Powered By Blogger





Wednesday, 8 May 2013

Журавли - Đàn sếu bay đi





Mátxcơva trong những ngày này đâu đâu cũng trang hoàng những Afiiche, lộng lẫy cờ hoa, rộn ràng những bài ca cho Ngày chiến thắng. Tối hôm qua có một cô bạn ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ tìm bài hát “Đàn sếu” (của Frenkel/Gamzatov), sau khi gửi bài đó cho bạn, ngày hôm nay tôi mang bài hát đó đến lớp mở cho bà giáo già nghe. Bà đã gọi thêm cả mấy bà cụ nữa sang nghe, và tất cả đã khóc. Và chính tôi cũng đã không ngăn được những giọt nước mắt của mình trước hình ảnh đó… nhất là khi một bà cụ đưa ra một tấm ảnh ố vàng của người cha đã không trở về trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó. Tấm ảnh đã luôn đi cùng với bà cụ trong suốt mấy chục năm, từ khi cụ còn là một cô bé con đến tận ngày hôm nay.



Журавли

Мне кажется порою, что солдаты
С кровавых не пришедшие полей,
Не в землю нашу полегли когда-то,
А превратились в белых журавлей.




Они до сей поры с времен тех дальних
Летят и подают нам голоса.
Не потому ль так часто и печально
Мы замолкаем глядя в небеса?

Сегодня, предвечернею порою,
Я вижу, как в тумане журавли
Летят своим определенным строем,
Как по полям людьми они брели.


Они летят, свершают путь свой длинный
И выкликают чьи-то имена.
Не потому ли с кличем журавлиным
От века речь аварская сходна?





Летит, летит по небу клин усталый,
Летит в тумане на исходе дня.
И в том строю есть промежуток малый -
Быть может это место для меня. 
 
Настанет день и журавлиной стаей
Я поплыву в такой же сизой мгле.
Из-под небес по-птичьи окликая
Всех вас, кого оставил на земле.



Мне кажется порою, что солдаты
С кровавых не пришедшие полей,
Не в землю нашу полегли когда-то,
А превратились в белых журавлей.  



 
Đàn sếu bay đi
 
Tôi cứ ngỡ biết bao người lính trẻ
Từ chiến trường xưa đẫm máu không về
Không phải họ nằm yên trong đất mẹ
Mà hóa thành sếu trắng giữa trời kia.
 

Sếu vẫn bay như thế tự ngày xưa
Bay đến bây giờ, và cất tiếng gọi.
Có phải thế mà ta thường buồn bã
Rồi lặng im, ngó vào giữa trời xa?


(Tự những thời xưa, cho đến giờ vẫn vậy
Đàn sếu bay, đàn sếu gọi gì ta?
Có phải thế mà ta thường lặng lẽ
Thường ngậm ngùi khi ngước mắt về xa?) letam


Và hôm nay đây, trong buổi chiều tà
Tôi nhìn thấy trong màn sương đàn sếu
Sải cánh bay theo đội hình chiến đấu
Như ngày nào giàn trận giữa đồng xa.

Sếu vẫn bay trên những chặng đường xa
Và cất tiếng gọi những tên ai đấy
Vì thế chăng mà tiếng kêu đàn sếu
Tự bao đời giống với tiếng Ava?
 


Đội hình bay mệt mỏi giữa bầu trời 
Trong màn sương, buổi hoàng hôn ráng đỏ
Trong đội hình kia hãy còn khoảng nhỏ
Có thể là đấy chỗ để dành tôi!
 


Rồi sẽ đến một ngày, tôi sẽ bơi
Cùng đàn sếu trong màn sương như vậy
Bằng giọng sếu, giữa trời cất tiếng gọi
Tất cả những ai còn sống trên đời.



Bản dịch của Hồ Thượng Tuy







Với người lính Nga, thì chiến tranh không phải là một trò chơi, chiến thắng không chỉ là vinh quang vì để đổi lấy vinh quang đó, là sự đau khổ của biết bao con người, biết bao gia đình. Chính vì thế mà người ta đã gọi ngày Chiến thắng 9 tháng Năm là “Ngày lễ Lệ tràn mi” – không ai là không khóc. Không có gia đình Xô-viết nào là không có mất mát trong cuộc chiến tranh đó. Chỉ một bài hát thôi, nhưng nó đã nói lên tâm trạng của người lính Nga một cách rõ ràng nhất và đơn giản nhất. Chỉ thế thôi, có thể trong trận chiến đấu hôm nay, hoặc ngày mai, hoặc tôi, hoặc anh – sẽ nằm xuống. Chiến tranh, đó là tuyết lạnh buốt quất vào mặt, là nằm trong bùn lầy quánh lạnh sắp đóng thành băng, là đôi ủng nặng trĩu dưới chân, khẩu súng trong tay và những giọt mưa từ vành mũ sắt… và còn là người bạn đồng hành dai dẳng – cái chết. Thế mới biết, để có được chiến thắng và hòa bình, con người đã phải trả một giá đắt đến thế nào…

Có một điều rõ ràng là, người Nga không phải là một dân tộc “thiện chiến”, chuyên nghiệp đi đánh nhau. Ngay cả trong số thanh niên Nga hiện nay, thì số hung dữ, như chúng ta vẫn thường gọi – bọn đầu trọc, có nhưng không nhiều. Đại đa số người Nga vẫn là những người hết sức hiền lành.

Thời gian sống ở nước Nga, làm tôi nhìn rõ được nhiều điều. Một thời gian dài, những hình ảnh về nước Nga trên báo chí Việt Nam bị xấu đi nhiều, nhất là với những sự kiện trong mấy năm gần đây càng làm tình hình tệ hơn. Dần dần, tôi phát hiện ra, một phần nhiều cái hình ảnh tệ hại đó, lại là do chính người Việt chúng ta tạo ra. 


Mỗi ngày qua, tôi lại nhìn thấy những hình ảnh không phai mờ trong ký ức của những người Việt Nam đã được học tập và lao động ở đây vài chục năm trước, đó là hình ảnh về người Nga đôn hậu và tốt bụng. Bất chấp những lời cảnh báo nguy hiểm, tôi vẫn cứ lang thang một mình ở những khu nhà cũ, công viên và quảng trường... cố gắng bắt chuyện với những người Nga, từ người già đến người công nhân, và cả những anh chàng công an trẻ măng nữa. Dù không hiểu nhiều về nhau, nhưng cũng có thể cảm nhận được đôi điều. Và tôi lại càng thấy yêu nước Nga hơn – “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” và nếu đã trót yêu nước Nga xin vẫn cứ yêu như thế, đừng thay đổi. Nước Nga sẽ không làm bạn thất vọng đâu.


Nước Nga sẽ còn nhiều khó khăn để tìm được cho người dân của mình một cuộc sống tốt hơn, nhưng tôi tin là, tình hình sẽ khá hơn… 
Ngày 5 tháng 5, bà giáo già của tôi nhận được một thư in sẵn, có chữ ký của Tổng thống Putin, chúc mừng nhân ngày Chiến thắng. "Cụ" giải thích, vì cụ là con liệt sỹ, lại là giáo viên công huân nhân dân gì đó, nên năm nào người ta cũng gửi, và gửi cho tất cả những người như cụ. Trong chiến tranh cụ còn nhỏ, nhưng đi làm như ai nên được gọi là "Ветеран труда" (Cựu chiến binh lao động). Cụ bảo, năm nào cụ cũng nghe bài "Đàn sếu" ở trên rađio, nhưng lần đầu tiên được nghe bài đó do học sinh của cụ mang đến nghe tại lớp. Năm nào cụ cũng khóc, và cụ bảo cụ mơ thấy khi mình là một cô bé con, được bố bế trên tay. Bố của cụ hy sinh ở tận Châu Âu. Cụ cảm ơn vì tận Việt Nam có những người không quên những người lính đã hóa thành những con sếu...




PhuongNN
(Tặng Nhina Vaxiliépna Phoócmiđôva) 


P/s: Xin lỗi tác giả bài viết vì chủ blog có chỉnh sửa và xóa đôi chỗ cho thích hợp thời gian đăng bài. Mời các bạn nghe bài hát " Đàn Sếu " bằng tiếng nga: 
Журавли - Музыка: Ян Френкель, Слова: Расул Гамзатов (русский текст: Н. Гребнев), Исполняет: Марк Бернес

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên