Powered By Blogger





Friday, 4 October 2013

Vừng ơi mở của ra!





Thế là lại qua một kỳ thi tốt nghiêp phổ thông trung học. Lần này cả nước có 946.000 thì sinh, trong đó 854.000 thí sinh là học sinh trung học, 91.000 thí sinh là học sinh các trường giáo dục thường xuyên. Ngành giáo dục đã  thành lập 2.296 hội đồng thi, huy động 142.000 cán bộ coi thi và 23. 000 cán bộ chấm thi.  Số cán bộ chiến sỹ  công an làm nhiệm vụ an ninh và  bảo vệ các phòng thi lên tới hàng chục ngàn và cán bộ các cơ quan ban ngành đoàn thể cũng xem xem cỡ đó.Đâu chỉ  học sinh đi thi  mà cả phụ huynh đi thi, vậy là hàng triệu người trong cả nước bị cuốn vào  hai cuộc thi liền kề nhau cùng tiền bạc và bao nhiêu  thắt thỏm lo toan. Sức người đã vậy còn sức của ? Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục-Đào tạo,  số tiền nhà nước phải bỏ ra là gần 1.000 tỷ đồng.  Nếu tính trung bình mỗi phụ huynh phải bỏ ra 1.000.000 đồng  chi phí các khoản cho con em mình đi thi, thì cũng ném vào đó khoảng 1.000  tỷ nữa. Số tiền đó gấp 6 lần tổng thu ngân sách năm 2012 của tỉnh Yên Bái.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay, nơi thấp nhất đạt 94%, nơi  cao nhất 100%,  bình quân cả nước đạt 98%. Có người vui mừng vì thành tích ấy,  nhưng không ít người băn khoăn  tự hỏi, huy   động ngần sức người, sức của chỉ để loại ra 2% thí sinh thôi sao?  Vậy thì công nhận quách 100 % tốt nghiệp cho rồi , còn bày vẽ thi cử làm gì cho tốn công tốn của?  Điều làm mọi người băn khoăn đặt  câu hỏi ấy chính là cái tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngểu,  mập mở hư ảo cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.

Nhớ lại ngày ông Nguyễn Thiện Nhân mới nhậm chức Bộ trưởng giáo dục,  và tuyên bố “nói không với bệnh thành tích”, ra tay kiểm soát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.  Năm  đó tỷ lệ  đỗ  chỉ đạt hơn  20%, thậm chí có lớp  0%.  Nhưng, rồi cùng với việc  nhà  giáo Đỗ Việt Khoa xông xáo  chống tiêu cực thi cử, như nhân vật Đôn Kihôtê  của Cevantes đánh nhau với cối xay gió , bị đánh tơi tả, thì  như có phép thần thông, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp  nhảy vọt lên 99 %, và  cứ như thế   liên tục đến ngày nay. 

Người ta cho mang điện thoại di động vào phòng thi, phao thi phập phồng ngoài cửa sổ, cổng trường, giám thị ngang nhiên gà bài cho thí sinh ... phòng thi như cái chợ trời mua bán điểm ! Căn bệnh thành tích của thầy giáo, cô giáo, cùa trường và địa phương, cộng với thói háo danh háo thắng bon chen của phụ huynh học sinh đẻ ra bao nhiêu chuyện nhố nhăng phi đạo đức.


Tôi được biết hầu hết các nước trên thế giới  bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông  lâu rồi.  Ở Đức học sinh được hướng nghiệp từ tiểu học, lên trung học cơ sở học theo năng khiếu.  Chương trình giáo dục bắt buộc  9 năm, học xong  là chuyển sang học nghề.  Không phải ai cũng lên trung học phổ thông rồi vào cao đẳng, đại học. Học lên cỡ đó phải có ý tưởng rất nghiêm túc.  Những học sinh  trung học phổ thông  không chỉ được bồi dưỡng kiến thức mà còn coi trọng phát triển nhân cách, tư duy độc lập. Người ta cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh  căn cứ vào kết quả học tập ba năm học , rất minh bạch công khai.

Pháp là nước vẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông , nhưng  làm  rất gọn nhẹ thiết thực , không ầm ào khoa trương  lãng phí sức người sức của như ở ta.   Có lẽ ít người để ý, là tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở Pháp chỉ  đạt  từ 70-75 %, kém ta 23 đến 28 %.  Nhưng đó là kết quả đích thực, không ai nghi ngờ giá trị của cái bằng tốt nghiệp  được trao cho người thi đỗ.

Còn ở Việt Nam, như Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ   thừa nhận : “ Cái tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học cao ngất ngưởng  ấy chỉ là kết quả  ảo, chất lượng không thực!”   Xin nói thêm, nói  trắng ra,  là kết quả đó mang nội hàm của học vẹt, học gạo và sự  thông đồng gian  lận.  Chính vì vậy mà Bộ giáo dục đào tạo đã  phải đề ra quy định khống chế trần tốt nghiệp.  Đó là một biện pháp chống tiêu cực. Nhưng cái sáng kiến lấy thành tích chống lại bệnh thành tích ấy không có tác dụng, ngược lại như  tưới xăng chữa lửa, bệnh thành tích càng  trầm trọng thêm.

Thật đáng buồn cho những tấm  bằng tốt nghiệp phổ thông trung học được cấp từ những cuộc thi ít chất lượng nhiều bê bối ấy.  Nó chỉ  là cái giấy thông hành cho  học  sinh thi  vào các trường  cao đảng , đại học. Sau cuộc thi ấy, những em  đỗ coi cái bằng ấy là đồ bỏ,  phần lớn không đỗ  chỉ còn là một vật kỷ niêm buồn thời cắp sách đến trường.  Cô giáo Nguyễn Thị Loan tâm sự trên một trang Web : “ Tôi không biết học sinh của mình làm gì với tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông?” 

Đúng vậy , chẳng cơ quan nào nhận một người nửa thầy nửa thợ vào làm việc . Ba năm học chay  mớ kiến thức dàn trải, có học sinh chưa viết thành thạo một tờ đơn xin việc, chưa biết xử lý một cái bóng đèn hư con chuột, phỏng  tấm bằng tốt nghiệp đó giá trị gì?

Vậy mà mỗi năm  đã  bỏ ra hàng  ngàn tỷ đồng  tổ chức cuộc thi vô bổ ấy. Số tiền đó có thể  xây dựng được hàng chục ngôi trường khang trang cho con em chúng ta khỏi phải học trong những căn  nhà tranh vách đất.

Ngày 31-7-2013, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị Bộ giáo dục nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phồ thông. Theo bà  tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95-96 % . Chỉ duy nhất một năm khi thực hiện cuộc vận động hai không, thắt chặt thi cử, thì  có trường chỉ đỗ tốt nghiệp 10-20% , thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ.  Liệu có thắt chặt mãi được không?  Nếu thắt thì phải thắt khâu quản lý, thắt quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này!” 

Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là tấm gương phản chiếu toàn bộ nền giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay. Một nền giáo dục mà ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải thừa nhận trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 15-8-2013 vừa qua  : “Chất lượng giáo dục phổ thông chưa đảm bảo mức tối thiểu!”  Phó giáo sư tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ cho rằng đó là một hành động dũng cảm của Bộ trưởng bộ giáo dục đào tạo.

Tháng 4 -2010,  Phạm Vũ Luận được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao  quyền Bộ trưởng bộ giáo dục đào tạo,  thay  Nguyễn Thiện Nhân , hai tháng sau, ngày 18-6, ông được Quốc hội thông qua Nghị quyết bổ nhiệm chức Bộ trưởng với số phiếu tín nhiệm rất cao 83,98%.  Lúc đó , dù là  người “ không thích tạo dấu ấn cá nhân” nhưng chắc  ông  không thể ngờ rằng, ba năm sau , ngày 11-6-2013, mình  lại là một trong ba quan chức  có số phiếu tín nhiệm thấp nhất (Tín nhiệm cao 86,tín nhiệm  229, tín nhiệm thấp 177). Giờ giải lao phiên họp ấy , nghe nói Phạm Vũ Luận  đã  lảng tránh trả lởi nhà báo, bằng lời nói đúng với tâm trạng cùa mình: “ Xin lỗi nhé, tôi đang rất buồn!”


Buồn là phải!  Bởi từ khi ông ngồi trên chiếc ghế  ấy, ngành giáo dục nhiều tai tiếng quá. Thi cử gian lận nổi cộm vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) nhà giáo mất phẩm chất nổi cộm vụ Sầm Đức Xương (Bắc Cạn) sách giáo khoa in cờ Trung Quốc,  không in quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt,  thạc sỹ đi bán trà đá, cử nhân đi phụ hồ, nạn dạy thêm tràn lan , bạo lực học đường như cơm bữa...  Nhà  giáo là người lái đò qua sông,  truyền đạo làm người cho các thế hệ sau, mà để xảy như thế , thì  như  Chu Văn An đã nói : “ Không xứng làm thầy!” 

Giáo  dục Việt Nam đã lụi lại quá xa so với thế giới. Ở trong nước cũng lạc hậu với sự phát triển kinh tế xã hội. 

Đề án đổi mới giáo dục lần này là quyết tâm của toàn ngành giáo dục, đối với Phạm Vũ Luận còn là  sự đặt cược toàn bộ sinh mạng chính trị  của mình vào  nửa  nhiệm kỳ  Bộ trưởng còn lại.   Ông Phạm Vũ Luận   khẳng định rằng  lần này không phải là cải cách giáo dục mà là một cuộc “Đổi mới toàn diện và căn bản”,  làm thay đổi quan điểm tư duy và triết lý giáo dục,  không đào tạo con người thụ động mà đào tạo con người có tinh thần độc lập , có đầu óc phê phán, trung thực , con người luôn luôn cởi mở với cái mới, con người giàu tính sáng tạo .  Phạm Vũ Luận  gọi đây là “trận đánh lớn”  và tỏ ra rất quyết liệt để giành chiến thắng. Ông  đã nói với phóng viên báo VnExpress : “Bước vào trận đánh , từ tường đến lĩnh đến binh lính phải quyết tâm , tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện  “Đề án đổi mới giáo dục” lần này là một trận đánh lớn!” 

Giáo sư Hoàng Tụy nhận xét : “Theo tôi, đây là lần đầu tiên chúng ta có một Đề án nghiêm chình nhất về đổi mới giáo dục!” Còn Phó giáo sư tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ thì đánh giá : “ Đây là đề án đổi mới nhất của Bộ giáo dục từ trước đến nay, nhưng đáng tiếc là vẫn còn những điềm chung chung”

Theo phó giáo sư tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, đề án đã vạch ra những yếu kém của ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề. Đó là một hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông giữa các trình độ đào tạo, phương thức giáo dục  sách vở,  giáo điều, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh  và nhu cầu sử dụng cùa thị trường lao động, đội ngũ lãnh đạo và nhà giáo chất lượng chưa cao. Mặt hạn chế của Đề án đổi mới giáo dục là chưa vạch rõ phương hướng khác phục mà vẫn là những biên pháp chung chung. Ví dụ như bảo đảm sự công bằng giữa trường công lập và trường dân lập thế nào? Xóa bỏ những đặc quyền đặc lợi ra sao?  Đề án nhắc tới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả tin cậy, sử dũng được công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học làm căn cứ cho tuyển sinh dạy nghề và cao đẳng  đại học,  tiến tới giáo dục bắt buộc 9 năm  ở bậc phổ thông nhưng chưa dứt khoát được là sẽ làm thế nào?

Đề án rất hay và rất nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết.

Nhưng một nhà giáo rất có uy tín lại nói với tôi: “Với chính sách như hiện nay mà giáo dục Việt Nam chỉ tụt hậu như vậy thì đã lả kỳ tích”. Ông tỏ ra hoài nghi vì: “Từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8, đảng đã nêu “Giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu” nhưng có chuyển biến đâu.

Hội nghị Trung ương 8 lần này lại tập trung bàn về Đổi mới toàn diện giáo dục. Tôi đã  từng  hy vọng và thất vọng, giờ lại khấn: “Vàng ơi mở cửa ra!”


Minh Diện
Theo blog BVB
   


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên