Người dân xứ Nghệ lưu truyền câu chuyện rằng, xa xưa ở vùng biển Cửa Lò (Nghệ An) luôn có cuồng phong, sóng dữ. Để đổi lấy cuộc sống bình yên cho người dân đi biển, có hai ngư dân đã tự nguyện làm vật hiến tế...
Thật kỳ lạ thay, biển dậy cơn sóng khổng lồ rồi từ từ nhô lên hai hòn đảo liền kề nhau. Từ đó, biển Cửa Lò trở nên trong xanh, hiền hòa cho đến ngày nay.
Ghi nhớ công ơn của hai người đã hiến thân mình hóa thành đảo ngăn phong ba sóng dữ, người ta đặt tên cho cặp đảo này là Song Ngư sơn. Trên đảo có ngút ngàn cây xanh và nhiều chim, thú. Sự hình thành đảo và những chiến công gắn với đảo qua thời gian đã làm nên một Song Ngư sơn huyền thoại.
Thời Trần, nơi đây là vị trí chiến lược của tướng quân Hoàng Tá Thốn chống giặc Nguyên - Mông và là điểm chốt làm chậm bước tiến của thủy quân Chế Bồng Nga; còn trong kháng chiến chống Mỹ, đảo Song Ngư là vị trí tiền tiêu của bộ đội ta đánh hải quân địch. Từ thời Trần, nhân dân vùng Cửa Lò - Cửa Hội, đã lập một ngôi chùa ở phía tây của đảo để thờ Phật; đồng thời cũng là để ghi nhớ công lao của tướng quân Hoàng Tá Thốn - người có công tập hợp nhân dân khai khẩn, lập nên vùng đất Cửa Lò ngày nay (vua Trần Thánh Tông đã ban chiếu phong ông là Sát Hải Đại Vương, thờ ông ở ngôi chùa này).
Chùa Đảo Ngư tọa lạc trên khu đất có hình rẽ quạt rộng chừng 3ha (gọi là bãi Chùa) hướng về phía mặt trời lặn - phía đất liền. Ở sân chùa có một giếng nước, dân địa phương gọi là “giếng Thần” vì là nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt. Giếng không sâu nhưng nước rất trong, rất ngọt và không bao giờ cạn. Phía sau chùa chừng 400m có một bãi toàn đá cuội gọi là bãi tắm Tiên; ngày trước, những người đi lễ thường qua đây tắm gội trước khi vào lễ chùa. Chùa linh thiêng lại nằm trên tuyến đường biển nối liền Bắc - Trung - Nam, nằm giữa hai lạch lớn là Cửa Hội, Cửa Lò nên các nhà buôn và ngư dân khi đi qua đây đều vào chùa dâng hương cầu xin cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, buôn bán gặp nhiều may mắn. Những ngày gió bão, bãi Chùa còn gọi là nơi trú ngụ của tàu thuyền từ xa tới.
Qua thăng trầm của lịch sử, chùa Đảo Ngư đã bị mai một dần. Năm 2004, chùa Đảo Ngư đã được trùng tu lại, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa, gồm: thượng điện thờ Phật (3 gian), hạ điện (5 gian) - nơi hành lễ và thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, nhà Nam, vườn chùa, bể cảnh, giếng Thần, khuôn viên và một số điểm nghỉ chân. Cùng với việc trùng tu chùa, bến cảng ở đảo Song Ngư và ở đảo Lan Châu cũng đã được xây dựng, thuận tiện cho du khách hành hương và viếng thăm chùa.
Qua thăng trầm của lịch sử, chùa Đảo Ngư đã bị mai một dần. Năm 2004, chùa Đảo Ngư đã được trùng tu lại, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa, gồm: thượng điện thờ Phật (3 gian), hạ điện (5 gian) - nơi hành lễ và thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, nhà Nam, vườn chùa, bể cảnh, giếng Thần, khuôn viên và một số điểm nghỉ chân. Cùng với việc trùng tu chùa, bến cảng ở đảo Song Ngư và ở đảo Lan Châu cũng đã được xây dựng, thuận tiện cho du khách hành hương và viếng thăm chùa.
Du khách có thể tham quan đảo Song Ngư bằng thuyền máy trong vòng 25 phút tính từ bãi tắm Cửa Lò. Tại đây, bên cạnh việc viếng thăm chùa Đảo Ngư, du khách còn có cơ hội tham quan phong cảnh của đảo, khu nuôi cá giò giữa biển; đồng thời sẽ thưởng thức cá giò 7 món cùng Song Ngư tửu - thứ rượu được chưng cất từ nguồn nước ở giếng Thần. Hiện nay, UBND Thị xã Cửa Lò và Sở Du lịch Nghệ An đang gấp rút hoàn thiện dự án đưa điện và nước ngọt ra đảo Song Ngư nhằm biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn của Cửa Lò.
Cuasodulich.com
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!