Trang Hạ
Tuần vừa rồi đọc được một bản tin trên báo, một tin ngắn về một vụ tự
tử của nữ sinh sau khi cãi cọ với bạn trai ngay trên cầu Bến Thủy. Sau
khi cãi cọ, nữ sinh dắt xe đạp bỏ lại trên cầu, nhảy xuống sông Lam chết
ở tuổi mười chín.
Ngày nào trên báo cũng có tin người tự tử vì vỡ nợ, vì chồng đánh, vì
bị hiếp dâm hoặc vì hiếp dâm người khác bị tóm. Có người tự tử nhầm,
đáng lẽ định làm mình (làm mẩy) uống thuốc sâu và nhảy xuống ao chết thì
hóa ra cuối cùng lại nhẫn tâm dìm chết người bạn cùng lớp. Ngày xưa học
Lý luận Truyền thông, một môn rất nhức đầu vì toàn là tiếng Anh, tôi
còn nhớ đã phải phân tích kỹ lưỡng hiện tượng cảnh giác và lãnh đạm của
độc giả. Độc giả thường coi mọi tin “mặt trái” trên báo chí là thứ chẳng
liên quan tới mình. Nếu báo đưa tin dịch tả, độc giả sẽ nghĩ nó xảy ra ở
nơi khác, hoặc nếu ở phố ta ở, dịch tả sẽ chừa nhà ta ra! Nên độc giả
thường hiếu kỳ và lãnh đạm với mọi tin xấu. Hiếu kỳ hả hê bởi cảm giác
may quá, điều ấy chẳng xảy ra với ta, ta hạnh phúc hơn. Và lãnh đạm là
bởi, ta sẽ không bao giờ gặp phải điều ấy, chắc chắn!
Nên tôi thấy mình chính là một người trong đám đông độc giả đã bị lý
luận truyền thông khám phá, đi guốc vào trong bụng kia. Thế nhưng cái
tin tuần trước thì lại ám ảnh không nguôi, vì bức ảnh minh họa ở hiện
trường vụ tự tử:
ảnh: nguồn báo Pháp luật |
Một chiếc xe đạp cũ kỹ han rỉ, chả đáng mấy đồng tiền. Một cô gái đi
một chiếc xe đạp như thế này, liệu đã từng được tận hưởng điều gì từ
cuộc sống? Chắc là chưa. Bởi hẳn là cô không đủ tiền cho những chăm sóc
bản thân tử tế một tí, ví dụ như, dành cho bản thân mình thứ gì đó xinh
đẹp mà cô thầm muốn, đi đến nơi lãng mạn đẹp đẽ mà trong lòng thiếu nữ
nào cũng từng ấp ủ, được sở hữu chút gì đó đáng giá và bí mật, có được
một đôi guốc đẹp v.v… Dù có thể cô gái ấy đã từng lạc quan và hạnh phúc
vì cô dành cho bản thân mình những giá trị thuần tinh thần, của tuổi
trẻ. Ví dụ như sống hiền lành tin cậy, hoặc sống dại khờ cả tin, hoặc
yêu như điên, hoặc tự ti một cách lương thiện… Hoặc một lời nói cũng có
thể làm cô ấy mãn nguyện, hạnh phúc.
Ngược lại, nhìn từ góc độ khác, một cô gái trẻ có thể chưa kiếm ra
nhiều tiền, đi một cái xe rách, đến với người bạn trai trên cầu, thì
mang lại cho người khác điều gì, ngoài chính những giá trị tinh thần và
tượng trưng mà cô ấy vốn có, như tình yêu, niềm tin, hứa hẹn, giao tiếp
và giới tính… Nên cô ấy trong tâm trí người con trai kia, là gì, có quan
trọng đến đâu? Không biết vì sao sự sống kết thúc ở đấy. Tuy nhiên cái xe đạp han rỉ
cứ làm tôi ám ảnh mãi và thương xót không nguôi: Nếu em chưa thực sự
tận hưởng cuộc sống, sao đã chết sớm? Hay chính vì cô gái ấy chưa từng
có điều kiện để được tận hưởng cuộc sống, nên cảm giác chật hẹp mọi mặt
của cuộc sống trước mắt đã khiến cô gái ấy muốn chết?
Tôi nghĩ cô ấy đã đầu tư gì cho cuộc sống? Đầu tư vô số những điều
dang dở mù quáng. Bởi cho dù người con trai đi trên cầu là ai, ngày hôm
đó là một ngày như thế nào trong đời cô ấy, tất cả đều không phải là cớ
để chết.
Không có một người con trai nào đáng để cô gái hủy hoại bản thân.
Nhất là người con trai đã quay đi ngay từ trước đó. Cũng không có hạnh
phúc nào được tìm thấy bởi cái chết, hay vấn đề nào có thể giải quyết
được bằng cái chết. Bởi trên đời này, tất cả chúng ta chỉ cảm động vì
những con người dũng cảm vượt lên số phận, vượt lên cái chết, không ai
vỗ tay hoan hô kẻ đầu hàng. Thậm chí ngược lại, chúng ta đều xót thương
cho cha mẹ những kẻ chết trẻ.
Thậm chí, không chỉ xót xa giùm cho nỗi đau của những ông bố bà mẹ có
con tự tử, chết mất phần xác, tất cả những người có chút lương tâm đều
cảm thấy nỗi ái ngại cho những ông bố bà mẹ có con tuy còn sống phần xác
mà phần nhân cách và phẩm giá đã chết từ khi nào. Ví dụ như nghiện
ngập, vào tù vì hiếp dâm, giết con người khác, phản bội lại xã hội bằng
mọi cách…
Đó là lý do tôi ám ảnh bởi chiếc xe cũ, và rỉ, nó nói lên điều gì đó về cuộc sống non trẻ của cô gái ấy.
Tháng trước, tham gia talk show của giáo sư Đặng Hùng Võ trên VTC,
giáo sư hỏi tôi về những kẻ tự tử vì tình, vì bị bố mẹ ngăn cấm, vì lý
do nào đó… Tôi trả lời rằng, tất cả những kẻ tự tử đều là những người
không xứng đáng với hạnh phúc.
Bởi khi bố mẹ ngăn cấm tình yêu, hay khi bạn trai bạn gái đòi chia
tay, hoặc gặp một va vấp nào đó đường đời, em lấy cái chết ra để giải
quyết. Thế nếu không chết, thì sau đó, khi lấy được “người trong mộng”,
còn vô số những khó khăn trên đường đời, như vỡ nợ, con sơ sinh bị chứng
bệnh tai quái, vợ chồng ngoại tình, cãi nhau với họ hàng, thất nghiệp
v.v… mỗi lần khó khăn sẽ đều lấy cái chết ra để giải quyết sao, khi mà
mỗi người chỉ có một lần được sống? Bao giờ thì em thực sự giải quyết
vấn đề bằng chính năng lực và quan điểm của em?
Nên cho dù gia đình bạn bè và cả xã hội làm điều gì đó để vừa lòng
người trẻ, để người trẻ đừng tự tử, thì không có gì đảm bảo là người trẻ
ấy sẽ hạnh phúc, nếu bản thân họ không thực sự thay đổi quan điểm và
giá trị sống.
Thế nhưng, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ rằng, giá như cho cô gái này
sống một lần nữa, chắc chắn cô ấy sẽ khác. Đi làm để kiếm tiền đủ cho
một cuộc sống xứng đáng được gọi là sống. Quen biết với những người đàn
ông thực sự là đàn ông, không quay đi để bạn một mình chết.
Cô ấy sẽ lên chiếc xe cũ, đạp về nhà, thấy rằng mình xứng đáng được sống vì chính tương lai tươi đẹp mà mình xứng đáng được có!
Trang Hạ
(Ảnh không liên quan tới bài viết của tác giả)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!