Powered By Blogger





Thursday, 25 April 2013

Phá đàn xã tắc, xây sự bế tắc?








" Nếu chúng ta giải quyết một nút tắc giao thông bằng việc phá bỏ một đàn xã tắc thì cái mà chúng ta nhận lại không phải là một con đường thông thoáng mà sẽ là một bế tắc. Bế tắc về tình cảm và niềm tin"

Đào Tuấn 
 
 
Tuần trước, dư luận “giật kinh phong” trước tin một con nợ ở Hải Phòng đã thế chấp cả khu lăng mộ dòng họ. Tất nhiên, khu lăng mộ này nằm trên đất và thứ đưa vào thế chấp mà giấy tờ mảnh đất, trên có lăng mộ. Người đàn ông khốn khổ này đã “biến mất”, người ta ít nhiều cũng thông cảm với sự khốn quẫn của một con nợ trong thời buổi chủ nợ gửi vòng hoa viếng sống con nợ bây giờ. Nhưng về mặt đạo lý, khó có thể lấy sự khốn quẫn nào ra để bao biện cho một hành vi báng bổ ông bà ông vải như vậy.


Bởi chung quy tất thảy vì tiền. Bởi thật khó tưởng tượng nếu Ngân hàng phát mãi, và người mua lại mảnh đất, lại là một ông chủ trang trại chẳng hạn. “Ông chủ trang trại” kiểu đó vừa xuất hiện ở Hà Nội trong vai một vị Chủ tịch Hiệp hội. "Khu chuồng trại" là cây cầu vượt. Và “lăng mộ tổ tiên” thì xuất hiện không chỉ là nơi thiêng liêng của cá biệt một gia đình: Nó là một Đàn Xã Tắc. Công văn của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, như giọt nước làm tràn chiếc ly dư luận trong vụ “Cầu vượt vắt trên đầu đàn Xã Tắc”, rất thú vị, có trò chơi chữ: “Đàn Xã Tắc hay tắc Xã Đàn”. 
 
Đọc 7 chữ này đã để đủ thấy tinh thần của các nhà doanh nghiệp: Cái đàn, dù Xã Tắc, chỉ là “phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy” chi bằng, phá quách nó đi, như là “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”.

Logic đơn giản: Xóa đàn Xã Tắc để khỏi tắc đường.

Nhưng nếu đảo ngược lại 2 vế, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác: Để khỏi tắc nút giao Xã Tắc, nên phá quách cái Đàn Xã Tắc. Không đơn giản chỉ là việc giải quyết một cái tắc bằng việc xóa bỏ một chữ tắc, đúng không, thưa các bạn?. Có lẽ chính vì thế, các nhà văn hóa đã phản ứng một cách cực kỳ quyết liệt. 
 
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hồng Kiên - người trực tiếp tham gia khai quật Đàn Xã Tắc hôm qua có thư ngỏ gửi các vị lãnh đạo Quốc hội “kêu oan” cho Đàn Xã Tắc. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thổn thức: “Đàn Xã Tắc là đàn gắn với Tổ tiên, gắn với trời đất. Giờ chúng ta dùng cây cầu cao hơn cả trời đất thì nước này lụi bại à?. Chỗ ấy là Đàn Xã Tắc để thờ trời đất, xây cây cầu cao hơn trời đất thì chúng ta sống hay chết?”. Nhưng phản ứng mạnh mẽ nhất là một chữ của Nhà Sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Trả lời báo chí, Nhà Sử học đã nổi giận thực sự: “Người ngu mới nói xóa Đàn Xã Tắc để xóa tàn dư phong kiến”. Đang là một thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia, ông Quốc ví Đàn Xã Tắc như cái bàn thờ trong mỗi gia đình, và trong khi người ta định xây cầu vượt lên trên “bàn thờ”, thì thậm chí “Hội đồng hoàn toàn không được tham khảo ý kiến”.

Nên thông cảm cho chữ dùng của ông Quốc, ông cũng từng là nạn nhân của cái chữ này. Có lẽ, chỉ khi quá nóng giận, hoặc đứng trước những điều ngu xuẩn thực sự người ta mới văng một từ khó nghe đến như vậy. "Nói ngu, rõ ràng hơi quá” - Như lời "nạn nhân" của ông đã bình luận ngay sau đó. Nhưng bảo không phải ngu, thực ra cũng… hơi quá. Vậy tư tưởng xóa Đàn Xã Tắc đang là biểu hiện của cái gì?. Sự “Thực dụng đến mức có thể quên tất cả (để) làm lợi cho mình”- lời Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
 
Phương Tây có câu hay, nhưng đã nhàm, đại khái: "Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lại sẽ bắn lại anh bằng đại bác”. Còn bây giờ, nếu chúng ta giải quyết một nút tắc giao thông bằng việc phá bỏ một Đàn Xã Tắc thì cái mà chúng ta nhận lại không phải là một con đường thông thoáng mà sẽ là một bế tắc.

Bế tắc về tình cảm và niềm tin.

Thật kinh khủng đối với những suy nghĩ rằng, ít nhất là một di tích lịch sử, gắn với ông bà tổ tiên, gắn với lịch sử, với đất nước lại có thể bị xóa bỏ chỉ để giải quyết một nỗi bức xúc là tắc đường...
-----------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

Nguồn: http://maithanhhaiddk.blogspot.com
 
 
 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên