Tháng
Tư là một khoảng thời gian “âm tính” bởi những ký ức từ gần 40 năm trước
luôn luôn quay về, mỗi năm như không hề nhạt bớt với cả bên “thắng
cuộc” hay bên “thua cuộc”. Nỗi đau của thế hệ tham chiến bên này lẫn
bên kia không chỉ vì sự hy sinh đã không được đáp đền xứng đáng mà còn
là nỗi đau của những lý tưởng đã không trở thành hiện thực… Họ, cả hai
bên, như những người anh em ruột thịt, thù/ hận/ ghét nhau nhưng không
thể quên nhau, càng không thể dửng dưng như những người xa lạ.
Nhưng
cũng từ ngày cuối tháng Tư năm ấy, thế hệ hậu chiến đã ra đời và
trưởng thành. Nhiều người trong họ tự nhận mình là “bên bỏ cuộc” –
không muốn nhắc lại “hận thù nợ máu” của những chính thể, mất mát tổn
thất của gia đình, họ nhìn về tương lai nhiều hơn, họ bình thản và cũng
xa lạ với nhau hơn khi cùng nhìn về quá khứ. Như những người “đồng
hương” mối liên hệ bà con xa gần giữa họ như một sợi dây mà thời gian
càng dài càng trở nên mỏng manh trong cái thế giới ngày càng phẳng…
Lại có
những người ở giữa hai thế hệ trên, họ là thế hệ “vùng biên” của thời
chiến và thời bình, tuổi thơ của họ là chiến tranh, bắt đầu trưởng thành
là cuộc sống khốn khó thời bao cấp, bước vào tuổi trung niên dù ở trong
hay ngoài nước hầu hết họ có một cuộc sống tương đối ổn định. Ở họ vừa
có sức chịu đựng của thế hệ tham chiến, lại vừa có sự bất mãn không cam
chịu của thế hệ thời hậu chiến. Ký ức chiến tranh tưởng đã biến mất
nhưng thật ra vẫn ẩn sâu trong tâm thức họ, để có khi vào một lần nào
đó, nhân một chuyện gì đó, tâm thế bên này bên kia ở họ sẽ vô tình bộc
lộ, nhói đau như chọc phải cái răng sâu lâu nay nằm im chưa gây nhức
nhối.
Bạn và tôi thuộc thế hệ “vùng biên” này.
Chúng
ta đều ý thức được rằng, thế hệ chúng ta có trách nhiệm cần phải mở đầu,
thúc đẩy và tiến hành những mối quan hệ nhằm làm lành những vết thương
của thế hệ tham chiến, làm cầu nối cho những trái tim thế hệ hậu chiến
còn thờ ơ đến được với nhau, bởi chúng ta có sự trải nghiệm chiến tranh
có cả sự hiểu biết của thời *toàn cầu hóa* để chia sẻ với thế hệ cha anh
và thế hệ con cái chúng ta.
Nhưng,
từ sự hiểu biết đến việc chia sẻ được vẫn là một khoảng cách không gần,
khoảng cách tạo ra bởi thiếu vắng sự cảm thông và lòng bao dung ngay
trong mỗi chúng ta. Chúng ta có thể thông cảm với hoàn cảnh của cả xã
hội, một cộng đồng hay một nhóm người yếu thế ở nơi này nơi kia… Nhưng
với mỗi con người, trong những trường hợp cụ thể thì dường như “cái tôi”
vẫn quá lớn, chỉ từ mình, vì mình, cho mình… Hiếm khi nào ta thử đặt ta
vào vị thế của người khác, vì thế sự khác biệt của chúng ta có vẻ như
ngày càng nhiều, có khi còn là hơn được thắng thua dù những điều ấy
không phải là quá quan trọng trong cuộc sống.
Nói cho
cùng, sự thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha là một biểu hiện
khác của *mặc cảm thất bại* mà một thế hệ bị mất mát và tổn thương về
tinh thần đã không cố gắng để bù đắp lại những mất mát và tổn thương ấy…
Sự mặc cảm – dù ẩn dưới hình thức nào: kiêu ngạo của ý chí hay yếu đuối
của cảm xúc cũng cần được nhìn nhận, nếu không chúng ta sẽ không có
được sự đồng cảm trong hành xử, mọi điều ta nói chỉ là lý thuyết, những
việc ta làm sẽ là duy ý chí.
Thế hệ
chúng ta cũng đã ở vào lứa tuổi của thế hệ cha anh khi chiến tranh kết
thúc. Nếu chỉ biết trăn trở chỉ có ước mơ bạn và tôi sẽ không bao giờ
thực hiện được điều gì dù chỉ là một điều giản đơn nho nhỏ: làm sao để
những người Việt Nam từng ở bên này bên kia có thể gặp nhau ở bất cứ đâu
một cách thoải mái, chân tình, ấm áp như những người ruột thịt, để cho
người bạn vong niên thân quý của chúng ta có thể về lại quê hương, sống
bình an vào những năm cuối đời…
Gần 40
năm rồi sao chúng ta vẫn chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến…? Câu hỏi này
đến lúc nào và ai sẽ trả lời, nếu không bắt đầu từ bây giờ, từ bạn và
tôi?
Nguyễn Thị Hậu
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!