Powered By Blogger





Wednesday, 6 November 2013

Váy thiếu nữ bay - Tuyệt phẩm thơ Phạm Ngọc Thái




Váy thiếu nữ bay để ngỏ
Một khoảng trời nghiêng ngửa bên trong
Gió réo rắt, nắng bồn chồn hơi thở
Tìm vào chỗ ấy của em...
 
Bờ bãi con người em trổ hoa trái ngọt
Đến đế vương cũng khum gối cầu mong
Váy thiếu nữ bay lộ một lâu đài, điện ngọc
Nơi sự sống nhân quần tiến h0á muôn năm...
 
Váy thiếu nữ bay mang cả hồn thời đại
Mênh mông bầu trời, say đắm thế gian
Có phải đó khúc quân hành nhân loại?
Em giữ trong mình nguyên thủy lẫn văn minh.
 
Váy thiếu nữ bay để thấy đời còn có lý!
Sự sống anh cùng nhân thế tồn sinh
Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất
Khởi điểm cho các luồng chính trị tỏa hào quang...


Phạm Ngọc Thái

 
Có nhà thơ nào đã ví "cái" của người thiếu nữ như một cổng trời, qua cổng trời đó là vào một động thiên thai. Hay như cách tả của bà Hồ Xuân Hương về của quí của chị em mới thật là trăm hình vạn trạng, nhiều bài làm ta phải sởn gai óc. Thí dụ trong bài "Động Hương Tích":

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom

Khi thì bà mượn cái quạt để tả về "chỗ ấy":

Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa...


Giờ ta đến với thơ của Phạm Ngọc Thái ở bài"váy thiếu nữ bay", anh đã ví cái của em như:


Một khoảng trời nghiêng ngửa bên trong
Đến thiên nhiên cũng phải ngưỡng mộ mà run rẩy:
Gió réo rắt, nắng bồn chồn hơi thở
Tìm vào chỗ ấy của em...
 
Cũng đúng thôi, ngay cả trái tim người khi cảm xúc còn rung động huống hồ thiên nhiên? Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây, viết ra câu thơ như thế quả là tác giả đã mạnh bạo. Từ câu trước dùng hình tượng rất gợi cảm "gió réo rắt, nắng bồn chồn", đến câu sau chuyển ngay sang cách nói có hơi hướng trần tục: Tìm vào chỗ ấy của em.../- đọc lên ta thấy gai gai giật mình, nhưng ngẫm kỹ lại thì sướng thơ. Chính viết thế đã tạo thêm sự hấp dẫn, dần dần thấy hay. Có phải chăng đó cũng là một thi pháp trong thơ hiện đại để sáng tác thơ vào lòng bạn đọc? Riêng tôi cho rằng viết thế là thích.

Sang đến khổ thứ hai thì thơ bắt đầu mang theo tính triết lý:

Bờ bãi con người em trổ hoa, trái ngọt
Đên đế vương cũng khum gối cầu mong


Trong nhân sinh quan ta thấy rõ ràng nhà thơ đứng về phía nhân gian, ca ngợi tình yêu sự sống ở chốn cộng đồng. Câu thơ: Bờ bãi con người em trổ hoa trái ngọt/- Nghĩa là vậy. Ta thường nói, sở dĩ tác phẩm của Nguyễn du sâu sắc, bất hủ... bởi Người đã có hàng chục năm phải sống lăn lộn nơi dân dã, thấu hiểu nỗi tình kiếp chúng sinh mà viết nên... Kiều! Tôi nghĩ một quan điểm rất cơ bản trong thi ca chính là thái độ nhân sinh và thế giới quan của nhà thơ như thế nào? nó có ý nghĩa rất quyết định tới tấm vóc của một bài thơ hay cũng như các tác phẩm văn học nói chung.

Xin trở lại bài Váy Thiếu Nữ Bay. Câu thơ vừa nói trên ý rằng, ở nơi "bờ bãi con người..." đó em như hoa trái của sự sống. Sự sống mà không có hoa trái thì chẳng có gì hết, sẽ chỉ như là cái xác chết. Sau đó để làm rõ hơn về giá trị bất hủ, nhà thơ viết: Đến đế vương cũng khum gối cầu mong/- Vậy là hơn một lần nữa tác giả lại bộc lộ quan điểm: cái ấy của em còn cao hơn, đáng giá hơn hàng bậc đế vương kia!

Sau đó nhà thơ vẫn tiếp tục miêu tả nhưng ở mức độ rộng cao hơn:

Váy thiếu nữ bay lộ một lâu đài. điện ngọc
Nơi sự sống nhân quần tiến hoá muôn năm...

Dùng hình tượng ví như "lâu đài, điện ngọc" ta cũng dễ hiểu. Cụ Nguyễn Du cũng đã chẳng từng ví của Kiều:

Dày dày sắn đúc một toà thiên nhiên

Còn về ý nghĩa tiến hóa vạn vật trong vũ trụ hay của thế giới nhân quần, khởi thủy và muôn năm cũng là ở trong cái ấy mà ra cả. Sự sống của nhân loại cũng như văn minh, tiến bộ thế giới... đều phải bắt đầu từ đấy, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Còn tác giả muốn mượn cách nói như thế để hàm ý những gì nữa thuộc trong lĩnh vực chính trị xã hội... thì có lẽ rồi đây đời cũng còn cần phải bàn thêm?

Nghĩa là câu thơ: Nơi sự sống nhân quần tiến hóa muôn năm/- đã mang theo cả ý nghĩa xã hội và tính vũ trụ của thi ca. Sang khổ thơ thứ ba:

Váy thiếu nữ bay mang cả hồn thời đại
Mênh mông bàu trời, say đắm thế gian


Cái mà đã dấu trong chiếc váy bay của người thiếu nữ lại bao trùm lên cả hồn thời đại, làm say đắm thế gian...không phải chỉ bây giờ, mà từ xa xưa đến mai sau vẫn thế. Rồi tác giả buông ra một câu hỏi:

Có phải đó khúc quân hành nhân loại?

Để anh chốt lại trong câu thơ kết đoạn:
Em giữ trong mình nguyên thuỷ lẫn văn minh


Thì từ thuở thiên thai khi mà người đàn bà còn chưa biết mặc váy, cái đó đã có rồi. Tất nhiên nó mãi mãi là một bích phẩm bất hủ nhất của cả tạo hoá lẫn xã hội con người. Cho dù tác giả không dụng ý nhưng thơ đã mang màu triết học, nghĩa những câu thơ kết vào nhau rất chặt chẽ.

Sang khổ thơ cuối cùng của bài tác giả đã tung ra một lời phán quyết, dĩ nhiên bằng ngôn ngữ thi ca:

Váy thiếu nữ bay để thấy đời còn có lý!
Sự sống anh cùng nhân thế tồn sinh
Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất
Khởi điểm cho các luồng chính trị toả hào quang...

Câu thơ cuối đã khoá lại toàn bộ bài thơ. Chính nó mang theo một lời triết lý có ý nghĩa xã hội, hàm ý về một phủ định nào đó? Nhà thơ phản ứng lại những tà đạo hoặc giả tạo về mặt chính trị còn đang ẩn trong thể chế xã hội mà viết như thế chăng? Xin lần lượt phân tích đôi nét. Bước đầu tác giả đưa ra một sự lý giải về sự sống:

Sự sống anh cùng nhân thế tồn sinh 
Nghĩa là từ cá nhân tới xã hội phải nhờ có "cái ấy" mới có thể tồn tại và phát triển. Tất nhiên cách nói trong thi ca cũng chỉ có ý nghĩa biểu tượng. Như tôi đã nói trên, hàm ýthi ca Phạm Ngọc Thái trong bài thơ này luôn luôn mang theo tính phản biện có ý nghĩa xã hội. Cũng có số người cho rằng: "Phạm Ngọc Thái hơi cực đoan" - Tôi không biết quan niệm về anh như thế đã đúng chưa?... Nhưng có lẽ đó cũng là một điểm xuất phát để tạo nên ý nghĩa tột đỉnh trong tình thơ này của anh! Tác giả đã phát triển sự biện luận ấy thế nào: Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất/- Nói là phàm tục, cũng là phàm tục. Nhưng nếu nói "cái đó" thiêng? thì rõ ràng cũng có ý nghĩa thiêng. Chẳng thế mà nhà thơ Nga M.Lermôntốp đã viết những câu thơ bất hủ về tình yêu với người đàn bà:

Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ.

Bởi vì với ý tưởng chân chính lòng ham muốn cái đó là đỉnh cao của sự thăng hoa tột cùng trong tình yêu con người. Cái hạnh phúc vô giá, niềm đam mê vô tận, nó vừa tạo nên những sướng vui đồng thời cũng là nguồn gốc của nỗi đau khổ. Nó mang đến ý nghĩa thánh thiện, đức nhân ái và bao dung. Nó chính là hạt nhân của tình lứa đôi. Cho nên Puskin đã nói một câu nổi tiếng, rằng: "Chỉ có tình yêu mới đẩy lùi tội ác"! Ý nghĩa đều nằm trong câu thơ Phạm Ngọc Thái đã viết:

Dù dung tục vẫn thánh tiên bậc nhất

Ở đây tác giả cũng chỉ nhấn mạnh về tình yêu gái trai nơi nhân gian, mà anh gọi là "bờ bãi con người...". Như trên đã nói, câu cuối cùng đã chốt lại cả bài thơ:


Khởi điểm cho các luồng chính trị toả hào quang...

Đó là ngòi bộc phá nổ để bảo vệ cho toàn bộ ý tưởng, sự biện luận đến các hình tượng của bài. Nào là: Váy thiếu nữ bay mang cả hồn thời đại, Nơi sự sống nhân quần tiến hoá muôn năm, Mênh mông bàu trời say đắm thế gian, Một khoảng trời nghiêng ngửa hoặc Váy thiếu nữ bay lộ một lâu đài điện ngọc - Chỉ để bảo vệ một chủ thuyết của tác giả là ca ngợi cái kiệt tác mà tạo hoá hay thượng đế đã sinh ra trên người đàn bà!

Thì từ khi có vũ trụ cùng thế giới con người đến nay, đã có cái gì được coi là cao hơn, vĩ đại hơn cái của đàn bà ấy đâu? Dù nhân loại có tiến triển đến hàng triệu năm nữa, nó vẫn vĩ đại nhất! Cho nên một bài thơ hoàn hảo, đầy đủ phẩm bích để ca ngợi về cái kiệt tác của thượng đế ấy, hẳn đó phải là một tuyệt phẩm hay một tuyệt tác thi ca!

"Váy thiếu nữ bay" xứng đáng là một đài thơ. Tôi tin nó sẽ trở thành một thi phẩm không kém phần bất hủ trong thế giới thi ca của văn đàn./.



Nguyễn Đình Chúc
Nguồn: http://www.nhuygialai.com
(blog: Phố núi và bạn bè...)


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên