Powered By Blogger





Wednesday, 8 April 2015

Làm gì khi đất nước còn nghèo







Khi nào các vị lãnh đạo văn hóa và cả xã hội không còn bị hấp dẫn bởi những cái “nhất”, cái “vĩ đại”, cái “kỳ vĩ”… mà nhìn xuống những gì nhỏ nhất đang vận động xung quanh mình, khi đó văn hóa và những giá trị cũ cũng như mới của nó mới được thừa nhận và hấp dẫn như chúng ta mong muốn”
.
Đất nước còn nghèo, vậy mà đáng lẽ phải đồng tâm, hiệp lực giúp cho đất nước giàu mạnh, thì nhiều người trong chúng ta lại thực hành những lựa chọn văn hóa không tương ứng với điều kiện kinh tế của đất nước mình. Nhậu nhẹt đang trở thành một thứ quốc nạn mà nếu thừa nhận, nhiều nhà chức trách cũng phải bóp mồm, bóp miệng.


Hội hè đình đám đã và đang trở thành một xu hướng tiêu tiền hợp pháp, vì người ta nhân danh văn hóa, nhân danh truyền thống, nhân danh tấm lòng đối với tổ tiên, thì làm sao có thể bác bỏ. Nhầm lẫn khái niệm và ước mơ… kỷ lục, dăm năm trở lại đây, một số địa phương thi nhau làm hồ sơ đăng ký di sản văn hóa với UNESCO.


Để làm hồ sơ, không ít kinh phí đã được chi ra, không ít hội thảo đã được tổ chức. Đón cái bằng chứng nhận về treo ở nơi trang trọng, để thi thoảng nhà chức trách ngắm nghía hoặc khoe với quan khách, còn dân bản địa, liệu có bao nhiêu người hào hứng? Nhưng “một miếng giữa thế giới” chắc phải hơn “một sàng trong nước”?! Và vì thế, trên báo Tuổi trẻ ngày 26/4/2010, nhà văn Nguyên Ngọc đã nói: “Tình trạng đó thật sự là một tấn bi hài kịch“.

Nó thậm chí còn có thể kéo những người đứng đắn ra xa khỏi các hoạt động văn hóa vốn dĩ rất đáng được coi trọng, chỉ vì nó được nhắc đến quá nhiều bằng các danh hiệu và các kỷ lục đến mức phản cảm. Nó cào bằng các giá trị và đến một lúc sẽ khiến lớp trẻ không còn biết tin vào thang giá trị nào”.

Còn TS Nguyễn Văn Huy nhận xét: “Do công việc, tôi phải đi khá nhiều nước trên thế giới và chưa thấy ở đâu người ta lại “mê” được UNESCO công nhận như ở Việt Nam… Nguyên nhân của tình trạng cười ra nước mắt này có thể kể ra rất nhiều, nhưng theo tôi, nhà lãnh đạo đã không đủ quan tâm hay kiến thức cần thiết để có nhận thức chính xác: đâu là những giá trị thật cần được bảo vệ, đâu là những hoạt động mang tính hình thức, đâu là những giá trị mà chúng ta có thể sánh vai với thế giới…

Khi nào các vị lãnh đạo văn hóa và cả xã hội không còn bị hấp dẫn bởi những cái “nhất”, cái “vĩ đại”, cái “kỳ vĩ”… mà nhìn xuống những gì nhỏ nhất đang vận động xung quanh mình, khi đó văn hóa và những giá trị cũ cũng như mới của nó mới được thừa nhận và hấp dẫn như chúng ta mong muốn”. Rồi tượng đài lớn nhỏ dựng lên khắp trong Nam ngoài Bắc.

Tượng đài để nhớ, để tri ân, để lưu hình thiên cổ cũng tốt thôi. Nhưng sau cái ngày rầm rộ vận chuyển tượng đài lên Điện Biên Phủ, cả nước hân hoan vì một công trình lịch sử – văn hóa để tưởng nhớ các anh hùng đã ngã xuống vì dân tộc, đứng sừng sững trên đồi D1, thì ngay sau đó, cả nước lại kinh hoàng và thất vọng vì công trình mang trong đó niềm tự hào của bao nhiêu con người, hóa ra là đồ “dỏm”, là nơi người ta xài ngón bán thầu và rút ruột. Vì ích kỷ, người ta không đếm xỉa tới niềm tin của đồng bào, tới phẩm giá dân tộc. Đó là biểu hiện của cái gì, nếu không phải là biểu hiện của khủng hoảng lựa chọn văn hóa?

Cho nên, không có gì ngạc nhiên nếu phải chứng kiến nghịch lý bi hài giữa các công sở nguy nga, tòa ngang dãy dọc, có dãy chậu cây cảnh giá bạc triệu, có máy điều hòa chạy ù ù, có những bộ bàn ghế giá cả ngang ngửa với tài sản của một gia đình thu nhập thấp,… với các chỉ tiêu, các khẩu hiệu, với những cánh tay chém gió, với những lời có cánh về xóa đói giảm nghèo.

Và hình như đã và đang diễn ra sự vận hành ngược chiều giữa các câu khẩu hiệu, những quy định với thực tế cuộc sống? Như việc thực hiện Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/12/2001 chẳng hạn.

Trước sự quá đà của xã hội trong hoạt động này, Quy chế được ban hành, một cuộc vận động được triển khai. Quy chế ghi rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty của Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện Quy chế này”.

Và rồi, ngay sau khi Quy chế có hiệu lực, một cán bộ cao cấp của ngành văn hóa đã rầm rộ tổ chức đám cưới cho con trai với hàng nghìn thực khách ngay tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ – Hà Nội. Sau gần chục năm, xem ra việc tổ chức đám cưới ngày càng tốn kém, phiền hà, và mùa cưới trở thành nỗi lo lắng cho các cá nhân và gia đình có thu nhập thấp. Còn các lễ hội thì ngày càng lãng phí, rùm beng, ngày càng gây bức xúc cho dư luận.

Tương tự như thế, ai có điều kiện quan sát hội nghị tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, rất có thể sẽ đặt câu hỏi: Không biết chính các vị đại biểu đến dự Hội nghị đã ưu tiên sử dụng bao nhiêu phần trăm hàng Việt Nam?. Bởi có thể chứng kiến ở hội nghị, nhiều vị đại biểu áo quần hàng hiệu, xách túi đồ hiệu, nếu không đi xe Mercedes, Toyota,… thì cũng cưỡi xe máy mang nhãn hiệu nước ngoài… (!).

Vài chục năm nay, đa số cá nhân giữ vai trò lãnh đạo các cơ quan văn hóa không còn là chuyên gia hay nhà văn hóa có uy tín. Tình trạng tay ngang đưa tới những sự kiện bi hài, không chỉ trong hoạch định, tổ chức mà còn cả trong phát ngôn.

Tại một số cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương, tình hình còn thê thảm hơn, với một số lãnh đạo ở các cơ quan này, dường như sau khi nghe giảng và thi hết môn học về văn hóa ở trường chính trị cấp nào đó là đã giải quyết xong tri thức về văn hóa, đặc biệt là văn học – nghệ thuật (?!).

Và rồi, chỉ cần nghe vài điều họ nói, đọc mấy thứ họ viết là có thể nhận ra tri thức của họ ở mức độ nào. Thêm nữa, với các hội văn học – nghệ thuật cấp tỉnh, thì sự sinh tồn của nó chủ yếu từ nguồn kinh phí của địa phương. Các hội đoàn này rất khó có thể tự mình quyết định sự tồn tại một cách lắt lay hay hoành tráng, nhưng đó lại là nơi có khả năng tạo ra các vị quan văn nghệ, cũng lên xe xuống xe, cũng tham gia hội nghị, cũng có mặt tại cuộc họp của tỉnh, cũng được cấp huyện đón tiếp long trọng… và thi thoảng lại thấy báo chí ầm ĩ đưa tin hội này hội nọ cũng kiện tụng, đấu đá nhau tơi bời!

Bằng vào những gì đã quan sát và tiếp xúc, kẻ viết bài này muốn đặt ra câu hỏi: Tới hiện tại, phải chăng với lãnh đạo văn hóa ở một số địa phương, công tác văn hóa chỉ bó gọn trong tổ chức lễ hội quảng bá du lịch, làm hồ sơ để được công nhận di tích văn hóa, tổ chức hội diễn văn nghệ, kẻ vẽ khẩu hiệu và pano giăng khắp tỉnh lị nhân dịp một hội nghị cấp tỉnh, hay kỷ niệm một sự kiện?

Cần nói thêm, hoạt động văn hóa ở một vài địa phương còn trở thành nơi phô trương các phong trào với trống giong cờ mở; thậm chí là lĩnh vực để một vài vị quan đầu tỉnh trổ tài thơ ca với dăm ba văn bản mà nếu coi đó là thơ, thì thật sự đã xúc phạm nàng thơ. Vậy mà vẫn có vị vác phứa thơ ra đọc vang vang trước công chúng.

Vậy mà cũng có nhạc sĩ hàng tỉnh hăng hái phổ nhạc, mời ca sĩ ở trung ương về biểu diễn và ghi hình, in VCD biếu tứ tung; rồi phát trên đài phát thanh – truyền hình địa phương cho công chúng cả tỉnh cùng thưởng thức(?!). Hay tại một vài hội nghị, họ buộc đại biểu phải ngồi nghe qua loa phát thanh, hay “điểm tâm” qua chương trình văn nghệ trước giờ khai mạc.

Thường thì, sau khi tiết mục văn nghệ gắn tên lãnh đạo trình diễn xong, lập tức có một số vị vội vàng chạy đến vừa xun xoe bắt tay, vừa khen nức nở. Nhìn vẻ hân hoan của vị lãnh đạo đầu tỉnh kiêm nghệ sĩ cuối xã mà buồn. Có làm ra hàng nghìn tác phẩm như thế, họ vẫn không bao giờ có được danh hiệu nghệ sĩ, đừng vì thói hoang tưởng, thú chơi riêng của mình mà lại làm khổ người khác.

Nên, tại tỉnh nọ, nhân Ngày Thơ Việt Nam, người ta long trọng tổ chức đêm thơ của chủ tịch tỉnh, nhưng hầu như văn nghệ sĩ trong tỉnh không tới dự. Nên, một nhà thơ – nhạc sĩ mới có cơ hội tán thối, bốc thơm: “Nhiều người đã từng nghe bài thơ của ông PXĐ (chủ tịch một tỉnh ở miền Bắc – NH) nhưng khi nghe nó được chắp cánh bằng âm nhạc Đỗ Hồng Quân thì đã rưng rưng xúc động và đón nhận chân thành. Có gì linh ứng giữa những người đã khuất với tác giả thơ, tác giả nhạc cùng anh em nghệ sĩ biểu diễn khiến cho tác phẩm ngay lập tức đã xác định được tầm vóc của nó”.

Thế nên, văn hóa dân gian ở tỉnh nọ mới có giai thoại về lãnh đạo cơ quan văn hóa cấp tỉnh hỏi nhạc sĩ cấp dưới: “Bài hát của tớ, cậu viết xong chưa?”.

Khoảng chục năm trở lại đây, xem chừng đa số “chiến lược gia” của văn hóa đất nước nếu không già lụ khụ thì cũng đã quá tuổi về hưu, đặc biệt là uy tín xã hội – nghề nghiệp của nhiều người không cao; còn người trẻ, tuổi dưới 50, thì rất hiếm.

Đến dự các hội nghị, hội thảo về văn học nghệ thuật nói riêng, về văn hóa nói chung, tìm hiểu thành viên một số công trình nghiên cứu có tính chiến lược về văn hóa, đều thấy nhan nhản “chiến lược gia” râu tóc bạc phơ. Ở đâu cũng gặp từng ấy gương mặt, ra Bắc vào Nam, và đa số thường quả quyết những điều không mới, nhưng lại luôn tỏ vẻ quan trọng.

Họ yêu cầu văn hóa phải thế này, văn hóa phải thế kia. Họ phê phán lớp trẻ sa sút phẩm chất văn hóa, họ lên án tác phẩm này sex, tác phẩm kia xuyên tạc lịch sử,… nhưng họ lại hoàn toàn im lặng hơi lặng tiếng khi có người “tụt quần” theo đúng nghĩa đen của động từ này để trình diễn tác phẩm wc.đọc, hoặc trút bỏ xiêm áo để làm ra tác phẩm được gọi là Bay lên. Họ im lặng vì không theo dõi nên không biết? Vì biết nhưng không có gì để nói?

Hàng chục năm rồi, họ bàn bạc, họ phê phán, họ khẳng định, họ đề xuất những điều to tát, mà không biết tại sao văn hóa lại cứ đi theo đường của nó, bất chấp việc họ được cấp tiền tỷ để thực hiện những đề tài, trong đó chứa đựng vô số kiến nghị mà nếu làm theo lời họ, thì văn hóa sẽ đi về đâu?

Thiết nghĩ, nếu họ thật sự tài năng, thì tài năng ấy đã phát tiết từ lâu, đâu chờ đến ngày họ lẩy bẩy bước xuống ôtô, nặng nhọc leo từng bậc cầu thang lên hội trường dự hội thảo, thì tài năng mới phát tiết. Mô tả và bình luận như vậy, có thể hơi nặng lời, nhưng đó là sự thật. Và nếu muốn văn hóa đất nước phát triển, nên thừa nhận sự thật ấy.

Để từ đó tìm ra phương cách huy động mọi người Việt Nam yêu văn hóa dân tộc, gắn bó, tự hào về văn hóa dân tộc, sẵn sàng đóng góp nhiệt tâm, công sức, trí tuệ để phát triển văn hóa. Những người như thế vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta.

Vì mọi người Việt Nam chân chính, ai cũng yêu đất nước mình, ai cũng thấy tâm hồn và lòng tự trọng bị tổn thương khi văn hóa dân tộc lâm vào tình trạng khủng hoảng. Vấn đề là hãy tôn trọng, hãy tin cậy, lắng nghe họ. Và tỉnh táo trước ý kiến của những chuyên gia “hữu danh vô thực”, hoặc cẩn trọng trước kết luận của các công trình nghiên cứu văn hóa thiếu giá trị thực tiễn

————


Tác giả: Nguyễn Hòa (An Ninh thế giới cuối tháng)












Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên