Powered By Blogger





Tuesday, 23 April 2013

Tổng thống và rượu




 

Làm tổng thống thì phải biết uống rượu vì trong những cuộc quốc yến theo thủ tục ngoại giao sau những diễn văn hoặc đáp từ là màn nâng cốc. Nâng cốc để chúc mừng thành công tốt đẹp của chuyến thăm hữu nghị, của những hiệp định vừa được ký kết và cho tình hữu nghị được bền vững. Vì vậy một tổng thống chỉ biết nâng mà không uống cạn ly rượu thì khó coi lắm. Đã làm tổng thống thì phải biết uống rượu nó là cái lẽ thường tình. Nhưng giữa người biết uống rượu và người nghiện rượu là một khoảng cách khá xa. Hơn nữa một tổng thống mà nghiện rượu thì thật là nghiêm trọng và rắc rối.


Tôi muốn nói đến ông Boris Yeltsin (1931-2007), người đã ngồi ở ngôi vị Tổng thống nước Nga liền hai nhiệm kỳ từ năm 1991 đến tháng 12/1999. Boris Yeltsin là một người đàn ông cao ráo đẹp trai (cao 1m88), thời thanh niên sôi nổi rất ưa thích thể thao đặc biệt là các môn trượt tuyết, bóng chuyền, đấm bốc, đấu vật và các môn điền kinh. Năm 1985 lúc 54 tuổi ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm chức Bí thư Thành ủy Moskva. Tháng 11/1987 sau một cuộc đối đầu với Mikhail Gorbachev và vây cánh, Yeltsin bị hất khỏi các chức vụ cao cấp trong đảng. Đối với ông đây là một cú sốc nặng nề và có lẽ ông tìm đến rượu để giải sầu vào thời gian này. Khi Gorbachev thành lập Đại hội đại biểu nhân dân (Народный Конгресс) cũng là lúc Yeltsin trở lại chính trường. Tháng 3/1989 Yeltsin được bầu vào Đại hội đại biểu nhân dân Moskva và giành được ghế trong Xô Viết tối cao. Tháng 5 năm 1990, ông được bầu làm Chủ tịch của Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết Nga. Sự đối đầu và giành giật giữa các cơ cấu quyền lực của Liên Xô và Liên bang CHXHCN Xô viết Nga dẫn tới sự kiện ngày 12/6/1990 Đại hội đại biểu nhân dân Liên bang CHXHCN Xô viết Nga đưa ra Tuyên bố về chủ quyền của nước mình. Ngày nay Liên bang Nga lấy ngày 12/6 làm ngày Quốc khánh (День независимости). Tháng 7/1990 Yeltsin tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga ngày 12/6/1991 Yeltsin thắng cử với 57% số phiếu bầu và trở thành Tổng thống đầu tiên của một Liên bang Nga dân chủ. Sau những sự kiện đảo chính và phản đảo chính xảy ra vào tháng 8/1991 Liên Xô chính thức tan rã.


Sau khi Yeltsin trở thành Tổng thống những scandal do rượu gây ra được báo chí tích cực khai thác và đăng tải. Năm 1990 hai nước Đức tái thống nhất. Theo Hiệp ước ký ngày 3/10/1990 muộn nhất đến ngày 31/8/1994 hơn 300 ngàn binh lính và sĩ quan Nga đóng quân tại Đức cùng với 200 ngàn thân nhân phải rút hết về nước. Để đánh dấu sự kiện này năm 1994 người ta mời Yeltsin thăm chính thức nước Đức thống nhất. Một cuộc hòa nhạc hoành tráng được tổ chức để chào mừng Tổng thống Nga. Dàn nhạc chơi bản valse Amur's waves (Sóng Hắc Long Giang). Sông Amur (Hắc Long Giang) là một trong mười con sông dài nhất thế giới, tạo thành biên giới tự nhiên giữa miền Viễn Đông của Nga và Mãn Châu. Yeltsin ngồi trên ghế danh dự ở hàng đầu, mặt đỏ lựng, người lâng lâng, miệng nồng hơi men. Giai điệu quen thuộc của bản valse  như làm người ông bay bổng. Nhạc của Max Kyuss (1874-1942), lời do Vaxiliev viết. Yeltsin còn biết sự tích chàng nhạc sĩ si tình này đi trên chuyến tàu tốc hành đến Vladivostok vô tình gặp gỡ người con gái quý tộc Vera Yakovlevna có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành làm cho chàng choáng váng. Để kỷ niệm cuộc gặp gỡ chàng viết bản valse Amur's waves tặng nàng. Bản valse có giai điệu lôi cuốn như thế mà cái tay nhạc trưởng với chiếc đũa trong tay múa may cứ như một con cào cào. Yeltsin ngứa mắt lắm và không chút do dự ông tự tin bước lên sân khấu giật chiếc đũa của nhạc trưởng để tự mình điều khiển dàn nhạc. Và với một chất giọng khê nồng ông lè nhè hát theo:
 
Плавно Амур свои волны несет,
Ветер сибирский им песни поет.
Тихо шумит над Амуром тайга,
Ходит пенная волна
Пенная волна плещет,
Величава и вольна.


Tạm dịch:

Sông Amur nhẹ nhàng sóng vỗ,
Từ Siberia cơn gió thổi qua.
Thì thầm trong rừng thẳm taiga,
Dập dềnh sóng lướt

Mênh mang sông nước,
Hùng vĩ bao la.
 
Tôi nhường cho độc giả suy diễn và tưởng tượng ra kết thúc của câu chuyện. Người ta cưỡng bức đưa Yeltsin trở lại chỗ ngồi? Có dám không? Hay là cứ chịu trận để ông điều khiển dàn nhạc trong khi các nhạc công vừa chơi vừa cười?
 
Thiên cơ xoay vần, biết đâu đấy trong tương lai một trong những độc giả trẻ tuổi đọc bài viết này sẽ thắng cử trong một cuộc bầu cử tự do và trở thành Tổng thống của nước Việt Nam dân chủ. Tôi chân thành mong muốn Tổng thống Việt Nam không phải là một người nghiện rượu.
 
                         Huỳnh Văn Úc                 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên