Powered By Blogger





Tuesday, 8 October 2013

Lãnh tụ Yosif Stalin: Người chiến sĩ gang thép









Yosif Visarinovich Stalin sinh ngày 21/12/1879 tại thành phố nhỏ Gori ở Gruzia trong một gia đình người thợ giày. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, từ thời là sinh viên trường dòng của thành phố Tbilisi. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã 8 lần bị bắt, nhưng cả 8 lần ông đều vượt ngục thành công trở về hoạt động.

Là một nhân vật lịch sử vĩ đại trong một thời đại bề bộn sự kiện và chất chứa thử thách nên Stalin không thể là một người có thể được đánh giá một cách đơn giản. Nhân loại đã tốn không ít giấy mực để viết về ông. Không lâu trước khi mất, Stalin đã tiên đoán với Vyacheslav Molotov, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô lúc đó rằng: "Sau khi tôi mất đi, chắc sẽ có nhiều kẻ đổ rác trên nấm mồ của tôi, tuy nhiên, các cơn gió lịch sử sẽ quét sạch chúng đi".

Học hỏi không ngừng

Trong nghị quyết của Đoàn Chủ tịch BCH TW Đảng Cộng sản Nga về kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Stalin có đoạn: "Gắn bó cùng tên tuổi Stalin là những trang có giá trị nhất trong lịch sử của Tổ quốc chúng ta. Sự nghiệp công nghiệp hóa, tập thể hoá và những thăng hoa văn hóa của đất nước đã biến nó trở thành một trong những cường quốc chủ đạo trên thế giới, minh chứng sự đúng đắn của lời mà Stalin đã khẳng định về khả năng chiến thắng của chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia riêng lẻ…".

Yosif Visarinovich Stalin (tên thật là Dzhugashvili) sinh ngày 21/12/1879 tại thành phố nhỏ Gori ở Gruzia trong một gia đình người thợ giày. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, từ thời là sinh viên trường dòng của thành phố Tbilisi. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã 8 lần bị bắt, nhưng cả 8 lần ông đều vượt ngục thành công trở về hoạt động.

Stalin, như trong nghị quyết của Đoàn Chủ tịch BCH TW Đảng Cộng sản Nga, đã luôn luôn cố gắng trau dồi và tu dưỡng bản thân: "Ông nghiên cứu bộ "Tư bản", "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" và các công trình khác của Marx và Engels, tìm hiểu các tác phẩm của Lenin. Các mối quan tâm của ông cực kỳ sâu rộng: ông nghiên cứu triết học, kinh tế chính trị học, lịch sử, các môn khoa học tự nhiên, đọc các tác giả văn học kinh điển, làm thơ. Với những nỗ lực không ngừng như thế, Stalin đã trở thành một người Mácxít có học vấn cao.

Và ngay từ những bước đi đầu tiên trên con đường cách mạng, Stalin đã bộc lộ một bản lĩnh xuất chúng và một khả năng luôn cố gắng đạt được mục đích trong bất cứ tình huống phức tạp nhất nào. Biệt danh "Koba" (Bất trị) mà những đồng chí gần gụi trong hoạt động cách mạng bí mật đặt cho ông thể hiện rõ phong độ của ông.

Tự bản thân ông đã lấy bí danh hoạt động là Stalin (tiếng Nga có nghĩa là gang thép) từ năm 1912 khi ông được Lenin giao phụ trách tờ báo Sự thật. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông luôn trung thành và ủng hộ Lenin… Stalin cũng là một trong những nhà cách mạng đã sớm nhận thấy rõ thiên tài chính trị của Lenin và đã luôn luôn bảo vệ đường lối của Lenin trong mọi giai đoạn phát triển của cách mạng Nga Xôviết.

Và sau Cách mạng Tháng Mười, Lenin đã thuyết phục Stalin cùng với mình giải quyết những vấn đề quan trọng nhất trong chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Lenin đã dựa vào Stalin trong những nhiệm vụ phức tạp nhất và đánh giá cao khả năng xử lý công việc của Stalin. Theo đề nghị của Lenin năm 1922, Stalin đã trở thành Tổng bí thư BCH TW Đảng và sau khi Lenin qua đời, đã hơn 30 năm là nhà thiết kế và xây dựng hàng đầu của cường quốc vĩ đại có cái tên Liên bang Xôviết…

Chính trong khói lửa của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Stalin đã đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn, đào tạo và tiến cử lên những vị trí quan trọng nhất những cán bộ lãnh đạo quân sự mới. Trong số này là những danh tướng lẫy lừng như Zhukov, Rokossovsky, Koniev, Valisilievsky, Malinovsky, Antonov, Bagramian… Đây là một công lao lớn trước quốc gia Xôviết.

Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch BCH TW Đảng Cộng sản Nga về kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Stalin cũng nêu rõ: "Con đường không đơn giản của những người đi khai phá đã có những sai lầm và lệch lạc kèm theo. Chúng nảy sinh bởi những điều kiện của một cuộc đấu tranh khốc liệt không khoan nhượng với thù trong và giặc ngoài. Lịch sử đã dành cho Liên bang Xôviết một thử thách khắc nghiệt để tồn tại vững vàng mà trong đó chỉ có một lối thoát là ai thắng ai. Hơn thế nữa, đã nảy sinh câu hỏi về số phận của nền văn minh nhân loại".

Không thể bác bỏ

Đến tận những năm đầu của thế kỷ XXI, các đánh giá về Stalin ở các nơi khác nhau vẫn khác nhau. Để cho khách quan, có lẽ ta trích lại phát biểu của một trong những nhân vật chống Cộng khét tiếng nhất thời Stalin còn sống: đó là Thủ tướng Anh Winston Churchill: "Nước Nga có hạnh phúc lớn là trong những năm chiến tranh, họ được dẫn dắt bởi vị tướng thiên tài, bất khả chiến bại Stalin. Ông là một nhân cách vĩ đại… Stalin là một con người có nghị lực phi thường, một trí tuệ và sức mạnh không gì lay chuyển được… Thậm chí kể cả với tôi, một chính khách lão luyện, trưởng thành từ nghị viện Anh cũng không thể cưỡng lại được. Sức mạnh tinh thần của ông quả là vĩ đại, độc nhất vô nhị trong số tất cả vĩ nhân của các dân tộc, các thời đại… Đây là con người biết cách dùng chính bàn tay của kẻ thù của mình để tiêu diệt chính kẻ thù của mình, buộc chúng tôi - mà người ta gọi là tư bản - chiến đấu chống lại chính các nước tư bản…".

Theo Phó Chủ tịch KPRF, TS sử học Ivan Melnikov, thời đại mà Stalin đứng trên vị trí lãnh đạo tối cao ở đất nước Xôviết đã có những thách thức lớn đối với Moskva và lớn nhất là thách thức: tồn tại hay không tồn tại quốc gia trong vòng vây đầy ác khí của chủ nghĩa tư bản thế giới?

TS Melnikov cho rằng, "một xã hội mới được giải phóng khỏi ách nô lệ và bóc lột, bị kiệt quệ bởi một cuộc nội chiến, đã làm thoát ra một nguồn dự trữ khổng lồ những năng lượng đã bị tích tụ lại". Và nếu như không phải Stalin là người cầm lái quốc gia thì "có thể bây giờ đã không còn đất nước của chúng ta".

TS Melnikov cho rằng, chính Stalin đã rất tích cực tham gia vào việc xây dựng hình thái thế giới hiện đại và "những thành tựu xuất sắc nhất của thời đại Stalin cho tới nay vẫn là điểm tựa của nước Nga bây giờ".

Theo TS Melnikov, Stalin là một trong những lãnh tụ ít ỏi của nước Nga vừa là người canh tân đất nước, vừa là người cách mạng, sánh ngang với Piotr Đại đế và Vladimir Lenin. TS Melnikov cho rằng, sự nuối tiếc của thế hệ lớn tuổi đối với Stalin và sự quan tâm của những thế hệ sau chỉ là sự nuối tiếc "một bàn tay cứng rắn" ở mức độ thấp mà chủ yếu là sự chờ đợi một tinh thần xây dựng sáng tạo.

Năm 2004, ông Vladimir Putin, lúc đó đang là Tổng thống Nga, đã nhấn mạnh rằng, sự tan rã của LB Xôviết là một thảm kịch dân tộc. Và càng ngày càng có nhiều người Nga đồng tình với ông Putin.

Trong cuộc trò chuyện trực tuyến mới đây với nhân dân Nga ngày 3/9/2009, trước câu hỏi: "Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Stalin, nhìn chung là tích cực hay tiêu cực", Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh: "Rõ ràng là từ năm 1924 tới năm 1953, khi Stalin lãnh đạo đất nước, thì đất nước đã thay đổi một cách căn bản: từ một nước nông nghiệp trở thành một cường quốc công nghiệp… Chúng ta đã giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Dù ai có nói gì đi chăng nữa thì chiến thắng cũng đã đạt được. Ngay cả nếu như chúng ta quay trở về với những thiệt hại thì cũng không thể có ai được quyền ném đá vào những người từng tạo dựng nên và đứng ở hàng đầu trên chiến thắng đó, vì rằng, nếu chúng ta bị thất bại trong cuộc chiến tranh, thì hệ lụy đối với đất nước chúng ta sẽ khủng khiếp hơn nhiều, đến mức không thể nào tưởng tượng được".

Không ngẫu nhiên mà tờ báo Anh The Guardian đã nhận xét, phương Tây không nên hỏi tại sao người Nga lại nghĩ như thế mà nên hỏi: Tại sao người Nga lại không có quyền nghĩ như thế? Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay đã càng chỉ làm nỗi hoài nhớ về một thực tế xã hội chủ nghĩa gia tăng ở nước Nga. Người dân Nga tôn vinh Stalin không chỉ vì họ muốn có những trắc trở an ninh nào đó đã xảy ra trong quá khứ mà họ cần một sự đảm bảo công ăn việc làm chắc chắn, một tình trạng đủ lương thực thực phẩm, lễ hội và cả cảm giác tự hào vì mình là công dân của một siêu cường từ phía nhà nước. Không ít người Nga cho tới hôm nay vẫn nghĩ rằng, để tạo dựng nên một thể diện quốc gia như trong thời Xôviết thì những mất mát hy sinh như đã phải trải qua là xứng đáng


Sỹ Hưng
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên