viết lại những gì ta có trong đầu thành cuốn sách mà nay bất kỳ một vị vua hay lãnh đạo nào của Trung Quốc cũng phải đọc.

Cuốn “Đạo đức kinh” có giá trị như một cẩm nang cho mọi thế hệ trị vì đất nước bằng những lời đơn giản “Cai trị bằng cách không cai trị”, “Không tán dương người quyền quý thì người dân không tranh tụng” hay đơn giản “Không đề cao giá trị đồ quý thì người dân không tranh cướp.”

Sinh thời, ta có những câu nói nổi tiếng như
“Tri túc bất nhục” – Người biết đủ, không bao giờ nhục
“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất”- Lưới trời lồng lộng, cao mà khó lọt
”Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh”. Đạo có thể gọi được, không phải là Đạo thường. Tên mà có thể gọi được, không phải là tên thường .
Tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh. Thắng được mình là kiên cường.
Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên

Từ Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lâm Bưu, cả Tưởng Giới Thạch đến Đặng Tiểu Bình, những nhân vật lịch sử đều thuộc lòng những lời ta để lại cho hậu thế.

Sau mấy chục năm phát triển thành công, thế giới đang nhìn vào Trung Hoa với hy vọng là một cường quốc gương mẫu trong hành xử, với cách đối nội, đối ngoại đàng hoàng của một nước lớn, trỗi dậy trong hòa bình.

Nhưng sức mạnh cơ bắp của một anh nông dân bắt đầu thể hiện từ khi các người kiếm được đồng ra đồng vào. Cứ nghĩ có tiền có của sẽ làm bá chủ thế giới. Tại sao các ngươi không thể thay đổi được hình ảnh của kẻ to xác, nhỏ nhen, ích kỷ, và đầy thủ đoạn mà người đời gọi mỉa mai là “thâm Tầu”.  

Những sự kiện xảy ra ở biển Đông, cắt cáp tầu bạn, đâm chìm thuyền đánh cá của người nghèo lại do người Hoa làm trong đêm tối làm ta không khỏi xấu hổ về triết lý Trung Hoa có từ 5000 năm lại bị báng bổ đến thế. Hôm nay ta nhận được một email của tạp chí Cua Times xứ Việt. Họ than phiền về cách cai trị đất nước của các người, dùng tiền bạc trong trao đổi chính trị và ngoại giao, coi trọng đồng tiền hơn mọi giá trị khác, rồi bất hòa với tất cả các nước láng giềng. Các ngươi đã quên rằng, thuật cai trị bằng sức mạnh mềm, cai trị mà không cai trị, mới là vĩnh hằng và làm nên sức mạnh. Dùng quân đội, cảnh sát, an ninh bắt bớ bừa bãi, tòa án lệ Kangaroo thì các ngươi có thể thắng chiến thuật, nhưng về lâu về dài, lòng dân bất an, các ngươi khó mà trụ lại được.

Gần đây, các ngươi còn ra lệnh cho in cả cái lưỡi bò liếm hết biển Đông vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc.

Đi ra nước ngoài, nước bạn nhìn thấy hộ chiếu như vậy, họ sẽ nghĩ gì về Big and Bad China, mà nghe nói dân Việt dịch là “Trung Quốc to xác và tham lam”. Nhục thay cho thế hệ con cháu Lão Tử.

Biển Đông có nhiều khoáng sản, dầu lửa, khí đốt và hải sản, là cửa ngõ đi lên biển Bắc, bất kỳ cường quốc nào cũng dòm ngó. Các ngươi đã phạm sai lầm “đề cao giá trị đồ quí” để thiên hạ tranh cướp.

Ai cũng hiểu chính trị, kinh tế, văn hóa – tôn giáo làm nên sức mạnh quốc gia, cộng lại thành quyền lực cứng và quyền lực mềm.

Trung Quốc hiện có cả quyền lực cứng, kinh tế mạnh và quyền lực mềm. Nhưng các ngươi có biết không, việc cho cái lưỡi bò vào hộ chiếu là các ngươi đã cắt đi quyền lực mềm của nước Trung Hoa vĩ đại. Mất đi cái mềm, chỉ còn lại cái cứng, quốc gia này sẽ diệt vong như nhà Chu, nơi ta sinh ra và đã phải nương ở nhà Tần.

Ta chỉ dặn các ngươi một câu cuối “Tri túc bất quốc nhục – Người biết đủ, không bao giờ để nhục quốc thể”.

Để phát triển trong hội nhập, đừng bao giờ để thế giới nhìn người Trung Quốc như một kẻ đại diện cho bành trướng Đại Hán, tham lam và độc ác với tư duy lỗi thời.  

Kết thúc thư này, ta kể chuyện lần thăm người thầy là Thương Dung bị bệnh nặng. Ta tranh thủ hỏi xin những lời dạy bảo quý báu. Thầy Thương Dung thấy ta là người hiền nên thè lưỡi hỏi:
– Lưỡi của ta còn không?
– Thưa thầy, lưỡi của thầy còn ạ!
– Thế răng của ta còn không?
– Thưa thầy không còn ạ!
– Anh có biết ta hỏi anh vấn đề này có thâm ý gì không?
– Lão Tử trả lời: Thưa thầy, sỡ dĩ cái lưỡi còn vì cái lưỡi mềm, còn răng rụng hết là vì nó cứng. Thưa thầy, có phải thế không ạ?

Thầy Thương Dung nghe xong chỉ nói, đó đó, mọi việc trong thiên hạ đều như thế cả.

Liệu tiên sinh trong vai TBT của một nước to nhất hành tinh có học được gì từ bài học cái lưỡi và răng này không.

Chúc Tiên sinh lãnh đạo nước Trung Quốc cho tới hết nhiệm kỳ.

                                                        Đã ký www.老子.com - Lao Tzu
                                                                                 HM. 26-11-2012


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên