Phố vẫn phố hàng sấu xưa rụng lá
Ngỡ yên rồi... còn lạc bước canh khuya
Nên câu thơ anh theo đông về vội vã
Tình của đôi ta dòng sông chảy man mê...
Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức
Trăng bay trên trời, anh cứ thương em
Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác
Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không?
Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa...
Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em?
Thuở đó đẹp nhiều mộng mơ, em nhỉ!
Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm.
Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy
Đi hết phố xa về khắc khoải bên thềm
Rồi tự trách với mình sao buổi ấy
Lại giục em lấy chồng để đau mãi con tim?
Phạm Ngọc Thái
Lời bình:
Đi lại những đường phố đêm dưới hàng sấu xưa, lòng nhà thơ bồi hồi nhớ về một thuở:
Phố vẫn phố hàng sấu xưa rụng lá
Ngỡ yên rồi còn lạc bước canh khuya
Nên câu thơ anh theo đông về vội vã
Bài thơ được viết vào mùa đông năm 2010, khi anh đã ngoài tuổi lục tuần, nhưng tâm hồn thi nhân thì còn trẻ mãi. Con sông tình ngày đêm vẫn xao xiết chảy trong trái tim anh, như câu thơ đã viết:
Tình của đôi ta dòng sông chảy man mê...
Chưa thấy ai đảo ngược chữ "mê man" để viết thành "man mê..." như Phạm Ngọc Thái, để cho âm điệu thơ không rơi vào sự cũ càng. Cũng thấy là lạ, hay hay. Có một nhà giáo khi khi bình thơ anh đã viết: Ngôn ngữ thi ca Phạm Ngọc Thái là ngôn ngữ của hình tượng hội hoạ. Khi đọc những thi phẩm hay của ông, giống như bức tranh hoàn bích, càng đằm sâu vào trong tranh càng chứa chất ý, tình.
Theo con gió đông nhà thơ "lạc bước" lang thang, hồn vía đang bay về một phương nào?
... thuở em yêu vẫn cùng anh đêm đêm dưới hàng sấu phố khuya này. Cái phố nhỏ với hàng cây xưa thật thân thiết. Bao năm qua tưởng tình cũ đã yên, nào ngờ đêm nay thi nhân lại chạnh lòng thổn thức, rồi bài thơ "Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ" ra đời.
Mặc dù nhà thơ đã nói với mình và khuyên người yêu:
Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa...
Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em?
Ai mà chẳng có lúc bồi hồi vương vấn tới tình xưa? Nói rằng: "Em đang ngủ bên chồng..." - Nhưng đọc thơ không thấy sượng, còn tăng thêm sự cảm khoái, diễn đạt ý tình thấm thía hơn. Khi nhà thơ tự vấn: thôi, đừng tiếc nữa! /- Tức là lòng anh đang... mong nhớ. Anh còn biện hộ cả với người xưa: Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em? /- Có nghĩa, đây là mối tình dang dở mà sự tiếc nuối của cả hai người chứ không chỉ đơn phương về phía thi nhân.
Khuyên thế thì khuyên: Rằng, đừng nhớ thương, đừng tiếc nữa em yêu! Song, chính nhà thơ vẫn hoài vọng, tự ru mình trong giấc xa xăm:
Thuở đó đẹp nhiều mộng mơ, em nhỉ!
Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm.
Tình yêu không chỉ là sự êm ái và niềm vui sướng, còn mang lại cho hồn thơ anh biết bao cảm xúc ngọt ngào. Trong cuộc sống xô bồ, cát bụi... mỗi khi nhớ về thuở ấy, thi nhân như được tắm trong niềm hạnh phúc của tình yêu, như lời thơ đã viết: Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm /- Tôi trở lại phân tích về khổ thơ thứ hai:
Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức
Trăng bay trên trời, anh cứ thương em
Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác
Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không?
Thao thức cùng với nhà thơ, vầng trăng trong đêm đông giá lạnh kia có ngủ được đâu, như lòng người hiu hắt bay vơ vẩn trên trời. Vẫn nguyệt đó mà sao nay thấy lạ? Hồi cùng em tắm trong trăng êm đềm và mơ mộng, giờ trở nên xa vời và lòng anh càng cô quạnh. Cơn gió khuya cũng không ngủ, cứ thầm thì bên tai: Liệu em có còn nhớ đến thuở của đôi ta? Cả đoạn thơ với hình ảnh gió, trăng... thấm đẫm hồn, xao xiết một nỗi tình. Như câu thơ trên đã nói:
Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa...
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái ơi, đọc thơ anh mà tôi thấy nao lòng. Người ta đã ngủ với chồng rồi, anh còn nghĩ đến làm gì? Nhưng phải chăng chuyện tình, khi lòng đã tương tư, mấy ai gỡ ra được? Như Nguyễn Bính từng viết:
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Bài thơ có sức truyền cảm, như thể ngòi bút thi nhân hoà lẫn máu tim mà viết ra. Trong canh khuya yên tĩnh, dưới trăng sao, gió thổi và vòm trời. Khi cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ đêm. Chỉ còn nhà thơ lặng lẽ đi dưới hàng sấu xưa và con phố. Chúng đang thì thào tâm sự với anh. Dòng thơ cứ nhè nhẹ, dìu dịu tuôn trào ra như vậy. Lời thơ như mơ và đầy chất mỹ học. Hình tượng thơ không kiêu sa mà thanh thoát, tình thơ thấm đượm sự thương yêu.
Như những tiếng đàn tình gảy lên trong không gian sâu thẳm, mênh mông. Tiếng đàn ấy ru theo bước chân người thi sỹ, cùng những cánh lá sấu nhỏ đang rụng xuống tâm hồn mộng mơ của thi nhân, để những lời thơ say đắm bay ra:
Phố vẫn phố hàng sấu xưa rụng lá
Ngỡ yên rồi... còn lạc bước canh khuya
Đây là hai câu thơ hay nhất chăng? không hẳn vậy - Những câu thơ khác cũng rất hay, thí dụ:
Đêm đã lạnh, vầng trăng còn thao thức
Trăng bay trên trời, anh cứ thương em
Vầng trăng kia thao thức hay chính tiếng lòng của chàng đang thao thiết dưới trăng? Bóng nguyệt thì trôi mãi vào cõi vô biên, còn hồn thi nhân bay theo những áng thơ đến tận bến xa vời...
Đấy, thi ca Phạm Ngọc Thái là thế! Đọc câu thơ nào cũng thấy đầy chất sống và sâu lắng. Mỗi câu lại có một hương sắc và sự hay riêng. Tiếng thơ mỏng mảnh tựa dây đàn, như trái tim của thi nhân khẽ bật lên là rung. Nghe êm đềm và tha thiết, nhưng lại có chút gì đó khắc khoải ở bên trong. Tôi xin bình vào đoạn kết:
Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy
Đi hết phố xa về khắc khoải bên thềm
Rồi tự trách với mình sao buổi ấy
Lại giục em lấy chồng để đau mãi con tim?
Vậy, lý do vì sao nhà thơ lại giục người yêu đi lấy chồng? Không ai biết cả. Nhưng như thế cũng đã hé mở ra căn nguyên của mối tình bị đứt đoạn này: Hai người cùng yêu nhau nhưng hoàn cảnh éo le không thể lấy nhau được. Một bi kịch tình đời chăng? Biết không thể lấy được nhau, sao lại còn yêu để giờ phải khắc khoải nhớ thương? Nhưng cuộc sống vốn dĩ cũng thường hay nghịch lý như vậy mà. Nếu không thế thì đã không có thi ca!...
Nhà thơ vì quá yêu nên tự dằn vặt với mình đó thôi. Đoạn thơ kết lại như lưu giữ một tấm tình kỷ niệm trong ảo mộng, rồi những đêm lang thang trong phố hay về khắc khoải bên thềm, thi nhân lại cảm xúc sáng tác ra những vần thơ tình chan chứa yêu đương, để thêm nhiều áng thi ca hay cho nền văn học nước nhà.
"Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ" là một bài thơ tình gan ruột: Rất Phạm Ngọc Thái! Phong điệu nhẹ nhàng, lời thơ súc tích, hoà quyện tình yêu - cuộc sống với hình ảnh thân thiết của thành phố quê hương mà rung cảm trái tim những người yêu thơ.
Trần Tứ Đức
Nguyên CB Viện ngôn ngữ & Văn hoá dân gian
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!