Đã viết loạt 7 bài "Ngành y tế Việt cần thay đổi gì?" cách đây đã hơn 2 năm, để đưa ra giải pháp toàn diện cho ngành y tế Việt Nam. Nhưng mấy hôm nay, sau chuyến đi thị sát tình hình của bà thương thư bộ Tế thì câu chuyện "ùn tắc giao thông" trong ngành y lại nổi lên như một câu chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi. Nên phải viết bài này vậy.
Đứng trên quan điểm thống kê học thì, 36 năm qua dân số Việt Nam tăng lên gấp 3 lần sau chiến tranh, nhưng số cơ sở khám chữa bệnh tăng chưa đến 2 lần. Đó là nguyên nhân làm "ùn tắc giao thông" trong y tế - hay còn gọi là quá tải bệnh viện.
Song đứng trên quan điểm quản lý ngành y về mặt vi mô thì, hầu hết các lãnh đạo các cơ sở công lập lại không muốn giảm quá tải. Vì nếu không còn quá tải thì, không còn đầu tư cơ bản lấy gì ăn? lấy gì để có tiếng và lấy gì để mình được xem là quan trọng?
Vi mô hơn nữa thì ở góc độ chuyên môn, vấn đề nhập viện và xuất viện ở các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn bất cập. Có những bệnh ở mức độ không cần nhập viện thì lại cho nhập viện. Có những bệnh chỉ cần nằm viện theo dõi trong vòng chưa đến nửa ngày rồi cho điều trị ngoại trú lại cho nằm dài ngày, v.v... nó cũng là yếu tố để tình trạng quá tải xảy ra. Vấn đề này còn phụ thuộc vào 2 yếu tố. Vì lợi nhuận và vì khả năng chuyên môn còn kém.
Nhưng đứng trên quan điểm văn hoá dân chúng thì, hơn nửa thế kỷ sống trong bao cấp làm cho người dân "thích" đi khám ở các cơ sở công lập hơn là tư nhân, vì nhiều lý do. Đầu tiên là dân nghèo vì thời bao cấp còn để lại di chứng và vì kinh tế suy sụp do điều hành của chính phủ. Sau đó là vì dân quen đi khám cơ sở y tế nhà nước. Sau cùng là đầu tư nhà nước vào cơ sở công lập có tính cục bộ ưu tiên cho tuyến trung ương nhiều hơn, nên trang thiết bị và chuyên sâu cũng tốt hơn. Ba yếu tố đó làm tâm lý người dân "thích" khám chữa bệnh ở tuyến trung ương công lập hơn nên làm ra quá tải.
Còn đứng trên quan điểm điều hành ngành y tế nước nhà thì, hầu như chính sách của cơ quan quyền lực cao nhất của ngành y đất nước vẫn giữ lề thói điều hành thời bao cấp. Vẫn ôm đồm lãnh đạo và phân tuyến điều trị, trong khi bệnh tật thì không chọn tuyến để mà gây ra. Vẫn lãnh đạo kiểu xin cho, vẫn bộ tứ rườm rà, vẫn tuyển nhân viên theo kiểu thân thế và đòi hỏi vật chất là trên hết, nên tha hoá không tránh khỏi ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Đứng trên quan điểm đào tạo thì cần phải bỏ chế độ đào tạo chuyên tu từ thời giật gấu vá vai nhân lực cho chiến tranh. Vì nó đã không còn hợp thời dẫn đến chuyên môn ở các tuyến xa không đủ khả năng đảm đương nghề nghiệp. Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội cần là mũi nhọn, hơn là đào tạo theo số lượng và khả năng có thể đào tạo ở mỗi trường đại học y khoa như lâu nay. Vì tuyển sinh viên y khoa bao giờ cũng khó nhất, nhưng đào tạo chính quy ra thì thất nghiệp vì không thân thế, trong khi loại chuyên tu không có kiến thức, tai hại cho xã hội thì ghế đang chờ sẵn. Một nghịch lý của thời chiến tranh bao cấp vẫn chưa bỏ được.
Đứng trên quan điểm quản lý ngành y cần phải có một thế hệ ngoài ngành y được đào tạo về quản lý bệnh viện để điều hành các cơ sở khám chữa bệnh. Người làm chuyên môn giỏi cần để làm chuyên môn, không nên sử dụng vào quản lý làm phí phạm nhân lực và tài lực của ngành.
Nếu đứng trên quan điểm đãi ngộ của ngành y thì tiền công cho một trường hợp đại phẫu thuật không bằng thay chiếc vỏ xe 2 bánh, chưa dám nói đến tiền lương!
Không chỉ có riêng ngành y là ách tắc giao thông và quá tải. Ông tân thượng thư giao thông cũng đang bế tắc. Ông tân thượng thư ngân khố cũng đang đầy hơi sình bụng. Ông thượng thư ngành giáo cũng như thầy bói mù sờ voi, v.v... Và các ông có nhiệm vụ kinh tài cũng đang loay hoay chờ chết vì đâu, nếu không là hậu quả của một cơ cấu chính trị chạy theo chưa kịp với xã hội đang hội nhập nhanh?
Chữa bệnh thì phải tìm nguyên nhân để chữa. Cải tổ xã hội cũng phải biết nguyên nhân của nó tồi tệ là do đâu để cải tổ. Nếu không mãi cứ loay hoay, mà người chịu khổ vẫn là dân nghèo - những người đã, đang và sẽ là người quyết định vận mệnh của bất kỳ quốc gia nào.
Tóm lại để cho tình trạng quá tải bệnh viện của ngành y Việt nam hay bất kỳ các ngành khác trong xã hội, là công việc thay đổi toàn diện bắt đầu từ thay đổi quan điểm và cơ cấu chính trị. Hay nói cách khác là thay đổi cái tư duy chính trị một cách toàn diện từ người có trách nhiệm điều hành đất nước chứ không đơn giản chỉ một vấn đề của riêng ngành y khoa riêng rẻ.
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!