Powered By Blogger





Monday, 3 September 2012

Những mảnh đất cuối cùng…






Nhìn những tấm ảnh chụp cây lộc vừng đổ lá vàng vào mùa xuân bên hồ Hoàn Kiếm, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chợt nhớ đến mùa thu vàng của Moscow, hàng bạch dương bên sông Visla của thủ đô Vacxava hay cánh rừng vàng rực rỡ trong những công viên của Washington DC. Về phép thăm nhà vài ngày dù rất bận, tôi cố ra Bờ Hồ để xem. Có lẽ gốc lộc vừng cổ thụ đã đổ lá ở đây hàng thế kỷ. Mỗi khi cơn gió thoảng, lá rơi lả tả, những đôi trai gái reo hò, cố bắt những chiếc lá vàng bay. Chỉ có mỗi một cây lộc vừng mà bao nhiêu khách tới xem. Người tới chụp ảnh, người đứng ngắm và cả kẻ “rình” người đi chụp ảnh.


Lộc vừng lá vàng bên Hồ Gươm

Gặp một anh bạn làm cho tạp chí Việt - Mỹ, đang lăm le máy ảnh nhằm chụp các thiếu nữ ra ngắm lá vàng rơi. Lang thang đã mấy ngày nay, chắc thư viện ảnh của anh đầy ảnh các người đẹp khác nhau, nhưng cây lộc vừng chỉ có một.
Anh đùa, với tốc độ phát triển của Hà Nội hôm nay, cây lộc vừng này chưa chắc sẽ còn. Biết đâu, hôm nay nó rơi chiếc lá cuối cùng 
Một cây lá vàng bên hồ mang đến niềm hạnh phúc cho bao người. Nếu đi ra thế giới bên ngoài mới thấy xót xa cho niềm vui nhỏ nhoi ấy của người Hà Nội. Nước người ta để cả một khu rừng làm công viên cho thủ đô, cho thành phố. Mùa thu về, cả khu rừng thành mầu vàng tuyệt diệu. Còn chúng ta đang cố biến những mảnh đất trống còn lại, kể cả công viên đầy cây xanh thành những nhà bê tông kính, cao tầng.
Mấy tháng trước là câu chuyện về chợ 19-12. Bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu tâm huyết của những người vì Hà Nội, vì lịch sử bi tráng của dân tộc, cùng đồng thanh lên tiếng mới giữ lại được một miếng đất cỏn con.
Trong khi cả nước sôi sục lên vì con đường nhỏ kia thì người khác đã đổ móng lên đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn. Miếng đất này to hơn nhiều so với phố 19-12. 

Niềm vui dưới lá vàng Hà Nội


Trước đó là những dự án Disneyland trong công viên, đường hầm xuyên Hồ Tây, thủy cung Thăng Long, EVN Land bên cạnh Bờ Hồ và có thể hôm nay còn vài chục dự án khác đang âm ỉ. Mục đích chung là kết liễu nốt những mảnh đất công cộng cuối cùng của nội thành Thăng Long.
Không cần nói đâu xa xôi, qua phố Hỏa Lò, Hà Nội Tower cao vút bên cạnh nhà tù nổi tiếng. Di tích lịch sử đã bị một nhát dao tàn nhẫn chém làm đôi. Gần đó là khách sạn Melia xanh đỏ, chẳng ăn nhập gì với phố Lý Thường Kiệt với những villa còn sót lại từ thời Pháp. Dạo quanh tượng đài Lý Thái Tổ. Cố chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm về tòa nhà Ngân hàng Nhà nước, vì tôi biết trước sau, họ cũng sẽ “xây” lại, nhưng không làm sao tránh được tòa nhà đỏ quạch Vietcombank phía sau mọc lên nhức nhối. Phía bên kia BIDV đang xây dở chắc về độ cao cũng không kém.

Tân cổ giao duyên
Người ta bảo, trong phố cổ, độ cao của những tòa nhà tỷ lệ nghịch với trí tuệ và trình độ quản lý đô thị của thành phố đó.
Đến xem Paris, London hay Washington DC sẽ thấy khu phố cổ được quản lý như thế nào để một vài trăm năm trước và vài thế kỷ sau vẫn giữ được vẻ cổ kính. So sánh với Jakarta, Bangkok hay Manila, nhà cao tầng thì nhiều lắm nhưng lại chật hẹp và ô nhiễm. Đáng tiếc, trí tuệ quản lý những thành phố này không “cao” như những building hàng trăm tầng đang vươn lên trời xanh.
Bạn bè quốc tế đến Việt Nam có nhiều mục đích khác nhau. Người chủ khách sạn 5 sao lo kiếm được miếng đất vàng cho mình. Họ có rất nhiều tiền nên biết làm thế nào để chiều lòng những người duyệt dự án.
Chuyên gia môi trường rất lo khi khách sạn kia xây lên sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của người dân quanh đó. Nếu là kiến trúc sư thì lo tòa nhà xây có phá vỡ cảnh quan hay không. Người chuyên về di sản thế giới chỉ mong chúng ta đừng xây thêm nhà cao tầng.
Chỉ có điều, những người này không được ngồi chung bàn khi duyệt dự án. Khi ông chủ khách sạn đã đổ móng thì mọi góp ý khác trở nên vô nghĩa. 

Mùa thu vàng nước Nga

Một người bạn chuyên nghiên cứu về di sản thế giới đặt Hà Nội là một trong những mối quan tâm lớn của ông. Mỗi lần có dịp qua thăm, ông đi khắp phố phường cổ của Hà Nội để chụp ảnh, ghi lại những dấu vết của “muôn năm cũ” vì biết rằng, trước sau người ta cũng sẽ phá. Phá rồi xây và xây xong hôm nào đó sẽ phá để xây lại…như cũ. Và khi đó tấm ảnh của ông sẽ trở thành vô giá giúp cho phố cổ hồi sinh.
Một người ở tận xứ đẩu đâu lo Hà Nội cổ bị phá nát. Người khác có quyền sinh sát với mảnh đất này thì lòng vẻ dửng dưng, chả liên quan gì. Cứ đưa ra dự án. Nếu không ai phản đối thì “đường ta, ta cứ đi”. Cung cách quản lý đô thị này đã góp phần không nhỏ trong việc băm nát Hà Nội cổ và cuốn trôi niềm tin của nhân dân.
Hoàn toàn không ổn nếu quản lý một thành phố 7-8 triệu dân lại dựa trên dư luận để ra quyết sách về phát triển. Tư duy “được chăng hay chớ” khó đưa Hà Nội thành một thủ đô xứng tầm khu vực. Chỉ có minh bạch hóa việc phát triển thủ đô và cam kết thực hiện triệt để mới mong dân không nghi ngờ phát biểu của quan chức.
Hà Nội mở rộng gấp 3-4 lần từ tháng 8 năm ngoái, nhưng với nhiều người, tinh thần Thủ đô vẫn là 4 quận nội thành, là năm cửa ô, là 36 phố phường. Với bạn bè quốc tế cũng thế. Chả có anh chàng ngoại quốc nào lại lên Hà Tây để xây khách sạn năm sao. Nhà đầu tư nào lại dại dột đổ tiền của vào một tòa nhà hàng trăm tầng trên Hòa Lạc để đợi Thủ đô chục năm sau mới phát triển tới đó. Ai cũng muốn quanh quanh Bờ Hồ và Hồ Tây.
Tôi biết câu chuyện con đường 19-12 hay miếng đất bên cạnh công viên Thống Nhất chưa phải là cuối cùng. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi khi cây lộc vừng đổ lá vàng sẽ còn cho tới một hôm nào đó, người ta mang cần cẩu nhổ nốt để xây khách sạn. Lúc đó, người Hà Nội ngắm lá lộc vừng rơi qua phóng sự ảnh của người bạn đã chụp hôm qua.

                                                                     Hiệu Minh


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên