Đất đai cằn cỗi, láng giềng thù địch. Hành trình cổ xưa từ Ai Cập đến Israel, dân tộc Do Thái chúng ta đã phải băng qua sa mạc khổng lồ, thì nay, khi quay về, ngôi nhà của chúng ta vẫn là hoang mạc. Chúng ta đã phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Như những con người nghèo khó trở về ngôi nhà trên mảnh đất tồi tàn của mình, chúng ta phải khám phá sự giàu có trong khan hiếm. Vốn liếng duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng chính là con người”.
Shimon Peres (nguyên tổng thống Israel)
Israel thường xuất hiện trong các bản tin thời sự thế giới với những vụ đánh bom, xung đột vũ trang, xung khắc với các nước Ả Rập... Nhưng ít ai biết đất nước Israel nhỏ bé, chỉ với 8 triệu dân, lại có nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của nhóm các nước phát triển liên tục trong nhiều năm kể từ năm 1995. Vì sao? Tất cả bắt đầu từ con người. Tuổi Trẻ xin trích đăng cuốn sách đang bán chạy Quốc gia khởi nghiệp (NXB Thế Giới và Công ty Alpha Books).
Tìm kiếm cơ hội
Người Israel thích du lịch không chỉ để nhìn ngắm thế giới, ngọn nguồn của việc này còn sâu xa hơn nhiều. Cho đến gần đây, người Israel không thể du lịch đến những nước láng giềng dù chỉ cách Israel một ngày lái xe. Sự cô lập đã tồn tại từ trước khi có nhà nước Israel. Đến năm 1943, một cuộc tẩy chay chính thức đã diễn ra và kéo dài hơn khi Liên đoàn Ả Rập gồm 22 quốc gia cấm mua bán các sản phẩm của ngành công nghiệp Do Thái trên đất Palestine, năm năm trước khi nhà nước Israel chính thức thành lập. Lệnh cấm còn mở rộng ra những công ty nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào mua bán với Israel. Gần như mọi hãng xe hơi lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuân thủ lệnh tẩy chay, và xe của các nước này không hề xuất hiện trên đường phố Israel.
Trong bối cảnh như vậy, việc giới trẻ Israel vừa tìm cách thoát khỏi thế giới Ả Rập đã tẩy chay họ, vừa muốn bày tỏ sự thách thức đối với chủ nghĩa phân biệt đó là điều tự nhiên. Họ như muốn nói: “Các vị càng cố nhốt chúng tôi bao nhiêu, chúng tôi càng muốn cho các vị thấy mình có thể thoát ra bấy nhiêu”. Cũng vì lý do này, chẳng có gì lạ khi Israel lại tận dụng những đấu trường như viễn thông, máy tính, phần mềm và Internet. Trong những ngành nghề này, các đường biên giới, khoảng cách và chi phí vận chuyển thật sự không còn liên quan đến nhau.
Vì Israel buộc phải xuất khẩu hàng hóa đến những thị trường rất xa, các doanh nghiệp Israel trở nên ác cảm với những mặt hàng to lớn, được sản xuất đại trà và chi phí vận chuyển cao, chỉ hứng thú với phần mềm và các linh kiện nhỏ gọn, vô danh. Ngược lại, chính điều này đã giúp củng cố vị trí hoàn hảo của Israel khi thế giới chuyển sang các nền kinh tế dựa trên tri thức và sự sáng tạo, một xu hướng vẫn tiếp diễn đến ngày nay. Ngày nay, các công ty Israel gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latin. Bởi Israel đã sớm ưu tiên phát triển ngành viễn thông, mọi công ty điện thoại lớn của Trung Quốc đều dựa vào phần mềm và thiết bị viễn thông của Israel. Người Israel đang bỏ xa các đối thủ quốc tế của họ trong việc xâm nhập những thị trường như vậy, một phần vì họ phải nhảy cóc khỏi vùng trũng Trung Đông và tìm kiếm các cơ hội mới.
Một ví dụ rõ nét cho tinh thần quốc tế của người Israel là Netafim, doanh nghiệp lớn nhất thế giới cung cấp hệ thống tưới tiêu theo phương pháp nhỏ giọt. Thành lập năm 1965, Netafim là ví dụ hiếm hoi của một công ty đóng vai cầu nối giữa nền nông nghiệp lạc hậu của Israel trong quá khứ với sự bùng nổ của công nghệ sạch hiện tại. Netafim do Simcha Blass sáng lập, ông là kiến trúc sư của một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất được xây dựng trong những năm đầu của nhà nước Israel. Ý tưởng về công nghệ tưới nhỏ giọt đến với Blass khi ông quan sát một cái cây đang lớn trên sân nhà hàng xóm mà dường như “không cần nước”. Thật ra, cái cây khổng lồ này đã sống nhờ nguồn nước rò rỉ từ lỗ thủng của một ống nước ngầm.
Netafim đi tiên phong không chỉ vì hệ thống này đã phát triển một cách làm sáng tạo giúp tăng sản lượng cây trồng lên 50% trong khi giảm 40% lượng nước tưới tiêu, mà đó còn là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên trên thế giới áp dụng mô hình nông trang. Nhưng lợi thế thật sự của Netafim là việc không ngại di chuyển đến những nơi xa xôi để tìm kiếm các thị trường đang rất cần sản phẩm của họ - những nơi mà vào thập niên 1960 và 1970, giới doanh nghiệp phương Tây không màng viếng thăm. Kết quả là giờ đây Netafim hoạt động ở hơn 110 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhờ tính ưu việt trong công nghệ của Netafim, chính phủ của các quốc gia thù địch trước kia đã mở lại các kênh ngoại giao.
Giới thiệu đất nước thay vì công ty
Nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới của Israel không chỉ truyền bá công nghệ mà còn tìm cách “chào bán” cả nền kinh tế Israel. Jonathan Medved thâm nhập lĩnh vực đầu tư và thành lập Israel Seed Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm, ngay trong gara của ông ở Jerusalem. Nguồn quỹ của công ty lên đến 260 triệu đôla và ông đã đầu tư vào 60 doanh nghiệp Israel, trong đó có hai doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).
Năm 2006, Medved rời Israel Seed Partners để thành lập và điều hành công ty riêng - Vringo, một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhạc chuông video cho điện thoại di động sau này, đã nhanh chóng thâm nhập thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Công ty Vringo chưa phải là điều quan trọng nhất. Medved đã dành rất nhiều thời gian để đi diễn thuyết về nền kinh tế Israel. Trong các bài diễn thuyết và những cuộc trò chuyện với bất kỳ ai chịu lắng nghe, Medved luôn tán dương những cột mốc “đầu tư” mà ở đó các công ty được mua lại hay được niêm yết, và liệt kê ra rất nhiều công nghệ “made in Israel”.
Trong số các công ty khởi nghiệp mà Medved ca ngợi trong bài diễn thuyết của mình, hiếm khi ông nhắc đến những công ty mà ông góp vốn. Ông luôn trăn trở mỗi khi chuẩn bị bài diễn thuyết: “Tôi có nên ca ngợi Vringo trong số những công ty mới đầy hứa hẹn của Israel không? Làm thế mới đúng chứ? Vì đó là sự quảng bá tốt cho công ty”. Rồi ông đã kiềm chế được sự thôi thúc đó. “Ưu tiên của tôi là đất nước Israel. Những nhà đầu tư Mỹ thường tranh cãi với tôi về việc này: “Ông đã nâng đỡ cho các công ty đối thủ thay vì công ty của chính mình”. Họ nói đúng. Nhưng họ đã quên mất vấn đề lớn hơn”.
Medved hoạt động không mệt mỏi. Ông đã diễn thuyết 50 lần mỗi năm suốt 15 năm vừa qua tại các hội thảo công nghệ và trường đại học trên khắp thế giới, ở 40 quốc gia, ghi điểm với các quan chức quốc tế đến thăm Israel. Alex Vieux, CEO của tạp chí Red Herring, nói rằng ông đã có mặt tại “hàng triệu hội thảo về công nghệ ở nhiều châu lục. Lúc nào tôi cũng thấy người Israel như Medved đang diễn thuyết cùng những đồng nghiệp từ các nước khác. Những người khác luôn giới thiệu về công ty của họ, nhưng người Israel luôn giới thiệu đất nước Israel”.
DAN SENOR - SAUL SINGER (Trí Vương dịch)
Đọc phần tiếp theo:
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!