Powered By Blogger





Thursday, 5 December 2013

Vĩnh biệt Nelson Mandela








Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, Nelson Mandela, qua đời, theo loan báo của chính phủ. Người đang lãnh đạo đất nước, Jacob Zuma, nói trên truyền hình: “Quốc gia đã mất đi người con vĩ đại nhất.”Ông Mandela, 95 tuổi, dẫn dắt quá trình chuyển đổi từ chế độ cai trị của người da trắng thập niên 1990, sau 27 năm trong tù. Sau suốt ba tháng nằm viện, ông đã chịu sự chăm sóc đặc biệt cho chứng viêm phổi tại nhà trước khi nhắm mắt. Từ khi ra viện, tình trạng sức khỏe của ông được phủ tổng thống thường xuyên mô tả là nguy hiểm nhưng ổn định.


Được kính trọng

Nelson Mandela là một trong những nhà lãnh đạo được kính trọng nhất thế giới, người đã dẫn dắt cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid tại Nam Phi, thay thế nó bằng một nền dân chủ đa chủng tộc.

Sau khi bị cầm tù 27 năm, ông trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của đất nước.

Tính cách hài hước, không hằn học trước những cư xử hà khắc mà ông từng hứng chịu, cùng với câu chuyện cuộc đời kỳ diệu phần nào giải thích được sức hấp dẫn toàn cầu của ông. Sau khi rời khỏi chức tổng thống vào năm 1999, Mandela trở thành đại sứ nổi danh nhất của Nam Phi, vận động chống lại HIV/Aids và giành về cho nước ông quyền đăng cai giải bóng đá thế giới World Cup 2010. Ông cũng tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và các nước châu Phi khác. Năm 2004, ở tuổi 85, ông rời khỏi đời sống xã hội để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và để “yên lặng suy ngẫm”. “Đừng gọi cho tôi, tôi sẽ gọi cho quý vị,” ông cảnh báo những ai nghĩ tới chuyện mời ông tham dự các hoạt động xã hội.

Lớn lên trong hoàng tộc 



Ông sinh ngày 18 tháng 7 năm 1918 ở Rolihhahla Dalibhunga, trong dòng họ Madiba thuộc người Thembu nói tiếng Xhosa, tại một làng nhỏ thuộc miền đông Nam Phi, Cape of South Africa. Tại Nam Phi, ông thường được thầy giáo và bạn bè gọi bằng cái tên theo họ tộc là Madib, tuy tên tiếng Anh của ông là Nelson.


Sinh ra trong một gia đình dòng dõi ở vùng miền đông Eastern Cape, Nelson Mandela tới Johannesburg, nơi ông trở thành luật sư và tham gia hoạt động chống chủ nghĩa apartheid. Cha ông, một cố vấn của hoàng gia Thembu, qua đời khi Nelson Mandela chín tuổi, và ông được quan nhiếp chính của người Thembu là Jongintaba Dalindyebo nuôi dưỡng chăm sóc. Ông gia nhập Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943, đầu tiên với tư cách một nhà hoạt động, sau trở thành sáng lập viên và chủ tịch Liên đoàn Thanh niên ANC. Cuối cùng, sau nhiều năm bị giam cầm, ông trở thành chủ tịch tổ chức này. Ông kết hôn với người vợ đầu tiên, Evelyn Mase, vào năm 1944. Hai người ly hôn vào năm 1957 và có ba người con chung.

Ông Mandela trở thành luật sư vào năm 1952 và mở văn phòng luật tại Johannesburg chung với Oliver Tambo. Hai người đã cùng nhau vận động chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid, hệ thống do Đảng Quốc gia gồm toàn người da trắng thiết lập nhằm đàn áp cộng đồng người da đen chiếm đa số. Năm 1956, ông Mandela bị cáo buộc tội phản nghịch cùng với 155 nhà hoạt động khác, nhưng cáo buộc với ông đã bị hủy sau phiên tòa kéo dài bốn năm.

Làn sóng phản kháng chống lại chủ nghĩa apartheid dâng cao vì luật mới được thông qua theo đó cho phép người da đen được quyền sống và làm việc.Năm 1958, ông Mandela cưới bà Winnie Madikizela, người sau đó đã có vai trò rất tích cực trong chiến dịch vận động đòi thả chồng bà ra khỏi nhà tù. Tổ chức ANC bị đặt ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1960 và ông Mandela, cùng với các lãnh đạo hàng đầu khác của tổ chức, đã phải rút vào hoạt động bí mật. Chế độ apartheid tiếp tục bị lên án năm 1960 sau vụ 69 người da đen bị cảnh sát bắn chết trong đợt biểu tình ở thị trấn Sharpville.

Án chung thân

Sự kiện này đã đánh dấu chấm hết cho những phản kháng hòa bình và ông Mandela, khi đó đã là phó chủ tịch toàn quốc của ANC, ra chiến dịch phá hoại kinh tế. Ông cuối cùng bị bắt và bị cáo buộc tội phá hoại và nỗ lực dùng bạo lực lật đổ chính quyền. Tự bào chữa trước phiên tòa tại Rivonia, ông Mandela dùng vành móng ngựa làm nơi chuyển tải niềm tin của mình về dân chủ, tự do và bình đẳng.

“Tôi ca tụng lý tưởng dân chủ và xã hội tự do, nơi mọi người chung sống hòa hợp và có các cơ hội như nhau,” ông nói.

“Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng được sống vì nó, sống để tạo dựng nó. Nhưng nếu cần, thì tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó.”

Vào mùa đông năm 1964, ông bị kết án tù chung thân. Trong vòng 12 tháng giữa năm 1968 và 1969, mẹ ông qua đời còn người con trai cả của ông thiệt mạng trong một vụ đụng xe, nhưng ông không được phép về dự tang. Ông vẫn bị cầm tù tại đảo Robben suốt 18 năm trước khi bị chuyển sang nhà tù Pollsmoor trên đất liền vào năm 1982.

Trong lúc ông Mandela và các lãnh đạo khác của ANC hoặc bị giam cầm, hoặc phải sống lưu vong, thì lớp thanh niên tại các thị trấn da đen ở Nam Phi đã nỗ lực chiến đấu chống lại sự cai trị của người da trắng theo phái hữu. Hàng trăm người đã bị giết hại và hàng ngàn người bị thương trước khi cuộc nổi dậy bị nghiền nát. 

Năm 1980, ông Oliver Tambo khi đó đang sống lưu vong đã tiến hành chiến dịch vận động quốc tế đòi thả ông Nelson Mandela. Cộng đồng thế giới đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt vốn đã được áp dụng đối với Nam Phi từ 1967 nhằm chống lại chế độ apartheid. Áp lực mạnh mẽ đã đem lại kết quả, và vào năm 1990, Tổng thống FW de Klerk bỏ lệnh cấm đối với ANC. Ông Mandela được trả tự do và việc đàm phán nhằm hình thành một xã hội dân chủ đa chủng tộc ở Nam Phi được khởi đầu.

Giải Nobel Hòa bình

Năm 1992, ông Mandela ly hôn bà Winnie sau khi bà bị kết án với các tội danh bắt cóc và hỗ trợ hành hung.


Tháng 12/1993 ông và ông de Klerk được trao giải Nobel Hòa bình.

Việc Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010 có phần đóng góp quan trọng của ông Mandela
Năm tháng sau, lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, toàn bộ các chủng tộc ở nước này đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử dân chủ và Mandela được bầu làm Tổng thống.

Ông đã trao cho người phó của mình, ông Thabo Mbeki, phụ trách các hoạt động hàng ngày của chính phủ, còn ông tập trung vào các nhiệm vụ mang tính hình thức của một nhà lãnh đạo, xây dựng một hình ảnh quốc tế mới cho Nam Phi.

Trong bối cảnh đó, ông đã thành công trong việc thuyết phục các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục ở lại và đầu tư vào Nam Phi.

Trong lần sinh nhật thứ 80, ông Nelson Mandela cưới bà Graca Machel, vợ góa của cựu Tổng thống Mozambique và tiếp tục đi khắp thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, tham dự các cuộc họp và đón nhận các giải thưởng sau khi rời khỏi chức Tổng thống.


Khi ông về nghỉ


Sau khi chính thức nghỉ hưu, các lần xuất hiện trước công chúng của ông chủ yếu liên quan tới hoạt động của Quỹ Mandela, một quỹ thiện nguyện do ông thành lập.

Trong lần sinh nhật thứ 89, ông đã thành lập nhóm Trưởng Lão gồm các nhân vật hàng đầu trên toàn cầu nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn “xử lý một số trong các vấn đề khó khăn nhất của thế giới.”

Có lẽ sự can thiệp đáng kể nhất của ông trong những năm gần đây là hồi đầu năm 2005, sau cái chết của người con trai duy nhất của ông, Makgatho.

Tại một đất nước nơi nói về nạn dịch Aids vẫn là điều cấm kỵ, Mandela đã công bố rằng con trai ông chết vì Aids, và thúc giục người dân Nam Phi hãy lên tiếng về Aids “để người ta nhìn nhận nó như một căn bệnh bình thường”.

Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc Nam Phi giành được quyền đăng cai giải bóng đá thế giới 2010, World Cup 2010, và ông đã xuất hiện trong lễ bế mạc giải này.



Theo BBC





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên