Powered By Blogger





Tuesday, 23 December 2014

Phụ nữ xấu như tách trà






Với phụ nữ, nhan sắc là một đặc ân, một món quà quý giá của thượng đế trao cho. Đã là quà thì không phải ai cũng có, thượng đế chỉ có một và phụ nữ lại nhiều nên đôi khi xảy ra trường hợp phân phát không đều tay để xảy ra cảnh kẻ nhiều người ít.

Gia Cát Lượng cho rằng, phụ nữ xấu như tách trà

Vào thời nay khi Botox lên ngôi, hàng giả ê hề “one size fits all” thì chuyện “quà cáp” cũng không còn là chuyện khó nghĩ nữa. Chỉ cần bỏ ra vài ngàn USD, phụ nữ có thể mua lại được những món quà nhân tạo từ các thượng đế thẩm mỹ viện làm ra. Vậy nhan sắc có còn là vấn đề quan trọng lắm không như xưa kia các cụ vẫn phải răn đe (hoặc an ủi) con gái rằng: “cái nết đánh chết cái đẹp” hay ngược lại là “cái đẹp đè bẹp cái nết”?

Cuộc so găng bất phân thắng bại rất tế nhị giữa “nết” và “đẹp” mà trọng tài (luôn là đàn ông) cũng phân vân khó xử bên được, bên thua từ bao lâu nay.

Tương truyền Gia Cát tiên sinh học giỏi một phần nhờ vợ là Hoàng Nguyệt Anh, một trong năm người phụ nữ xấu nhất – đặc danh Ngũ xú Trung Hoa – nhưng có tài văn chương và uyên bác. Như vậy trường hợp “cái nết đánh chết cái đẹp” đã đúng trong việc chọn vợ của ông, tìm được một tri kỷ trong đời không phải ai cũng may mắn mà có được. Nhưng lấy kinh nghiệm chọn vợ của tiên sinh mà đúc kết lại thành bài luận đàm một chiều rất phiến diện theo đoạn trích dẫn dưới đây thì quả là thiệt thòi cho cả phụ nữ xấu lẫn phụ nữ đẹp.

Gia Cát Lượng nói rằng, phụ nữ xấu như tách trà. Ngồi trong sân vắng vẻ, tách trà như tâm tình của cô gái. Xuân qua thu lại, thế sự như mây. Người đời hay nói: rượu, thuốc lá, trà là ba báu vật của đàn ông. Tài nữ như thuốc lá, mỹ nữ như rượu nồng, còn phụ nữ xấu chỉ lặng lẽ như trà tỏa hương. So với hương trà man mác, vô luận khói thuốc đắng cay hay men rượu nồng nàn, đều thành dung tục. Song người đời lại say mê sự kích thích của rượu và thuốc lá, ít ai thư thái để tận hưởng vị thanh khiết của trà.

Đúng vậy, phụ nữ xấu không lồ lộ vẻ đẹp trời ban, song tâm hồn họ thanh tao như hương trà. Xa lánh thế gian huyên náo mới có thể giữ được sự thuần khiết của tâm hồn, mới có thể hiểu nhã thú của đời người. Phụ nữ xấu, bất kể đi làm hay ở nhà, việc gì họ làm cũng chỉn chu. Phụ nữ xấu lương thiện, biết hy sinh, không cầu báo đáp, không tranh giành, hệt như hương trà u mặc thời ẩn thời hiện.

Song, trong khi người đời tán dương tài nữ, xum xoe mỹ nữ thì họ lại đối xử với phụ nữ xấu thật bất công. Phụ nữ xấu chan chứa thương yêu mà không một ai nhớ họ, nhưng họ cũng không để ý mà chỉ rút vào im lặng. Trong khi những người đẹp làm bao chuyện ầm ĩ, phụ nữ xấu vẫn thản nhiên giữ gìn mỹ đức. Có một điều an ủi, nhiều người đẹp khi trút lớp phấn son ra, họ xấu hổ không còn đứng trước phụ nữ xấu. Phụ nữ xấu yêu ai, người đó sẽ là người tình trong mộng. Họ khiêm nhường, như tách trà. Một làn gió nhẹ thổi qua, mặt tách trà gợn sóng, chờ đợi người tới thưởng thức. Mà người thưởng trà sẽ có được một đời hạnh phúc.

Trong xã hội thời nay, người phụ nữ phải ra đời làm việc, góp chung tay với người đàn ông để xây dựng gia đình. Người phụ nữ đương thời sẽ gặp nhiều áp lực hơn vì phải chu toàn bổn phận giữa gia đình và xã hội. Nhan sắc là một lợi điểm cho người phụ nữ trong bước giao tiếp đầu tiên nhưng khả năng và tính cách sẽ lưu giữ họ lâu dài. Tại sao chúng ta không đánh giá một phụ nữ qua tính cách và công việc của họ mà phải đem cái ngoại hình xấu-đẹp để làm cái mốc xác định giá trị của một con người? Có phải tất cả phụ nữ đẹp đều xấu, và tất cả phụ nữ xấu đều đẹp?

Tôi biết có nhiều người phụ nữ đã hy sinh cuộc sống, sự nghiệp, đôi khi cả suy nghĩ của bản thân để đổi lấy tình yêu hay lời khen tặng từ người họ yêu thương. Chữ “hy sinh” như chỉ để dành riêng cho người phụ nữ, đồng tình biến đổi vị trí của họ trở thành một người phục vụ không phải trả lương trong gia đình mà quên mất rằng người phụ nữ cũng có những ao ước, nhu cầu riêng tư như một người đàn ông. Họ sống giống một cây tầm gửi, miệt mài bám vào tình yêu tưởng rằng cao thượng đó. Vô tình hoá, họ đã biến đổi người đàn ông của họ trở thành một kẻ ích kỷ, hời hợt, chỉ biết hưởng thụ rồi sau đó khi tình yêu và người đàn ông đã xa thì chính phụ nữ lại than trách sao đàn ông quá bạc bẽo, vô tình không nhìn thấy những hy sinh của họ.

Thứ tình cảm mụ mị quên cả chính bản thân mình không phải là tình yêu thực sự mà chỉ là sự đổi chác giữa cung và cầu. Một người cần tình yêu và một người có thể ban phát (với một điều kiện tối thiểu nào đó). Như thế, hạnh phúc từ chén trà đem đến có thật là ngọt ngào lắm không hay đôi khì cũng mặn chát như những giọt nước mắt thầm kín về một hạnh phúc ảo? Có ai biết được đằng sau nụ cười còn là những giọt nước mắt. Hạnh phúc hay đau khổ cũng lệ thuộc một phần vào sự chọn lựa cách sống của người phụ nữ.

Nhưng thôi, nói gì thì nói, chuyện kể đời xưa nào ai biết thực hư đâu để bàn luận. Mà nếu có thật đi nữa kẻ hậu sinh này cũng phải chắp tay cúi đầu trước sự đa mưu túc trí mà khen rằng, Gia Cát tiên sinh thật khéo tài nịnh vợ!

Bái phục, xin bái phục!

Nguyên Tú My







Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên