Nền văn minh của người Maya
Maya là một trong những nền văn minh đặc sắc nhất thế giới do những người Maya, một bộ phận thổ dân châu Mỹ, xây dựng lên từ 2.000 năm trước ở khu vực thuộc đông nam Mexico, bắc Guatemala và Honduras ngày nay.
Nền văn minh Maya đạt tới đỉnh cao trong lĩnh vực xây dựng bộ máy nhà nước, kiến trúc, toán học, thiên văn học hay tính toán thời gian, ngày tháng. Căn cứ vào những di vật còn sót lại, các nhà khảo cổ học xác định rằng, các quốc gia cổ đại của người Maya được thành lập trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia của người Maya diệt vong trong thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10. Quốc gia cuối cùng của nền văn minh trên bán đảo Yucatán, thuộc Mexico sụp đổ vào thế kỷ 16, sau khi Tây Ban Nha xâm chiếm khu vực.
Nền văn minh Maya là một trong những nền văn minh gây ảnh hưởng lớn tới thế giới hiện đại. Lịch của người Maya từng khiến nhiều người lo ngại về ngày tận thế của trái đất, khi nó kết thúc đúng vào ngày 21/12/2012. Các nhà khảo cổ học từng đặt ra rất nhiều giả thuyết xung quanh cuốn lịch và những cuộc tranh cãi chỉ chấm dứt khi tận thế không xảy ra.
Nền văn minh của người Inca
Inca là một tộc người da đỏ sống ở miền nam châu Mỹ. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, người Inca tạo ra một vương quốc rộng lớn có tổ chức cao. Trong thời kỳ hưng thịnh, đế chế Inca trải dài từ Ecuador đến Chile và Argentina ngày nay. Trung tâm văn hóa, kinh tế và tâm linh nằm ở Cuzco, thủ đô của Peru. Đế quốc Inca suy tàn do dịch bệnh và cuộc nội chiến tranh giành quyền lực.
Thành phố Machu Picchu của người Inca. Ảnh: CNN.
Khi nhắc tới nền văn minh của người Inca, người ta không thể bỏ qua sự tồn tại của Machu Picchu – một khu phế tích nổi tiếng. Nó là thành phố gần như nguyên vẹn, ngự trị trên một quả núi hình chóp nhọn, nằm ở độ cao 2.430 m so với mực nước biển. Thành phố này từng rơi vào quên lãng trong suốt nhiều thập kỷ nhưng hiện tại nó là một trong 7 kỳ quan thế giới mới từ năm 2007.
Nền văn minh Tiwanaku
Tồn tại từ năm 500 đến 900 sau Công nguyên, nền văn minh Tiwanaku từng có dân số lên tới hàng trăm ngàn người ở giai đoạn hưng thịnh. Các nhà khảo cổ đánh giá Tiwanaku là một trong những nền văn minh quan trọng ở châu Mỹ. Tàn tích của nó nằm ở miền tây Bolivia, do người Tây Ban Nha phát hiện khi họ ồ ạt đánh chiếm Nam Mỹ trong thế kỷ 16.
Tàn tích của nền văn minh Tiwanaku. Ảnh: AFP.
Các tài liệu cho thấy, nền văn minh Tiwanaku từng coi họ là trung tâm thế giới. Cội nguồn của nó bắt đầu từ năm 1.500 trước công nguyên. Tuy nhiên, phải tới năm 500 sau Công nguyên, nền văn minh này mới thực sự hưng thịnh. Nó sụp đổ vào năm 1.200 sau công nguyên.
Trên thực tế, những bí mật của người Tiwanaku đã biến mất vĩnh viễn do họ chưa sáng tạo ra chữ viết để truyền lại thành tựu cho đời sau. Dựa vào những thứ còn sót lại, người ta khẳng định Tiwanaku là nền văn minh nông nghiệp. Người Tiwanaku xây dựng được hệ thống thủy lợi cao 4.000 m so với mực nước biển.
Nền văn minh Chan Chan
Theo các tài liệu nghiên cứu, nền văn minh Chan Chan khởi nguồn từ năm 850 trước Công nguyên và trải qua giai đoạn cực thịnh trong những năm đầu thế kỷ 15. Lúc cao điểm, dân số của nền văn minh Chan Chan lên tới 30.000 người. Những hình vẽ khổng lồ kỳ lạ trên cao nguyên Nazca, Peru là vết tích còn sót lại của nền văn minh Chan Chan.
Hình vẽ lạ trên cao nguyên Nazca. Ảnh: Wikipedia.
Tàn tích của nền văn minh Chan Chan cho thấy nghệ thuật xây dựng của họ đạt tới đỉnh cao. Họ xây dựng những công trình kiên cố và khắc hình lên những bức tường để phân chia khu vực làm việc, sinh sống hay thờ cúng. Tuy nhiên, nền văn minh Chan Chan lụi tàn khi đế chế Inca xâm lược.
Ngày nay, nhân loại vẫn trầm trồ trước những tàn tích của nền văn minh Chan Chan. Những hình vẽ khổng lồ và hết sức kỳ dị trên cao nguyên Nazca khiến giới khoa học đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu. Người ta đưa ra rất nhiều giả thuyết xung quanh những hình vẽ. Nhiều người tin rằng, hình vẽ kì dị ấy là cách thức liên lạc với người ngoài hành tinh.
Hồng Minh (Tri thức trực tuyến)
Theo Infonet
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!