Đôi lời: Một vụ bạo hành trẻ em ở nhà trẻ, được báo Tuổi trẻ phơi bày, thế nhưng, tiếc rằng, cái cách mà báo này cùng nhiều tờ báo khác và vài cơ quan, đoàn thế nhao vào cuộc lại theo chiều hướng mà tất tật những câu chuyện tồi tệ ở xứ này trong nhiều năm nay vẫn được “mổ xẻ”.
Nghĩa là vẫn cứ nhìn cái ngọn, mà không lần tới căn nguyên, gốc rễ, và những kẻ yếm thế, có khi tuy là “thủ phạm” nhưng đồng thời cũng lại là nạn nhân của cả một hệ thống quái thai đẻ ra muôn vàn khốn đốn cho người dân, thì lại trở thành những con tốt thí để xoa dịu, đánh lạc hướng dư luận.
Xin được phác qua hình ảnh của vụ bạo hành này. Khởi đầu, với tình trạng cung cầu chênh lệch, đương nhiên nảy nở vô vàn nhà trẻ gia đình, không theo quy chuẩn của nhà nước.
Một nền giáo dục suy bại suốt hơn nửa thế kỷ qua, cùng một xã hội băng hoại đạo đức, pháp luật là của kẻ lắm tiền quyền, thì đương nhiên dễ nảy sinh đủ thứ phản giáo dục ở các cơ sở nuôi dạy này. Chẳng qua tất cả chỉ là “khuất mắt trông coi” mà thôi.
Kế đến, là trách nhiệm của ngành giáo dục và địa phương, gồm cả hàng tá các đoàn thể ăn hại đái khai tiền của dân. Chúng vô trách nhiệm và tham nhũng nhung nhúc, nên lờ đi để những cơ sở này tồn tại để kiếm chác, đương nhiên trong đó có cả nỗi bất lực và thái độ cảm thông. Mỗi khi xảy ra sự cố, thì lại lớn tiếng “chấn chỉnh”, “thanh kiểm tra” v.v.. vài bữa cho dư luận êm đi, rồi đâu vào đó.
Và lại chính những trò sách nhiễu, kiếm chác bẩn thỉu của đủ “các cấp các ngành, đoàn thể”, trên đầu của các cô, các trẻ, rồi bao nhiêu hiện tượng bạo hành, coi thường luật pháp của chính những “người nhà nước”, … cộng với kiến thức giáo dục còn hạn chế, cách dạy trẻ sai lầm của phụ huynh, đã góp phần gây nên áp lực, nuôi dưỡng hình thành nên hai “mẹ mìn” kia.
Họ “học” từ các vị đấy, những trò bạo hành kẻ thấp cổ bé họng hơn mình, các quan cách mạng ạ!
Nhưng chưa hết! Ngược lên trên nữa là hệ thống luật pháp và cơ quan thi hành luật, cũng đầy dẫy điều phi lý liên quan. Đám nghị gật, trong suốt lịch sử tồn tại của mình chưa nghị nào tự trình dự án luật riêng được, ấy thế mà vẫn sòn sòn đẻ ra hàng đống các luật, nhưng rất nhiều luật chỉ để “làm cảnh”, trong đó có Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em. Nói “làm cảnh” bởi vì người ta khởi tố, bắt giam mấy cô bảo mẩu kia, chỉ dựa vào Luật Hình sự, còn chẳng thấy cái “Luật trẻ em” này đâu cả. Nên nói cho công bằng, thì vội vã khởi tố, bắt tạm giam họ (cớ là để tránh khỏi bị người dân “trút giận”) là “quá tay”.
Rồi “tiếp tay” cho màn “thí tốt” là đám báo chí. Ngoài vài bài, vài tờ báo còn chút tỉnh táo đặt dấu hỏi sâu xa hơn, còn thì … dễ cho ta cảm giác một đám kền kền đang rỉa xác thối khi thấy cả chục nhà báo chĩa ống kính vào hai cô giáo tội đồ kia. Họ có nghĩ là chính cái cách đó cũng lại gây tác dụng ngược về giáo dục tới con trẻ hay không?
Vẫn phải ngược lên trên lần nữa, liên quan tới cả đường lối phát triển đất nước, mà trong một cuộc trao đổi bàn tròn mới đây tại TuanVietnam, ông Nguyễn Trần Bạt đã nêu được một nửa, đó là ham phát triển quá nóng, mà ông gọi là “chúng ta đi nhanh quá”, nên nảy sinh muôn vàn hệ lụy (lại một lần nữa “duy ý chí? Không hẳn!). Nửa kia quan trọng hơn nhiều ông không thấy hay không … dám nói, là phát triển méo mó, chỉ nặng về kinh tế, còn tất cả những gì về tri thức, pháp luật, quyền tự do của người dân thì … trói chặt. Đương nhiên đây là cách rất khôn ngoan để nuôi dưỡng những … dã thú, đám công an nào đó tra tấn ông Nguyễn Thanh Chấn và hai cô giáo kia là những “hàng VN chất lượng cao”.
Trở lại bài báo này, chỉ xin nói tới cái tựa “nhạy cảm”, nhưng đáng nghĩ.
Chuyện “lăng mộ”đâu phải chỉ mấy ông doanh nhân cuồng tiền, mà “sư phụ” của họ chính là các “ông nhà nước”, “ông đảng”; xây lăng mộ, đài tưởng niệm, khu lưu niệm v.v.. cho các vị chưa đủ, lại còn cho bố, mẹ nữa. Họ đang làm ô danh chính những người đang nằm dưới mồ đó, khi mà hàng vạn, hàng triệu trẻ em vẫn còn chưa có chỗ học hành cho tử tế.
BT DDXHDS
Ý kiến bạn đọc:
Bạo hành trẻ tại Thủ Đức: chỉ bảo mẫu có tội?
Những sĩ quan SS của phát xít Đức khi giết người Do Thái, những người lính Pol Pot khi bổ cuốc vào đồng loại, những người lính Nhật trong thảm sát Nam Kinh, lính Bosnia trong thanh trừng sắc tộc ở Nam Tư… tất cả đều cho rằng mình không sai, rằng mình làm theo lệnh cấp trên, rằng mình làm việc phải làm.
Tác gia Mỹ gốc Đức Hannah Arendt đã phân tích cho mọi người thấy con người sẽ man rợ thế nào khi cái ác trở thành việc thường nhật, trở thành cái phổ biến không đáng bận tâm. Một trong những điều thường trực trong đầu của những con người làm nên cái ác tận cùng này đều là tước bỏ tính người trong “đối tượng cần xử lý”; nói cách khác là họ từ bỏ tính thấu cảm (empathy) của mình để coi “đối tượng cần xử lý” không phải là đồng loại, để từ đó có những việc làm vượt ra khỏi các quy tắc đạo đức thông thường.
Với trường hợp hai cô bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) bạo hành các cháu bé vừa được phát hiện, tôi không cho là họ mất hết nhân tính dù rằng hành động của họ đáng lên án và phải bị pháp luật trừng trị. Đây có thể là một lựa chọn (rõ ràng là tồi tệ) để hoàn thành việc mình phải làm, và rõ ràng là có tính toán (các cháu bé không hề có thương tích bên ngoài).
Họ là kẻ thủ ác, sẽ bị pháp luật trừng phạt. Nhưng sự trừng phạt lớn nhất họ phải chịu cả cuộc đời chính là sự xa lánh của bạn bè, người thân thậm chí là bố mẹ, chồng con, sự nhục nhã của gia đình họ. Vì thế, thêm những lời chửi rủa, thêm những sự khủng bố tới họ cũng không làm họ đau khổ hơn. Cũng không nên tưởng rằng treo ngược họ lên để ném đá (theo cả nghĩa đen) hay đánh đập họ sẽ làm gia đình các cháu bé bị bạo hành hả hê hơn.
Thay vì treo cổ hai người này lên, hãy thử nghĩ nguyên nhân của vụ việc ở đâu?
Nếu hệ thống trường công đủ chỗ, đủ cô giáo mầm non được đào tạo đầy đủ thì có xảy ra việc như hôm nay không? Nếu chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên, hàng xóm quan tâm thì có xảy ra việc đó không?
Nếu điều kiện cơ bản của mọi cô bảo mẫu (kể cả không được đào tạo chính quy) là phải học qua lớp đào tạo chăm sóc trẻ được đưa vào quy định thì có xảy ra việc này không? Trường học, từ mầm non đến trung học đều thiếu không gian, thiết bị, giáo viên, sao không lo đầu tư?
Các doanh nghiệp, thay vì đổ dồn tài trợ bóng đá nam, ca nhạc, xây lăng mộ… sao không tài trợ xây trường, dựng lớp, tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho các thầy cô giáo…?
Nguyễn Đình Thành
Nhà nước phải nhận lấy trách nhiệm này
Nhìn lại quá trình giáo dục mầm non từ ngày mới giải phóng đến nay, có thể thấy chính sách của nhà nước thay đổi liên tục, rất bấp bênh. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông rất quan tâm đến giáo dục mầm non, ông từng nói: “Chưa có XHCN cho người lớn thì phải có XHCN cho trẻ con”. Thời ấy, rất nhiều ngôi biệt thự đẹp trong thành phố được dùng làm nhà trẻ. Nhưng không hiểu sao sau đổi mới, Nhà nước lại chủ trương chuyển hệ thống nhà trẻ ra khỏi hệ thống giáo dục công lập hết, rồi tiếp theo lại chủ trương bán công hoá các trường nhà trẻ, mẫu giáo… Các trường mầm non và nhà trẻ Sài Gòn không “mặn” lắm với chủ trương này, vẫn cố gắng giữ được càng nhiều trường công lập càng tốt. Sau một thời gian, Nhà nước lại chủ trương chỉ phổ cập mầm non cho trẻ từ năm tuổi trở lên…
Có thể thấy rất rõ những chủ trương không nhất quán ấy đã ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục trẻ mầm non. Việc ngày càng ít đi các nhà trẻ, mẫu giáo công lập là một khó khăn đầy nguy hiểm cho các bậc làm cha làm mẹ. Ít có năm nào không có trẻ bị chết, bị đày đoạ bởi những nhà trẻ “chui”. Cứ mỗi lần xảy ra một câu chuyện thương tâm là lại kéo nhau đi thanh tra, kiểm tra, sau một thời gian đâu lại vào đấy.
Nhìn từ phía người lao động, nhất là dân nhập cư, trường công lập ngày càng ít và đòi hỏi rất nhiều thủ tục mới được vào, trường dân lập thì học phí quá cao
Hồ Thiệu Hùng ( Nguyên giám đốc sở giáo dục đào tạo TP. HCM )
Theo: Sài Gòn Tiếp Thị/VietnamNet
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!