Giọt nước mắt oan sai
Vẫn biết Việt Nam còn trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu nhưng có đi thực tế về các địa phương mới thấy, đời sống nhân dân lao động còn rất nhọc nhằn.
Sau bao nhiêu năm đổi mới, nhân dân tuy không còn lo bị đói nữa nhưng môi trường văn hóa dân sinh nhiều nơi vẫn không khác so với mấy chục năm trước.
'Bần cùng sinh đạo tặc'
Nhìn bức ảnh chụp gia cảnh của ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm với gian nhà mái ngói đã xuống cấp nhuốm màu thời gian cho thấy sự bần cùng, nhưng xin thưa đó là hình ảnh rất thường thấy ở nông thôn nước Việt.
Ngay cách trung tâm Hà Nội chỉ trong bán kính 30 km nhiều vùng nông thôn chưa bao giờ được sử dụng nước máy, tiêu chí tối thiểu để được đánh giá là có đời sống văn minh.
Đường xóm vẫn còn nhỏ hẹp, bụi rậm vẫn nhiều và um tùm, có nơi ngõ xóm được bê tông hóa nhưng cống rãnh thì phơi ra giữa trưa hè nóng bức hoặc mùa mưa ngập lụt rất mất vệ sinh.
Tình trạng ao tù nước đọng và nuôi thả gia cầm trong vườn ao nhà cũng gây ngao ngán cho những ai ở phố mà nhìn thấy cảnh ấy.
Dân nông thôn vẫn đa phần làm ruộng, những người đàn ông đàn bà với gương mặt khắc khổ đen sạm, ngày nông nhàn thì đi làm thợ xây, phụ hồ hay buôn bán rong.
Lao động vất vả kiếm tiền để chăm lo đời sống gia đình hàng ngày, ngoài ra là tiết kiệm một khoản nhỏ để phòng khi ốm đau hoặc khi về già bởi vì họ không có bảo hiểm hay lương hưu.
Giải trí thì chẳng có gì ngoài cái ti vi, bố mẹ bận rộn thì trẻ con lêu lổng. Tiền đóng học cho con vẫn là khoản tài chính đáng lo buồn nhất của bậc cha mẹ.
Khi người dân còn khốn khó lo toan việc kiếm sống thì đồng nghĩa với đó là trình độ nhận thức và cơ hội học hành cũng thấp, hành xử cũng kém văn minh.
Nhiều trường hợp cướp của giết người chỉ vì một tài sản rất nhỏ, như trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn có thông tin hung thủ giết người là để cướp tài sản, mà tài sản của người phụ nữ nông thôn nào có được bao nhiêu?
Thằng bé hung thủ mới 15 tuổi nó cần tiền làm gì để phải đi cướp, nó cần tiền mua quần áo mới hay tiền đóng học phí? Cũng có thể nó muốn có tiền đi chơi điện tử một thứ được xem như thói xấu, vậy số tiền nó cần có là bao, tại sao không xin bố mẹ cho?
Cũng tại vì bố mẹ lo bận rộn kiếm tiền nên con cái hư hỏng.
Tựu chung chỉ vì cái nghèo.
Dân nghèo và nhìn chung cán bộ cũng nghèo.
Nghèo nàn và lạc hậu dẫn đến coi thường pháp luật.
Dân coi thường pháp luật thì phạm tội, cán bộ coi thường pháp luật thì dẫn đến oan sai.
Người xưa nói nghèo mà thanh tao, ít tiền mà sống thanh đạm, nhưng đó là những bậc trí đức hơn người, chứ dân đen thì biết làm sao?
Pháp luật phải được tôn trọng, nhưng có thể nào tôn trọng pháp luật trong điều kiện dân nghèo được không?
Truy bức nhục hình
Luật quy định rất rõ nhưng cán bộ không làm theo, coi thường quyền hợp pháp của dân nên oan sai xảy ra.
Pháp luật nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, nhưng có điều tra viên nào chưa từng truy bức đánh đập bị can?
Trong vụ việc ông Chấn, điều gì khiến ông phải khai báo nhận tội mà mình không hề phạm? Điều gì khiến ông không chỉ nói ra bằng miệng mà còn phải viết bằng tay những điều mình không làm?
Một bị cáo khác cũng ở Bắc Giang bị tuyên tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em đã khai rằng: Bị cáo bị đánh tưởng chừng như chết ngay trong quá trình điều tra. Bị cáo phải nhận tội thì mới có cơ hội được sống đến ngày ra tòa mà mong được minh oan. Bị cáo phải sống để đợi được gặp mặt vợ con để nói là mình không phạm tội, vì nếu chết đi thì người thân cũng không biết là mình bị oan.
Một bị can ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa khai rằng được điều tra viên cho uống rượu và dụ nhận tội thì cho về, thế là ông này khai nhận tội. Cái gì khiến ông sợ ở tù như thế?
Ông khai rằng bị những người giam giữ chung bắt tắm một ngày hai lần trong điều kiện mùa đông rét mướt, điều này dẫn đến hệ quả là khi tòa án thay đổi biện pháp ngăn chặn cho ông này về với vợ con thì được ba tháng đã lăn ra chết, trong khi vụ án còn đang điều tra lại chưa xong?
Ông Chấn đã ra khỏi nhà giam nhưng nhiều người vẫn còn bị oan trong đó.
Sẽ còn nhiều người bước vào và bị oan.
Vậy lối thoát nào cho vấn đề này?
Giải pháp trước mắt
Tình trạng oan sai có thể được giảm tránh đơn giản bằng việc phải triệt để tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện tại.
Vì các quy định về quy trình điều tra, truy tố và xét xử đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực nghiệm kiểm chứng, chứa đựng trong đó tính khoa học để khi thực hiện đó sẽ là cách tốt nhất giúp tìm ra sự thật khách quan của vụ án tránh oan sai.
Tiếp theo cũng cần phải thấy là quy định luật còn có chỗ chưa thực sự khoa học. Hiện tại pháp luật quy định lời khai của bị can bị cáo cũng là chứng cứ để kết tội.
Trong khi chứng cứ cần sự khách quan thì lời khai lại thường không khách quan, vì dù bị cáo khai có lợi hay bất lợi cho chính mình thì cũng đều không khách quan.
Nếu bị cáo khai báo có lợi thì có thể nghi ngờ bị cáo khai gian dối chối tội, nếu bị cáo khai bất lợi cho mình thì đó là điều không bình thường trong hành vi con người, có thể nghi ngờ việc khai báo đó không đảm bảo yếu tố an toàn về thân thể hoặc tỉnh táo về tinh thần.
Còn nếu có trường hợp thực sự bị cáo ăn năn hối hận và tự nguyện khai nhận hành vi phạm tội thì đã có chế định riêng về việc đầu thú, tự thú.
Quy định lời khai của bị can bị cáo cũng là chứng cứ để kết tội nên thực tế đã xảy ra tình trạng điều tra viên thay vì nhọc công đi tìm các tài liệu bằng chứng xác thực khác, họ chỉ xoáy sâu vào việc bắt giam sau đó truy bức nhục hình cho bị can khai nhận hành vi phạm tội, từ đó cho ra kết luận điều tra.
Bộ luật tố tụng hình sự cũng cần bổ sung quy định buộc điều tra viên phải tham gia tố tụng tại phiên tòa. Nhiều tài liệu chứng cứ cần được xác định lại nguồn gốc quy trình thu thập từ đó xác định chứng cứ có được thu thập hợp pháp và có thể tin cậy hay không.
Hiện nay điều tra viên không phải tham gia phiên tòa do vậy không có điều kiện để thẩm định lại quy trình thu thập chứng cứ, không có cơ hội đối chất giữa cán bộ điều tra và bị cáo trong việc xác định có hay không sự truy bức nhục hình.
Cuối cùng là cần đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại cho cơ quan điều tra để giúp nâng cao khả năng thực hiện việc giám định tư pháp. Nhiều vụ án thu giữ được ở hiện trường dấu vết tội phạm nhưng lại không thể xác định được hung thủ từ những dấu vết đó.
Lối thoát toàn diện
Nhưng nhìn rộng ra, tội phạm và oan sai là do nghèo nàn lạc hậu, vậy kinh tế là vấn đề mấu chốt.
Làm thế nào để kinh tế phát triển? Phát triển là gì nếu không phải là khai phá tiềm năng con người?
Ngày xưa năng suất giống cây trồng và chăn nuôi là bao nhiêu, bây giờ là bao nhiêu, chẳng phải sự thay đổi tăng lên là do ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hay sao?
Nhưng làm sao khai phá được tiềm năng con người khi mà chưa trân trọng các quyền con người? Làm sao con người phát triển năng lực khi chưa hình thành nên các thiết chế mà theo đó năng lực con người được trân trọng phát huy?
Dân chủ là hạt nhân để phát triển. Hãy tìm cách phát triển dân chủ.
Nhưng đừng quên dân chủ là một quá trình chứ không phải là một biến cố.
Dân chủ là vấn đề của nhận thức chứ không chỉ là sự bố trí hợp lý các thiết chế.
Cho nên sẽ là tốt nhất khi dân chủ là một công cuộc xây dựng có chủ đích.
Trong tình hình Việt Nam hiện nay, sẽ là tốt nhất cho quốc gia dân tộc khi Đảng cộng sản chủ động xây dựng dân chủ.
Đảng hãy là mái chèo đưa đẩy con thuyền đất nước đi đến dân chủ.
Nhưng ngay khi muốn làm việc đó thì bản thân Đảng hãy là một mái chèo cứng đi đã, nếu không thì con thuyền sẽ trôi dạt về đâu?
Đảng cũng đừng lo là nếu thuyền cập bến rồi thì mái chèo bị bỏ đi đâu?
Xin thưa rằng biết đâu là bến bờ dân chủ, có nơi đâu là dân chủ hoàn toàn? Dân chủ nó chỉ là cái đích ngắm đến, một lộ trình bất tận chứ có quốc gia nào nói mình đã hoàn toàn dân chủ đâu?
Vậy thì cứ làm sao đi đến càng gần cái đích dân chủ càng tốt, và trong suốt hành trình đó Đảng sẽ vẫn có cơ hội song hành với nhân dân.
Đảng muốn giữ quyền lãnh đạo, nhân dân thì muốn có dân chủ và đất nước phát triển. Có cách nào thỏa mãn được cả hai yêu cầu đó không?
Có thể đạt được bằng cách sửa Điều 4 hiến pháp hiện hành.
Hiện tại Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Nay nên sửa lại chỉ quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước, bỏ đi nội dung lãnh đạo xã hội.
Được thế xã hội dân sự có không gian phát triển, dân chủ sẽ khai phóng tiềm năng nhân dân, nhờ đó mà đất nước phát triển và Đảng vẫn lãnh đạo nhà nước.
Đó là phương án tối ưu, không có phương án nào tốt hơn được nữa.
Nếu Đảng cộng sản là một khối thống nhất, có lý trí sáng suốt thì sẽ nhận ra điều đó.
Và cũng chỉ khi đó mới có hy vọng Đảng sẽ buông bỏ xã hội và chấp nhận một số cải cách để dân chủ và kinh tế phát triển.
Hiện tại nội bộ Đảng đang phân hóa, nhiều sự kiện cho thấy ý kiến của người đứng đầu Đảng không được cấp dưới tuân theo. Một số đảng viên cao cấp sai phạm yếu kém đầy người nhưng lại kết bè cánh thoát khỏi sự trừng phạt của kỷ luật đảng.
Khi Đảng đang rệu rã thì không hy vọng gì có được những bước đi mạnh mẽ.
Đất nước vì đó sẽ vẫn chậm phát triển.
Tội phạm sẽ vẫn còn nhiều.
Và oan sai cũng thế.
Ls Ngô Ngọc Trai
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!