Powered By Blogger





Monday, 6 May 2013

Tửu lượng cũng là 'tiêu chuẩn' thăng chức?








Lên chức nhờ... rượu 


Việc công chức, cán bộ nhậu thái quá, có những hành động "lệch chuẩn", tạo ấn tượng tiêu cực trong dư luận không còn hiếm.
Nhưng có một thực tế, tại nhiều cơ quan, rượu bia là món không thể thiếu trong mọi cuộc tiếp khách, giao lưu, tổng kết... Từ quen, rồi thành nghiện.
Từng đi công tại nhiều nơi, bạn đọc tên Nam cho biết tình trạng uống rượu cà kê càng ở cấp thấp càng phổ biến.
Nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Chuyện các cán bộ cấp xã đi ăn sáng từ 7h - 10h là chuyện thường như cơm bữa.
Ban đầu cụng vài chén cho vui, lai rai uống thêm vài chén nữa, đến khi về phòng làm việc, nhiều người đắp áo ngủ hết trưa chờ tỉnh rượu.
Ngoài lãng phí thời gian, tiền bạc, nhậu nhẹt còn khiến một bộ phận cán bộ tha hóa.
Độc giả Lê Thị Mùi cũng thừa nhận: "Cơ quan tôi ai vào cũng phải uống, kể cả con gái. Tôi ban đầu cũng uống một chút vì đang ở chế độ tập sự nên không muốn bị nói là láo, ngang. Sau không uống nữa thì bị nói thế luôn, đi đâu cơ quan cũng cho ngồi nhà vì làm mất mặt sếp".
Từ chuyện coi nhậu nhẹt khi tiếp khách là tất yếu... tửu lượng của một người đôi khi được 'lấy làm tiêu chuẩn để cất nhắc cán bộ"...
Một sinh viên mới tốt nghiệp chia sẻ, sau khi ra trường được nhận vào một cơ quan nhà nước ở huyện vùng sâu và may mắn được phân làm trong cơ quan tham mưu của huyện và trực tiếp phục vụ lãnh đạo cao nhất.
Trong quá trình hướng dẫn nghiệp vụ công tác, thanh niên này được mọi người thẳng thắn răn đe: "Em có năng lực nhưng có tới 50% năng lực được xét trên bàn nhậu". 
  
"Công chức “giỏi” thì chuyên môn chỉ là hàng thứ yếu trong số vô vàn những hàng trọng yếu trong đó có cái gọi là “tửu lượng”. Tửu lượng mạnh – anh sẽ được sếp trọng dụng, cất nhắc theo sếp trong những cuộc giao lưu, tiếp khách, tiếp cấp trên, học tập kinh nghiệm, liên hoan, hội nghị, hội họp, đám cưới, đám ma… và thăng tiến. Tửu lượng yếu – anh chỉ là “gà mái”, không hòa đồng với anh em, chơi không nhiệt tình, con đường công danh chả đi đến đâu...", bạn đọc Minh Quân nêu quan điểm từ 'kinh nghiệm' thực tế.
Độc giả Thanh Hương cũng cho biết, ở nơi chị công tác, công chức mà không biết uống rượu bia thì không "cơ cấu" được.
Cấp càng cao, uống càng khỏe. Nhiều vị lãnh đạo ngày nào không có rượu bia là thèm, là 'không chịu được'.
Vì lẽ đó, nhiều người dù không thích nhậu, nhưng đôi lúc tiếp khách, quan hệ đồng nghiệp nên vẫn phải cụng vài ba ly rồi vài ba chai...
Dần dần, mọi cuộc bàn thảo, làm ăn, hối lộ... đều diễn ra trên bàn nhậu. Bia rượu khi ấy nghiễm nhiên thành chất "bôi trơn".
Bạn đọc ở địa chỉ minhtai@... thừa nhận chuyện một bộ phận quan chức nhậu nhẹt triền miên đã có từ vài chục năm qua, nhưng bây giờ mới được đề cập rôm rả.
"Tôi có người quen làm ở một tỉnh cao nguyên. Chẳng biết nó "bảo vệ" rừng thế nào mà cứ ngày càng giàu có lên và trở thành đại gia vào cái tuổi còn khá trẻ. Hỏi nó công việc chủ yếu của mày bây giờ là gì, nó trả lời: Nhậu! Nhậu từ sáng tới tối! Trước kia là để quan hệ, còn giờ là "được" người ta quan hệ vì lên chức...", độc giả này chia sẻ.

Được nhậu lại được thêm tiền  


Nhiều độc giả chia sẻ, có một thực tế, các cuộc nhậu của nhiều cán bộ, công chức thường tổ chức ở những nơi sang trọng. Nhậu xong, thuộc cấp có trách nhiệm lấy hóa đơn đỏ về cơ quan thanh toán. Ăn 1 lại nói thành 10. Đây cũng là lý do nhiều cán bộ tích cực nhậu vì ngoài việc thỏa mãn cơn thèm... còn được thêm tiền đút túi.
Độc giả Thanh Hương cho biết, một cuộc nhậu của sếp chị không bao giờ dưới 3 triệu đồng. Cả năm nhân lên, đủ biết nhiều chừng nào. Trong khi đó, bạn đọc Ngô Lê Tuấn cũng khẳng định, tiền trả cho các bữa nhậu rất hiếm khi từ túi cán bộ, công chức. Bởi, lương vài ba triệu, tiền đâu tri trả cho những cuộc nhậu kín mít cả 7 ngày/tuần?
"Tôi cảm cảm thấy xót xa khi mỗi lần lãnh đạo văn phòng đi nhậu là từ 15 - 20 triệu nhưng đơn vị phụ trách hộ nghèo lại than không có tiền để giúp đỡ. Tôi nghĩ mỗi cơ quan nhà nước mà không nhậu thì ngân sách có thể dư ra mấy ngàn tỷ đồng. Không biết khi nào thì văn hóa rượu chuyển thành văn hóa trà hay nước thì dân ta mới bớt khổ", bạn đọc ở địa chỉ langtudatmui@... ngậm ngùi.
Trước thực trạng này, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bình Thuận, Long An và nhiều ngành... đã có các chỉ thị cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trước, trong, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc.
Tỉnh Bình Thuận còn mạnh tay đưa các trường hợp vi phạm lên trang web của tỉnh để nhắc nhở.
Tuy nhiên để quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu bia khả thi, nhiều độc giả đề xuất nên thành lập các đội kiểm tra đột xuất.
Khi phát hiện vi phạm, không chấp nhận hình thức xử lý "phê bình" hoặc "rút kinh nghiệm sâu sắc", nên buộc thôi việc hoặc cách chức, điều chuyển công tác. Thủ trưởng của người vi phạm cũng bị xem xét trách nhiệm.
"Nếu không thanh toán các hóa đơn ăn nhậu, đảm bảo tình trạng ăn nhậu của công chức sẽ giảm. Không ai sẵn sàng rút vài trăm nghìn ra nhậu vài bữa/tuần khi lương chỉ có vài triệu", bạn đọc Minh Quang quả quyết.
"Ông sếp nhậu thì lính tráng cũng nhậu theo. Nên muốn chấn chỉnh, chỉ cần áp nghiêm từ cấp cao nhất của cơ quan. Nên xem việc không rượu bia là tiêu chuẩn quan trọng để phân loại, xét thi đua cán bộ, công chức", bạn đọc Minh Lan gợi ý.

Theo Đ.Tâm
Vietnamnet
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên