Powered By Blogger





Thursday, 12 December 2013

Tôi thấy một " thằng tôi " trong Dương Chí Dũng






Đôi khi tôi tự đặt tay lên trán, thấy mình cũng chẳng khác gì Dương Chí Dũng và tôi không biết mình đã lấy thẩm quyền gì để phê phán ông ta.

Nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim cho rằng, hành vi tội phạm trong xã hội cũng bình thường như hệ thống trấn áp nó. Theo Durkheim, ai cũng coi tội phạm là hành vi bị ghét bỏ, nhưng cảm thức thông thường kết luận rằng hành vi ấy phải chóng vánh mất đi là sai lầm. Người ta không thể định giá được sự hữu ích của các hành vi tội phạm với xã hội giống như không thể định giá sự đau khổ đối với con người. Durkheim lý luận: “Chẳng phải chúng ta đều ghét sự đau khổ đó sao? Tuy nhiên, thực thể nào không biết đau khổ ắt sẽ là một con quái vật”.

Cũng như thế với lòng tham và tham nhũng, ai dám vỗ ngực rằng ta, ta đây không có? Ai dám vỗ ngực rằng, ta, nếu ta đây được đặt vào một vị trí như ông Dương Chí Dũng đã ngồi ta sẽ giữ mình trong sạch? Nhưng người ta, đám đông trong đó có ta dễ dàng lên án, to tiếng lên án, thậm chí nguyền rủa, mạ lỵ ông Dương Chí Dũng, “tên tham nhũng”. Riêng tôi, tôi thấy một thằng tôi trong Dương Chí Dũng.

Tôi thấy một thằng tôi cũng có khi lòng đầy tham hận. Tôi thấy một thằng tôi cũng có khi ước mơ có siêu xe, có vợ bé chân dài. Tôi thấy một thằng tôi, cũng có khi nhắm mắt làm ngơ cho cái xấu, cái ác, thậm chí có khi còn đồng lõa với nó. Tôi tự đặt tay lên trán mình thấy mình cũng chẳng khác gì Dương Chí Dũng và tôi không biết mình đã lấy thẩm quyền gì để phê phán ông ta? Từ vị thế một công dân, người đóng thuế, người góp tiền vào ngân sách nuôi Vinalines, tôi cũng thấy mình khó có một sự chính danh để phê phán Dương Chí Dũng. Tôi đâu có dựng nên Vinalines? Tôi đâu có trao quyền cho Dương Chí Dũng? Ông ấy ngồi ở vị trí đó, nắm lấy quyền lực đó, không phải là từ sự bổ nhiệm của tôi, vì thế ông ấy cũng không phải chịu trách nhiệm với tôi và tôi cũng không có thẩm quyền để hạch tội ông ta. Nhưng như những người khác, tôi không thấy mình vô can. Tôi thấy mình có một sự can dự gì đó rất hệ trọng vào vụ việc Dương Chí Dũng, bằng chứng là tôi đã suy nghĩ và đã viết ra như mọi người cùng thấy.

Nếu đồng ý với Durkheim, ta phải coi lòng tham là một bản năng không thể muốn là thay đổi được. Nhưng nó là một bản năng có thể được chế ngự, như sự đau khổ nơi con người. Cách chế ngự đầu tiên là đừng tạo ra những trung tâm quyền lực và lợi lộc để khêu gợi lòng tham. Các doanh nghiệp nhà nước như Vinalines hiện nay chính là những trung tâm quyền lực và lợi lộc như thế. Tuy nhiên, cái này lại không thuộc thẩm quyền của tôi, nên tôi sẽ không bàn. Cách tiếp theo là có cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý thật nghiêm tham nhũng. Không xét đến việc cách này có hiệu quả thực tế ra sao, chỉ cần nhận rằng, việc này cũng không thuộc thẩm quyền của tôi nên tôi cũng không bàn đến.

Tôi sẽ bàn đến cách thứ ba, đó là lên án những kẻ tham nhũng bị phanh phui trước công chúng. Có lẽ tôi cũng như đám đông dư luận cho rằng, bằng việc lên án, lên án kịch liệt, công chúng có thể tác động lên bản án của tòa khiến các vụ việc tham nhũng bị xử nặng hơn, tính răn đe cao hơn (xử nặng nhưng không đến mức tử hình, tôi phản đối án tử hình vì phẩm giá, vì quyền sống của con người là thiêng liêng nhất). Điều này có vẻ có lý. Mặt khác, việc lên án kẻ tham nhũng bị lộ cũng có thể khiến những người có ý định tham nhũng hoặc đang tham nhũng xấu hổ mà thôi không tham nhũng nữa. Điều này ít có lý hơn.

Nhưng nó có thể gợi ý ra cách thứ tư để hạn chế tham nhũng, đó là làm sao cho con người trong xã hội ta biết xấu hổ như một thói quen. Biết xấu hổ từ khi nhỏ. Đến khi lớn vẫn không quên thói quen xấu hổ. Đến khi nắm giữ những vị trí quyền lực và lợi lộc thật lớn vẫn biết xấu hổ. Việc đó mới quan trọng, bởi vì đó là việc mà tôi, mỗi chúng ta có thể làm được và đủ thẩm quyền để làm. Trong một xã hội mà số đông từ già đến trẻ đều biết xấu hổ, biết liêm sỉ, tự trọng thì con người ta dù có lầm đường lạc lối, một ngày nào đó sẽ nhận thức được rằng, phẩm giá của họ cao hơn nhiều danh lợi phù du mà họ đang theo đuổi mà dừng lại kịp thời.

Việc này tôi và chúng ta có thể làm được, làm được ngay tức thì và hằng ngày. Khi người ta biết xấu hổ là người ta còn biết tự vấn lương tâm mình. Ta có thể bắt đầu bằng cách theo châm ngôn của triết gia Socrates: “Hãy tự biết mình”. Hằng ngày hãy tự hỏi mình, tự vấn lương tâm mình xem thứ mình đang theo đuổi có cao hơn phẩm giá mình không, để mình đánh đổi? Hằng ngày tự hỏi mình, tự vấn lương tâm mình xem mình đã và đang làm gì để bảo vệ và nâng cao phẩm giá của mình hay chính là đang hạ thấp nó? Tôi tin rằng, trong một xã hội mà mỗi người đều biết trân quý phẩm giá của mình và đồng loại, biết xấu hổ một cách sâu sắc, lòng tham có thể được chế ngự mà không cần những bản án thật khắc nghiệt để răn đe dù là tội phạm tham nhũng hay lộng quyền.


Đông Kinh
Theo TNO



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên