Powered By Blogger





Thursday, 23 May 2013

Vinh quanh hôm qua - Nghiệt ngã hôn nay






Cảnh khốn cùng nghiệt ngã của nữ đô vật số 1 Lê Thị Huệ 1Đường trở về quê nhà sau bao năm xa cách đối với nữ đô vật nổi danh một thời Lê Thị Huệ tới thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, Quảng Xương sao mà chua cay, nghẹn ngào. Cũng ở con đường đó cách đây không lâu là hình ảnh Huệ mạnh mẽ, là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam.
Sự nghiệp dở dang sau 1 tai nạn trong khi luyện tập, nữ đô vật quốc gia Lê Thị Huệ trở về quê nhà với tấm thân tàn phế trên chiếc xe lăn, đang ngày đêm vật lộn chống lại nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn. Những ánh hào quang lóe sáng trong quá khứ không khỏa lấp được nỗi cay đắng, sự nghèo túng hiển hiện. Những ai biết Huệ đều xót xa cho một nữ VĐV bị cướp đi tất cả khi tuổi đời còn quá trẻ và suốt một thập kỷ qua phải vật lộn với đau đớn.
Nhớ lại buổi chiều định mệnh ngày 12/5/2003 “viên ngọc” thể thao đã chấm hết cuộc đời miệt mài phấn đấu cho thành tích quốc gia, cô lại ôm mặt khóc.  Đó chính là cái ngày cô tập đối kháng để chuẩn bị SEA Games 22 thì bất ngờ bị ngã cắm đầu xuống dưới thảm, bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi.


Từng là nữ VĐV vật số 1 của tỉnh nhà. Năm 2003, Huệ giành HCV hạng 55 kg toàn quốc và là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22. Nhưng số phận lại quá nghiệt ngã với cô. Ngày tiễn Huệ đi cống hiến cho thể thao nước nhà là một cô gái khỏe mạnh, ngày trở về gia đình đón cô trong nước mắt. Hình ảnh Huệ ngồi xe lăn chầm chậm vào nhà lúc đó làm “rúng động” cả 1 vùng quê nghèo. Ai ai cũng xót thương cho cô gái tài hoa, phận bạc.  
Người mẹ già nua cả đời lam lũ của Huệ, bà Lường Thị Hường (hơn 70 tuổi) có nằm mơ bà cũng không thể hình dung có ngày con gái mình lại thành tàn phế, khốn khó như ngày hôm nay. Bàn tay còn ken đầy bùn đất, quần áo lấm lem, sự lam lũ khắc khổ hằn in trên từng  nét mặt – người mẹ đáng thương bảo: “Từ ngày Huệ về, tất cả mọi sinh hoạt của Huệ phụ thuộc vào tôi, nó không thể cử động làm được việc gì nên càng khó khăn, gạo lại phải đi đong từng bữa. Ngày bố nó còn, 2 mẹ con sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi nhưng năm 2010, ông ấy mất đi, tôi thì già yếu, 2 mẹ con chẳng biết xoay sở thế nào”.

Cảnh khốn cùng nghiệt ngã của nữ đô vật số 1 Lê Thị Huệ 2Cũng từ ngày Huệ trở về, vì không có tiền nên gia đình cũng chẳng đưa cô đi khám lại được. Nhìn con gái vật vã trong cơn đau, tiền mua thuốc không có mà nước mắt người mẹ già cứ trào ra. Thương con nghẹn đắng nhưng bà cũng bất lực ngồi nhìn con đau mà khóc. Đến chiếc xe lăn cũ đã hư nhưng bà cũng không thể mua được cho con chiếc xe khác. “Sao nó lại ra nông nỗi như thế này. Hơn 30 tuổi, sự nghiệp dở dang, chuyện chồng con cũng vậy. Sau này tôi chết liệu nó sống như thế nào…”, người mẹ già vừa khóc vừa nói.  
Ngày ngày Huệ âm thầm chịu đựng nỗi đau đớn khôn cùng về thể xác. Mỗi lúc trái gió trở trời là vết thương lại hành hạ cô. Nhưng có lẽ sự đau đớn ấy không thấm vào đâu với nỗi đau về tâm hồn đè nặng lên cô. Nhiều đêm không ngủ cô dò dẫm từng bước giở lại những kỉ vật ngày xưa. Những kỷ niệm ùa về như hàng trăm vết kim đâm vào trái tim đã quá đau đớn.  
Ra đi lập nghiệp 2 bàn tay trắng, lúc trở về vẫn trắng bàn tay. Số phận dường như quá cay nghiệt với Huệ. Tạo hóa nghiệt ngã đã lấy đi của cô tất cả tuổi trẻ, sự nghiệp, sức khỏe… Sau bao năm tháng miệt mài ấy để bây giờ cô sống trong cảnh nghèo túng đến khốn cùng với cơ thể bại liệt, bệnh tật hành hạ; trong sự thờ ơ đến vô cảm của những người từng một thời tôn vinh cô như niềm hy vọng. Chứng kiến gia cảnh đói nghèo đong gạo từng bữa của nữ đô vật vang danh một thời thật nghẹn ngào xót xa. 

Ngọc Hưng
Y kiến bạn đọc:   

Linh : Ngành thể thao phải có trách nhiệm trợ cấp cho chị Huệ chứ. Chị ấy tập luyện để cống hiến cho thể thao nước nhà, lúc khỏe mạnh thị nói người ta là "niềm hy vọng" bây giờ chị Huệ như thế thì lại không thèm để ý gì tới. Vô trách nhiệm quá

Việt:  Qua bài báo này tôi nghĩ trường hợp của em Huệ phải được coi như một tai nạn lao động, phải được hưởng các chế độ mà Bộ luật lao động tại điều 107 về trách nhiệm người sử dụng lao động và chế độ tại Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định tại điều 46 về trợ cấp phục vụ. 

Nguyễn Thị Thanh Thủy: Đáng lý ra, ngành thể thao phải có một chế độ hỗ trợ cho chị ấy chứ, chị ấy phải được hưởng chế độ như một thương binh, bị tàn phế do cống hiến cho nước nhà mà. Nếu ngành thể thao không có một chế độ hợp lý, tôi và mọi người có con cũng không cho nó đi theo ngành thể thao đâu. Quá tệ.

Phát: Ngành thể thao cần dành một phần tài trợ để lập quỹ bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm trọn đời cho vận động viên của mình, đề phòng trường hợp rủi ro.
Thật xót xa với hoàn cảnh của chị Huệ. Ngành Thể thao Việt Nam cần phải có trách nhiệm với vận động viên của mình - những người đã hi sinh thân mình để làm dạng ranh đất nước. Nhớ tới những lời đao to búa lớn của ngành Thể thao (nói chung) sau mỗi giải đấu, trận đấu khi đạt được thành tích thì ăn mừng rùm beng, báo cáo thành tích vang trời...

Điều này nhờ vào ai? Đương nhiên là nhờ có những vận động viên quên thân mình, chịu đựng đớn đau khi tập luyện, và tự chịu đựng những thiệt thòi nếu không may chấn thương.

Tôi cho rằng những trường hợp rủi ro như chị Huệ đây chắc hẳn vẫn có sự quan tâm của ngành TDTT nhưng nếu chỉ là sự quan tâm thăm hỏi thôi thì chưa được.

Ngành TDTT nước ta, nhà nước ta cần có những chế độ đặc biệt với những vận động viên, và càng đặc biệt hơn với những vận động viên từng giành được thành tích cao về cho đất nước mà bị rủi ro như trường hợp chị Huệ. Cụ thể là nên có trợ cấp hàng tháng để hỗ trợ thuốc men và đảm bảo cuộc sống khi người ta không thể tự kiếm sống được nữa.

Những nguồn tài trợ hàng chục tỷ,hàng trăm tỷ đồng khi diễn ra mỗi giải đấu không nên chỉ dùng để liên hoan hoặc ăn chia nọ kia mà phải có kế hoạch dành một phần để lập quỹ bảo hiểm cho riêng vận động viên để đề phòng những trường hợp rủi ro như thế này.

 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên