Những ngày xưa, lúc tôi còn bé thơ, đất nước tôi lúc đó chỉ mới mở cửa, nghèo lắm. Kẻ có kiến thức thì còn làm công sở, chứ người ít chữ thì chỉ biết chạy lo từng đồng. Đó là những cái lưng còng và vai vẹo một bên dưới những gánh hàng rong.
Từ thành phố đến nông thôn, đâu đâu cũng có bóng dáng người mẹ, người chị bán rong. Những ngày đói kém đó, hàng rong chỉ là hai cái thúng để 2 cái mâm lên, xỏ lên một cái gánh trên vai. Cứ thế từng bước chân đi qua từng góc phố, chẳng bỏ sót một ngôi nhà hay ngỏ cụt nào, bước chân nhỏ nhắn của người phụ nữ cứ to ra và bè bè trên đôi dép mũ, vẽ nên hình hài đất nước tôi.
Khi thì bánh đúc xanh xanh, có tàu hủ ngạt ngào hương đậu, bánh cốm bánh đa nhuộm nắng vàng, có cả những con thú đủ màu bằng bột gạo,.. và dường như tất cả mọi thứ của đất nước này đều từng nằm trên gánh hàng rong.
Mẹ bán hàng rong vì một đàn con nhỏ . Chị bán hàng rong vì em cắp sách tới trường. Từng chút một, Mẹ đi một bước, con học một chữ. Phải chăng mẹ đang bán đi sức của mẹ cho con đi xa, đi đến một thế giới mà ta vẫn gọi là đổi mới, có xe cộ, nhà hàng, khách sạn, kfc, lote
Thật tình ta chẳng biết các mẹ các chị có thích gánh hằng rong của chính mình hay không, nhưng chắc chắn rằng họ muốn con em mình chẳng bao giờ phải gánh hàng rong. Một thế hệ hi sinh cho một thế hệ tỏa sáng, giống như chính mẹ gánh con trên đôi vai gầy, bước chậm chạp vào một thế giới khác. Trong cái buổi giao thời ấy, những người từ quá khứ trở nên lỡ nhịp, chính họ bất lực với hoàn cảnh của mình, và họ nuôi hi vọng vào thế hệ mai sau. Cứ thế một thế hệ đã gánh một thế hệ vào tương lai. -
Đâu đó trên phố ngày nay, ta vẫn thấy hàng rong. Phải chăng đó là những con đò cuối cùng còn đang cố gắng để đến được nơi mơ ước. Hàng rong bây giờ đã có loa, nên tiếng ồ ồ phát thanh thay cho tiếng rao khàn giọng ngày xưa. Tôi nhớ nhất là tiếng rao của cô bán bún: nghe không hiểu gì, cứ giống như ụ má ơi, nhưng nghe là nhận ra liền. Rồi từng vòng xe đạp, xe máy thay cho đôi chân gầy gò. Những cái xe tự chế mang thêm nhiều đồ hơn, ước mơ cũng to hơn. Khi họ đi qua từng tòa nhà cao tầng, từng cửa hàng cao cấp, những nam thanh nữ tú của thời công nghệ iphone galaxy tab, họ lại càng thêm nhanh bước: " đất nước ơi đợi tôi với". Quả thật nếu không mau tới bờ, liệu đất nước có dừng lại đợi họ?
Hôm trước nghe chính phủ muốn cấm hàng rong vì mỹ quan đô thị, ừ thì chính phủ không sai, đó là điều tất yếu sẽ diễn ra. Nhưng liệu những người mẹ, người chị có kịp tìm cho mình một nghề khác để tiếp tục nuôi giấc mơ. Xin đừng bỏ rơi những giấc mơ còn chưa kịp sống. Và rồi một mai khi bạn bè quốc tế đến Việt Nam, tôi sẽ có gì để cho họ xem ngoài những khu du lịch sang trọng, những khối xi măng cao tầng và những cửu hàng fastfood của chính họ. Tôi hi vọng sẽ có một viện bảo tàng còn một gánh hàng rong, để tôi sẽ nói với những vị khách: đó là thứ mang chúng tôi đến đây với cái bạn.
Gánh hàng rong của tôi ơi, chúng ta cũng sắp tới bờ rồi.
Nguồn: http://vuisongmoingay.blogspot.com
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!