Vào một
ngày cuối thu năm 1982, chúng tôi lần đầu đặt chân lên đất Nga. Nắng
vàng rực rỡ, vườn táo xanh um lúc lỉu những quả là quả. Chúng tôi đi qua
thèm lắm, mắt trước mắt sau chỉ muốn nhảy lên với mấy trái về nhai cho
đỡ cơn thèm chế ngự não bộ của những người lần đầu tiên nhận ra vẻ đẹp
của Thiên đường có thể hiện diện ngay trên mặt đất.
Nhìn
cái ly màu trắng bên cạnh bình nước lọc bằng thuỷ tinh cũng màu trắng,
ga đệm màu trắng, tất thảy đều màu trắng, chẳng hiểu sao lòng dạ tôi lại
bồn chồn.
Lúc đó tôi không hiểu vì sao lại
thế. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao hình ảnh mấy cậu bạn cùng đoàn chạy
ngay ra bến Metro gần nhất chỉ để trèo lên trèo xuống cầu thang điện,
lại ám ảnh tôi lâu đến thế, có lẽ hơn hai mươi mấy năm rồi.
Sau
này đi chu du thiên hạ, nhàm chán dần với cảm giác rùng mình, tôi chợt
hiểu có lẽ đó là trạng thái sốc của những đôi mắt và bộ não ướt sũng đói
nghèo và bom đạn.
Việt Nam lúc đó khổ quá,
chúng tôi lại là dân nội trú, càng ngấm cái khổ hơn. Bữa cơm chẳng có gì
ngoài nồi nước mắm nổi lềnh bềnh vài miếng mỡ, hành xanh vắt vẻo vài
cọng, thìa ăn xong không cần rửa vẫn sạch trơn. Nửa cái bánh mỳ phổng
phao vì bột nở chỉ bóp nhẹ một cái là lại chui tọt trở lại lòng bàn tay.
Vườn
địa đàng lúc lỉu táo xanh, bình nước trong veo, ga trải giường trắng
muốt cuối mùa thu năm 1982 là bài học đầu tiên không cần thi cũng đỗ về
Thiên đường trên mặt đất của chủ nghĩa xã hội đối với chúng tôi.
Ngày
27 tháng 8 năm 1989, toàn thể sinh viên nước ngoài ở trường tôi được
cho đi tham quan đột xuất. Vài ba ngày sau tôi mới biết được rằng những
người Tac-ta đang ở gần chúng tôi lắm và sinh viên nước ngoài không nên
nhìn thấy những cảnh đó.
Vườn táo xanh trong ký
ức tôi biến thành khu chợ ồn ào bán mua với những chiếc cốc lần đầu
tiên có dán giá tiền thay vì dòng chữ 5 kopec in sẵn trên đáy cốc như
mọi khi.
Bình nước trong veo biến thành những thỏi đường vàng xếp hàng nửa ngày không mua được.
Ga trải giường trắng muốt biến thành những tờ truyền đơn vung vãi trên quảng trường Krasnui Prospect trước mặt tượng Lê-nin.
Thiên đường sụp đổ rồi ư? Thế giới này đi về đâu vậy?
vhlinhdesign
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!