Powered By Blogger





Saturday, 2 November 2013

Liều Tiffy cho bệnh thành tích









Viên thuốc cảm cúm màu xanh đã được nhắc tới tại nghị trường, khi ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền – hoàn toàn nghiêm túc trước ống kính truyền hình trực tiếp – mô tả tình hình kinh tế-xã hội bằng những màu sắc. “Nghe báo cáo Chính phủ thì thấy màu hồng, nghe báo cáo thẩm tra thấy màu xám, còn nhân dân nói thì màu tối”.


Ông Thuyền nêu ra những con số cụ thể: Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 6,8%, thu ngân sách hụt trên 20 nghìn tỉ, có 42 nghìn DN “ra đi”, số trụ được là loại mạnh và lớn, số mới thành lập còn yếu, chủ yếu là tránh nợ và vay mới”.
“Theo tôi nền kinh tế phải đánh giá cho đúng, cũng như người bệnh, nếu chúng ta cảm cúm nhẹ thì uống Tiffy là khỏi, cảm cúm nặng thì phải có thuốc khác” – ông nói. Rất rõ ràng, tình hình kinh tế-xã hội đang ở thế nhìn thế nào cũng được. Bảo màu hồng cũng đúng, nói màu xám cũng không sai.

ĐBQH Nguyễn Thái Học nói, báo cáo Chính phủ khẳng định nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhận xét kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn. Còn tại các diễn đàn kinh tế, hội thảo khoa học, thì nền kinh tế được cho là đang đi xuống đáy, đang đơn phương đối mặt với những khó khăn so với các nước trong khu vực. Ông Học cũng thẳng thắn rằng: “Chính phủ khẳng định nền kinh tế đang đà phục hồi, nhưng lại đề nghị QH xem xét chấp thuận nâng mức bội chi (lên) 5,3% GDP chủ yếu để trả nợ là không thực sự thuyết phục”.

Điều đó là gì, nếu như không phải là “bệnh thành tích” – chữ dùng của ĐB Hồ Thị Thủy khi bà kêu gọi chấm dứt câu chuyện “con số thiếu tin cậy”, “chưa thấy sự nguy hiểm của bệnh thành tích trong quản lý”. Thật ra, muốn biết tình hình kinh tế-xã hội đang hồng, đang xám hay đang đen, rất đơn giản, chỉ cần lắng nghe dân, những người hằng ngày đang đóng không sót sắc thuế nào, những người chịu chính sách, hưởng hoặc hứng mọi thứ hay-dở nhưng cũng là người đang sống bằng chính mồ hôi nước mắt của mình.

Chỉ có điều giờ đây, việc nói thật với cán bộ cái khó của bản thân, cái màu đen của thực tế hóa ra không dễ, dù không một cơ quan nào không có bộ phận tiếp dân, dù Internet đã đến những bản làng xa xôi nhất và dù số thuê bao điện thoại bây giờ có lẽ còn nhiều hơn số dân dự báo sẽ tròn 90 triệu vào hôm nay.

Không ngẫu nhiên, ông Nguyễn Bá Thuyền nói về việc lắng nghe nhân dân. “Ngày xưa các cán bộ phải chui vào nhà dân để lấy tiếp tế, lấy thông tin đánh địch, giờ nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe. Một bộ phận không nhỏ cán bộ bây giờ gọi bảo số lạ không bao giờ nghe”.
Không nghe dân thì làm sao biết được tình hình nhân dân. Không nghe dân làm sao biết được cuộc sống đang “thứ bảy tươi hồng” hay “thứ hai tăm tối”.

Căn bệnh thành tích trong thống kê, trong nhận định đánh giá tình hình – vì thế, cần một liều thuốc để bắt đúng căn bệnh của nền kinh tế. Và liều thuốc đó là việc nghe dân, để nhìn thẳng vào sự thật, là thông cảm với dân, để an dân, chứ không thể là viên thuốc cảm 
Tiffy.


Đào Tuấn
  



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên