Powered By Blogger





Wednesday, 23 October 2013

Đã thấy quan tài mà chưa đổ lệ











Website mỹ viện Cát Tường.
Không biết ngày thứ Bảy – 19/10 (ngày rằm) vừa rồi là ngày gì mà đã xẩy ra tới hai sự kiện gây rung động giới truyền thông trong nước như vậy!

Vụ thứ nhất ở Thiệu Hóa – Thanh Hoá, vào trưa ngày 19/10 sau cái chết của một sản phụ được cho là do bác sĩ tắc trách. Hàng nghìn người dân đã bao vây xe chở quan tài chuyên dụng của công an, khi chiếc xe này vừa ra khỏi cổng bệnh viện.

Bà con đã vây kín chiếc xe, yêu cầu tài xế chở quan tài diễu qua trụ sở ủy ban huyện, công an huyện Thiệu Hóa ở thị trấn Vạn Hà. Nhiều người thân vì quá bức xúc đã liên tục đánh trống, rải vàng mã, thả vòng hoa đồng thời la ó phản ứng dữ dội. Lúc xe đi qua nhà riêng của bác sĩ Lê Văn Định, nhiều người lao vào trong nhà tìm kiếm đòi “xử” ông quan mặc blouse trắng này. Không tìm thấy ai, người dân đã dùng gạch đập phá làm hư hại nhiều đồ đạc. Bác sĩ Định cùng vợ con đã phải bỏ trốn để tránh cơn giận dữ của người dân. (Xem ở đâyở đây)



Vụ thứ hai, cũng vào trưa ngày 19/10, chị Lê Thị Thanh Huyền ở 36 phố Hàng Thiếc, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã tới thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng do bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (một bác sỹ giỏi của BV Bạch Mai) làm chủ để làm phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực. Ca phẫu thuật thất bại, khiến chị Huyền tử vong. Ngay đêm hôm đó bác sỹ Tường đã dùng xe ô tô riêng, cùng người bảo vệ (tên là Đào quốc Khánh) mang xác nạn nhân lên cầu Thanh Trì và ném xuống sông Hồng phi tang. (Xem ở đây)

Cả hai vụ việc đều hết sức nghiêm trọng.

Vụ ở Thanh Hóa, một sản phụ được xác định “đẻ thường” theo kết luận của y bác sĩ sau khi thăm khám. Mà cơn đau đẻ diễn ra dữ dội bất thường suốt cả đêm của bệnh nhân vẫn không được kíp trực đêm của bệnh viện đoái hoài… dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con.

Vụ ở Hà Nội, còn nghiêm trọng hơn. Có thể nói làm rung động cả y giới hoàn vũ. Thầy thuốc đã làm chết bệnh nhân. Lại ném xác nạn nhân để phi tang. Hành xử như thế có khác gì đám hải tặc máu lạnh chứ đâu còn là “lương y như từ mẫu”?

Nhận thấy mức độ trầm trọng của sự việc, theo thông tin từ Bộ Thuốc, do bà Thượng Tiến (Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến) đi họp ở nước ngoài, bà Phó Thượng Thư Nguyễn Thị Xuyên “sẽ ký văn bản thay mặt ngành y tế chia buồn với gia đình nạn nhân, xin lỗi toàn thể nhân dân,…”. (Nguồn tin từ TTO).

Thôi thì người chết cũng đã chết rồi. Nhưng “gia đình nạn nhân” và “toàn thể nhân dân” sẽ sắp nhận được một lời xin lỗi từ các quan lớn Bộ Thuốc, cũng cả mừng. Nhìn cảnh bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường bị dẫn giải đến nơi vứt xác nạn nhân do phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) “chộp” được thật ấn tượng. Nghi phạm tội giết người bị rìu đi bởi hai chiến sỹ an ninh trẻ mà uy nghi có khi còn hơn cả anh Trỗi ra pháp trường hồi thập niên 60 thế kỷ trước ấy chứ?



Còn tòng phạm với thầy thuốc Tường, anh bảo vệ trẻ - Đào Quang Khánh (17 tuổi), khi được hỏi: “Anh nghĩ gì khi thực hiện việc đó cùng bác sĩ Tường?”. Khuôn mặt Khánh không biểu lộ vẻ sợ hãi trước hành vi phạm tội. Khánh đáp: “Thấy bình thường. Hôm sau em lại đến Thẩm mỹ viện làm việc như mọi khi cho đến khi bị bắt… “Ngay sau khi vứt xác nạn nhân xuống sông, bác sỹ Tường nói với em, sẽ cho em qua giai đoạn thử việc, vào làm chính thức với mức lương 8 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt, em không được nói vụ việc này với ai”, Khánh kể. (Trích từ VOV).

Theo tính toán của vị thầy thuốc có máu lạnh Nguyễn Mạnh Tường, sau khi đã tiêu hủy mọi chứng cứ của nạn nhân, kể cả việc đưa chiếc xe máy nạn nhân để lại sang bên kia sông dựng hiện trường giả, sự việc sẽ êm xuôi. Không ngờ, một tờ hóa còn sót lại trong quần áo nạn nhân đã khiến vụ việc đổ bể hoàn toàn. Nếu không, ai dám chắc những kẻ thủ ác như Tường và Khánh lâm nạn? Các vị “thầy thuốc như mẹ hiền” và các nhân viên phục vụ đắc lực cho hệ thống y tế trên khắp đất nước này đã, đang và sẽ còn bao nhiêu kẻ mang máu lạnh như thế nữa? Ai sẽ trả nhời cho câu hỏi này, nếu không phải chính những người trong cuộc?

Sinh lão bệnh tử là lẽ thường “sinh diệt” của tạo hóa. Nhưng sẽ chẳng “lẽ thường” chút nào khi con bệnh vào viện muốn làm “thượng đế” phải kính cẩn lễ phép từ anh bảo vệ cho tới chị hộ lý. Muốn mỗi mũi tiêm khỏi đau, phải “bôi trơn” bằng những chiếc phong bì. Việc to phong bì to, việc nhỏ phong bì nhỏ. Thiếu (hay chậm) phong bì tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Trường hợp tử vong cả hai mẹ con của sản phụ ở Thanh Hóa rất có thể nạn nhân chết oan do chưa (hay chậm) được bôi trơn (?).

Riêng trường hợp chị Thanh Huyền ở Hàng Thiếc, bài học rút ra cho những ai “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” (Xem: Không phải thẩm mỹ viện “tử thần” đầu tiên ở Hà Nội - ở đây). Mà vẫn muốn lên “chân kính” nhan sắc của mình bằng sự can thiệp của dao kéo cũng nên biết rằng các thẩm mỹ viện danh tiếng nhất thế giới đương đại cũng không cứu nổi ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson giàu độc nhất vô nhị trên hành tinh này.  


Michael Jackson nạn nhân của mỹ viện
Tình huống trên không phụ thuộc vào chuyện ”bôi trơn” hay ”bôi” mà không “trơn”. Còn tùy thuộc vào cơ địa cụ thể của mỗi người. Cùng làm đẹp bằng giải phẫu thẩm mỹ cả, nhưng có ca thành công, ca thất bại chính là ở yếu tố cơ địa này. Những người có tiền sử về tim mạch hay đang trong giai đoạn phải dùng thuốc điều trị các bệnh mỡ máu và tiểu đường hay các bệnh nội tạng khác… đều thuộc diện “cấm chỉ” (không đủ điều kiện) tiến hành các giải phẫu thẩm mỹ lớn nhỏ. Người thầy thuốc giỏi và có lương tâm là phải chỉ ra cho các “thượng đế” của mình những bất cập rủi ro trước khi bắt tay vào công việc. Tiếc thay, nhiều thầy thuốc do hám giàu đã bị các khoản tiền (đặt cọc) qúa to làm mờ mắt. Thử hỏi, một bác sỹ phẫu thuật giỏi đã có gần 20 năm kinh nghiệm hành nghề ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện thuộc hàng đầu của ngành y tế xứ mình mà khách hàng vừa tới đăng ký và đặt cọc tiền (50 triệu) hôm trước, hôm sau đã tiến hành giải phẫu ngay. Với cách làm ẩu tả kiểu đó, nếu thành công, cũng chỉ là ăn may thôi.

Ở các xứ “giẫy chết”, sao chúng coi trọng sinh mạng con người thế. Như cách đây mấy tuần, bà xã tôi đi nhổ chiếc răng sâu ở hàm trên. Trước tiên, nha sỹ tiến hành hàn tạm lỗ rò (để khi ăn) cho đỡ buốt. Tiếp theo cho dõi hàng tuần, lại còn yêu cầu phòng khám bác sỹ gia đình cung cấp đầy đủ các kết qủa thử máu định kỳ (một năm hai lần). Thấy không có gì trở ngại, họ mới quyết định nhổ bỏ chiếc răng hư. Nơi đó chỉ là một phòng khám nha khoa nhỏ bé ở làng. Nếu ở các bệnh viện (từ tuyến huyện trở lên…) thì những phẫu thuật, dù nhỏ (như mổ ruột dư bị viêm sưng chẳng hạn), các qui trình kiểm tra theo dõi cùng mọi thủ tục pháp lý được tiến hành vô cùng kỹ lưỡng trước khi động dao



Ảnh chị Huyền
Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, chị Thanh Huyền ở Hà Nội, sẵn sàng bỏ ra hàng chục hàng trăm triệu để làm đẹp, để tăng thêm tự tin nhằm phục vụ tốt cho công ăn việc làm. Cũng như làm cho đời sống cá nhân được hạnh phúc hơn. Thiết nghĩ đó là việc làm chính đáng. Nhưng ai học được chữ ngờ. Khi sắc đẹp chưa được gia tăng một giờ một phút nào… thân xác lại chìm nổi đi đâu về đâu, chưa ai tìm ra? Cái chết của chị Huyền thật thương tâm.


Bài học rút ra qua cái chết bi thương ấy, các nhà quan mặc áo (blouse) trắng ở trên Bộ Thuốc dù có (hay sẽ) xin lỗi thống thiết tới đâu cũng không khoả lấp được nỗi đau của người ở lại. Bởi cái “lỗi hệ thống” mà xứ sở này mắc phải không phải chỉ có riêng ở ngành y. Nó như căn bệnh “tứ chứng nan y” tàn phá đất nước chúng ta từ lâu lắm rồi.

Thôi các nhà kiên định trên thượng thiên (trời) mà không chịu thì đám con ong cái kiến dưới hạ địa (đất) hãy cố mà tự giữ lấy thân. Đã thấy quan tài, mà chưa đổ lệ, thì ai sẽ khóc dùm ta đây ???




Gò Cỏ May
Theo Gocomay's blog



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

2 comments:

  1. Chào Thanh Hải, vừa ghé vào đọc NKĐQ, nhiều bài hay quá, anh mượn bài : Vì sao người ta gét dân Thanh hóa về đăng ở blog anh nhé, sẽ dẫn link đàng hoàng. Blog của anh có vấn đề nên phải sửa lại tên, Hải làm lại đường dẫn theo link này nhé: http://tqtrung1010.blogspot.com/
    Cám ơn Hải trước nha!

    ReplyDelete
  2. Tưởng mất liên lạc với anh rồi chứ. Buồn muốn chết

    ReplyDelete

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên