Powered By Blogger





Tuesday, 13 May 2014

Thoát Khựa luận










Tháng 05/2014, trong bối cảnh quyền sinh tồn của người Việt đang bị đe doạ.

Cách đây 119 năm, Fuzukawa Yukichi đăng tải một luận thuyết mà sau đó có tác động lịch sử đối với đất nước Nhật Bản. Tiêu đề của nó, cũng đồng thời bao hàm chính nội dung mà nó truyền tải: "Thoát Á Luận".

Bối cảnh lịch sử Nhật Bản năm 1895, về cơ bản khá giống với vị thế Việt Nam trên thế giới vào năm 2014. Nước Nhật năm 1895, dù đã trải qua thời kỳ của cuộc cách mạng Minh trị Duy tân, nhưng vẫn là một quốc gia gần như vô danh trên bản đồ thế giới. Để đem lại một sức sống mới cho xã hội và nền văn minh Nhật Bản, các nhà tư tưởng và chính trị Nhật Bản ra sức tìm tòi một hướng đi mới cho đất nước mình. Thoát Á Luận của Fuzukawa Yukichi ra đời trong bối cảnh đó, và nó mang trong minh một sứ mệnh lịch sử. Từ những phân tích về bối cảnh và lịch sử Nhật Bản những năm 1880, Fuzukawa đưa ra một luận thuyết để biến đổi lịch sử Nhật Bản, phá bỏ đi những rào cản cũ, cả về kinh tế, chính trị và văn hoá mang màu sắc lạc hậu của một quốc gia phong kiến Á Châu, để hướng về những giá trị và mô hình cách tân hơn, đại diện cho xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Nhật Bản sau đó bước vào một thời kỳ phát triển vũ bão. Đó là quốc gia duy nhất ở Á Châu tham gia cả hai cuộc đại chiến thế giới đều với vai trò cường quốc, sánh ngang với các đồng minh hay đối thủ ở phương tây. Và dù thắng hoặc bại sau chiến tranh, nước Nhật cuối cùng vẫn góp mặt trên bản đồ thế giới với tư cách của một cường quốc.

Vai trò của một học thuyết đúng, và quan trọng là học thuyết ấy được thực thi, có thể nói, sẽ có sứ mệnh quyết định đến lịch sử của một dân tộc.

Ở đây chúng ta gặp phải một cản trở căn bản, không thể so sánh một dân tộc nào khác với dân tộc Nhật Bản ở Á Châu, do đó điều gì là đúng với Nhật Bản sẽ không thể đúng với chúng ta. Lập luận này có cơ sở riêng của nó nếu nhìn nhận vào tố chất con người Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, anh Lãng có cách nghĩ khác. Từ ví dụ về lịch sử của nhiều quốc gia, trong đó có chính Việt Nam, cho thấy vai trò có tính quyết định của mô hình thể chế, mà linh hồn của nó là hệ tư tưởng, đối với sự phát triển của một xã hội. Nhật Bản ngày nay vĩ đại và được coi trọng, không phải vì tố chất tự thân của người Nhật, cái chắc chắn được hình thành và thay đổi theo thời gian trên cơ sở giáo dục và văn hoá, mà là vì những thành tựu nước Nhật đã đạt được, vì ở những thời khắc bước ngoặt của lịch sử, đất nước ấy và những người lãnh đạo của nó đã có những lựa chọn đúng.

Một ví dụ minh họa khác có thể thấy rất rõ từ lịch sử đất nước Triều Tiên, mà ngày nay chúng ta phải gọi đúng tên là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Đây là hai quốc gia được tách làm đôi từ một đất nước thống nhất, có cùng nguồn gốc văn hoá, lịch sử và nguồn ADN di truyền của cùng một dân tộc. Tuy nhiên chỉ sau một quãng thời gian trên 60 năm, giờ đây đó là hai mặt của một bức tranh tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Hàn Quốc giờ là một trong số quốc gia dẫn đầu thế giới về trình độ phát triển và các tiêu chí của nền văn minh, trong khi Bắc Triều Tiên giờ là mặt trái của sự tụt hậu, đói nghèo, cuồng tín dưới sự cai trị của một mô hình quái đản lai căng giữa độc tài, phát xít và phong kiến cha truyền con nối, được gọi dưới cái vỏ đáng ghê sợ của mô hình ảo tưởng xã hội cộng sản.

Rõ ràng, những ví dụ ấy chứng minh rằng, tố chất của một quốc gia dân tộc không có vai trò quyết định đến những thành tựu mà một quốc gia dân tộc có thể đạt được, mà chính những quyết định lịch sử và những mô hình đúng được áp dụng ở những thời khắc lịch sử, sẽ quyết định những thành tựu của một quốc gia. Nói cách khác, bất cứ dân tộc nào còn giữ được văn hoá và tiếng nói trong bản đồ thế giới ngày nay, đều là những dân tộc vĩ đại vì họ đã duy trì được sự tồn tại của mình sau các biến cố lịch sử, nhưng dân tộc ấy, đất nước ấy đạt được thành tựu gì thì lại phụ thuộc chặt chẽ vào mô hình phát triển và các quyết định lịch sử mà hệ thống chính trị của nó có được ở những thời khắc quyết định. Nước Nhật không vĩ đại như hiện nay nếu họ tiếp tục bấu víu vào những tàn tích lạc hậu mà không hướng về phương tây, và dân Bắc Triều Tiên không ngu muội và chết đói như hiện nay nếu Kim Nhật Thành lựa chọn mô hình giống miền Nam thay vì bám chân Liên Xô và Trung Quốc.

Dân tộc Việt Nam đầy rẫy những tật xấu đáng ghê sợ, nhưng nó cũng tạo ra vô số chứng tích đáng tự hào trong suốt lịch sử tồn tại. Nhưng Việt Nam hiện nay vẫn đang vật lộn trong sự chậm tiến và đói nghèo, chịu sự o ép và khinh khi. Mà nguy cấp nhất, đáng sợ nhất, chính là mối nguy về cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Chúng ta không thể cứ bấu víu mãi vào lịch sử đấu tranh độc lập lâu dài và cho rằng Việt Nam sẽ vẫn mãi độc lập như một nghìn năm nay vẫn thế. Nếu dân tộc này không có những lựa chọn đúng, thì Tân Cương và Tây Tạng chính là tương lai của Việt Nam, khi đã đánh mất cả nền độc lập, nền văn hoá và thậm chí là cả quyền sinh tồn bình đẳng trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ.

Việt Nam năm 2014 đang đứng ở bối cảnh của một quốc gia cô đơn, không bạn bè, không đồng minh, nền kinh tế phát triển ì ạch, nền chính trị độc tài tham nhũng, chịu sự đe doạ nặng nề về hiểm hoạ xâm lăng. Nguy hại hơn, nền kinh tế Việt Nam hiện giờ đang lệ thuộc chặt chẽ vào chính mối nguy cơ lớn nhất của nó, chính là Tàu Khựa. Một tương lai tăm tối đang chờ đón người Việt, nếu những quyết định lịch sử không được đưa ra ở ngay thời khắc này.

Giống như hai mặt của cùng một vấn đề, hiểm hoạ cũng luôn đi kèm cơ hội. Trên thực tế cuộc xâm lược mềm của Trung Quốc với Việt Nam đã diễn ra âm thầm trong hơn 20 năm qua. Tàu Khựa thành công trong việc trói chặt và bóp nghẹt nền kinh tế Việt Nam, biến Việt Nam thành một công cụ xuất khẩu phái sinh cho hàng hoá Trung Quốc. Các chính sách phá hoại thâm độc như bán hàng độc hại, các hoạt động buôn bán phá hoại của tình báo đội lốt thương nhân Tàu đã làm thoái hoá từ từ nhưng vững chắc sức khoẻ và giống nòi của người Việt Nam. Những nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ rõ những thống kê đáng báo động về tỷ lệ dị tật thai nhi, các bất thường trong sinh sản và đặc biệt là tỷ lệ vô sinh không rõ nguyên nhân của người Việt Nam. Có thể nói, chúng ta đang chịu một cuộc diệt chủng từ từ nhưng chắc chắn từ các chính sách tổng hợp của người Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục áp dụng chiến lược đáng sợ này, trong vòng 20 năm tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ là một Tân Cương mới hay Tây Tạng. Tuy nhiên với bản chất hiếu chiến, tham lam và khát máu, tự tin với sức mạnh vượt trội, năm 2014 Trung Quốc xua chiến hạm xuống biển đông, mở ra một thời kỳ của một cuộc xâm lăng công khai đầy đe doạ với Việt Nam. Nguy cơ lớn này, ở một khía cạnh nào đó, lại chính là cơ hội lịch sử của người Việt.

Chúng ta đang đang đứng trước nguy cơ của một thời kỳ mà một cuộc xâm lăng bằng quân sự có thể nổ ra. Đó là một hiểm hoạ có tính sinh tồn nhưng chắc chắn người Việt sẽ đối phó được. Mặt khác, người Việt đang đứng trước một cơ hội lịch sử để thoát khỏi cuộc xâm lược âm thầm và cuộc chiến thoái hoá giống nòi mà Trung Quốc âm thầm áp dụng trong suốt 20 năm qua.

Đó chính là tiền đề của những gì anh Lãng nói tới ở đây, một luận thuyết có thể được gọi tên là "Thoát Khựa luận"

Tiền đề của luận thuyết này được xây dựng trên một số nguyên tắc có tính nền tảng:

1. Chấm dứt hoạt động kinh tế lệ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc.

2. Thay đổi hệ thống chính trị, thậm chỉ là đạp đổ thiết chế hiện nay để xây dựng một thể chế mới, cho phép Việt Nam xây dựng được quan hệ đồng minh với các xã hội phát triển phương tây.

3. Chấm dứt luận thuyết đối ngoại có tính ảo tưởng: Việt Nam phát triển độc lập, tự chủ, làm bạn với tất cả các quốc gia (thực ra chẳng có bạn mẹ nào, mà chỉ có quan hệ làm ăn dạng cùng có lợi hoặc là bất lợi), chuyển sang việc tìm kiếm các mối quan hệ đồng minh, xây dựng và tham gia các hiệp ước liên minh và an ninh tập thể với những đối tác có cùng lợi ích.

Đây là một cuộc cách mạng, nó có thể được tiến hành từ trên xuống như những gì đã diễn ra ơ Mianma, hoặc phải được tiến hành từ dưới lên bằng một cuộc đấu tranh của toàn thể người Việt. Nếu có điều gì đáng kỳ vọng nhất đối với tương lai của Việt Nam hiện nay, anh Lãng kỳ vọng cuộc cách mạng ấy sẽ được bắt đầu bởi chính thể chế cầm quyền hiện nay, một mong muốn có phần ảo tưởng trong thời bình, nhưng không phải không le lói hy vọng khi nền độc lập quốc gia đang bị đe doạ.

Dù bằng con đường nào, Việt Nam nhất thiết phải có sự thay đổi.

Thoát Khựa về mặt kinh tế:

Giảm dần, tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại bất bình đẳng với Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu tuyệt đại bộ phận hàng hoá từ Tàu Khựa sẽ đem lại những hậu quả đớn đau và ngay lập tức. Nền kinh tế Việt Nam sẽ lâm vào khủng hoảng nặng trong ít nhất 10 năm. Người Việt sẽ phải tìm kiếm những đối tác kinh tế khác với chi phí cao hơn và phải tự xây dựng những hệ thống mà mình chưa có. Nhưng cái giá phải trả chắc chắn sẽ nhỏ hơn thành quả lâu dài mà Việt Nam có thể đạt được.

Hiện nay Việt Nam nhập khẩu đại bộ phận các nguồn cung công nghệ thấp từ Trung Quốc, trình độ khoa học kỹ thuật của nền sản xuất Việt Nam do đó luôn đi sau Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều mặt bằng chung của các nước khác. Đặc biệt, trong chuỗi thương mại xuất khẩu mà Việt Nam tham gia, chúng ta nhập khẩu hầu hết các sản phẩm bán thành phẩm của người Tàu, hoàn thiện một phần sau đó xuất ra thế giới. Nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam do đó đã bị bóp chết từ lâu, và Việt Nam hiện chỉ có thể coi là công cụ xuất khẩu của người Tàu trong một loạt lĩnh vực được cho là Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Minh chứng cay đắng cho thực tiễn này, là mặc dù hiện nay Trung Quốc đang xâm lăng công khai ở Biển Đông, nhưng cái đất nước khát máu ấy không hề nhắc đến một dòng về việc cấm vận kinh tế Việt Nam. Bởi đơn giản thực trạng quan hệ kinh tế hiện nay đang mang lại lợi ích tuyệt đối cho Trung Quốc. Không chỉ thu về thặng dư 17 tỷ usd hàng năm, Trung Quốc đang tiến hành chính sách phá hoại sâu rộng nền kinh tế Việt Nam bằng hoạt động của lực lượng thương nhân buôn bán phá hoại chắc chắn được tài trợ từ chính ngân sách thặng dư của Trung Quốc trong buôn bán với Việt Nam. Hơn thế, dưới vỏ bọc của thương mại hoà bình, Trung Quốc đang tuồn hàng độc hại để tiến hành một cuộc chiến có tính thoái hoá giống nòi với người Việt. Tỷ lệ vô sinh, dị tật thai nhi của Việt Nam tăng với mức độ kinh khủng trong những năm qua. Thế hệ trẻ em đang lớn lên hiện nay, khi hàng ngày ăn vào những thực phẩm chứa đầy hoá chất độc, chắc chắn sẽ để lại hậu quả nặng nề trong một thập niên tới. Chúng ta sẽ không còn bất cứ tương lai nào, khi nòi giống đã bị thoái hoá.

Tựu trung lại, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thay vì tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu để thu về lợi ích, người Việt đang bị bóp chết mọi cơ hội vươn lên để thành một cường quốc:

- Việt Nam luôn nhập khẩu công nghệ kém phát triển từ Trung Quốc vì giá rẻ, nhưng do đó trình độ thấp. Vì thế, Việt Nam tự đánh mất cơ hội sở hữu công nghệ từ các nước phát triển và luôn đi sau Trung Quốc.

- Nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam bị bóp chết (không thành phần kinh tế nào đầu tư sản xuất khi nhập hàng được từ Tàu, trong bối cảnh không có hàng rào kỹ thuật để chặn hàng hoá Khựa). Hiện nay kinh tế Việt Nam lệ thuộc nặng vào Trung Quốc, chỉ xuất được một ít nguyên liệu thô và nhập khẩu đại bộ phận hàng hoá, trở thành công cụ xuất khẩu của Trung Quốc.

- Chính sách thương mại có định hướng và được tài trợ từ chính phủ của Trung Quốc đang tiếp tục gây những tổn hại về lâu dài đối với Việt Nam

Đây chính là những điều đang diễn ra. Đâu là giải pháp?

Như hai mặt của cùng một vấn đề, nguy cơ, đồng nghĩa với lời giải. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần chấp nhận những khó khăn đau đớn, để thay đổi tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại bất bình đẳng với người Tàu. Trước hết, Việt Nam cần dựng ra các hàng rào kỹ thuật để chặn hàng hoá Trung Quốc vào Việt Nam theo đúng luật chơi WTO. Việt Nam cần tìm những nguồn cung công nghệ và hàng hoá khác, với chi phí cao hơn nhưng chắc chắn tốt hơn để thay thế hàng Tàu. Cái giá phải trả rất nặng nề, chắc chắn khiến Việt Nam khủng hoảng từ 5 - 10 năm. Cũng trong thời gian ấy, chính phủ và các thành phần kinh tế bản địa cần bằng mọi giá xây dựng được nền công nghiệp phụ trợ. Chúng ta có cơ sở để thành công. Vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối chưa bao giờ ngừng rót vào Việt Nam. Chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp và dân số đang ở thế hệ vàng với tỷ lệ lực lượng trong độ tuổi lao động rất cao trên tổng dân số. Hơn thế, chắc chắn có những quốc gia sẵn sàng cung cấp vốn và công nghệ cho Việt Nam, ví dụ Nhật bản. Việt Nam cũng là một quốc gia có hoạt động kinh tế mở rộng, với việc tham gia WTO và tới đây là TTP. Có thể nói, tiền tề cho sự chuyển hướng thoát Khựa là hoàn toàn hiện thực.

Đối ngoại và thoát Khựa:

Về chính sách đối ngoại, đường lối ngoại giao hiện nay của Việt Nam có thể ví như tính khôn lỏi của trẻ con khi hy vọng luôn đạt được kẹo từ lá bài hai mặt. Làm bạn với tất cả, cũng đồng nghĩa với chẳng có người bạn thật sự nào. Không có ai chơi thật lòng với anh khi người ta thấy anh đang bắt tay cả với kẻ thù của chính người ta. Do đó, đường lối ngoại giao hiện nay của Việt Nam trên thực tế chỉ là trò khôn vặt của một đứa trẻ con cứ tưởng rằng đánh đu được với những tay cáo già với cái đầu toàn sạn trong thế cuộc toàn cầu. Việt Nam hiện nay, nhất thiết phải có đồng minh. Và đồng minh ấy không phải chỉ là quan hệ làm ăn kinh tế bởi buôn bán thì ai cũng chơi được miễn là có lợi, mà quan hệ đồng minh đó phải xây dựng trên nền tảng của các liên minh chính trị và quân sự. Chọn đúng đối tác, sẽ có yếu tố quyết định đến tính thành bại của cuộc chơi chiến lược này.

Trong các thế lực lớn trên thế giới hiện nay, phải kể đến phương Tây do Mỹ cầm đầu, kế đó là thế lực của người Nga, Trung Quốc và những quyền lực khác mới nổi như Ấn Độ... Việt Nam cần chọn thế lực nào để thiết lập quan hệ đồng minh? Đồng minh theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Một quan hệ đồng minh đúng nghĩa, chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của sự tương đồng lợi ích, giao thoa văn hoá và cả sự chia sẻ về các nguy cơ an ninh chung. Trên cơ sở đó có thể xếp hạng tính tương đồng về lợi ích của Việt Nam với hầu hết các thế lực này như sau:

Trung Quốc, không nghi ngờ gì là mối nguy cơ sinh tồn số một đối với Việt Nam. Chúng ta thu được rất ít nếu không muốn nói là luôn bị thiệt hại trong quan hệ kinh tế với người Tàu. Bên cạnh đó, rõ ràng Trung Quốc đang tiến hành cả một cuộc xâm lược cứng (lãnh thổ) và xâm lược mềm (lệ thuộc kinh tế) với Việt Nam. Nguy hại hơn, Trung Quốc chắc chắn đứng sau và tài trợ cho chiến lược làm thoái hoá giống nòi của người Việt. Đây là thế lực đe doạ trực tiếp và sống còn đối với Việt Nam.

Mỹ - Chia sẻ với Việt Nam một số lợi ích về thương mại và phần nào về chính trị vì nước Mỹ có tham vọng chặn đà đi lên của người Tàu. Tuy nhiên, sự khác biệt về chính trị giữa Việt Nam và Mỹ quá rõ ràng, chưa nói đến Việc Mỹ có một loạt quân bài khác trong khu vực để chơi như Philipin, Nhật bản, Hàn Quốc mà Việt Nam không thể có vai trò so sánh. Do đó không hy vọng gì vào một quan hệ tương trợ đồng minh với Mỹ trong tương lai gần trừ khi Việt Nam thay đổi triệt để về chính trị.

Nga - Nước Nga mới của Putin đang nổi lên như một thế lực do tính khan hiếm theo thời gian của dầu lửa và khí đốt. Mặt khác quốc gia này đang chứng tỏ tính hung hăng một cách có kiểm soát bằng cuộc xâm lược vào Ucraina hiện đang diễn ra. Nước Nga chia sẻ với Việt Nam một số lợi ích về kinh tế và một số giá trị về tình đồng minh xuất phát từ lịch sử. Nhưng giá trị của Việt Nam với Nga không đủ lớn để chia sẻ bất cứ một nguy cơ an ninh có ý nghĩa nào. Nước Nga hiện nay, chỉ có thể coi là một đối tác buôn bán có cảm thông chứ không thể là một đồng minh thực sự.

Ấn Độ - Trong các thế lực lớn, Ấn Độ chia sẻ nhiều giá trị với Việt Nam về tình hình an ninh. Nhưng nguồn lực của quốc gia này rất hạn chế do đây vẫn chỉ là một nước thuộc thế giới thứ ba. Đông dân, có tiềm lực, có vũ khí hạt nhân nhưng vẫn đang vật lộn với các bài toán riêng của nó. Quan hệ thương mại song phương Việt Ấn hiện cũng rất hạn chế. Hai nước có duy nhất một điểm chung là đều đang cùng chia sẻ cái nhìn nghi kỵ với người Tàu. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chỉ có thể phát triển thành đồng minh trong tương lai, nếu song song với việc chấm dứt và đoạn tuyệt quan hệ thương mại với Khựa, Việt Nam tăng cường giao thương với Ấn. Mặt khác, Việt Nam có thể tìm kiếm một số nguồn cung vũ khí từ các nguồn cung cấp của Ấn Độ, vốn luôn sẵn lòng đáp trả những gì Trung Quốc làm với Ấn Độ khi trang bị vũ khí cho Pakistan.

Asean - Một liên minh lỏng lẻo, nặng tính hình thức và quá nhiều khác biệt về lợi ích. Thực tế Asean đã bị Trung Quốc xé nát bởi quân bài Campuchia. Dù rằng gần như Trung Quốc đã đánh mất lá bài Mianma cùng với cuộc cách mạng lịch sử của ThanSwe (lịch sử Mianma sẽ ghi nhớ cái tên này), nhưng Trung Quốc vẫn còn nhiều thứ để chơi, ví dụ như Thái Lan và thậm chí là Lào. Tóm lại, Việt Nam không thể hy vọng gì nhiều vào Asean ngoài sự cảm thông từ Philipin, Malaysia và phần nào đó là từ những nguyên thủ quốc gia có tầm nhìn xa như Lý Hiển Long của Singapore. Không thể trông chờ vào một liên minh có ý nghĩa với Asean, ít nhất trong 10 năm trước mắt.

Thứ duy nhất người Việt hiện có thể trông đợi vào, duy nhất có Nhật Bản. Hãy nhìn vào những sự kiện đang diễn ra, khi Trung Quốc xua tàu chiến và giàn khoan xâm lược Việt Nam, nguyên thủ quốc gia duy nhất lên tiếng phản đối mạnh mẽ và công khai, không phải là tổng thống Mỹ, không phải là Putin, cũng không phải Ấn Độ hay Asean, mà chỉ có thủ tướng Nhật Bản. Cả người phát ngôn chính phủ Nhật, cả bộ ngoại giao và cả thủ tướng Nhật, đều lên tiếng lên án Trung Quốc gần như trong cùng một ngày và gần như ngay lập tức sau cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

Sự tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản là sâu sắc về mọi phương diện. Về kinh tế, Nhật có quan hệ sâu rộng với Trung Quốc và đầu tư nhiều nhà máy lớn ở quốc gia này. Nhưng mẫu thuẫn Trung Nhật hiện đã đủ lớn khiến Nhật Bản buộc phải tháo lui dần các nhà máy sản xuất khỏi Trung Hoa để đảm bảo an ninh chiến lược của mình. Cuộc chiến đất hiếm năm 2011 cũng khiến Nhật Bản nhận thức rõ họ không thể có bất cứ lệ thuộc nào về nguồn cung các nguyên liệu chủ yếu với Trung Hoa. Cùng với việc di dời các nhà máy khỏi Trung Quốc, làn sóng đầu tư và quan hệ kinh tế của Nhật ở Việt Nam ngày một tăng lên theo thời gian. Đó là lợi ích chiến lược khiến quan hệ Việt - Nhật ngày càng sâu sắc về mọi phương diện. Nhật Bản luôn dẫn đầu về số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 20 năm qua, và số vốn tiếp tục tăng đều theo thời gian. Sự mâu thuẫn Trung Nhật sẽ tiếp tục tác động tích cực đến quan hệ Kinh tế Việt Nhật trong một thập kỷ tới.

Về mặt văn hoá, hiện nay có thể nói Nhật Bản là dân tộc được người Việt tôn trọng nhất so với mọi dân tộc khác trên thế giới. Hầu hết các thành tựu của Nhật Bản đều được người Việt khâm phục và tìm cách học hỏi (dù không mấy thành công). Về phía người Nhật, do các chia sẻ về lợi ích và an ninh, cộng với tình cảm dễ chịu từ phía người Việt Nam (nhấn mạnh là từ người dân Việt Nam), cũng khiến người Nhật cảm giác có thể chia sẻ nhiều sự đồng cảm với người Việt. Chưa có một đợt quyên góp quốc tế nào được người Việt Nam chủ động khởi xướng và sẵn sàng đóng góp như khi người Việt góp tiền gửi tới người Nhật sau thảm hoạ sóng thần năm 2012. Cũng chính Nhật Bản, tính đến hiện nay, luôn là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Việt Nam về nguồn ODA tài trợ.

Điều đặc biệt đang gắn kết Việt Nhật, đó chính là sự chia sẻ về an ninh. Nhật có nền kinh tế rất phát triển nhưng trì trệ trong nhiều thập niên, nguyên nhân chính vì Nhật tự trói buộc tiềm năng của mình trong đó có nền công nghiệp quốc phòng, khi không thể bán hàng ra thế giới. Cùng với hiểm hoạ xâm lăng ngày một tăng lên từ Trung Quốc, Nhật Bản có nhu cầu được thừa nhận như một cường quốc đầy đủ cả về kinh tế, quân sự và vai trò chính trị trong phân bố quyền lực toàn cầu. Nhật Bản có thể tự vệ trong liên minh phòng thủ với Mỹ, nhưng với tư cách là một dân tộc có tầm nhìn xa, Nhật Bản chắc chắn không giao vận mệnh vào tay Mỹ. Nước Nhật do đó chắc chắn sẽ tái vũ trang, để giúp Nhật có thể đảm bảo an ninh cho nó một cách độc lập. Bên cạnh đó, việc hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng, cũng sẽ giúp Nhật có thêm một lực đẩy quan trọng vào nền kinh tế khổng lồ vẫn đang ì ạch. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản có nhu cầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ bền chặt về mọi mặt với Việt Nam, để giúp Việt Nam mạnh lên trong ván bài mặt trận liên minh trước mối nguy xâm lăng đến từ Trung Quốc. Nhật Bản, theo văn hoá á Đông truyền thống, cũng không quá dị ứng với nền chính trị độc tài của Việt Nam, dù nạn tham nhũng ở Việt Nam đôi lúc khiến quan hệ song phương gợn lên những trục trặc nhỏ.

Có thể nói, tất cả mọi giá trị tương hợp, khiến Nhật bản nổi lên là một lựa chọn duy nhất đối với Việt Nam để xây dựng một quan hệ đồng minh toàn diện và đầy đủ, cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hoá và an ninh. Mục tiêu của Việt Nam, do đó phải tìm cách thúc đẩy để xây dựng ngày một mạnh mẽ quan hệ với Nhật Bản, tiến tới thiết lập một hiệp ước an ninh và phòng thủ, điều chắc chắn không thể có ngay, nhưng có cơ sở để thành hiện thực về dài hạn.

Chính trị và thể chế, gốc rễ của mọi vấn đề:

Về tiền đề thứ hai, cuộc cách mạng về thể chế chính trị trong luận thuyết Thoát Khựa Luận, đến giờ anh Lãng vẫn lờ đi không nhắc đến. Anh để tiền đề này cho chính các bạn phân tích để tránh rủi ro cho anh. Về mặt cá nhân, anh vẫn mong muốn một cuộc cách mạng đẹp trong hoà bình như Mianma. Tại sao cái chế độ độc tài quân sự thân Khựa ấy lại có thể sản sinh ra Than swe, trong khi một đất nước đã đổi mới 20 năm như Việt Nam thì giờ gần như đốt đuốc không ra lãnh tụ trong hệ thống chính trị. Đây là một nỗi đau và bi kịch lịch sử mà người Việt sẽ phải giải quyết để đấu tranh cho quyền sinh tồn đang bị đe doạ trực tiếp của mình.

Bài rinh bên nhà bác Phọt Phẹt




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên