Một câu chuyện hài vừa diễn ra trước Quốc hội. Ấy là sau 3 năm thực hiện “tinh giản biên chế”, chúng ta có được một kết quả: Giảm 28 ngàn. Tăng 69 ngàn. Tức là kết quả của “phép trừ tinh giản” là một con số gấp 148% số trừ.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình có lần khẳng định: “Tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%". Ảnh minh họa
Chưa hết, sau khi sắp sếp bộ máy, “Phép trừ tinh giản” cho ra kết quả: Giảm được 4 bộ, trong khi số tổng cục từ con số 82 tăng lên thành 110.
Nhớ nửa năm trước, trong một hội nghị về tinh giản biên chế của chính ngành nội vụ, người tiền nhiệm của Bộ trưởng Bình là ông Trần Văn Tuấn đã “chiết tự” như sau: “Phát biểu bên ngoài thì người ta dùng "giảm biên chế", nhưng tại các diễn đàn thì nói "tinh giản biên chế", nghĩa là có giảm có tăng, người nào không đáp ứng yêu cầu thì giảm, nhưng khi cần tăng vẫn phải tăng”.
“Trước ta cứ nói giảm 30%, nhưng chuẩn giảm không có, chỉ là sốt ruột, thấy đông thì bảo giảm. Nhưng tại sao đông thì cũng không ai lý giải” - ông Tuấn nói thêm.
Ra là chuyện tìm người kém để giảm, nhưng khó tìm quá. Bởi chính Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình có lần khẳng định như đinh đóng cột “tỉ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%”.
Mở ngoặc nói thêm, trước câu hỏi về con số 30% công chức cắp ô, Bộ trưởng giải thích: “Đây không phải ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hôm qua, trước khi đi nước ngoài công tác, Phó Thủ tướng cũng nói lại với chúng tôi là có ý kiến cho là như vậy. Tôi cho rằng đây là phản ảnh, kiến nghị, mong muốn cần đổi mới công vụ, công chức nhiều hơn”.
Như thế là chỉ 1% không hoàn thành nhiệm vụ, vậy thì bói đâu ra 29% nữa mà đặt chỉ tiêu giảm 30%?
Và kết quả tinh giản được Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích là “Tăng do nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực cần tập chung chuyên sâu để đảm bảo nhiệm vụ, đảm bảo cơ cấu”.
Nhưng như thế phải là “tinh tăng” chứ đâu phải “tinh giản”!
“Phép trừ tinh giản” của chúng ta đang diễn ra trong hoàn cảnh dường như ai, bộ ngành, địa phương nào cũng nghĩ đó là “chuyện của hàng xóm”. Chính cựu Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã nói tới “cái đà” là “các tỉnh đều "phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương", nghĩa là tách phần nông thôn thành một tỉnh khác, là lại tăng tiền và bộ máy, trong khi kinh tế chưa chắc đã lên”. Còn các cơ quan đơn vị thì luôn nhiều cái lý. Cái lý nào cũng thấy hợp lý.
Thật trùng hợp, phiên chất vấn về đội ngũ cán bộ có quá nhiều khoảng lặng giữa các nhịp trả lời của Bộ trưởng. Rất nhiều điệu cười của ĐBQH. Chủ tịch QH liên tục nhắc Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi. Cử tri đếm hết một bàn tay chưa hết những “sẽ nghiên cứu”, “sẽ có hướng dẫn”, “sẽ ban hành”, “trong thời gian tới”. Còn Bộ trưởng ê a thủng thẳng trả lời theo kiểu “nói có đầu có đuôi một chút” (đến nỗi ĐBQH Danh Út sốt ruột bảo rằng “Nghiên cứu 2 năm là đủ rồi”).
Nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn có lần bảo “Cứ bảo xác định vị trí việc làm là khó, nhưng một thủ trưởng không biết cơ quan mình cần bao nhiêu người thì làm thủ trưởng làm gì”. Và ông nói đùa: “Không biết tinh giản ai thì có khi người ta giảm anh trước”.
Phiên chất vấn đã không vô ích. Đồng bào cử tri, nhân đó, cũng nhận ra nhiều điều. Rằng muốn tinh giản thực sự là một phép trừ toán học, có thể, cần phải tinh giản ngay hai chữ tinh giản. Và rằng lời ông Tuấn đáng lẽ không phải là một câu nói đùa.
Lao Động
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!