Trong muôn vàn những phân tích, triết lý bấy giờ, các nhà giáo dục, những giáo sư tiến sĩ đáng kính của chúng ta đổ lỗi cho “văn hóa hàng tôm hàng cá” đang phổ biến ngoài xã hội ảnh hưởng quá mạnh đến lời ăn tiếng nói và cả suy nghĩ của “lũ trẻ”, mà quên khuấy mất rằng sách dành cho thiếu nhi, từ ngoài đường đến trong trường, cũng “hàng tôm hàng cá” đâu có kém.
Ngày hôm qua, NXB Mỹ thuật đã có văn bản đề nghị Nhà sách Đinh Tị phải thu hồi lại cuốn “Đồng dao dành cho trẻ em mầm non”. Vì sao vậy? Vì chuyện ông Nhăng:
Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng
Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi
Ông Nhăng bảo để mà nuôi
Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro
Đây là những câu đầu trong một bài đồng dao dành cho thiếu nhi, khiến những người lớn “đau cái đầu”, còn dư luận thì… “chỉ muốn chửi bậy”.
Ông Nhăng là ai, chỉ NXB Mỹ thuật mới biết. Sao ông Nhăng, bà Nhăng lại đẻ ra “con rắn thằn lằn cụt đuôi” thì chỉ có Nhà sách Đinh Tị mới hay. Đau đầu còn ở chỗ giá thử những đứa trẻ nó hỏi tại sao bà Nhăng lại “đập chết đem vùi đống tro” thì chịu, người lớn cũng không trả lời được.
Và thế là chúng ta có một sự “đáng tiếc” – như cách nói của NXB Mỹ thuật – về một nhân vật đồng dao bạo lực, kỳ quái, trong một bài đồng dao vô nghĩa như “con rắn thằn lằn cụt đuôi”.
Nói đến những ”hạt sạn” to tướng trong sách thiếu nhi, không thể không nhắc lại câu chuyện “Thỏ (từ trên cây) nhẹ nhàng nhảy xuống bóp dái Hổ”. Các bạn đọc thấy ngượng cái miệng phải không? Không sao, cứ phải chép thẳng cái từ đó ra đây, vì trong thực tế, người ta đã in vào trong sách kể cho con trẻ chúng ta rồi cơ mà.
Nhớ chỉ 3 hôm trước, một đề bài – được phản ánh là ngờ nghệch, phi giáo dục, phi nhân tính: “Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?”, hay: “Hiện nay Nam 4 tuổi, tuổi của mẹ gấp 3 lần tuổi của Nam, hỏi mẹ Nam bao nhiêu tuổi?” đã được đặt ra với Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận.
Vị bộ trưởng của chúng ta sau đó đáp: “Đây là biểu hiện của tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục. Những tài liệu này do người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, kiến thức về thực tiễn, thiếu trách nhiệm, được nhà xuất bản, nhà in xuất bản chạy theo đồng tiền đơn thuần đã đưa ra thị trường, xâm nhập vào hệ thống nhà trường”. Ông còn cải chính thêm rằng “Rất may là tài liệu được lưu hành chính thống trong nhà trường thì không có sai sót như thế”.
Đúng là rất may khi chưa có cô cậu học sinh nào – ở độ tuổi học một phép trừ đầu đời – phải… dùng dao để giải toán; cũng như chưa có một người mẹ 12 tuổi nào có con 4 tuổi.
Nhưng thật không may, .... tất cả “lũ trẻ” – đều đang đọc sách truyện thiếu nhi ở nhà, có lúc sẽ băn khoăn tự hỏi vì sao Thỏ lại… nhảy từ trên cây xuống (?!).
Đào Tuấn.
( Chủ blog trích lược và thay đổi tiêu đề)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!