Powered By Blogger





Monday, 8 July 2013

Có "rừng vàng biển bạc", sao Việt Nam không giàu?






 
Quốc gia khởi nghiệp - Quyển sách giới thiệu về sự thành công của đất nước Israel trên bản đồ quốc tế. Có rất nhiều những bài học chúng ta có thể học từ Israel, Nhật bản, Singapore để có thể thúc đẩy Việt Nam tiến lên phía trước. Để có thể làm được điều đó, đầu tiên chúng ta phải thành thực với chính bản thân đó là Việt Nam vẫn là một nước nghèo và có khả năng tái nghèo rất nhanh. Mô hình phát triển của Việt Nam trong hai mươi năm qua đó là mô hình dựa trên giá trị gia tăng thấp thông qua xuất khẩu tài nguyên và các nguyên liệu thô. Song song với nó là mô hình phát triển dựa trên sản xuất với chi phí nhân công thấp và thâm dụng lao động như các nhà máy may mặc, da giày.

Mô hình đó hoàn toàn đúng trong quá khứ nhưng bây giờ mô hình này đã lỗi thời và cần phải được thay đổi một cách quyết liệt trong thời gian tới. Để thực hiện chuyển đổi mô hình và quản trị quốc gia một cách hiệu quả các vấn đề sau cần phải được giải quyết triệt để:


Không chọn lựa triệt để: 


Tài nguyên luôn hạn hẹp trong quản lý công ty hoặc quốc gia. Các nguồn lực tài chính, nhân lực và vật lực luôn luôn bị hạn chế. Các cấp lãnh đạo và quản lý Việt Nam thường rất hay sử dụng chữ “ và “. Lên kế hoạch có nghĩa là nói không với một số chọn lựa để dành nguồn lực cho những chọn lựa khác được ưu tiên. Từ mọi cấp chúng ta đều thấy có hàng chục chọn lựa khác nhau và cái gì cũng là quan trọng như nhau. Khi mọi việc chọn lựa là quan trọng thì có nghĩa là không có chọn lựa nào thật sự quan trọng cả. Có thể thấy khi đầu tư cho các tỉnh, vốn đầu tư được dàn trải một cách trung bình và không có những ưu tiên chọn lựa hoặc loại trừ. Bài toán căn bản của đầu tư đó là vốn cần phải được bỏ vào nơi sinh giá trị nhiều nhất. Đầu tư ở đâu cũng có lợi nhưng cần phải tập trung cho những ngành, địa phương, đơn vị có hiệu quả nhất.


Không nhận thức giới hạn của mô hình tăng trưởng hiện tại:


Mô hình phát triển của Việt Nam hiện giờ chủ yếu dựa trên xuất tài nguyên và các nguyên liệu thô. Xuất tài nguyên và nguyên liệu thô mang trong mình những hạn chế của quy mô. Chúng ta không thể nào xuất mãi tài nguyên hoặc gia tăng sản lượng gạo hoặc thủy sản vì một lý do đơn giản là diện tích canh tác bị giới hạn. Trong lý thuyết hệ thống luôn luôn có một điểm tối ưu về quy mô. Ví dụ điểm tối ưu về sản xuất lúa gạo là 3 triệu hecta đất.

Khi chúng ta đẩy mạnh vượt qua điểm tối ưu về sản xuất này chi phí sản xuất lúa gạo sẽ tăng lên rất nhiều.

Cũng tương tự, khi diện tích nuôi tôm được đẩy mạnh chi phí nuôi tôm sẽ tăng vọt do dịch bệnh và các vấn đề xử lý nước vận hành. Khi các tỉnh tại Việt nam đua nhau mở ra các khu chế xuất nhằm thu hút đầu tư vào các nhà máy sản xuất, họ đã không nghĩ tới những giới hạn của mô hình tăng trưởng như cần phải có một cơ sở hạ tầng xã hội cho hàng chục ngàn lao động từ các nơi khác về làm việc, cơ sở hạ tầng đường giao thông để có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng và nguyên liệu, nhu cầu về đào tạo để đáp ứng tay nghề lao động.

Các mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đều có những rào cản hữu hình vật lý và hầu như không có cơ hội để vượt qua khỏi các rào cản đó. Các mô hình tăng trưởng của Singapore, Israel, Nhật Bản khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung đó chính là các giới hạn về tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào tri thức và sáng tạo. Tri thức và sáng tạo có thể nói không có giới hạn về phát triển và đó là lý do tại sao Israel lại có thể phát triển nhanh chóng mà không cần sử dụng một lượng lớn hữu hình tài nguyên như đất đai, con người. 


Không nhận thức điểm mạnh và yếu mang tính bản chất: 


Định hướng của Việt Nam hiện tại tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất. Định hướng đó mang trong mình một điểm yếu bản chất. Việt Nam không thể so sánh Trung Quốc về quy mô sản xuất và ngành công nghiệp phụ trợ. Vì lý do đó, công nghiệp sản xuất Việt Nam nếu tập trung về chi phí sản xuất sẽ không thể nào bền vững do chi phí bao giờ cũng lớn hơn tại Trung Quốc cho cùng một sản phẩm. Một vấn đề thứ hai đó là Việt Nam không có đủ qui mô để duy trì hệ thống logistic biển hiệu quả.

Đó là lý do tại sao các khu công nghiệp phía Bắc không phát triển mạnh mẽ như ở phía Nam vì các khu công nghiệp này quá xa tuyến đường vận tải biển quốc tế. Các nhà máy sản xuất nằm sâu trong nội địa phía Bắc sẽ chịu chi phí vận chuyển nguyên vật liệu tới và hàng thành phẩm cao hơn. Nguyên tắc vận trù học của sản xuất đó là 01 cần phải đặt nhà máy gần vùng nguyên vật liệu hoặc 02 đặt nhà máy gần với khách hàng. Các khu công nghiệp Việt Nam nói chung đều không thỏa mãn cả hai yếu tố đó vì vậy đứng về lâu dài rất khó phát triển ngành công nghiệp sản xuất bền vững hướng về giá sản xuất rẻ. Định hướng dài hạn và bền vững cho công nghiệp sản xuất tại Việt Nam sẽ phải là hàng sản xuất có giá cao, chất lượng cao và năng suất sản xuất cao.

Một vấn đề quan trọng nữa đó là các mô hình kinh doanh tại Việt Nam cần có giá trị gia tăng nhiều hơn từ sáng tạo, tri thức và dịch vụ. Điểm mạnh của Việt Nam về bản chất chính là một đất nước có bờ biển dài và nếu phát triển dịch vụ du lịch sẽ là những ưu thế hơn hẳn các quốc gia khác.






Mô hình tăng trưởng không dựa trên nguồn lực hiện có: 


Các mô hình tăng trưởng Việt Nam hiện tại đều tập trung vào việc sử dụng vốn, lao động giản đơn và tài nguyên môi trường. Nguồn lực đầu vào quan trọng nhất là nhân lực chỉ nhận được sự quan tâm trên lời nói trong khi số tiền đầu tư, thời gian cũng như sự cam kết thật sự từ các cấp lãnh đạo công ty tổ chức hầu như rất ít trên thực tế. Tất cả các mô hình tăng trưởng của Singapore, Israel hay Nhật đều dựa trên thâm dụng tri thức và nhân lực có trình độ cao. 


Công ty và tập đoàn mạnh là điểm tựa quốc gia: 


Một quốc gia mạnh không thể thiếu những cá nhân mạnh. Tuy nhiên quan trọng hơn nữa một quốc gia mạnh cần phải có những tập đoàn thuộc về đất nước đó. Việt nam cần phải có nhiều tập đoàn như Viettel, Vinamilk, Trung Nguyen, Tôn Hoa Sen, Hoàng Anh Gia Lai hơn nữa. Một vấn đề quan trọng các tập đoàn Việt Nam cần phải hướng ra bên ngoài Việt Nam thay vì chỉ tập trung kinh doanh trong Việt Nam. Thị trường trên thế giới là 8.4 tỷ dân gấp 100 lần 84 triệu dân tại Việt Nam. Nếu như Việt Nam có từ 40-50 tập đoàn mạnh như các ví dụ trên, thương hiệu và sức mạnh của Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể trên bản đồ kinh tế và chính trị thế giới. Chính các tập đoàn mạnh này là những hiện thực hóa của việc sử dụng vốn tri thức và nhân lực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. 


Không có giới hạn cụ thể trong phát triển: 




Thế kỷ 21 chứa trong mình nó những biến động nhanh chóng và đòi hỏi tổ chức cần thay đổi thích ứng nhanh. Các quan niệm về giới hạn cụ thể cho các hoạt động công ty, mô hình công ty và sở hữu công ty cần được hiểu trong ý nghĩa toàn cầu. Một công ty được hình thành và phát triển tại nước Mỹ do nhóm người Việt Nam là chủ sở hữu cũng nên hiểu đó là một thành phần kinh tế của Việt Nam. Một gia đình Việt Nam vận hành thành công chuỗi nhà hàng tại Pháp cũng là một phần nối dài của nền kinh tế Việt Nam. Các mô hình kinh doanh và phát triển của Việt Nam trong tương lai gần cần phải đặc biệt thúc đẩy các hình thức hòa nhập theo mọi phương diện vi mô và vĩ mô vào nền kinh tế toàn cầu.

Mô hình phát triển sẽ đóng vai trò quyết định cho sự thay đổi tại Việt Nam. Các yếu tố như tri thức, sáng tạo, nguồn nhân lực, hòa nhập tối đa trong nền kinh tế toàn cầu, các đại diện công ty hùng mạnh của Việt Nam sẽ là những động lực cho Việt Nam phát triển.

Điều quan trọng không phải là những lời nói về những yếu tố này mà đó là những hành động cụ thể tạo ra những kết quả cụ thể cân đong đo đếm được trên thực tế.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng nếu như các yếu tố trên thực thi một cách đồng bộ, dân tộc Việt Nam chúng ta sẽ có một vị thế khác trên bàn cờ chính trị và kinh tế trên thế giới. 




Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện Quản lý VN

Tin khác:



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên