
Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ
rằng một trong những đề tài phong phú cho văn học là nỗi đau khổ của con
người, nhưng lại là đề tài ít được giới cầm bút khai thác. Nói “đau
khổ” ở đây, tôi không có ý đề cập đến những nỗi đau trừu tượng, triết
lí, kiểu như “thân phận lạc loài”, cô đơn, hoài niệm, bâng khuâng, v.v.
mà là sự đau khổ của thân xác do bệnh tật gây nên. Đó là những nỗi đau
gần gụi nhất với một cá nhân, là cái mà cá nhân con người có thể cảm
được, kinh nghiệm qua được. Ấy thế mà kiểm lại số lượng tác phẩm và tác
giả viết về đề tài này trong nền văn học Việt Nam, chúng ta thấy sự có
mặt của thể loại văn học này cực kì khiêm tốn. Ngoài trừ trường hợp của
Hàn Mặc Tử (hay ở một khía cạnh nào đó, Nguyễn Đình Chiểu), hầu như
không mấy ai phơi bày và gửi gấm nỗi đau khổ của thân xác và bệnh tật
trên trang giấy.

Trong số báo ra ngày 14 tháng Tư năm 1999, Tập san Hiệp hội Y khoa Mĩ (Journal of the American Medical Association)
công bố kết quả thử nghiệm về tác dụng của viết văn đến các triệu chứng
liên quan đến bệnh suyễn và viêm khớp xương [1]. Trong cuộc nghiên cứu
hi hữu này, các nhà nghiên cứu yêu cầu bệnh nhân viết văn khoảng 20 phút
mỗi ngày, trong ba ngày liên tiếp mỗi tuần. Các bệnh nhân được chia
thành hai nhóm: trong nhóm một, đề tài viết là những kinh nghiệm của
bệnh nhân trong việc đấu tranh chống trả với bệnh tật, hay những câu
chuyện mà bệnh nhân cho là căng thẳng trong cuộc sống của họ; trong nhóm
hai, các nhà nghiên cứu chỉ yêu cầu bệnh nhân viết ra những kế hoạch
làm việc trong ngày. Sau 4 tháng thử nghiệm, tình trạng sức khỏe của
bệnh nhân thuộc nhóm một trở nên tốt hơn một cách đáng kể, trong khi sức
khỏe của các bệnh nhân nhóm hai không thay đổi . Tác giả của công
trình nghiên cứu này cho rằng đây là một bằng chứng khoa học đầu tiên
cho thấy viết văn có tác dụng tích cực đến sức khỏe. Kết quả này gây cảm
hứng cho một nhà nghiên cứu khác viết một bài xã luận trên tập san y
học danh tiếng này.

Mặc dù so với lĩnh vực
nghiên cứu sinh học và lâm sàng, các nghiên cứu về mối liên hệ giữa viết
văn và sức khỏe vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, bằng chứng trong vòng một
thập niên qua cho thấy một cách nhất quán là việc thuật lại những câu
chuyện mang tính cách cá nhân hay đau buồn bằng viết văn hay bằng lời
nói có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất con người. Nhưng câu hỏi được đặt
ra ngay là “tại sao?” Tại sao viết văn có thể đem lại lợi ích cho sức
khỏe? Để giải thích mối liên hệ này, giới nghiên cứu y khoa có thể đề
nghị một số mô hình sinh lí liên quan đến mối tương ác giữa tinh thần và
thể xác con người, một mối quan hệ mà giới y khoa chính thống đã bỏ
quên trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, thay vì giải thích bằng mô hình
sinh lí học, tôi muốn đề nghị một mô hình khác liên quan đến chữ nghĩa
và triệu chứng của căn bệnh, đến cái có thể thấy được và cái không thể
thấy được, một mối quan hệ dựa vào y học và ngôn ngữ diễn đạt, huyền
thoại, và thể văn tường thuật trong việc trị liệu.
Ngôn ngữ và xúc cảm
Một giải thích có thể đề
nghị ra ngay là qua diễn đạt lại những xúc cảm người ta trở nên có ý
thức về sức khỏe hơn và từ đó thay đổi thái độ với thái độ và cách sống
hàng ngày. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào phù hợp với giả
thuyết này. Thực ra, một vài nghiên cứu cho thấy sau khi viết lại những
câu chuyện đau buồn trong đời người ta vẫn không thay đổi cách sống một
cách đáng kể. Người hút thuốc vẫn hút thuốc, người nghiện rượu vẫn tiếp
tục dùng rượu.
Một giả thuyết thứ hai là
viết văn tự nó là một việc làm tự mình phát biểu. Giới tâm lí học vẫn
tin rằng những biểu hiện bằng vũ điệu, nhạc, và mĩ thuật có giá trị trị
liệu. Tương tự, người ta có thể cho rằng quá trình viết văn là một hành
động tự biểu hiện của một cá nhân. Thực vậy, trong một nghiên cứu, mà
trong đó các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng những người diễn tả lại những
câu chuyện đau buồn bằng cách viết văn caocó mức độ bình phục nhanh hơn
so với những người diễn tả lại những câu chuyện đau buồn bằng tay chân.
Do đó, chỉ đơn thuần mô tả một kinh nghiệm bằng cơ thể không có hiệu
quả cho sức khỏe bằng cách mô tả những kinh nghiệm đó thành chữ viết.
Giả thuyết thứ ba về mối
liên hệ giữa viết văn và sức khỏe cho rằng viết văn là một quá trình
biến đổi những xúc cảm và hình ảnh vào ngôn từ, và chính cái quá trình
chuyển hóa này làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức của người viết về
những kinh nghiệm đó. Ở đây cần phải nói thêm là một phần của những nỗi
đau khổ của một cá nhân không hẳn do một sự kiện nào đó gây nên, mà còn
do chính phản ứng cảm tính của cá nhân đó trước sự kiện. Qua việc sắp
xếp các ý nghĩ và cảm tưởng, người ta có thể xây dựng hay tái xây dựng
câu chuyện một cách có hệ thống. Một khi câu chuyện đã được hình thành,
nó được tổng kết, dự trữ, và dễ quên sau đó.
(Còn nữa)
http://nguyenvantuan.net
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!