Powered By Blogger





Wednesday, 12 December 2012

Ác như con tê giác





Ác như con tê giác Đó là một câu cửa miệng thời nay đã được họa sĩ trẻ Thành Phong minh họa trong cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ xôn xao hồi cuối năm 2011, bằng hình vẽ tê giác con hỏi tê giác bố: “Hôm nay không săn được con nào hả bố?” với bức tường phía sau treo các chiến lợi phẩm là những “đầu người”.
Một hình dung ghê rợn nếu thay vì người săn thú lại là thú săn người. Một thực tế đã được đảo ngược để nói lên sự độc ác của con người.




Loài tê giác bị truy lùng săn đuổi đến tuyệt diệt trên đất nước Việt Nam, khi con tê giác được coi là cuối cùng đã bị giết hại ở vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Nhưng những kẻ săn bắn tê giác ở Việt Nam không bỏ cuộc truy sát. Lợi dụng luật pháp của Nam Phi - nước chiếm đến 95% số lượng tê giác của toàn thế giới - cho phép săn bắn loài động vật này, các tay săn Việt Nam đã chuyển sang đó hành nghề. Theo bà Bomo Edna Molewa - bộ trưởng tài nguyên nước và môi trường Nam Phi đang ở thăm nước ta, trong số 222 giấy phép săn bắn cơ quan này cấp năm 2011 thì có 114 giấy phép thuộc về các “thợ săn” người Việt. Trước đó năm 2009 và 2010, cơ quan này cũng đã cấp 176 giấy phép cho người Việt săn bắn.

Các chuyên gia thế giới đã cảnh báo loài tê giác ở Nam Phi cũng có thể chịu số phận bi thảm như ở Việt Nam nếu không có biện pháp tích cực để bảo vệ. Theo công bố của Nam Phi, trước năm 2008 nước này mất trên dưới 10 con tê giác mỗi năm, nhưng số lượng tê giác bị săn trộm tăng đột biến cũng từ năm 2008 khi có trên 50 vụ bị bắt giữ; năm 2010 là 333 con bị bắn chết, năm 2011 là 448 con bị giết. Trong tám tháng đầu năm 2012, con số tê giác bị giết hại là 381 con. “Như vậy, trung bình cứ 12-15 giờ có một con tê giác bị săn bắn trái phép ở Nam Phi. Theo dự đoán của nhiều giới chuyên gia, năm nay Nam Phi sẽ có trên 500 con tê giác bị săn bắt” - ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc Cơ quan quản lý động vật hoang dã (CITES) Việt Nam, cho biết.  
Số lượng người Việt Nam xin cấp phép sang Nam Phi săn tê giác chiếm đến hơn một nửa tổng số giấy phép nước này cấp cho dịch vụ săn bắn là một con số đáng giật mình, xấu hổ. Nó làm hình ảnh người Việt trong mắt người nước ngoài là không mấy đẹp. Và khi biết rằng chi phí cho việc săn một con tê giác ở Nam Phi là khoảng 100.000 USD (tương đương 2,1 tỉ đồng) thì sự việc còn đáng báo động ở sự phân hóa xã hội và sự bất bình đẳng trong mức sống và lối sống. Tiền bạc nhiều không đi cùng văn hóa cao, văn minh cao khi nhìn những cái sừng tê giác treo trên tường như niềm hãnh diện của chủ nhân. Có lẽ chưa bao giờ như trong xã hội hiện nay, con người sống trong bi kịch là hủy hoại môi trường thiên nhiên mà mình là một thành phần để mưu cầu kéo dài sự sống của mình. Các cánh rừng bị chặt trụi, các dòng sông bị ô nhiễm, cạn dòng, các loài muông thú bị săn đuổi, tiêu diệt, tất cả chỉ để phục vụ nhu cầu ích kỷ và tàn bạo của con người, nhưng họ không hay rằng giết chết tự nhiên là giết chết con người.

Ác như con tê giác vì khi loài động vật này mất đi lại chính làm hiện ra ác tính của con người. Hình vẽ của họa sĩ Thành Phong tuy mang lại cảm giác đau đớn, bi thảm nhưng cũng chưa chạm tới được những tay đi săn.

Phạm Xuân Nguyên



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên