Powered By Blogger





Tuesday, 8 October 2013

Cán bộ bán chuyên trách






Nhiều người ví von bộ máy hành chính cấp địa phương ở Việt Nam giống như những cái ách mà trong đó, nhân dân phải mang cái ách nặng nề này vào cổ. Ở đâu bộ máy quan chức địa phương càng cồng kềnh thì ở đó, đời sống nhân dân càng teo tóp, đói khổ và vô phương cứu chữa. Bộ máy hành chính cấp xã ở các huyện miền núi, huyện nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa là một điển hình cho vấn đề này.

Có nhiều xã chỉ có chưa đến hai ngàn dân nhưng bộ máy cơ quan cấp xã đã lên đến vài trăm người. Vấn đề thuế má của người dân trở nên vô cùng khắc nghiệt.

Bộ máy cồng kềnh, vô ích

Một cựu chủ tịch xã ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa chia sẻ với chúng tôi rằng trong ủy ban xã thời ông làm chủ tịch, có đến hơn hai trăm nhân viên, cán bộ và quan chức. Trong này chia làm ba thành phần và hai ngạch. Ba thành phần gồm quan chức, cán bộ và nhân viên. Quan chức chỉ các chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ gồm những cán bộ chuyên trách như trưởng ban văn hóa, trưởng ban kinh tế, trưởng các ban ngành, chi hội trưởng phụ nữ…

 Còn xét theo ngạch biên chế thì chia làm hai loại, đó là chuyên trách và bán chuyên trách. Cán bộ chuyên trách là những người ăn lương nhà nước, theo biên chế, thâm niên công tác, cán bộ bán chuyên trách là những người không có chuyên môn nào cả, chỉ làm các việc lặt vặt, phụ họa và hưởng lương theo tiêu chuẩn hợp đồng với cơ quan địa phương. Hay nói khác đi là mức lương thỏa thuận giữa chủ tịch ủy ban xã với họ.

Cán bộ không chuyên trách kéo dài từ cấp xã đến cấp thôn, cấp khối xóm, nghĩa là ở cấp xã thì có các cộng tác viên, các nhân viên mà chẳng biết họ tồn tại để làm gì, đến cấp thôn thì có trưởng thôn, phó thôn, trưởng công an thôn, phó công an thôn, trưởng ban văn hóa thôn, trưởng ban kinh tế gia đình thôn và kính thưa các loại trưởng ban khác, đến xóm thì có trưởng xóm văn hóa, trưởng xóm an ninh, trưởng xóm kinh tế kế hoạch hóa gia đình...

Ông cựu chủ tịch xã này nói thêm là chỉ riêng xã ông ít cồng kềnh nhất, chứ những xã còn lại, đặc biệt là các xã nằm gần thị trấn, hoặc nằm trong cái rốn qui hoạch thì lượng cán bộ lên đến vài trăm, có khi cả ngàn. Phần đông là cán bộ bán chuyên trách, hưởng lương từ một triệu đến một triệu rưỡi đồng, không có các chế độ bảo hiểm xã hội nhưng cơ quan tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm xã hội cho họ.

 Ông cựu chủ tịch xã này nói:  “Chúng nó đưa vào nhiều lắm. Cứ mỗi tháng một triệu một đứa như vậy là bao nhiêu. Có phải là mỗi tháng là 200 triệu đồng nếu cơ quan đưa 200 cộng tác viên vào. Mà 200 đứa thì nhiều vô kể, làm gì cho hết. Chán lắm! Thì vào đấy chúng chờ cơ hội, chẳng hạn cái huyện này sắp lên thị xã thì chúng nằm đó nó chờ sẵn rồi, con cháu nó cả thôi. Nằm chờ đó rồi, có khi lên thị xã thì tuyển thêm cái gì đó chuyên trách thì chúng thì chúng đưa vào.

Bọn chúng thì có thẳng nào học cho hết lớp 6 lớp 7. Học xong rồi lại bắt nhà nước bỏ tiền ra cho chúng học chuyên tu tại chức. Trong khi đó sao không kiếm người có chữ, người có chữ người ta nằm đầy ngoài đường đấy. thất nghiệp đầy. sinh viên ra trường thất nghiệp đầy ra đấy không cho làm lại bắt mấy thằng không có chữ cho nó vào làm, rồi lại tốn tiền dân cho nó học, học nữa học mãi, thế mới chết. Mà cái cơ chế này nó là thế rồi, chả có làm được gì cả, chán lắm!”
Chúng tôi thử nhẩm tính, với trung bình gần hai trăm cán bộ bán chuyên trách hay còn gọi là cộng tác viên trên mỗi xã với mức lương một triệu đồng trên mỗi tháng, chỉ riêng tiền lương đã mất gần hai trăm triệu đồng trên mỗi tháng. Và cộng thêm với gần hai trăm thẻ bảo hiểm, mỗi thẻ tốn 600 ngàn đồng, như vậy, mỗi năm, cơ quan này mất đi khoản hai tỉ đồng chi trả cho loại cán bộ bán chuyên trách. Mà trong một huyện gồm nhiều xã, trong một tỉnh gồm nhiều huyện. Tính ra số tiền đổ vào trả lương cho cán bộ bán chuyên trách này quá nặng trên đầu nhân dân, vì khoản tiền lương bán chuyên trách do ủy ban tự thu, tự chi, không liên quan gì đến ngân sách nhà nước.

Cộng tác viên tham nhũng

Một cựu bí thư xã đã về hưu khác, bức xúc nói với chúng tôi rằng ông bị đẩy đến tình huống phải nghỉ hưu non theo chế độ 176 vì nguyên nhân ông không chấp nhận để một cơ cấu quá nhiều cán bộ bán chuyên trách như thế này được. Sở dĩ phát sinh nhiều loại cán bộ bán chuyên trách là vì trong đó có nhiều kẽ hở để các quan chức chuyên trách tham nhũng, chỉ riêng tiền lương trả cho loại cán bộ bán chuyên trách không cũng đủ tạo ra khoảng trống mà ở đó, các ban bệ tha hồ làm bảng lương ảo và khấu trừ vào các khoản tiền có trong ngân sách xã. Thậm chí dựa vào loại cán bộ bán chuyên trách này, giới cán bộ tha hồ bòn vét của dân bằng nhiều cách.

Ví dụ như tổ chức các đại hội vô thưởng vô phạt ở cấp thôn, cấp xóm và vận động, cho các nhân viên bán chuyên trách đến gõ cửa từng nhà vận động đóng tiền, nói là vận động nhưng trên thực tế là ép buộc người dân phải đóng. Đó là chưa muốn nói đến tiền lương của loại cán bộ này hoàn toàn dựa vào khoản chặn thu trên đầu người ở nông dân, mỗi khi đến vụ mùa, họ lại ra ruộng tận thu lúa thuế, nông dân khó mà ngóc đầu lên được.

Một cán bộ đang làm việc ở cơ Sở tài nguyên môi trường Thanh Hóa, yêu cầu giấu tên, chia sẻ với chúng tôi thêm, vấn đề cán bộ bán chuyên trách đã trở thành ung nhọt khắp đất nước chứ không riêng gì tỉnh nào, bởi vì theo chỗ ông nghiên cứu, tìm hiểu thì khi nào còn tham nhũng, khi đó sẽ có nhiều loại cán bộ này. Nó tồn tại dựa vào hai mục đích: Rửa tội cho giới quan chức và chờ thời.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên