Các lệnh trừng phạt không có tác dụng đối với tính cách và tâm lý người Nga. Nếu mục đích trừng phạt là để thúc ép Nga thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại thì việc này đã không thành công.
Trong bài viết có tiêu đề "Phương Tây không hiểu người Nga" đăng trên tờ Thời báo Moscow (Moscow Times), tác giả Pyotr Romanov - nhà báo kiêm nhà sử học Nga - cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga làm ông nhớ đến yếu tố đã tồn tại từ lâu trong nét đặc trưng của dân tộc.
Quay lại thời các chính khách “bậc thầy” như Otto von Bismarck và Klemens von Metternich có thể thấy rằng những người có tài ngoại giao luôn cân nhắc kỹ vấn đề (tính cách Nga) này. Tuy nhiên, các chính khách đương đại lại hoạt động ở trình độ kém hơn nhiều và tốc độ di chuyển của họ trên “bàn cờ lớn” tụt lại rất xa.
Cũng giống những người đi trước, các nhà ngoại giao phương Tây coi trọng lợi ích kinh tế nhưng các suy nghĩ của họ về đặc trưng dân tộc hoàn toàn không phù hợp với một thế giới hiện đại. Vì thế, họ phạm phải nhiều sai lầm và khiến tình hình thêm tồi tệ.
Phương Tây từ lâu đã rất cố gắng để nắm bắt được tính cách của người Nga. Các nhà quan sát đưa ra các lý lẽ, cho rằng người Nga thích một nhà nước tập trung vững mạnh hơn quyền tự do cá nhân. Thậm chí họ còn chỉ ra có một kiểu được gọi là “tâm lý Moscow” - đặc trưng với sức hồi phục mạnh mẽ, chủ nghĩa bảo thủ và một thế giới quan hình thành từ niềm tin vào Đạo Chính thống ở Nga và thiên hướng theo chế độ quân chủ.
Đây là một lập luận gây tranh cãi, nhất là khi nó đã hoàn toàn bỏ qua những gì mà nước Nga từng trải qua trong lịch sử với chế độ dân chủ. Họ đã bầu ra các hoàng thân, sa hoàng và tổng thống. Đất nước Nga cũng từng chấn động vì 3 cuộc cách mạng và nhiều cuộc nổi dậy đòi quyền tự do. Vì thế, không có cơ sở nào để nói rằng người Nga ít yêu quý và ít coi trọng tự do hơn những người khác.
Tuy nhiên, có một số cơ sở của lập luận này là gần chính xác. Để giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ rộng lớn từ vùng Baltic đến Thái Bình Dương, người Nga cần một đất nước vững mạnh và một vị lãnh đạo cứng rắn và cần phải thể hiện được “khả năng hồi phục vượt trội” trong cuộc sống của mình. Qua nhiều thế kỷ, những điều kiện sinh tồn này đã hình thành nên tính cách Nga.
Nếu Chúa chuyển người Nga đến những nước Tây Âu nhỏ bé khác, thì hoàn toàn có khả năng họ sẽ lựa chọn một chính phủ nghị viện với quyền hạn mạnh mẽ của tổng thống và sẽ khá thoải mái trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU).
Người Nga thích tự phê bình bản thân, chính quyền và đất nước to lớn, vụng về của mình; nhưng lại không cho phép người ngoài làm vậy. Có thể điều này là không đúng vì biết đâu ý kiến từ bên ngoài sẽ khách quan hơn. Nhưng dù đúng dù sai thì đấy cũng là con người họ, và điều làm họ khó chịu nhất là bị các cường quốc khác gây sức ép. Đó là cách tốt nhất để khuyến khích người Nga, buộc họ phải đoàn kết để chống lại kẻ thù.
Và cuối cùng, nếu người phương Tây quen với việc hoạt động trong một khuôn khổ có những điều luật quy định rõ ràng, thì người Nga lại thích sự công bằng thực tế hơn. Đó là lý do vì sao hầu hết người Nga không bận tâm đến các lý lẽ cho rằng Moscow sáp nhập Crimea là vi phạm luật pháp quốc tế.
Các nhà ngoại giao và chính khách Nga đang chuẩn bị tiến hành thảo luận về vấn đề đó, nhưng đại đa số người Nga sẽ khẳng định rằng sự sáp nhập đã khôi phục lại công bằng lịch sử. Giống với triết gia Cicero - nhà lý luận chính trị La Mã, họ quan niệm rằng điều gì công bằng nhất là điều đấy đúng nhất.
Đó là lý do tại sao các lệnh trừng phạt đó không hiệu quả đối với tính cách và tâm lý người Nga. Nếu mục đích trừng phạt là để thúc ép Nga thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại thì việc này đã thất bại. Chỉ khi tự người Nga thấy rằng họ đã "chán ông Putin" thì sự cai trị của ông ấy mới chấm hết - chứ không thể xảy ra trước, và cũng không vì bất cứ áp lực nào từ phương Tây.
Hơn nữa, một cuộc điều tra gần đây do Trung tâm Levada tiến hành đã chỉ ra: trong khi tháng 9 có 60% người Nga cảm thấy bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt thì đến tháng 11 con số này chỉ còn 47%. Thật kỳ lạ, 80% những người tham gia khảo sát cũng nhận thấy giá các mặt hàng tăng rõ rệt và tình hình kinh tế Nga đang trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. Không phải điều này rất lạ hay sao? Phải chăng họ không hiểu?
Thực ra, chính phương Tây mới không hiểu. Người Nga tiếp nhận mọi thứ rất bình thản: “Đúng là cuộc sống có khó khăn hơn, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tồn tại được”.
Có một câu chuyện kể rằng: khi một du khách nước ngoài bước trên con đường phủ đầy băng, tuyết ở Moscow đã bắt gặp một cậu bé thích thú ăn một chiếc kem ốc quế. “Giờ tôi thấy rằng những người này thật là phi thường”, người này nhận xét. Bạn hiểu ý của câu chuyện này rồi đấy!
Tác giả Pyotr Romanov cũng khẳng định rằng, ông không định chứng minh rằng người Nga là hoàn hảo hay họ luôn đúng: "Tôi muốn nói rằng các chính khách phương Tây nên ghi nhớ những điều mà ông cha họ trước kia đã biết: Dù muốn hay không thì phương Tây vẫn phải tìm cách để cùng tồn tại với Nga cũng như tính cách người Nga".
Đó là lý do mà nhà thiên tài chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ 19 Bismarck đã cảnh báo đồng bào của mình: "God forbid, no 'Drang nach Osten'!" (“Lạy trời, đừng Tiến về phương Đông”). Tức là không nên bành trướng sang vùng Slavic ở phía đông. Tuy nhiên các lãnh đạo ngày nay lại không nhớ kỹ lời khuyên mà ông tổ ngoại giao người Đức đã đưa ra.
Dù cho các trừng phạt có thể làm suy yếu nước Nga thì chúng cũng sẽ thất bại với mong muốn đạt được các mục tiêu chính của mình. Hơn nữa, trừng phạt còn gây ra những khó khăn lớn đối với những người đã đề xuất. Tôi cho rằng các cử tri châu Âu sẽ muốn bầu lại lãnh đạo - những người đã làm họ mất đi thị trường béo bở từ Nga và khơi mào cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Giải pháp duy nhất là tiến tới thỏa hiệp. Người Nga rất kiên quyết và mạnh mẽ, nhưng cũng thích các rắc rối không cần thiết. Và lúc bắt buộc, họ có thể gây thêm nhiều khó khăn, nhưng dù sao người Nga không phải là người muốn tìm niềm vui qua nỗi buồn của người khác.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.
Huỳnh Linh (lược dịch)
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!