Ai đã từng một lần ngồi trên máy bay lượn một vòng chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Vinh hoặc vào ngày đẹp trời lên đỉnh núi Quyết ở TP. Vinh hay núi Đại Huệ ở Nam Đàn nhìn về phía biển sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh “độc nhất vô nhị”. Vùng đất Cửa Lò với hai đầu có hai cửa biển, sông Cấm phía Bắc và sông Lam phía Nam bao bọc ôm trọn.
Nếu như phía Bắc là con rồng núi thì phía Nam là con rồng xanh nước sông Lam. Cả hai rồng đều nhả ngọc phun châu thành các đảo ven bờ như đảo Lan Châu, Song Ngư, đảo Mắt... Bởi vậy, các nhà phong thủy từ xưa đã gọi vùng đất này là đất “lưỡng long chầu” đồng thời cũng là “lưỡng long tranh châu”; nét đặc biệt là cả rồng sơn rồng thủy cùng tranh châu, nhả ngọc, thật là sơn thủy hữu tình.
Nếu như phía Bắc là con rồng núi thì phía Nam là con rồng xanh nước sông Lam. Cả hai rồng đều nhả ngọc phun châu thành các đảo ven bờ như đảo Lan Châu, Song Ngư, đảo Mắt... Bởi vậy, các nhà phong thủy từ xưa đã gọi vùng đất này là đất “lưỡng long chầu” đồng thời cũng là “lưỡng long tranh châu”; nét đặc biệt là cả rồng sơn rồng thủy cùng tranh châu, nhả ngọc, thật là sơn thủy hữu tình.
Ta hãy quan sát con rồng núi ở bờ Bắc sông Cấm có đuôi dài tới núi Mộ Dạ, nơi có đền Cuông thờ Thục An Dương Vương, tương truyền xưa có đàn chim phượng hoàng (chim công) về đậu rất nhiều. Núi rồng này từ xưa dân gian gọi là Rồng Xá Hải “Vênh râu nhả ngọc phun lộc nước”, không chỉ “nhả ngọc” thành đảo Lan Châu (tức Lèn Chu) mà còn nhả ngọc thành nhiều ngọn núi lớn nhỏ xung quanh đầu rồng, hai bên cửa Cấm được dân gian từ lâu đời đặt thành tên như núi Cờ, núi Kiếm, núi Áo, núi Mão, núi Bảng, hòn Thỏi Mực, núi Voi, núi Ngựa... Những ngọn núi mang dáng dấp và hào khí của những văn thần, võ tướng tạo nên một vùng văn hóa được đúc kết trong bốn chữ “nhân sơn quần tụ”. Dân gian bao đời đều tin rằng, với mảnh đất “nhân sơn quần tụ, lưỡng long chầu" không chỉ là “thắng địa” mà còn là “địa linh tất sinh nhân kiệt”. Và thực tế lịch sử đã sản sinh trên mảnh đất này bao võ tướng, văn thần, danh y... họ là những con người kiệt xuất. Vì thế cũng từ lâu vùng đất này còn được mệnh danh có những con người “văn dành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học hiếm nơi nào sánh kịp”. Về văn, riêng hai làng cạnh nhau là Đặng Điền (Nghi Xuân) và Đông Hải (Phúc Thọ) đã có hai vị đậu Song nguyên Hoàng giáp là Phạm Nguyễn Du và Nguyễn Ngọc. Làng Vạn Lộc có Tiến sỹ Nguyễn Huy Nhu, Phó bảng Hoàng Văn Cư; làng Thu Lũng có Phó bảng Vũ Văn Cầu, cùng nhiều hương cống, cử nhân khác. Những văn thần này đều để lại nhiều áng văn chương tuyệt bút. Còn võ tướng ở đất này cũng thật đặc biệt, mà nổi bật nhất là hai cha con Cương Quốc Công Nguyễn Xí, bậc khai quốc công thần triều Hậu Lê và có công lớn tạo lập nên vương triều Lê Thánh Tông rực rỡ nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến nước ta. Con trai đầu Cương Quốc Công là Đô đốc, Phò mã Nguyễn Sư Hồi được phong chức Trấn thủ thập nhị hải môn từ Thanh Hóa vào tới Thuận Hóa. Cả hai cha con đều có công chiêu tập đân nghèo và tù binh thua trận về khai khẩn vùng đất Cửa Lò và đều được dân các làng tôn làm Thành Hoàng. Tiếp nối Nguyễn Sư Hồi còn có Đô đốc thủy binh Phùng Phúc Kiều ở làng Thu Lũng, Chánh quản cơ Lê Minh Phượng ở làng Vạn Lộc...cũng là những danh tướng được các làng lập đền thờ. Đặc biệt, cùng ở làng Cổ Đan có hai con người ở hai thời khác nhau nhưng đều nổi tiếng văn võ song toàn hiếm có. Người thứ nhất là Hương cống Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh, người từng theo giúp triều Tây Sơn phù Lê diệt Trịnh phía Bắc, đánh đuổi chúa Nguyễn ở phương Nam lừng lẫy một thời… Người thứ hai là “Đông Hải đại tướng quân” Hoàng Phan Thái dựng cờ nghĩa “quyết đánh cả triều lẫn Tây” từ buổi đầu Pháp sang xâm lược nhưng việc nghĩa chưa thành.
Về y học thật hiếm có nơi nào như Cửa Lò lại có nhiều vị thái ngự y, danh y đến thế, tiêu biểu như thái ngự y Phạm Văn Du, Hoàng Nguyên Lễ, Hoàng Nguyên Cát... đều được lập đền thờ và để lại nhiều tác phẩm y thuật trứ tác cho hậu thế. Đất và người Cửa Lò không chỉ có vậy. Thời vua Lê Chân Tông, một người con gái họ Hoàng tài sắc vẹn toàn sinh ra trên vùng đất này được vời vào cung và được chọn làm Hoàng hậu, không may nhà vua sớm băng hà nên bà trở về quê quán giúp đỡ dân làng mở mang nghề nghiệp, tôn tạo đền chùa, tạo lập cuộc sống nên bà được nhiều làng ở Cửa Lò lập đền thờ như đền Diên Nhất làng Văn Trung, dền Thu Lũng...thờ phụng cùng các vị thần Thành Hoàng khác. Vậy là Cửa Lò không chỉ có nhiều văn thần, võ tướng, danh y...mà còn mang nét quý tộc bởi có cả Hoàng hậu, phò mã, công thần quốc thích trong suốt chiều dài lịch sử.
Lại nhắc tới con rồng xanh phía Nam Cửa Lò là sông Lam được nhà vua thi sỹ Lê Thánh Tông trong một lần dong thuyền rồng qua cửa Đan Nhai (tức Cửa Hội) để lại câu thơ đầy hào sảng và thi vị: “Thanh long triều trướng thủy liên thiên” (Nghĩa là: sông Lam như con rồng xanh khi triều lên nước liền trời). Không hẳn đến thời vua Lê Thánh Tông, sông Lam mới được đặt tên mới là Thanh Long Giang mà trong dân gian đã truyền tụng từ lâu, đôi bên sông Lam đã xuất hiện nhiều giai thoại về các thầy địa lý giỏi mà tiêu biểu là Thánh địa lý Tả Ao (huyện Nghi Xuân). Sông Lam cùng với núi Hồng đã thành biểu tượng của xứ Nghệ từ xưa, nhưng có một điều chỉ có ai quan tâm tới phong thủy mới để ý, đó là dọc theo sông Lam, con rồng xanh có đuôi dài sang tận bên Lào này có biết bao dãy núi ôm bọc lấy thân rồng. Chỉ tính từ Đông lên Tây, từ đảo Mắt, đảo Ngư, núi Quyết, Đại Huệ, Thiên Nhẫn, Hùng Sơn... đã tạo thành một “đội hùng binh” đứng thẳng hàng canh giữ uy nghiêm, trầm mặc. Bởi thế trên đất xứ Nghệ thời nào cũng có nhân tài kết phát, đặc biệt là những vĩ nhân làm nên lịch sử, có thể chuyển vần thế cuộc hoặc chiếm lĩnh đỉnh cao nghệ thuật của nước nhà như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương... Từ Khe Nước Lạnh tới Đèo Ngang có biết bao làng khoa bảng, mà đôi bờ sông Lam nơi tụ khí thiêng sông núi nơi đây là đậm đặc nhất về khoa bảng. Cửa Lò là rất điển hình cả về mọi mặt, nhất là rất đậm đặc các di tích LS- VH như đền, chùa, miếu mạo. Nhiều làng như Vạn Lộc, Yên Lương, Thu Lũng, Văn Trung... có tới 3-4 di tích đến nay còn được bảo tồn. Bên cạnh các đền miếu thờ thần, Cửa Lò còn có nhiều chùa thờ Phật kết hợp phối thờ thần sông nước như chùa Lô Sơn dưới chân núi Lò, chùa đảo Ngư...
Trong nhiều nét đặc biệt của vùng đất Cửa Lò, tôi đặc biệt ấn tượng về các loài hoa nở vào dịp cuối Xuân ở Cửa Lò như bức thông điệp cho mùa lễ hội, mùa du lịch mới. Tôi cứ ngỡ loài hoa Cúc biển do cựu hoàng Bảo Đại mang từ nước Pháp xa xôi về đây được xem là loài hoa đặc trưng của Cửa Lò và cũng chỉ có ở Cửa Lò. Vậy mà trong một lần ra viếng chùa đảo Ngư, tôi thật sự ngỡ ngàng khi được ngắm từng chùm hoa Mưng (còn gọi Lộc Vừng) rủ xuống trước chùa, soi bóng xuống giếng chùa. Và cứ thế năm nào tôi cũng ước ao được một lần ra đảo Ngư cốt để viếng chùa và ngắm hoa Mưng nơi đây. Cũng vào tiết cuối Xuân, nếu bạn đến các di tích LS-VH ở Cửa Lò như đền Cương Quốc Công, đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, đền Yên Lương, đền Thu Lũng, đền Diên Nhất, chùa Lô Sơn... sẽ dễ dàng nhận ra di tích nào cũng có nhiều hoa mưng, hoa gạo, hoa xoan. Đó là những loài hoa đã cùng đất và người Cửa Lò đi suốt chiều dài lịch sử, dầu dãi qua biết bao giông bão nắng mưa, nhọc nhằn gian khó, trở thành “chứng tích” cho phẩm chất, cốt cách của vùng “địa linh” này. Ngay cả các loài hoa mộc mạc mà thanh khiết này cũng có sự hội tụ đầy tính nhân văn và lãng mạn ở vùng đất Cửa Lò như báo hiệu và mời gọi một mùa du lịch mới.
Từ một vùng đất hoang sơ kẹp giữa hai cửa biển đầy nắng gió, chỉ chưa đầy hai chục năm, Cửa Lò đã thành đô thị du lịch biển như hôm nay quả như có phép thần kỳ. So với nhiều điểm du lịch nổi tiếng cả nước, Cửa Lò giống như “nàng công chúa ngủ quên” một giấc dài, nhưng khi bừng thức muộn lại nhanh chóng “lột xác”. Tốc độ đô thị hóa của Cửa Lò thật nhanh. Nhưng dù đô thị hóa nhanh, du lịch Cửa Lò vẫn lấy loại hình du lịch văn hóa làm thế mạnh của mình bởi chứa đựng trong mình một bề dày văn hóa thật hiếm có, đó là vùng đất “nhân sơn quần tụ, lưỡng long chầu”.
Từ một vùng đất hoang sơ kẹp giữa hai cửa biển đầy nắng gió, chỉ chưa đầy hai chục năm, Cửa Lò đã thành đô thị du lịch biển như hôm nay quả như có phép thần kỳ. So với nhiều điểm du lịch nổi tiếng cả nước, Cửa Lò giống như “nàng công chúa ngủ quên” một giấc dài, nhưng khi bừng thức muộn lại nhanh chóng “lột xác”. Tốc độ đô thị hóa của Cửa Lò thật nhanh. Nhưng dù đô thị hóa nhanh, du lịch Cửa Lò vẫn lấy loại hình du lịch văn hóa làm thế mạnh của mình bởi chứa đựng trong mình một bề dày văn hóa thật hiếm có, đó là vùng đất “nhân sơn quần tụ, lưỡng long chầu”.
Mai Hồ Minh
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!