Powered By Blogger





Tuesday, 8 July 2014

Trí thức lưu manh hoá vì đâu?






Số liệu thống kê cho biết, cả nước hiện có hơn 9. 000 giáo sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học (*). Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức.

Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như: nguồn lao động trẻ, vị trí đắc địa trong khu vực, tài nguyên khoáng sản dồi dào…, nhưng nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu… Nguyên nhân chính là ở yếu tố con người, do đất nước chúng ta không tôn trọng giá trị con người, không tôn trọng trí thức đích thực.

Yếu tố con người chưa được quan tâm thích đáng trong khi đó là nhân tố chính cho sự hưng thịnh của một quốc gia. Một xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh, sĩ diện với bằng cấp thường dị ứng với sự sáng tạo, canh tân; lo lắng trước những tư tưởng cải cách và xa rời các tiến bộ khoa học kĩ thuật. Xã hội đó đương nhiên sẽ tụt hậu.

Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta lẹt đẹt. èo uột, đất nước chúng ta lạc hậu.

Con số lượng hùng hậu giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân đã nêu trên là con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công trình khoa học – sáng tạo – sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc sống… Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình… “sản xuất mì tôm”.

Người Hàn Quốc họ có quyền tự hào vì họ xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu quốc tế như: Sam Sung, Huyndai, Kia. Người Nhật có thể vỗ ngực tự hào với Sony, Toyota, Honda… Singapore có quyền hãnh diện về hàng xuất khẩu điện tử của mình ra khắp thế giới… Chúng ta không có một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các nước trên thế giới.

Thực tế này cho thấy, chất xám Việt đang bị lãng phí. Lãng phí từ khâu đào tạo (đào tạo quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ giả và dỏm), lãng phí cả khâu sử dụng – nhân tài thực sự chưa được tin dùng và sử dụng hợp lý và trọng dụng họ.

Nghèo, dốt, thua kém người khác chưa hẳn là cái tội. Cái tội là ở chổ: nghèo, đói, lạc hậu, thua kém người khác nhưng lại không biết, hay biết mà không chiu thừa nhận và tệ hơn là phải phủ nhận mình nghèo bằng mọi giá vì cái sĩ, để rồi không chịu tìm tòi hướng đi, lối thoát cho mình. Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước, nạn nhân cũng chính là chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của chúng ta.

Bất cứ xã hội nào, trí thức và yếu tố con người mới là yếu tố hàng đầu để đưa đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ và là miền đất hứa của biết bao người trên thế giới, Người Hàn Quốc chấp nhận “ăn mày chất xám” ở phương tây, tinh thần Samurai của Nhật…. Sao không để cho trí thức Việt được tự do trong sáng tạo, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn của mình !? Để họ được cống hiến !?

Ở một góc độ nào đó, có thể nói và khẳng định rằng, đất nước không phát triển được như người ta là vì trí thức Việt chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Và lại ở một góc độ nào đó, họ bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt tư duy, tư tưởng, và cả ý thức hệ, họ cũng muốn sống, muốn cống hiến lắm, muốn được hy sinh nhưng ý thức hệ, sự khác biệt trong tư duy và tư tưởng đã làm cho họ không được chọn.

Họ bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của giới trí thức Việt bao đời nay, vòng xoáy của một xã hội mà ngay cả đến trí thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hóa”, ở đó nhân phẩm của trí thức bị người khác chà đạp và tự mình chà đạp lên mà sống, để rồi họ không kịp nhận ra họ vừa là “nạn nhân” mà còn đồng thời là “thủ phạm”. Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống.

Rồi cứ thế, mỗi người trong xã hội cứ liên tục hại mình, hại người khác. Có thể nói trí thức Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung vừa tự hại mình và hại người, nạn nhân của nhau, nạn nhân của định hướng xã hội, nạn nhân của sự dẫn dắt tồi tệ.

Trong một xã hội, khi sự thật bị bóp méo, tẩy chay trí thức Việt từ chổ ”người sáng” cũng trở thành “người mù”, ngay thẳng cũng trở thành “còng lưng”. Họ im lặng, cúi đầu để hưởng cuộc sống an nhàn thay vì cất tiếng nói phản kháng rồi bị vùi dập.

Với mức giá, mức lương hiện tại, xã hội còn nhiều trí thức không sống được vói mức lương thực của mình. Người lao động trí thức bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Đây chính là một trong những lý do làm nên sự tha hóa, biến chất của giới lao động trí thức, thay vì đầu tư vào nghiên cứu, nâng cao chuyên môn tay nghề, phát minh ra cái này, khám phá ra cái kia họ lao đầu vào kiếm tiền kiếm sống, làm sao phải sống được cái đã. Chính điều này dẫn họ tới kết quả làm nhiều việc trái nghề, trái lương tâm, trái đạo đức xã hội…

Mua quan, bán chức, mua vị trí công tác diễn ra đều đặn ở giới trí thức. Rồi khi lên nắm cán bộ thi nhau chia chác, nhũng nhiễu, thằng lên sau thì dốt hơn nhưng lưu manh, khốn nạn hơn thằng trước. Khốn khổ cho một xã hội!

Chưa dừng lại ở đó, giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị bần cùng hóa hay tự bần cùng hóa cả về tư duy đời sống tinh thần khác. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến: những người, lẽ ra, phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Hoặc học nhiều đọc nhiều, có bằng này bằng nọ chỉ để tự hào, để khoe khoang, để lên lớp nhau, để mơn trớn nhau vì cái tính sĩ diện hảo.

Và cách người Nga đáp trả: Mày giỏi (giáo dục cao, học giỏi… ) sao mày không giàu (không bán kiến thức lấy tiền tiêu cho sang trọng)? Câu nói đó có lẽ hơi sống sượng, chợ búa, nhưng nó chỉ ra một thứ rất đáng nghĩ rằng: nếu như kiến thức của bạn không mang lại giá trị cho chính bản thân thì bạn cần kiến thức đó làm gì. Để trang trí hả? Để khoe mẽ hả? Nói thẳng ra, hơi chợ búa, nhưng đấy là cách nghĩ của những con buôn chứ không phải của trí thức.

Mặt khác, một số đông trí thức và tự nhận mình là trí thức lại cố định, cột chặt và để người khác cột, trói chặt tư duy và suy nghĩ của mình bằng những định kiến có sẵn, những quan điểm tâm lý đám đông và những quy luật bất thành văn khác về tư duy và quan điểm của họ. Điều này dẫn đến họ không tự do tư duy, không có tính bức phá không có khả năng phán xét đâu đúng đâu sai, họ chỉ biết nghe, biết chấp nhận những điều từ người khác mớm cho, từ trên đưa xuống không cần phán xét coi nó đúng hay sai, lợi hại ra sao.

Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Họ đã dùng cái sai này để ngụy biện bao che, phủ lấp cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn, khoa học đã không được lựa chọn.

Chính sự bần cùng và tự bần cùng hóa về tư duy, đạo đức và tinh thần, đời sống, trí tuệ đã khiến cho trí thức Việt Nam bị tha hóa nhiều mặt, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Để tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật ! Chính vì thế nhiều người còn chút lương tri họ chấp nhận cắn răng chiệu đựng và thõa hiệp với cái ác và cái xấu để yên ổn mà sống.

Họ dối trá, tiếp tay cho sự dối trá, họ lừa lọc, tiếp tay cho sự lừa lọc, họ sĩ diện và tiếp tay cho sự sĩ diện. Tất cả nó làm nên dung mạo của nền trí thức bị lưu manh hóa.

Đất nước này đã phải trả cái giá quá đắt cho tệ nạn “lưu manh hóa trí thức” này rồi, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biết tự đứng dậy, dám nhìn thẳng, nhìn thật vào sự thật, nhìn vào thực tế,… tự bản thân mình thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, đừng tự hại mình và hại người nữa.

Người Việt, trí thức Việt, dân Việt trách móc xã hội này đôi khi, nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chính họ chính chúng ta tạo nên xã hội này. Trí thức Việt nói riêng, dân Việt nói chung nhiều lúc đôi khi có xu hướng, chờ đợi mong mỏi một vị minh quân, một vị lãnh đạo tài ba xuất chúng nào đấy xuất hiện để đưa lối dẫn đường họ và lãnh đạo đất nước đang tụt hậu này.

Nhưng họ quên rằng không ai dẵn dắt và hành động tốt hơn họ tự dẫn dắt, định hướng cho mình. Đã đến lúc cả dân tộc này và giới trí thức Việt cần nhìn thẳng vào chính mình, nhìn vào thực tế và tự gánh trách nhiệm cũng như vài trò của mình để tự thoát ra cái vòng luẩn quẩn này chứ không phải một ai đó, một vị cứu tinh nào đó hay một vị minh quân còn ẩn dật đâu đó.

*********************

Tiểu Bối

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên