Powered By Blogger





Wednesday, 2 October 2013

Năm trụ cột của xã hội dân sự






Tôi đến YangGon – Myanmar những ngày đầu tháng 9/2013 trong một chuyến thăm các thành phố lớn cổ kính và nổi tiếng với hàng ngàn ngôi chùa, cùng phong cảnh và người dân hiền lành đáng yêu. Đất nước vẫn còn nguyên vẹn dấu vết của một thời độc đoán, độc tài và khép kín, nhưng giờ đã thực sự tắm rửa từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đã khoác vào mình tấm áo cơ chế mới đẹp và rất hoành tráng bởi những cơ sở vật chất hạ tầng đường sá, hải cảng tầm cỡ quốc tế. Myanmar cổ kính, xinh đẹp và thật hiền hậu, khi du khách và các nhà đầu tư toàn thế giới đổ vào đây, coi đây là mỏ vàng cuối cùng của Châu Á, là nàng tiên ngủ say trong rừng giờ chuẩn bị tỉnh giấc. Và Việt Nam ta, con rồng xưa của Châu Á làm được gì, khi mà cơ chế ta đang vận hành thực sự lạc hậu và lỗi hệ thống?

Thiết nghĩ văn minh nhân loại là tài sản chung của tất cả chúng ta và chắc chắn không của riêng quốc gia nào. Do đó chọn mô thức, thể chế tối ưu nhất của loài người để áp dụng vào quốc gia mình, đất nước mình, làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” là mệnh lệnh thời đại là việc của Lãnh đạo cao cấp đất nước phải thực thi.
Không làm điều đó chính Lãnh đạo là người có tội với dân, với nước. Tôi nhắc lại: Có tội chứ không phải có lỗi. Mà hành vi có tội thì có thể bị án treo cho đến án tử hình.

Đến thời điểm này – Xã hội dân sự Việt Nam nên được xây dựng bằng những trụ cột cơ bản sau:

Trụ cột thứ nhất: Văn hóa phải dân chủ.

Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do và có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa dân chủ nào cũng đưa vào. Nguyên tắc thứ nhất là tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và thứ hai, tất cả mọi thành viên (công dân) đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi.

Dân chủ ở đây đồng nghĩa với dân chủ Đa nguyên phản biện trên nghị trường, trong diễn đàn, Quốc hội. Dân chủ là dân thực sự là chủ của đất nước. Người dân được tự do lựa chọn Lãnh đạo Đất Nước bằng chính lá phiếu của mình. Họ nghiễm nhiên (người dân) được phán quyết tất cả những vấn đề hệ trọng của Quốc gia bằng trưng cầu dân ý, Dân đồng ý thì nhà nước, quốc hội mới được làm, dân không đồng ý thì nhà nước, quốc hội không được làm, không dùng vũ lực, công an, quân đội để trấn áp dân, v.v. làm ngược lại nguyên lý trên, nhà nước không còn là của dân.

Trụ cột thứ hai: Nhà nước phải là nhà nước pháp quyền.

Chúng ta có thể hiểu nhà nước pháp quyền theo cách đơn giản, đó là một nhà nước quản lý kinh tế - xã hội… bằng pháp luật và nhà nước hoạt động tuân theo pháp luật.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước phục tùng pháp luật mà chủ thể phục tùng pháp luật trước hết là các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước.

Nhà nước pháp quyền là một chế độ chính trị mà ở đó nhà nước và cá nhân phải tuân thủ pháp luật, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người và của mỗi người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, các quy trình và quy phạm pháp luật được bảo đảm thực hiện bằng một hệ thống toà án độc lập. Nhà nước pháp quyền có nghĩa vụ tôn trọng giá trị nhân bản là con người và đảm bảo cho công dân có khả năng, điều kiện, chống lại sự tuỳ tiện của cơ quan nhà nước bằng việc lập ra cơ chế kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp của pháp luật cũng như các hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhà nước pháp quyền phải đảm bảo cho công dân không bị đòi hỏi bởi những cái ngoài Hiến pháp, và pháp luật đã quy định. Trong hệ thống pháp luật thì Hiến pháp giữ vị trí tối cao và nó phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo quyền tự do và quyền công dân.

Phải tam quyền phân lập, phải hoàn thiện luật mẹ, luật gốc (tức bản Hiến pháp). Từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước cho đến người dân phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, ai sai người đó phải chịu tội (hoặc chịu phạt lỗi) do mình gây ra. Không có ngoại lệ, không có người sống ngoài vòng pháp luật, không chạy chọt mua quan bán chức, không có khái niệm con ông cháu cha, v.v. Đất nước thực sự có đầy đủ nền pháp quyền và dân quyền.

Trụ cột thứ ba: Kinh tế được vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Cơ chế thị trường là hình thức tổ chức kinh tế trong đó các quan hệ kinh tế tác động lên mọi hoạt động của nhà sản xuất và người tiêu dùng trong quá trình trao đổi.
Cơ chế thị trường là cách thức tự động phân bổ tối ưu các nguồn lực của nền kinh tế. Đó là vì, khi mỗi nhà sản xuất đều căn cứ vào giá cả thị trường để có quyết định về sản xuất, sẽ không có sản xuất thừa, cũng sẽ không có sản xuất thiếu. Phúc lợi kinh tế được đảm bảo do không có tổn thất xã hội.

Kinh tế thị trường có nghĩa là mọi hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa người sản xuất và người tiêu dùng được vận hành do sự điều tiết của quan hệ cung cầu.

Ở đây không có đuôi Xã hội chủ nghĩa, không có kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Tất cả các thành phần kinh tế đều được toàn quyền phát triển theo thực lực của mình... Nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tất cả đều có lợi, hướng tới một nền kinh tế đa sở hữu, đa thành phần mà đích đến là một xã hội khá giả, hài hòa, cơ hội được chia đều cho mọi người lao động hăng say, nhiệt tình, có bản lĩnh và trí tuệ.

Trụ cột thứ tư: Xã hội dân sự.

Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường. Điển hình xã hội dân sự phát triển tốt đẹp hiện nay như Anh, Đức, Canada, Luxembua, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Hà Lan, v.v.

Một xã hội dân sự là một xã hội không dùng bạo lực, coi phương pháp hòa bình, biện pháp bất bạo động là quyền lực nhà nước cho xã hội dân sự phát triển, vũ lực chỉ chống lại quân xâm lược và những kẻ hại dân hại nước để giữ vững an ninh trật tự xã hội mà thôi.

Trụ cột thứ năm: (Trụ cột cuối cùng) Đất nước phải có nền pháp lý hoàn toàn lý tính.

Lý tính là một thuật ngữ dùng trong triết học và các khoa học khác về con người để chỉ các năng lựcnhận thức của tâm thức con người. Nó miêu tả một dạng tư duy hay khía cạnh tư duy, đặc biệt là tư duy trừu tượng, và khả năng tư duy trừu tượng - cái được cho là chỉ con người mới có – các loại vật khác không có tư duy lý tính.
Thật vậy, tệ chạy chức quyền con ông con cháu, tệ không trọng dụng được người tài, kẻ nịnh bợ bất tài có đất dụng võ không gì khác hơn là nền pháp lý nước nhà sa sút và kém chất lượng nghiệm trọng. Với nền pháp lý như hiện tại xã hội khó phát triển bình thường.

Viết những dòng này để chia sẻ và bằng tấm lòng thành gửi đến mọi người Việt máu đỏ da vàng (không kể người đó ở trong hay ngoài nước, thuộc thành phần và tầng lớp nào). Mong, mong lắm thay đất nước mình hãy mau cởi ngay cái áo cơ chế của đứa trẻ lên 3 đang mặc lên cho 1 người đàn ông U40, U50. Áo ấy, xấu lắm, nát lắm, rách lắm - Hãy vứt đi, hãy chôn đi, đừng để cả thế giới nhìn vào với cặp mắt coi thường hãy cố lắng nghe lời ông Lý Quang Diệu nói rằng: ”Người Việt là giống người năng động và tài giỏi ở Đông Nam Á. Học sinh đến Singapore theo dạng học bổng Asean rất nghiêm tục học hành và đậu thứ hạng cao nhất. Với giống người thông minh như vậy, quả thật là đáng tiếc là họ lại thiếu tiềm năng.  Hy vọng rằng sau khi hết lớp người trải qua cuộc chiến, giới trẻ sẽ kế nhiệm, họ sẽ thấy Thái Lan đã thành công ra sao và họ sẽ bị thuyết phục bởi mức độ quan trọng của thị trường tự do”, và cả cái phẩy tay của Ông khi nói tới lãnh đạo Việt Nam.

Hãy xây dựng một xã hội Dân sự bằng những trụ cột cơ bản trên, bởi cho đến bây giờ chưa có một hình mẫu nào, mô thức nào tốt và tối ưu hơn nó - 5 trụ cột cho một xã hội dân sự phát triển…

Hàng triệu người Việt Nam đang muốn chấm dứt những cảnh bất công, tham nhũng, trì trệ, họ muốn đất nước đổi mới thật sự, thay đổi từ gốc đến ngọn.

Hãy tự tắm đi, hãy kỳ cọ thật kỹ vào (từ trên xuống, từ dưới lên, kể cả những phần kín và nhạy cảm nhất). Đừng vì ý thức hệ nào hết, đừng vì lợi ích nhóm nào hết, tất cả hãy vì 90 triệu con dân Đất Việt – vì dân tộc bi hùng 4000 lịch sử và vì tổ quốc này – Mẹ Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Yanggon - Myanmar, Ngày 20 tháng 09 năm 2013
Nguyễn Thanh Dòng


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên