Powered By Blogger





Tuesday, 30 December 2014

Khi tuổi trẻ không còn là tuổi trẻ





Thế hệ bi đánh mất.

Khi tuổi trẻ bị đánh cắp


“Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon. Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao? Tại vì họ đã nhầm, một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.

Tôi thất vọng vô cùng khi về lại Việt Nam và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.

Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình… già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa.”

— Alan Phan

Trong khi Alan Phan cho rằng tuổi trẻ của chúng ta già nua thì tôi lại không nghĩ vậy, thậm chí là hoàn toàn ngược lại, tôi cho rằng, tuổi trẻ Việt Nam ta không già, mà là quá trẻ, trẻ tới mức không thể trưởng thành, không muốn trưởng thành và làm mọi cách để từ chối việc trưởng thành. Tuổi trẻ của chúng ta – tất nhiên không phải là tất cả – gần như dành trọn thời gian của mình chỉ để vui chơi, những thú vui phù phiếm, chỉ lo chuyện ăn cho ngon, mặc cho đẹp, mua sắm cho nhiều, thật nhiều đồ chơi càng tốt. Đồ chơi của tuổi trẻ thì thật tốn kém, xe cộ, điện thoại, đồ công nghệ, hàng hiệu…

Tuổi trẻ của chúng ta không muốn và từ chối việc tự lập, muốn được sống trong gia đình êm ấm thật lâu, lâu mãi mãi. Việc tự lập tự nhiên trở nên sao quá khó khăn giống như một trận tử chiến vậy. Mọi người chắc chẳng lạ gì những hình ảnh: Những thanh thiếu niên được cha mẹ chăm nuôi như những đứa trẻ nên ba dù họ đã qua cái tuổi ấy vài chục năm rồi. Những thanh niên đợi ba mẹ cơm bưng nước rót, quần áo mang đến tay, xin việc cho tới chân và lo cho họ từ đôi vớ đến cái áo mưa mỗi khi ra đường.

Những hình ảnh đó, sao mà đáng buồn. Tuổi trẻ của chúng ta cứ như những cây tầm gửi, sống bám vào gia đình, vào xã hội, chẳng chịu tạo ra giá trị gì, chẳng chịu tư duy, sáng tạo và sản xuất, chỉ thích ăn và chơi, hưởng thụ và được hầu hạ. Tuổi trẻ chúng ta sao không chỉ không trở thành đòn bẩy mà thậm chí còn đang trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Thử hỏi có đáng buồn không?

Alan thất vọng khi tuổi trẻ Việt Nam như ông già, tôi thì thất vọng khi tuổi trẻ Việt Nam toàn là con nít, gần như đụng cái gì cũng không biết, không thể quyết định, không thể này, không thể kia, sợ hãi này, lo lắng nọ. Văn hóa, nếp sống, tư duy của chúng ta đã khiến cho bao thế hệ trẻ ném bay tuổi trẻ của mình vào sọt rác không hề thương tiếc như thế. Một lần nữa, thử hỏi có đáng buồn hay không?

Chung quy thì, dù quá già hay quá trẻ cũng vậy thôi, dường như thế hệ trẻ của chúng ta cũng đang tự đánh mất mình, đánh mất cái thời tươi đẹp nhất của cuộc đời mình. Hoặc là, chúng ta không đánh mất, nhưng, tuổi trẻ của chúng ta đang bị ai đó trộm đi.

“Tình yêu” khiến tuổi trẻ chúng ta chết dần

Ai ăn trộm tuổi trẻ của chúng ta: văn hóa, truyền thống, giáo dục, tư duy, truyền thông? Tất cả những thứ đó chính là một phần nguyên nhân gián tiếp khiến cho tuổi trẻ của chúng ta chậm tiến, ù lì, thụ động và đi sau thời đại như hiện nay. Nhưng, còn một lý do to bự không thể không nhắc tới, chính là yếu tố gia đình, mà cụ thể hơn, chính là những bậc phụ huynh thân yêu, là những người trực tiếp lấy trộm đi tuổi trẻ của chúng ta, một cách không thương tiếc nhưng họ sẽ chẳng bao giờ chịu thừa nhận cả.

Phụ huynh lấy trộm đi những gì tuổi trẻ đáng được hưởng, lấy trộm của con cái những năm tháng tuổi thơ đầy ắp tiếng cười bên bè bạn, bên những trò vui chơi dân gian. Và nhồi vào đó những buổi học lê thê trường kỳ từ sáng sớm tới tối mịt, hết học thêm lại học kèm, hết học chính lại học phụ. Nhìn thế hệ thiếu nhi bây giờ bị bắt học quá nhiều thứ mà tôi cảm thấy mình thật may mắn làm sao khi được trải qua một tuổi thơ đúng nghĩa, đầy ắp tiếng cười và những trò vui một thời ngây dại.

Phụ huynh lấy trộm đi khả năng tự lập của chúng ta

Tôi thường thấy mọi phụ huynh đều hối hả vội vàng chạy đến bên đỡ con mình dậy khi chúng vấp ngã, dù cho cú ngã rất nhẹ nhàng.

Tôi thường thấy những người mẹ bón cơm cho con dù đứa trẻ đã đi học tới lớp 1, mặc cho chúng từng cái áo cái quần, luôn đeo giúp cái cặp sách hay balo dù chúng dư sức làm việc đó.

Tôi đã thấy người mẹ quỳ trên sàn xỏ giày cho cậu con trai lớn tướng đã học tới cấp 2.

Tôi đã thấy những người mẹ lấy cho cậu con trai lớn tướng của mình từ đôi vớ, cái áo mưa mỗi khi cậu ra ngoài, miệng không ngừng dặn dò những việc cỏn con như thể cậu ấy đang ra mặt trận.

Tôi đã thấy những người mẹ nhất định không cho con mình làm việc nhà, dù nấu cơm hay rửa chén, tất cả cứ để đó cho mẹ. Và chẳng ngạc nhiên, những người con này luôn luôn tự hào, sau tự hào là tỏ lòng yêu thương mẹ, và tất nhiên, sau yêu thương là nghe lời mẹ dặn, không cần làm gì hết.

Tôi đã chứng kiến những bậc cha mẹ kiên quyết bắt con mình phải mua chiếc áo này, phải đăng kí vô trường nọ, phải theo ngành này, phải làm việc nơi kia

Khủng khiếp hơn nữa, tôi còn biết những phụ huynh còn muốn can thiệp tới cả việc kết hôn và sinh con đẻ cái của các con nữa, rồi can thiệp tới từng quyết định nhỏ nhất trong gia đình riêng của con cái… Rất rất nhiều những trường hợp như thế. Và phần lớn, những đứa con chỉ lẳng lặng nghe lời, ý kiến của chúng, kế hoạch của chúng chẳng có kí lô trọng lượng nào trong mắt cha mẹ cả.

Rốt cuộc, tuổi trẻ Việt Nam không phải không có chính kiến, chỉ là chính kiến của họ hoàn toàn bị lờ di, bị cười nhạo và thậm chí là bị đè bẹp không hề thương tiếc. Bởi ai, bởi văn hóa và truyền thống ư? Không, đó chỉ là gián tiếp, mà trực tiếp, bởi chính bậc cha mẹ của mình. Họ đã công khai đánh cắp sự tự lập của thế hệ trẻ Việt Nam như thế.

Phụ huynh lấy trộm cả ước mơ của chúng ta và nhồi lại vào đó ước mơ của chính họ

Ngày xưa với nỗi lo chiến tranh, nghèo khó, các phụ huynh không thể lo gì khác ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền và mạng sống. Họ bị cuốn đi mà không thể sống với ước mơ, nguyện vọng của mình dù chỉ một ngày. Năm tháng qua đi, nỗi lo cơm áo được xua tan, nhưng nỗi buồn về ước mơ còn dang dở khi xưa khiến họ không thể nào sống vui vẻ được. Và thế là, họ bắt con cái đi theo những ước mơ khi xưa còn dang dở của chính mình. Với ước mong qua đó họ sẽ được sống lại với ước mơ. Một bậc phụ huynh dang dở giấc mộng làm bác sĩ sẽ có khuynh hướng bắt con mình theo ngành bác sĩ, dù nó có muốn hay không. Một người mẹ ngày xưa lấy phải một ông chồng nghèo khổ, sống cuộc đời nghèo khổ nhất định sẽ ngăn cản con mình việc yêu thương những người nghèo khổ khác. Kinh điển nhất, những bậc phụ huynh chân lấm tay bùn với giấc mộng về một công việc làm công ăn lương nhàn hạ nhất định sẽ phản đối tới cùng ước mơ phục vụ ngành nông nghiệp của cậu con trai… Tất nhiên, họ có lý do của họ và ta không thể trách được, nhưng vẫn cảm thấy buồn, làm sao để cho họ hiểu và tôn trọng quyết định của ta?

Tôi đồ rằng, nếu như hiện tại, giấc mộng công nhân viên chức – làm công ăn lương của các bậc phụ huynh ngăn cản khao khát kinh doanh, lập nghiệp của các bạn trẻ thì, tương lai, những bạn trẻ này khi làm phụ huynh, nhất định sẽ muốn con cái mình theo nghiệp kinh doanh và o ép chúng đi vào con đường đó, vì đó là con đường ngày xưa ta đã chọn mà không được thực hiện, ta cho nó là đúng, là hay, và rồi ta lại sẽ phản đối ngay cái ý tưởng được làm việc trong môi trường nghệ thuật hay tu hành của con cái mình. Có thể lắm chứ, cha mẹ nào mà không muốn con mình ngoan ngoãn, vâng lời. Con cái nào mà không muốn được mang tiếng là có hiếu. Thế rồi những tính từ đó đã hoàn toàn làm chủ cuộc sống của ta, không cho phép ta được sống cuộc sống của mình nữa. Trong 1000 lời cầu nguyện cha mẹ dành cho con cái, tôi nghĩ chắc có đến 999 lời cầu nguyện con cái nghe lời mình. Vâng, các phụ huynh ít khi cầu cho con cái đạt được ước mơ của mình, được hạnh phúc hay có ích cho đời. Các bậc phụ huynh chỉ cầu cho con cái ngoan ngoãn nghe lời mình là đủ.

Tình yêu thương các phụ huynh dành cho con cái mình, là vô bờ bến, vô điều kiện và bất khả dừng. Nhưng cũng chính tình yêu đó, lại đang kềm hãm sự bùng nổ của thế hệ trẻ, chính tình yêu đó đang cố kiểm soát cuộc sống của chúng ta, khả năng của chúng ta, tương lai và sau cùng là cả cuộc đời ta. Một thứ tình yêu to lớn nhưng chưa đạt tầm vĩ đại. Chưa thể vĩ đại vì nó vẫn còn mang đậm tính ích kỉ cá nhân, không thực sự vì con cái như các bậc phụ huynh vẫn nghĩ.

Hãy mạnh mẽ giành lại tuổi trẻ đi thôi

Còn các bạn trẻ, nếu như các bạn muốn sống đúng với ý nghĩa của từ tuổi trẻ, thì, trước tiên, các bạn phải học tính tự lập. Đừng tự hào vì được ba mẹ lo cho từng miếng ăn giấc ngủ, từng cái vớ, cái lược đến cái quần con. Đừng huênh hoang vì gia đình có điều kiện hơn người. Đừng tự đắc vì đã có sẵn một vị trí công việc được lo lót, vì một vài căn nhà, sổ tiết kiệm đứng sẵn tên… Tuổi trẻ của bạn, phải ý nghĩa hơn những thứ đó. Giá trị của bản thân mỗi người, là từ những gì chính họ tạo ra cho mình, cho đời. Hãy luôn tâm niệm điều đó.

Với những bạn trẻ gia đình không có điều kiện, hay thậm chí là thua kém bạn bè, hãy ngừng ngay than vãn, hãy ngừng ngay oán trách. Và hãy mau tìm cách đưa bản thân và gia đình thoát khỏi những điều kiện xấu đó. Hãy nhận trách nhiệm về phần mình và tìm mọi cách để hoàn thành trách nhiệm, có thế tuổi trẻ mới không bị phí hoài.

Đặc biệt, nếu như bạn có một ước mơ, một hoài bão, một kế hoạch. Mà kế hoạch đang bị cản trở bởi chính phụ huynh của mình. Hãy tìm cách thuyết phục họ, bằng những quan niệm thời đại và nhất là bằng chính những hành động thiết thực của bản thân. Hãy tỏ cho phụ huynh thấy bạn là người trách nhiệm, là người tự lập. Đôi lúc bạn cũng cần mạnh mẽ để giành lấy tuổi trẻ cho chính mình, nhưng hãy cam kết làm mọi thứ chứng minh cho phụ huynh thấy rằng bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm về nó. Bạn làm được không?

Tuổi trẻ không chỉ là trẻ tuổi

Tuổi trẻ là phải xông pha, phải thử nghiệm, phải sáng tạo và sống hết mình với những đam mê, nhiệt huyết. Nhưng chính các phụ huynh bằng tình yêu, trên danh nghĩa tình yêu, đã lấy cắp tuổi trẻ của chúng ta như thế. Và chúng ta, hãy đứng lên, dành lại tuổi trẻ cho chính mình. Đi đến nơi cần đi, làm những việc cần làm, chứng tỏ những giá trị của chính bản thân mình thay vì trở thành giá trị mà các phụ huynh mong muốn. Hoặc, nếu có thể dung hòa được giá trị của cả hai bên, là tốt nhất.

Tất nhiên, tôi viết những điều này không phải vì xem thường hay phủ nhận tình yêu thương của các bậc cha mẹ dành cho con cái. Tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng, tuổi trẻ Việt Nam trở nên thụ động, yếu ớt, lệ thuộc như ngày hôm nay. Chính các bậc phụ huynh phải nhận một phần trách nhiệm. Qua đó, ước ao sao họ có thể gỡ bỏ bớt những thành kiến và tư duy cũ kĩ của những thời đại trước, đừng áp nó lên con cái mình quá nhiều như hiện nay nữa.

Nếu bạn có một gia đình tư tưởng thoáng đạt với cha mẹ tâm lý, chỉ định hướng chứ không áp đặt. Một gia đình cho phép và tạo điều kiện cho bạn làm điều mình muốn, như cha mẹ tôi, thì bạn và tôi, chúng ta đang là những người cực kỳ may mắn. Vì còn biết bao nhiêu bạn trẻ ngoài kia, đang phải ngày ngày lầm lũi đi trên những con đường họ không hề chọn, làm những việc họ không hề muốn làm, mỗi ngày, mỗi ngày, chỉ để làm vui lòng các bậc phụ huynh. Sự thật là rất rất nhiều những người xung quanh chúng ta đáng phải sống như thế. Thật phí hoài tuổi trẻ. Thật đáng tiếc.

Thôi không than nữa, hãy mau tìm cách đi, tìm cách giành tuổi trẻ lại cho chính mình.



Phi Tuyết – Triết Học Đường Phố 




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên