Ở nước ngoài, nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, trưởng ngành ở địa phương hay viên chức công vụ thường xuyên từ chức để nhận trách nhiệm về một vụ việc nào đó liên quan đến công vụ mà mình đảm trách khi có khuyết điểm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Việc từ chức vừa là thể hiện trách nhiệm pháp lý đối với đất nước vừa thể hiện trách nhiệm đạo lý đối với người khác trong xã hội. Từ chức cũng là thể hiện lòng tự trọng của mình, cảm thấy “xấu hổ” khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nghĩa vụ thành quả và nghĩa vụ nỗ lực
Trong khi đó, văn hóa từ chức nghe có vẻ rất xa lạ đối với người Việt Nam bởi lẽ vấn đề từ chức liên quan nhiều đến nghĩa vụ thành quả hay nghĩa vụ nỗ lực. Từ chức thể hiện lòng tự trọng, vì cảm thấy “xấu hổ” đối với mọi người khi anh không đáp ứng được trọng trách cao cả mà xã hội, nhân dân đã giao phó và người biết từ chức đúng thời điểm mới chính là người có văn hóa.
Đối với nghĩa vụ thành quả, anh phải đem lại một kết quả như mong đợi mà anh có nghĩa vụ thực hiện để đáp ứng lợi ích của bên có quyền thì lúc đó anh mới được xem là người đã hoàn thành nghĩa vụ. Còn nếu anh không đem lại kết quả như mong đợi mà anh có nghĩa vụ thực hiện để đáp ứng lợi ích của bên có quyền thì xem như anh đã không hoàn thành nghĩa vụ, mặc dù anh có lỗi hay không có lỗi, lúc này trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo lý được đặt ra.
Đối với nghĩa vụ nỗ lực, anh là người có nghĩa vụ và anh đã cố gắng hết sức thực hiện để hoàn thành nghĩa vụ đó thì xem như anh đã hoàn thành nghĩa vụ, cho dù kết quả không đạt được như mong đợi để đáp ứng lợi ích cho bên có quyền. Thường thì trong nghĩa vụ nỗ lực này rất khó để xác định trách nhiệm pháp lý nhưng trách nhiệm đạo lý vẫn đặt ra.
Chúng tôi cho rằng cán bộ, công chức ở Việt Nam ít quan tâm đến vấn đề từ chức và văn hóa từ chức là bởi lẽ nghĩa vụ mà họ thực hiện thông thường là nghĩa vụ nỗ lực, mà nghĩa vụ nỗ lực thì họ đã cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ công vụ được xem như họ đã hoàn thành nghĩa vụ, cho dù kết quả công vụ họ thực hiện như thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn là người “có công” như những cán bộ, công chức “mẫn cán, chăm chỉ” trong công việc.
Xử lý cán bộ gây oan chỉ là hình thức
Trở lại vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông bị xử phạt tù chung thân về tội giết người, vừa được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xử hủy hai bản án sơ và phúc thẩm để điều tra lại. Vụ ông Chấn cùng nhiều vụ án oan khác, dưới góc độ thực tiễn pháp lý trong thời gian qua, do năng lực chuyên môn yếu kém hoặc do lỗi vô ý thì những người tiến hành tố tụng làm oan người vô tội đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hầu như vấn đề hoàn trả tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị oan cũng không được đặt ra sau đó.
Tiếp đến là vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ tố tụng làm oan người vô tội đôi khi cũng chỉ là hình thức, mang tính “dễ dãi” và “bao che” cho nhau như: chuyển công tác sang cơ quan khác, chuyển sang đơn vị khác trong cùng cơ quan, rút về tỉnh hoặc về trung ương để chờ bố trí công việc... Trong nhiều trường hợp, chính những người đã trực tiếp làm oan người vô tội lại được đề bạc, bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn.
Trong nhiều trường hợp, chính những người đã trực tiếp làm oan người vô tội lại được đề bạc, bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn.
Ở một khía cạnh khác, những người làm oan người vô tội hầu như là họ không bao giờ hoặc ít nghĩ đến vấn đề từ chức cũng như xin từ chức sau khi họ đã làm oan người khác, mà thông thường, nếu họ phải chịu trách nhiệm pháp lý thì chức vụ của họ có thể bị mất theo tương ứng.
Điều này có nghĩa rằng vấn đề từ chức và văn hóa từ chức hầu như không có trong suy nghĩ của những người làm oan người vô tội.
Trở lại vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, những người trực tiếp và gián tiếp làm oan ông Chấn hiện nay đang giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan chính quyền ở Bắc Giang như giám đốc sở, chánh thanh tra, trưởng phòng, phó trưởng phòng của một sở, trưởng ngành, phó trưởng ngành của một huyện, kiểm sát viên, thẩm phán đương chức… và chưa có ai nghĩ đến hoặc xin từ chức từ vụ án là mình tham gia góp phần làm oan người vô tội gây chấn động toàn xã hội.
Theo chúng tôi, từ chức không mang nhiều ý nghĩa của trách nhiệm pháp lý, bởi lẽ nếu anh chịu trách nhiệm pháp lý (hình sự, hành chính, kỷ luật) cho dù anh không chủ động từ chức thì người ta cũng có thể miễn nhiệm, bãi nhiệm, giáng chức hoặc cách chức… đối với anh. Cụ thể, xã hội phân công anh làm việc đó, với vị trí đó và vì anh làm không tốt, không hoàn thành công việc được giao thì anh xin từ bỏ chức vụ đó, để cho người khác đảm trách thì sẽ phù hợp hơn và tốt hơn, còn anh nghỉ việc hoặc làm công việc khác để tiếp tục công hiến.
Anh là người trực tiếp có sai phạm, có lỗi hoặc không có lỗi gây ra những tổn thất nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội thì anh chủ động từ chức là lẽ thường tình. Đôi khi anh không trực tiếp có sai phạm, không có lỗi gây ra tổn thất cho xã hội nhưng anh cũng phải từ chức để nhận trách nhiệm vì đây là trách nhiệm của người quản lý. Bởi lẽ anh từ chức không phải vì anh là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm oan người vô tội mà bởi vì anh là người quản lý vào thời điểm những người làm oan người vô tội.
Từ chức thể hiện lòng tự trọng, vì cảm thấy “xấu hổ” đối với mọi người khi anh không đáp ứng được trọng trách cao cả mà xã hội, nhân dân đã giao phó và người biết từ chức đúng thời điểm mới chính là người có văn hóa.
TSLG. Nguyễn Trương Tín, Trường đại học Luật TP.HCM
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!