Khi
viết những dòng về lương tâm thày thuốc (y đức) tôi chỉ nhằm gửi gấm
tâm sự của một người thày thuốc, đã trải qua gần mười năm trong nghề,
nếm bao hỉ nộ ái ố của cuộc sống. Không phê phán, không tán dương, không
chê trách, chỉ là những lời nhắn nhủ của một người anh với người em
đang tập tểnh vào đời. Chọn con đường nào thì tuỳ mỗi người và con đường
nào cũng có cái gíá phải trả của nó.
Mỗi người
chúng ta khi đến với nghề bằng những con đường khác nhau, dĩ nhiên sẽ
có những khó khăn và trách nhiệm khác nhau. Người đời thường nhìn thày
thuốc bằng những hình ảnh méo mó. Khi nhìn những cây bụt khổng lồ sống
trong hàng thế kỷ, người ta ngưỡng mộ, nhưng có ai hay rằng hàng triệu
cây bụt con đã chết đi trong ngàn năm qua, mới còn được những cây bụt
khổng lồ như thế tồn tại,Thầy thuốc cũng thế, một số ít thày thuốc rất
giàu, nhưng đa số chỉ sống trung bình, thậm chí còn thấp hơn một số
ngành nghề khác, nhưng người đời thường đánh giá thày thuốc là những
người giàu có, lắm tiền. (Ở nước ngoài và VN.trước đây.nghề Bác Sĩ có
thu nhập cao trong xã hội, hầu như Bác sĩ đi làm bằng xe hơi, trong đó
có những người chỉ chuyên tâm làm từ thiện, không có phòng mạch tư.vẩn
còn ở nhà thuê ). Vì thế để tồn tại trong quan niệm của đời thường, các
bác sĩ có đôi lúc hành động sai lệch với bản chất tốt đẹp của mình.
Chúng
ta biết rằng chọn nghành y là chọn một cái nghiệp cho cả cuộc đời, đó
là phục vụ con người, bao hàm trong đó sự hi sinh vì đối tượng của chúng
ta, là một con người biết vui buồn, đau thương giống như bản thân ta.
Nếu không có lòng yêu thương con người như một thực thể sống động, có lẽ
ta không nên chọn nghề y.. Nếu để làm giàu ta nên chọn con đường kinh
doanh hay ngành nghề nào khác. Cả hàng ngàn vạn bác sĩ đang sống trong
cảnh khó khăn, nhưng vẫn chiến đấu như những chiến sĩ vô danh, âm thầm
xây dựng nền y khoa Việt Nam.và đêm nụ cười đến cho những số phận bất
hạnh.
Ngày xưa khi còn học trường Y, tôi vẫn còn nhớ các thày dạy rằng”Không có bệnh, chỉ có con bệnh thôi” tức là bệnh chỉ là một khái niệm thuần lý đúc kết từ nhiều người bệnh, còn trước mắt thày thuốc chỉ có những con người bệnh, biết vui buồn đau thương…Thày thuốc xem bệnh nhân như một loại bệnh.Với tình trạng bệnh quá tải như hiện nay dường như các thày thuốc không còn thích tiếp xúc với bệnh nhân theo kiểu người với người thậm chí nhiều bác sĩ còn không nhìn bệnh nhân khi khám, chỉ hỏi theo quán tính. Những thói quen tai hại đó làm mất dần tính người của thày thuốc. Với tác phong làm việc như thế thày thuốc trở nên chai đá dần theo thời gian, lòng thương người mất dần theo năm tháng.
Cách đây năm năm,tại bệnh viện ân sinh, Tôi còn nhớ rõ
lúc trực cấp cứu, một ca bệnh làm tôi nhớ suốt đời tiếng kêu khóc của
một cô gái nghèo trước cơn hấp hối của cha già. Ông cụ bị ung thư giai
đoạn cuối. Đến bây giờ tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng khóc của cô
gái:”Ba ơi, rồi đây sớm hôm không còn ai thức đưa con đi làm. Ai lo cho
con từng miếng ăn, giấc ngủ nữa, ba ơi!! …”Nhìn ông cụ đang quằn quại
trên giường bệnh chiến đấu giành sự sống qua từng hơi thở. Nhìn ông cụ
với những nếp nhăn phong trần, già nua trên gương mặt sạm đen do biết
bao thăng trầm trong cuộc sống, rồi nhìn cô gái trẻ đang quỳ bên giường.
Tôi, một bác sĩ trẻ bất lực, cảm thấy nước mắt mình trào ra. Tôi thầm
nghĩ có lẽ số phận đưa đẩy mình vào nghề này là phải chứng kiến những
khổ đau của kiếp người. Tôi sợ một ngày nào khi mình không còn cảm thấy
đau cái đau của kẻ khác, buồn cái buồn của người không may, xót thương
những mảnh đời bất hạnh thì mình ngày đó không còn là mình nữa.
Rất
thương cho những bác sĩ trẻ ngày nay, có những người ra trường năm ba
năm vẫn phải" lĩnh lương cha mẹ". Có những người phải đi làm trình dược
viên, đêm làm bồi bàn … So với thời chiến mọi người chúng ta vẫn phải
chiến đấu, có lẽ còn khó khăn hơn thời chiến vì kẻ thù vô hình, lại ở
khắp mọi nơi, cả trong tâm tưởng của mình. Đánh thắng một vạn quân không
bằng thắng chính mình.(lời tiên tri) Do đó những suy nghĩ của tôi chỉ
nhằm đánh thức những gì tốt đẹp nhất trong tâm của mỗi con người. Làm gì
đi nữa cũng nên giữ lại một chút tâm…đừng để gió cuốn đi (Trịnh Công
Sơn). Những bạn thày thuốc trẻ, hãy kiên nhẫn và cố gắng. Rồi những cái
bất hợp lý sẽ không còn tồn tại mãi. Chúng ta mong rằng cuối cùng ánh
sáng cũng loé ra ở chân trời xa….
Blog Bs: Thế Dũng
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!