Từ sau khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khánh thành, lượng khách tới Sapa tăng đột biến. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ô tô và xe khách biển số 29 và 30 chen chúc nhau nhích từng tí một trên những con phố dốc và hẹp ở trung tâm, rú ga giữ máy, bấm còi inh ỏi.
Buổi tối, ở quảng trường nhà thờ, nhạc disco được mở to hết cỡ, tiếng bass làm vạt áo rung bần bật. Các buổi sáng, du khách chen lấn nhau để xuống thung lũng "thăm quan" các bản, lượng iPad nhiều hơn số lợn con nằm vầy đất ven đường.
Không còn nhìn thấy núi non gì nữa vì hai bên đường đã kín hàng quán bán đồ lưu niệm. Trẻ con Hmong xếp hàng đợi được phát bánh kẹo như là khỉ trong sở thú.
Những đứa bạo dạn hơn thì đi giật lùi trước mặt khách, chúng từ chối kẹo, chỉ nhận tiền, và đồng thanh kêu như những cái máy vô hồn, tiếng Kinh không sõi "cô cho hai nghìn, cô cho hai nghìn". Một cộng đồng và một vùng thiên nhiên đã đánh mất nhân phẩm của mình vì du lịch.
Đi du lịch là một sở thích khá mới của người Việt. Tới tận giữa những năm 1990, Sapa vẫn còn là một thị trấn xanh, yên tĩnh và thanh bình, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Hồi đó, không có một người Kinh nào quan niệm leo lên đỉnh Phan Si Pang là một việc đáng làm, đấy là việc chỉ người Hmong “phải” làm để mưu sinh.
Cũng giống như ở phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ II, phong trào đi du lịch của người Việt dần dần lớn mạnh khi có đủ ba yếu tố hội tụ.
Thứ nhất, thu nhập đã vượt qua những nhu cầu tối thiểu. Thứ hai, quỹ thời gian rộng rãi hơn, người ta không phải đầu tắt mặt tối lo cho cuộc sống nữa. Thứ ba, cơ sở hạ tầng, nghĩa là phương tiện đi lại, dịch vụ khách sạn và ăn uống, đã tốt lên, để cho việc xê dịch không còn vất vả nữa.
Những yếu tố đó làm thay đổi thái độ của người ta với việc di chuyển, chuyển từ quan điểm “xểnh nhà ra thất nghiệp” tới chỗ coi việc ra khỏi nhà như một thú vui, một sự hưởng thụ.
Thậm chí, để thoát khỏi cái buồn chán của cuộc sống công sở hàng ngày ở một thành phố lớn, người ta còn tìm tới cái vất vả như một cuộc chạy trốn ngắn ngủi, tất nhiên bởi người ta biết là cái vất vả này là hữu hạn về mặt thời gian, và các rủi ro nằm trong vùng được kiểm soát. Các phong trào phượt, phong trào đạp xe, phong trào “leo Phan” ra đời.
Lũ lượt đi chơi
Giờ đây, tình hình đã khác hẳn. Năm ngoái có gần 4 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, cộng với 40 triệu lượt khách nội địa, tổng lại là bằng một nửa dân số quốc gia. Nhìn xung quanh, ta thấy mỗi gia đình đều lên kế hoạch cho một vài chuyến đi trong năm. Với người Việt trung lưu, du lịch đã trở thành một sinh hoạt cơ bản, như mua sắm hay đi nhà hàng.
Khoảng khắc cho đồ đạc lên ô tô để lên đường bao giờ cũng là một trong những khoảnh khắc phấn khởi nhất của cả gia đình trong năm, và hình ảnh người bố trẻ lái xe trên xa lộ, người mẹ trẻ gọt hoa quả ở ghế bên cạnh, ở đằng sau là hai đứa con chụm đầu chơi iPad, truyền tải một trong những cảm giác sống viên mãn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ 21.
Du lịch là con ngỗng đẻ trứng vàng với nhiều địa phương, họ giàu có lên trông thấy nhờ vào nguồn thu từ du khách, nếu “giàu có" được đo bằng số lượng nhà cao tầng mới xây và số ô tô chạy trên đường. Cái mất mát thì không ai lượng hoá được. Thờ ơ hoặc không ý thức được mặt trái xấu xí của du lịch, phần lớn các chính quyền địa phương tiếp tục cổ suý vô điều kiện cho “ngành công nghiệp không khói” này như một hướng phát triển văn minh và tiến bộ.
Cái đang xảy ra ở Sapa là sự hoành hành phá phách của hiện tượng du lịch đại trà (mass tourism) và chính sách phát triển phục vụ nó. Chính sách này có thể được gói gọn trong một mục tiêu: càng nhiều khách càng tốt. Để tiếp tục với ví dụ Sapa: số lượng khách tới đây vào năm 1991 là 2000.
Năm 2002, con số này là 60.000 người. Nhưng riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2015 vừa rồi số du khách đã là 50.000 người.
Sapa đang bị phá hủy vì cách làm du lịch?
Trong cuốn “Quá tải: kinh doanh du lịch bùng nổ”, tác giả Elizabeth Becker gọi du lịch là một ngành công nghiệp toàn cầu tàn bạo, một con dao hai lưỡi, hứa hẹn thu nhập và việc làm cho bên chủ nhà, và các trải nghiệm để đời cho bên khách, nhưng cùng lúc cũng có sức tàn phá khủng khiếp với môi trường, văn hoá và cộng đồng.
Số phận của các địa điểm du lịch tầm cỡ khác của Việt Nam cũng tương tự như Sapa. Ở vịnh Hạ Long, mỗi ngày 20.000 du khách được đưa đến và chuyển đi như gà con trên băng chuyền, sau khi trực tiếp xả thẳng phế thải của mình xuống dưới biển.
Ở Phú Quốc, mùi nắng gió, mùi nước mắm, các đồn điền tiêu, những làng chài, tâm hồn và cá tính của hòn đảo, đang biến mất dần. Thay vào đó là chi chít hàng quán, biển hiệu rối rắm, như một thị trấn vô hồn bất kỳ nào khác.
Người ta xẻ rừng quốc gia để đặt vào đó các lâu đài nhái kiểu cổ tích châu Âu chóp nhọn loè loẹt xanh đỏ, những cây thông và bãi cỏ ôn đới lạ lẫm với khí hậu địa phương, biến một thiên đường nhiệt đới tự nhiên thành một “thiên đường" bê tông nhân tạo.
Du lịch đại trà là một hiện tượng toàn cầu, nhưng nó gây ra tác hại nhiều nhất ở các nước đang phát triển, vì sức chống cự của những nước này, cả từ nguồn lực tài chính lẫn trình độ quản lý yếu kém hơn. Ở Angkor Wat, gần đây các ngôi đền bắt đầu bị lún vì mực nước ngầm hạ thấp do mức tiêu thụ nước của các khách sạn liên tục tăng lên.
Ám ảnh nhất với tôi là Vang Viêng ở Bắc Lào. Nằm bên bờ sông Nam Song, được vây xung quanh bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp, cái làng nhỏ duyên dáng và xinh xắn này bỗng nhiên trở thành nơi các thanh niên phương Tây tập kết để ăn chơi như không có ngày mai. Họ tụ tập ở các bar trải dài 4 km dọc bờ sông, ăn pizza trộn với cần sa, nốc whisky đựng trong các bát ô tô nhựa, nhảy nhót trong tiếng nhạc rầm rầm, rồi nằm trong xăm ôtô lao mình xuống nước xoáy để tiêu khiển. Sau mấy chục ca tử vong chỉ trong vòng một năm, chính phủ Lào phải ra tay dừng cuộc vui lại.
Mức sống chung cao lên, các đường bay giá rẻ ra đời, càng tạo điều kiện cho du lịch đại trà phát triển. Thậm chí, người ta bắt đầu dùng tới thuật ngữ “du lịch siêu đại trà" (mega-mass tourism) để mô tả hiện tượng này.
Đầu thế kỷ 21, Giáo hoàng John Paul II phê phán du lịch đại trà là một hình thức bóc lột mới, nó “biến văn hoá, các nghi lễ tôn giáo, và các lễ hội dân tộc thành những sản phẩm tiêu dùng” khi khách du lịch tìm tới những cái mới lạ một cách hời hợt và không muốn tiếp xúc thực sự với văn hoá bản địa.
Thật vậy, trong trường hợp Sapa, điều quan trọng nhất với các du khách là câu hỏi ăn lẩu cá hồi ở đâu và mua rượu táo mèo chỗ nào. Không ít người lên đây vì bạn rủ đi để “có người uống cùng cho khỏi buồn” Văn hoá, thể hiện qua đám người dân tộc ăn mặc sặc sỡ và những cái ruộng bậc thang, sẽ chỉ là cái phông cho các bức selfie.
Chả ai bỏ công ra tìm hiểu về lịch sử, tín ngưỡng, xung đột xã hội, hoàn cảnh kinh tế của người dân ở đây. Có lẽ yếu tố “văn hoá" duy nhất mà khách quan tâm là cái chợ tình như là cái gì man di đáng yêu của “bọn nó”, nhưng đằng nào nó cũng biến mất từ nhiều năm nay rồi - cũng vì du lịch.
Đấy là chưa nói tới chuyện sắp tới sẽ có nhiều hội thảo, tập huấn, tổng kết, liên hoan v.v… được tổ chức ở Sapa, ngạch này gọi là du lịch - công việc (business tourism). Loại du khách này thường không đi cùng gia đình, nên chắc lúc đó sẽ mọc lên nhiều tiệm massage và karaoke thư giãn với các cô gái miền Tây Nam Bộ đổ về cạnh tranh với con gái địa phương.
Chầu rìa trên quê hương?
Nhìn những gì người ta đang tiếp tục làm với Sapa mà thấy đau lòng. Các khách sạn khổng lồ tám, chín tầng vẫn đang xẻ núi mọc lên, nhiều khi chỉ cách cái bên cạnh một con phố nhỏ, xe không quay được đầu.
Đảo qua một vòng trên báo chí, cũng thấy nhắc tới các “thách thức" du lịch ở Sapa, nhưng hoá ra đó chỉ là các vấn đề “cháy” phòng và khan hiếm chỗ đỗ xe. Chính quyền địa phương cam kết sẽ ưu tiên giải quyết để “Sapa ngày một vui hơn.”
Sắp tới, cáp treo sẽ làm hàng trăm người đang khuân vác phục vụ khách leo núi mất việc. Họ sẽ ra nhập đám vợ con họ đang lang thang hàng ngày ở thị trấn.
Cáp treo lên đỉnh Phan Si Pan cũng đang được thi công. Ở độ cao 3000 m, người ta đang phá đá để tạo ra một khu vực rộng gần 8 ha, một diện tích rất lớn ở độ cao chênh vênh đó. Quần thể ga đến sẽ có “khu dịch vụ du lịch, khu tham quan, công viên văn hoá tâm linh và một tượng Phật khổng lồ”.
Cáp treo có công suất 2000 người một giờ, nghĩa là khi đi vào hoạt động sẽ cho phép mười mấy nghìn người lên đỉnh núi mỗi ngày, quanh năm, ngày nào cũng như ngày nào, thay vì con số hiện nay chỉ là mấy chục người một ngày leo đường bộ, và chỉ trong 6 tháng mùa khô.
Còn những người dân tộc, những người thực ra là chủ từ bao đời của vùng núi này, họ được gì từ tất cả những cái này? Hiện nay, mỗi du khách tới Sapa sau khi bỏ ra 1 triệu đồng cho việc đi lại, khách sạn, ăn uống - tất cả chảy vào túi người Kinh, kể cả tiền cho một chai nước trắng - thì mới bỏ ra 10 nghìn mua mấy cái đồ thổ cẩm của người dân tộc. Thậm chí nhiều hướng dẫn viên du lịch còn dẫn khách tới các cửa hàng bán thổ cẩm nhập từ Trung Quốc vì họ được hoa hồng từ đây.
Người thiểu số đang ra rìa ngay trên quê hương họ
Và như vậy, những người Hmong, người Dao, người Tày, người Giáy, sẽ chủ yếu là đứng chầu rìa ở ngay trên quê hương họ. Sắp tới, cáp treo sẽ làm hàng trăm người đang khuân vác phục vụ khách leo núi mất việc. Họ sẽ ra nhập đám vợ con họ đang lang thang hàng ngày ở thị trấn.
Họ sẽ không để cho du khách yên, sẽ táo tợn, sẽ đeo bám quấy rầy cho tới khi khách mua hàng mới thôi, sẽ hét “no money, no photo.”
Buổi trưa, khi các đoàn khách bận rộn với món lợn mán nướng bên trong các quán ăn, họ sẽ ngồi trên bậc thềm bên ngoài, ngước nhìn lên để thấy ngọn “Hủa Xi Pan" của mình, một biểu tượng của thiên nhiên hùng vĩ, nóc nhà chung của họ từ hàng trăm năm nay, bỗng nhiên trở thành một điểm hành hương Phật giáo mới để cho những người ở đâu tới khấn lậy và nhét tiền vào tay tượng, xa lạ và thô bạo với không gian văn hoá của họ.
Có thể dừng lại cỗ máy khổng lồ mang tên “phát triển" này được không? Tôi không chắc. Bởi nó đang được đốt bởi lòng tham. Các doanh nghiệp thì say lợi nhuận. Chính quyền thì say tăng trưởng GDP.
Các du khách thì tham các trải nghiệm mì ăn liền, được tưởng thưởng mà không phải lao động. Họ muốn “chỉ cần 15 phút để lên nóc nhà Đông Dương”, chụp selfie giữa rừng già mà vẫn đi guốc cao gót được, nhẹ nhàng như vào Paris Deli.
Nhưng cũng như với mọi thứ khác trên đời, sự tham lam sẽ phá huỷ hết. Lòng tham sẽ biến con ngỗng vàng mang tên du lịch thành một con quái vật. Các nhà chuyên môn đã nói nhiều về cú nổ bong bóng của các điểm đến sau thời kỳ tăng trưởng nóng vô độ.
Với cách làm du lịch hiện nay, sẽ tới lúc Sapa giống muôn vàn những chỗ khác: vô bản sắc, ô hợp, nhân tạo và rẻ tiền. Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn, một sự thảm hại cho cả người ở đó lẫn người tới thăm.
Đặng Hoàng Giang
Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Hà Nội
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!