Powered By Blogger





Wednesday, 16 October 2013

Có cánh rừng chết còn xanh trong tôi








Những ngày đầu Tháng Mười mưa lũ năm nay có hai cái chết làm lay động lòng người. Đó là sự hy sinh của anh Nguyễn Tài Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An khi đi cứu trợ cho dân trong vùng xả lũ và sự ra đi của vị danh tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. 

Một người chỉ là cán bộ có chức vụ bình thường, chưa có nhiều công trạng. Một người là bậc khai quốc công thần, với những võ công hiển hách, một thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới, một nhân cách văn hóa lớn. Hai con người, hai “kích thước” khác nhau, nhưng đều có điểm chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là những đầy tớ của dân. Sự hy sinh của anh Dũng đã làm cho hàng triệu người xúc động. Còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sự ra đi của Người đã không chỉ làm lay động hàng trăm triệu trái tim, mà còn khiến cả dân tộc xích lại gần nhau, cùng rơi nước mắt vì một niềm đồng cảm lớn. Những giọt nước mắt làm người ta thanh khiết hơn, giống như nhà thơ Tố Hữu khi xưa đã viết: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Hẳn là người dân đã rơi lệ khi những nhân cách tử tế ra đi…Nhưng, hình như những giọt nước mắt của người dân còn hàm chứa những ẩn ý khác. Đã lâu lắm rồi, người dân không có nhiều cơ hội để…khóc, khi trên các phương tiện truyền thông và trong cuộc sống quanh mình, nói đến “đầy tớ của dân” người ta chỉ thấy toàn là “bộ phận không nhỏ”. Vậy nên một vị phó sở có tiếng là thanh sạch, lại hy sinh vì dân, người dân khóc thương là lẽ thường. Chỉ có điều cái lẽ thường ấy, xót xa thay cũng mới hiếm hoi làm sao. Thế nên, khi anh Dũng mất có tờ báo rút tít: “Khi người dân khóc cán bộ”.


Khóc Đại tướng đã có nhiều thơ, nhạc, văn tế, câu đối cùng vô số những bài báo…Trong bạt ngàn những cánh rừng truyền thông ấy, tôi thích một bài thơ của một FB có tên là Thợ Điện:

Ta
Và bạn
Hãy cứ tự nhiên rơi nước mắt
Mong cho non sông
Có thêm nhiều người
Khi họ mất
Cả dân tộc mình đau một nỗi đau chung.


Đúng, dân tộc này cần biết bao những nhân cách lớn, nhất là trong thời đoạn hiện nay. Trong tâm thức dân Việt, đạt đến đẳng cấp Người Hiền sau Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chỉ có một Võ Nguyên Giáp mà thôi! Vì vậy, nỗi đau chung này, cái tang chung này trăm năm nữa liệu lại có hay không?


Tôi đọc thấy trong những giọt nước mắt giành cho Đại tướng ngoài cái tiếc thương giành cho người đã mất thông thường, còn chan chứa sâu sắc trong đó cái Thương giành cho một người tử tế, một nhân cách lớn mà bình sinh vẫn bị quá nhiều sự tị hiềm, đố kị; cái Tiếc giành cho một trí tuệ lớn tầm cỡ thiên tài mà cả một quãng đời dài bị đặt không đúng chỗ. Tôi đã gai cả người khi lần đầu tiên nghe bài hát của nhạc sỹ An Thuyên viết về Người, với những ca từ: 

Tiếng đàn vị tướng, 
mười ngón tay thô, 
lướt trên thăng trầm, 
trắng đen cuộc đời, 
vinh quang cay đắng, 
cây đời vẫn xanh.

Khi anh Dũng mất nhiều người nói cái chết của anh làm cho người ta le lói lại một chút niềm tin, rằng trên đời này vẫn còn những người cán bộ tốt. Còn sự ra đi của Đại tướng khiến người ta hẫng hụt, biết đến bao giờ dân tộc này, đất nước này mới lại có một nhân cách cỡ ấy?

Dù sao tôi vẫn cứ mong một điều: Những người cán bộ hiện nay, những người đang được coi là đầy tớ của dân hiện nay hãy sống sao đó cho xứng đáng. Không gì qua nổi con mắt của dân. Không gì lọt sự sàng lọc của thời gian và lịch sử.

Và, tôi cũng mong thêm một điều nữa: Các cơ quan có trách nhiệm, những người đang nắm giữ quyền lực hãy biết nhìn nhận và sử dụng đúng con người. Đừng để khi những người tử tế ra đi người dân phải khóc thêm những tiếng khóc thương và tiếc cho những nhân cách và tài năng bất đắc ý. Được như thế thì cái chết của họ sẽ gieo mầm xanh cho sự sống mới.

“Có cánh rừng chết còn xanh trong tôi…”

Coppy từ tạp hoá faxuca








Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên