Từ khi tôi “đi theo Việt Minh” tức là xung phong vào bộ đội tình nguyện được mang danh là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trongnhững bài giảng của Chính trị viên, luôn có hai chữ “Đoàn kết”. Vâng, để chiến thắng những kẻ thù hung bạo, dã man vào loại nhất thế giới, với hai bàn tay không, nhân dân Việt Nam có một loại vũ khí mạnh tức là sự “đoàn kết”. Đoàn kết, theo Cụ Hồ dạy, tức là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công !!!”. Qua từng giai đoạn cách mạng, mà giai đoạn nào trên đất nước ta đềucó xương máu đổ ra không phải ít, lịch sử đã ghi lại những giai đoạn ấy một cách rõ ràng, mặc dù có thể theo chỉ đạo, những người viết sử chưa thể lột tả hết sự thật, nhưng dầu sao, dấu ấn lịch sử cũng đủ cho cả thế hệ sau những bài học thấm thía. Đoàn kết cũng có nhiều loại, đoàn kết theo sách lược để mưu cầu lợi ích cho một tầng lớp, cho một lợi ích nào đó, cũng có khi đoàn kết vì lợi ích của dân tộc. Nhìn lại cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thì sự đoàn kết dân tộc là vô song, có sức mạnh ghê gớm để cướp lấy thời cơ cho phép, huy động sức mạnh dân tộc tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước, trong khi không có ngân khố, không có vũ khí, quân đội mới ra đời chưa đầy một năm trong tay hầu như chỉ có vũ khí thô sơ. Vậy mà, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của một đảng chân chính, một lãnh tụ tài ba, chúng ta đã thành công vang dội, để có thể cho ra đời một quốc gia kiểu mới nổi danh không chỉ trong vùng Đông Nam châu Á mà sau này còn có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Đó là sự “đoàn kết” thực lòng, đoàn kết chân thành, đoàn kết vì lợi ích của quốc gia dân tộc. Chính nhờ phát huy thuộc tính đoàn kết ấy mà nhân dân ta, mặc dù phải chịu hi sinh hàng chục triệu người, vẫn kiên quyết chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài, giành độc lập tự do và thống nhất nước nhà. Cũng trong bối cảnh
bị lịch sử chia cắt, nhưng nhiều nước, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới thực hiện thống nhất quốc gia theo từng cách khác nhau. Duy nhất có Việt Nam là đoàn kết, chiến đấu và giành thống nhất đất nước bằng sự đoàn kết và hi sinh vô bờ bến. Các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo, chỉ huy cuộc kháng chiến trường kỳ 31 năm, chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc kéo dài thêm 10 năm, vẫn giành được thắng lợi cuối cùng. Trong lịch sử dân tộc Việt, nhiều triều đại ngày xưa cũng đã từng trải qua nhiều thời gian bị chia cắt non sông đất nước, có cuộc chia cắt kéo dài hàng trăm năm, cuối cùng thì nhờ đoàn kết đã thực hiện thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Những bài học lịch sử ấy ngày nay chưa đủ đểcác nhà lãnh đạo đất nước, kể cả người “được trao sứ mệnh thiêng liêng” là lãnh đạo Nhà nước và xã hội” vẫn chưa thực sự đoàn kết để sự nghiệp ấy đến thành công mang lại độc lập tự do hạnh phúc cho toàn dân tộc.
Khi đất nước có hoà bình (chứ chưa phải là thanh bình) xây dựng đời sống mới, người ta dễ dàng quên đi sự cần thiết của “đoàn kết” hoặc chỉ là sự “đoàn kết” giả vờ, thiếu tính trung thực và tâm huyết. Nhìn từ tầm vĩ mô, tầm quốc gia cho đến tấm quốc tế, khi “đoàn kết” bị sứt mẻ, đổ vỡ cũng là lúc báo hiệu nguy cơ tan rã của một tổ chức, một thể chế và dù có nói mạnh bao nhiêu, có “lên gân” thế nào thì sự “mất đoàn kết” cũng sẽ là nguyên nhân chính của sự tan vỡ, đôi khi không thể hàn gắn được nữa.
Nhờ biết đoàn kết, biết nhân lên sức mạnh đoàn kết, biết đoàn kết với các nhân sĩ trí thức, với các lực lượng có thể đoàn kết, chúng ta đã làm nên cách mạng tháng Tám 1945 thành công được thế giới ca ngợi và công nhận, được ghi những nét vàng son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Nhờ biết đoàn kết trong nước, chúng ta đã nhân lên sức mạnh của 54 dân tộc sống trên dải đất hình chữ “S”, và nhờ biết đoàn kết, đoàn kết thực lòng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các dân tộc và nhân dân thế giới trong cuộc kháng chiến vĩ đại kéo dài 31 năm để chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Thế thì tại sao, trong gần 40 năm có hoà bình thống nhất nước nhà, từ 1975 đến nay, đất nước lại có nhiều “vấn đề” đến như vậy. Đây là một thực tế khách quan, có nhiều rạn nứt mà chúng ta không thể làm ngơ hoặc cố tình che dấu, cố tình “lạc quan tếu” không đúng thực trạng của nó.
Quyết định thành bại dù lớn hay nhỏ cũng đều do lãnh đạo. Những người, những tổ chức có sứ mệnh lãnh đạo quốc gia, dân tộc hình như dần lãng quên sứ mệnh lịch sử của mình. Từng cá nhân trong bộ máy lãnh đạo cũng như trong tập thể lãnh đạo thiếu đi sự gương mẫu cần thiết, thiếu đi sự toàn tâm toàn ý, quên mất những bài học của tiền nhân là hi sinh tất cả vì lợi ích chung của dân tộc, sống “cá nhân chủ nghĩa” nặng nề, tự mình làm mất uy tín và giảm sút đổ vỡ lòng tin của dân chúng. Tại sao, chỉ sau mấy thập kỷ, từ chỗ chúng ta có thể tự hào về một lãnh tụ anh minh, thiên tài, một đảng tiên phong gương mấu dẫn đến một đảng “có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống” sinh ra rất nhiều tiêu cực và tệ nạn ngay trong hàng ngũ những người lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cao cấp. Trong đó có sự mất đoàn kết trong nội bộ các nhà lãnh đạo cao cấp và lây lan đến các cấp dưới mà cấp nào cũng có sự mất đoàn kết ngày càng sâu sắc. Phải chăng sự phai nhạt lý tưởng, sự không thống nhất mục tiêu, không thống nhất nhận thức về thời đại, về nội hàm chính trị và kinh tế xã hội, về nếp sống và cả về sinh hoạt hằng ngày mà dẫn đến mất đoàn kết làm giảm đi sức mạnh của tổ chức, của toàn dân. Ở đâu sinh ra chủ nghĩa cá nhân, ở đâu sinh ra việc làm giầu bất chính, ở đâu sinh ra tham nhũng, quan liêu, xa dân, coi thường dân ? Những nguyên nhân của nguyên nhân mà người chịu trách nhiệm chính không dũng cảm nhận trách nhiệm về mình thì “mất đoàn kết vẫn là mất đoàn kết”. Một khi con người dù ở cương vị nào cũng cần có thiện chí, cũng cần có sự học hỏi người khác, cũng cần biết hi sinh những cái thuộc về cá nhân có hại cho cộng đồng…thì mới mong có sự đoàn kết chân thành để đi đến thành công dù lớn hay nhỏ.
Trong giai đoạn hiện nay, nhân dân Việt Nam ta nhận thức được những bài học lích sử quý báu, vẫn có thể phải thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (tốt nhất là nên đổi tên thành Đảng Lao động như hồi nào Cụ Hồ đã đổi), nhưng không phải chấp nhận sự lãnh đạo bất kỳ bằng giá nào. Con người chứ không phải đàn cừu. Bất kỳ một cấp nào, một tổ chức nào thậm chí một gia đình nào, nếu đoàn kết không chặt chẽ, không chân thành, không có sự thương yêu thật sự thì “đoàn kết” ấy chỉ là hình thức, đoàn kết cho có vẻ đoàn kết mà thôi. Ngay một tổ chức đảng ở cơ sở xã chẳng hạn, một ban lãnh đạo đảng có 15 người (trình độ mọi mặt không giống nhau), lứa tuổi cũng không đồng đều, lại mỗi người một nhận thức xã hội khác nhau, tinh thần trách nhiệm khác nhau, quyền lợi khác nhau, chia chác khác nhau, luôn xảy ra cãi cọ, mất đoàn kết. Thậm chí một uỷ viên Ban thường vụ chỉ vào mặt Bí thư mà chửi bới thậm tệ, sau đó không ai thèm nhìn mặt ai nữa. Vậy thì Ban thường vụ này làm sao có thể có sức mạnh đoàn kết lãnh đạo một xã 10.000 dân được. Từ một cơ sở có thể suy ra nhiều cấp, nhiều ngành. Nguy cơ mất đoàn kết hiện nay là có thật và cũng là một trong những nguyên nhân làm “suy thoái” đạo đức và lối sống của đội ngũ lãnh đạo.
“Mất đoàn kết sinh ra những vỏ bọc kiên cố cho mỗi cá nhân, sinh ra sự đối phó hằng ngày, sự để ý hằng ngày, sinh ra chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, sinh ra vô cảm, vô trách nhiệm với cộng đồng. Mất đoàn kết sinh ra quan liêu, hống hách, ức hiếp dân, sinh ra thói xấu lười học tập, không chịu lắng nghe, cái gì cũng cho là mình “nhất” xa lánh mọi người, xa lánh lẽ phải, sống liều lĩnh, thậm chí tự huỷ hoại tổ chức mà mình bấy lâu gắn bó.
Chúng ta bình tâm một chút nhìn lại mình, nhìn lại tổ chức lớn nhỏ của mình xem có mất đoàn kết không, xem đoàn kết giả vờ hay đoàn kết thực chất, xem đoàn kết chân thành hay giả dối, lừa lọc, lấy lòng…Ôi, cuộc đời chung và cuộc đời riêng có nhiều phức tạp thế đấy./.
Đoàn Vương Thanh
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!